MA TÚY TRONG HỌC ĐƯỜNG – Khoa Kỹ thuật xét nghiệm y học

Ma túy” một khái niệm quen thuộc với hầu hết tất cả mọi người. Tuy nhiên, qua những con số điều tra gần đây cho thấy, đa phần học sinh – sinh viên chưa nắm được đầy đủ các tác hại của ma túy và trở nên thiếu cảnh giác, đề phòng đối với các loại ma túy.

Đầu tiên chúng ta phải hiểu “MA TUÝ LÀ GÌ”

Theo định nghĩa của Tổ chức Liên Hợp Quốc: Ma túy được hiểu là “Các chất có nguồn gốc tự nhiên hay tổng hợp, khi xâm nhập vào cơ thể sẽ làm thay đổi trạng thái tâm sinh lý của người sử dụng”.

Theo tổ chức y tế thế giới: Ma túy theo nghĩa rộng nhất là “Mọi thực thể hoá học hoặc là những thực thể hỗn hợp khác với tất cả những cái được đòi hỏi, để duy trì một sức khoẻ bình thường, việc sử dụng những cái đó sẽ làm biến đổi chức năng sinh học và có thể cả cấu trúc của vật”.

Luật Phòng, Chống ma tuý số 23/2000/QH10 của Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 9/12/2000, có hiệu lực từ ngày 1/6/2001, cũng đưa khái niệm về ma túy thông qua định nghĩa như sau:

Ma tuý là các chất gây nghiện, chất kích thích hoặc ức chế thần kinh, dễ gây tình trạng nghiện đối với người sử dụng.

Phân loại ma tuý

Dựa trên nguồn gốc, tác dụng trên hệ thần kinh, mức độ gây nghiện…người ta đưa ra một số phân loại ma tuý như sau:

Phân loại theo nguồn gốc

Dựa vào nguồn gốc của ma tuý, người ta phân chia thành 3 loại: Ma túy có nguồn gốc tự nhiên, ma túy bán tổng hợp và ma túy tổng hợp.

  • Ma túy tự nhiên: Đây là các chất ma tuý có sẵn trong tự nhiên, là alcaloid của một số thực vật như cây thuốc phiện (anh túc), cây cần sa (cây gai dầu), cây coca (cocain).
  • Ma túy bán tổng hợp: Là các chất ma túy được tổng hợp một phần từ một số loại ma tuý có sẵn trong tự nhiên, có tác dụng mạnh hơn chất ma túy ban đầu. Ví dụ: Morphin, heroin
  • Ma túy tổng hợp: Là nhóm các chất ma túy không có trong tự nhiên. Ma túy tổng hợp được tổng hợp nên từ các loại hóa chất (các hóa chất này được gọi là tiền chất): ví dụ: Amphetamin, MDMA, ecstasy, ma túy đá…

Phân loại theo tác động lên thần kinh trung ương

  • Nhóm gây ức chế hệ thần kinh trung ương: Nhóm này khi sử dụng gây ra trạng thái buồn ngủ, an thần, giảm nhịp tim, ức chế hô hấp. Nhóm này gồm thuốc phiện, nguồn gốc thuốc phiện (morphin, heroin, cocain…), các thuốc an thần gây ngủ (seduxen, phenobarbital)
  • Nhóm gây kích thích thần kinh trung ương: Nhóm này gồm amphetamin và các dẫn xuất. Khi sử dụng gây tăng hoạt động, tăng sinh lực, tăng nhịp tim, tăng hô hấp…
  • Nhóm gây ảo giác: Nhóm này gây thay đổi về nhận thức và môi trường xung quanh, nghe thấy những âm thanh không có thực. Bao gồm các loại như LSD (bùa lưỡi), thuốc lắc, cần sa…

Phân loại theo mức độ gây nghiện

  • Ma tuý hiệu lực cao: Sử dụng liều nhỏ đã gây ra các thay đổi tâm sinh lý con người và có thể gây nghiện sau vài lần sử dụng. Gồm: Thuốc phiện, heroin, cocaine, amphetamin, ecstasy…
  • Ma tuý hiệu lực thấp: Là các chất phải dùng liều thật cao mới có thể tác động đến tâm sinh lý người sử dụng. Ví dụ: thuốc lá, thuốc lào…

Phân loại theo pháp luật

  • Ma túy hợp pháp: Ví dụ: Rượu, bia, thuốc lá, cafein, thuốc an thần, thuốc giảm đau thông thường…
  • Ma túy bất hợp pháp: Là các chất được quy định trong luật hình sự Việt Nam, có tính gây nghiện cao. Ví dụ: Thuốc phiện, heroin, cocaine, amphetamin…

Và nguy hiểm hơn, hiện nay ma túy trá hình đang trở nên ngày càng phổ biến với nhiều hình thức đa dạng, dễ sử dụng nhưng khó phát hiện, khiến công việc phòng chống ma túy trở nên ngày càng khó khăn.

Tác hại

Đối với sức khỏe con người:

  • Hệ hô hấp: Các chất ma túy kích thích hô hấp làm tăng tần số thở gây ức chế hô hấp, nhất là khi dùng quá liều. Nhiều trường hợp ngưng thở nếu không cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến tử vong, đôi khi ngưng thở rất đột ngột. Ngoài ra, sau khi dùng ma túy (nhất là cocaine) có thể gây phù phổi cấp, tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất, xuất huyết phế nang, viêm tiểu phế quản tắc nghẽn, viêm phổi, lên cơn hen phế quản…
  • Hệ tim mạch: Các chất ma túy sẽ kích thích làm tăng nhịp tim, ảnh hưởng trực tiếp lên tim, gây co thắt mạch vành có thể tạo nên cơn đau thắt ngực, nặng hơn có thể gây nhồi máu cơ tim. Chúng cũng là nguyên nhân của các rối loạn nhịp đe dọa tính mạng người dùng ma túy. Ngoài ra còn gây nên tình trạng co mạch làm tăng huyết áp.

 

  • Hệ thần kinh: Ngoài tác dụng kích thích thần kinh giai đoạn đầu gây hưng phấn, sảng khoái, lệ thuộc thuốc…, cũng có thể gây các tai biến như: co giật, xuất huyết dưới nhện, đột quỵ…
  • Hệ sinh dục: Ở người nghiện ma túy, khả năng tình dục bị suy giảm một cách rõ rệt, và hậu quả này vẫn tồn tại sau khi ngưng dùng thuốc một thời gian khá lâu. Ở những nam giới dùng ma túy trong thời gian dài sẽ bị chứng vú to và bất lực. Còn ở phụ nữ sẽ bị rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, rong kinh, tăng tiết sữa bất thường và vô sinh.

Đối với xã hội:

Số người nghiện càng tăng thì lượng tiền bạc để hút chích càng lớn, càng có nhiều gia đình người nghiện bị phá sản, phát sinh nhiều tệ nạn trộm cắp, cướp giật… Bản thân con nghiện cũng trở nên ốm yếu, sức lao động ngày càng sút kém, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Giải pháp nào cho phòng chống ma túy trong học đường?

Hiện nay, ma túy đã và đang len lỏi vào môi trường học đường. Nhiều sinh viên bị dụ dỗ, lôi kéo trở thành nạn nhân hoặc tham gia tàng trữ, mua bán, vận chuyển ma túy. Điều này tiềm ẩn những hệ lụy nghiêm trọng trong đời sống xã hội.

Vì vậy, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể, nhân dân, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, người lao động và học sinh, sinh viên trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tệ nạn ma túy là vô cùng cần thiết.

Để góp phần nâng cao hiệu quả của công tác chống ma túy cho sinh viên, chúng ta cần thực hiện tốt một số biện pháp giáo dục sau đây.

  1. Nhà trường, cơ sở giáo dục cần tổ chức thực hiện chương trình giáo dục về phòng, chống ma túy, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy cho sinh viên.
  2. Quản lí chặt chẽ, ngăn chặn sinh viên vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy.
  3. Phối hợp với gia đình, cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương để quản lí, giáo dục sinh viên về phòng, chống ma túy

Hơn hết, cá nhân mối sinh viên cần có ý thức để bảo vệ mình tránh xa khỏi “tệ nạn ma túy”:

  • Không sử dụng ma tuý dưới bất kỳ hình thức nào;
  • Không tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc làm những việc khác liên quan đến ma tuý;
  • Khuyên nhủ bạn học, người thân của mình không sử dụng ma tuý hoặc tham gia các hoạt đông vận chuyển, mua bán ma tuý;
  • Khi phát hiện những học sinh, có biểu hiện sử dụng ma tuý hoặc nghi vấn buôn bán ma tuý phải báo cáo kịp thời cho thầy, cô giáo để có biện pháp ngăn chặn, nâng cao cảnh giác tránh bị đối tượng xấu rủ rê, lôi kéo vào các việc làm phạm pháp, kể cả việc sử dụng và buôn bán ma tuý;
  • Có ý thức phát hiện những đối tượng có biểu hiện nghi vấn dụ dỗ học sinh, sinh viên sử dụng ma tuý hoặc lôi kéo học sinh, sinh viên vào hoạt động vận chuyển, mua bán ma tuý; báo cáo kịp thời cho thầy, cô giáo.

VÌ SỨC KHỎE CỦA MỌI NGƯỜI, HẠNH PHÚC CỦA MỌI NHÀ- HÃY NÓI KHÔNG VỚI MA TÚY!!

Hồ Trọng Bằng – Sinh viên Khoa Kỹ thuật xét nghiệm y học