Lý thuyết văn học: Cấu trúc luận
Cấu trúc luận, vốn thịnh hành trong thập niên 1960 và nửa đầu thập niên 1970, được xem là một cuộc cách mạng, thậm chí, là cuộc cách mạng lớn nhất trong lãnh vực nghiên cứu văn học cũng như các ngành nhân văn và khoa học xã hội nói chung trong thế kỷ 20.
Trên căn bản, cấu trúc luận tiếp tục con đường Hình thức luận và Phê Bình Mới đã khai mở, chẳng hạn, tham vọng biến nghiên cứu văn học thành một khoa học trong đó đối tượng phân tích chính là văn bản và chỉ là văn bản mà thôi. Tuy nhiên, từ điểm chung ban đầu ấy, cấu trúc luận đã đi rất xa, hình thành hẳn một hệ thống lý thuyết và phương pháp luận hoàn chỉnh không những chỉ có thể được ứng dụng trong lãnh vực văn học mà còn ở vô số các lãnh vực khác nữa.
Cấu trúc luận, trong lãnh vực văn học, được xây dựng trên ba nền tảng chính:
Thứ nhất, lý thuyết ngôn ngữ của Ferdinand de Saussure (1857-1913), người đã chủ trương, một, về phương diện phương pháp luận, chỉ quan tâm đến khía cạnh đồng đại mà loại bỏ khía cạnh lịch đại của ngôn ngữ; hai, ở khía cạnh đồng đại, chỉ tập trung vào tính hệ thống với những quy luật và quy ước chung nhất và loại bỏ những biểu hiện của cái hệ thống ấy, ví dụ, những lời nói cụ thể hàng ngày; và ba, với tư cách là một hệ thống, ngôn ngữ thực chất là những ký hiệu; mỗi ký hiệu là một kết hợp gồm hai mặt, cái biểu đạt (signifier) và cái được biểu đạt (signified), gắn chặt với nhau bằng một thứ quan hệ rất tương đối và hàm hồ, ở đó, ý nghĩa chỉ được hình thành từ những sự khác biệt giữa các ký hiệu.
Thứ hai, các phát hiện của Nhóm ngôn ngữ học Prague trong đó nổi bật nhất là Roman Jakobson, người đã đề xuất cách định nghĩa thơ dựa trên các chức năng giao tiếp: theo ông, ngôn ngữ, trong giao tiếp, mang nhiều chức năng khác nhau, nhưng khi chức năng thi ca chiếm vai trò chủ đạo, nghĩa là khi sự giao tiếp chỉ tập trung vào bản thân thông điệp, vào ngôn ngữ tạo thành thông điệp, lúc ấy người ta có thơ.
Thứ ba, các công trình nghiên cứu nhân chủng học về huyền thoại, hệ thống thân tộc, cách nấu nướng và cách tư duy trong các xã hội sơ khai của Claude Levi-Strauss, người đã làm sáng tỏ cái điều Roland Barthes khái quát thành luận điểm: “văn hoá, trong mọi khía cạnh, là một ngôn ngữ.” (1) Trong lời dẫn nhập bài luận văn phân tích bài thơ “Những con mèo” của Baudelaire viết chung với Jakobson, Levi-Strauss tuyên bố: “Trong các tác phẩm thơ ca, nhà ngôn ngữ học nhận ra các cấu trúc rất giống với các cấu trúc trong các huyền thoại mà các nhà dân tộc học đã từng bắt gặp trong quá trình phân tích của họ.” (2)
Ðược xây dựng trên nhiều nền tảng như vậy, khác với Hình thức luận và Phê Bình Mới, cấu trúc luận có tính chất liên ngành rõ rệt. Với các nhà cấu trúc luận, nghiên cứu văn học chỉ là một lãnh vực của hệ thống ký hiệu học rộng lớn và đa dạng. Bởi vậy, cấu trúc luận không phải chỉ là một phương pháp luận, một lý thuyết hay một trường phái mà còn là cả một trào lưu.
Ðiểm chung của cả trào lưu cấu trúc luận là ở đâu người ta cũng theo đuổi một mục tiêu giống nhau: cấu trúc.
Ðuổi theo cấu trúc, các nhà cấu trúc luận không quan tâm đến ý nghĩa của từng tác phẩm cụ thể như các nhà Phê Bình Mới. Họ cũng không quan tâm đến cái gọi là tính văn chương như các nhà Hình thức luận. Với các nhà cấu trúc luận, mục tiêu cao nhất của nghiên cứu văn học là phát hiện ra “ngữ pháp” của văn chương, tức những quy ước làm cho một hình thức diễn ngôn nào đó trở thành văn chương. Công cuộc tìm kiếm “ngữ pháp” văn chương ấy, ở Roland Barthes, dẫn đến lý thuyết về các “mã” (codes) chi phối cách “vận hành” của tiểu thuyết; ở Tzvetan Todorov và Gérard Genette, sự phát triển của thi pháp học, tự sự học (narratology) và lý thuyết về các thể loại; ở Claude Levi-Strauss, lý thuyết về huyền thoại và văn hoá dân gian nói chung; ở Vladimir Propp và đặc biệt, ở A. J. Greimas, lý thuyết về truyện dân gian; ở Roman Jakobson, lý thuyết về sự chuyển hoá từ trục lựa chọn sang trục kết hợp và từ phong cách ẩn dụ sang phong cách hoán dụ trong thơ; ở Jonathan Culler, lý thuyết về khả lực (competence) và tính khả thức (intelligibility) của văn học, tức những điều kiện và quy luật chi phối cách thức diễn dịch để chúng ta có thể hiểu và cảm các tác phẩm văn học, bằng cách đó, nới rộng phạm vi của khái niệm cấu trúc: nó không chỉ nằm trong tác phẩm mà còn nằm cả trong động tác diễn dịch của người đọc.
Xem cấu trúc và “ngữ pháp” văn chương là đối tượng khảo sát và phân tích chính, cấu trúc luận vượt hẳn các lý thuyết văn học trước nó về “tính khoa học” với những nguyên tắc mang tính phương pháp luận cụ thể, một hệ thống khái niệm rõ ràng, một khả năng ứng dụng gần như vô giới hạn.
Tuy nhiên, khi chọn trọng tâm nghiên cứu như vậy, cấu trúc luận cũng đồng thời bỏ qua các tác phẩm và tác giả cụ thể. Hậu quả là, một, do mọi người mải mê đi tìm những quy luật và quy ước phổ quát, lãnh vực phê bình thực hành tương đối yếu; hai, khi lược quy mọi hình thức diễn ngôn vào một hệ thống ký hiệu, ranh giới giữa tính văn chương và tính phi văn chương bị xoá nhoà, một mẩu quảng cáo, do đó, cũng có ý nghĩa tương đương với một kiệt tác; ba, bị hạn chế trong cách nhìn đồng đại, dưới mắt các nhà cấu trúc luận, mọi cái viết đều không có khởi nguồn, do đó, họ không đặt ra vấn đề đánh giá về tính độc sáng của bất cứ một văn bản nào: với họ, mọi văn bản đều hình thành từ những gì đã được viết trước đó cả rồi.
Nói cách khác, cấu trúc luận có những đóng góp giới hạn trong cả lãnh vực phê bình lẫn lãnh vực văn học sử. Phần còn lại, nơi cấu trúc luận có nhiều thành tựu nhất, là lý thuyết, nhưng lý thuyết của cấu trúc luận chủ yếu là lý thuyết diễn dịch hơn là lý thuyết mỹ học, do đó, tuy cấu trúc luận được xem như một trào lưu rộng lớn nhưng nó lại thiếu những chiều sâu triết học cần thiết để có thể thúc đẩy quá trình vận động của văn học.
Nói cách khác nữa, khối lượng kiến thức đồ sộ mà các nhà cấu trúc luận tích luỹ được trong lãnh vực nghiên cứu văn học suốt hơn một thập niên hầu như chỉ giới hạn trong việc giúp người đọc hiểu sâu sắc những điều kiện hình thành văn chương hơn là chính bản thân văn chương.
Chú thích:
- Dẫn theo Ann Jefferson và David Robey (eds) (1982), Modern Literay Theory: A Comparative Introduction, London: Batsford, tr. 93.
- Dẫn theo Karl Beckson và Arthur Ganz (1990), Literary Terms, a Dictionary, London: André Deutsch Limited, tr. 268.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.