Lý luận về hình thái kinh tế -xã hội và những quan điểm sai trái cần bác bỏ
Thứ năm, 27 Tháng 2 2020 16:35
3536 Lượt xem
(LLCT) – Học thuyết hình thái kinh tế – xã hội là một trong những nội dung quan trọng nhất của chủ nghĩa duy vật về lịch sử; trong đó các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác đã chỉ ra những quy luật vận động chung nhất của xã hội loài người. Vì vậy, đã có nhiều nước chọn học thuyết hình thái kinh tế – xã hội là cơ sở lý luận để xây dựng CNXH. Tuy nhiên, sau sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu cũng như trước những biến đổi không ngừng của thế giới trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều người đã hoài nghi về tính đúng đắn và khoa học của học thuyết này. Do vậy, cần phải có những luận cứ để đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái nhằm bảo vệ tính khoa học và tính cách mạng của học thuyết hình thái kinh tế – xã hội trong bối cảnh hiện nay.
1. Những quan điểm sai trái phủ nhận tính khoa học và tính cách mạng của lý luận về hình thái kinh tế – xã hội
Những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, các nước XHCN ở Liên Xô và Đông Âu đã từng bước rơi vào khủng hoảng và sụp đổ. Trong Thông điệp Liên bang năm 2005, Tổng thống Nga V.Putin gọi đó là “một chấn động chính trị khủng khiếp nhất thế kỷ XX”. Sự đổ vỡ này xảy ra ngay tại Liên Xô – quê hương của Cách mạng Tháng Mười, nơi khai sinh ra nhà nước vô sản đầu tiên trên thế giới, nơi được coi thành trì của CNXH hiện thực – khiến cho các học giả tư sản được dịp lên tiếng phê phán, bác bỏ chủ nghĩa Mác nói chung và học thuyết hình thái kinh tế – xã hội nói riêng.
Từ đó, các thế lực thù địch vẫn luôn ra sức tìm mọi cách lợi dụng xuyên tạc, công kích và phủ định chủ nghĩa Mác – Lênin. Họ cho rằng sự sụp đổ của CNXH ở Liên Xô và Đông Âu là một tất yếu lịch sử vì nó bắt nguồn từ “sự lạc hậu, lỗi thời của bản thân chủ nghĩa Mác – Lênin”; và bởi, “chủ nghĩa xã hội mà Mác nêu ra chỉ là một lý tưởng, một chủ nghĩa xã hội “không tưởng”, không bao giờ thực hiện được”(1). Họ cũng cho rằng CNXH khoa học mà các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác đã xây dựng chỉ là một học thuyết “viển vông”, “ảo tưởng” nên áp dụng vào thực tiễn chỉ có thể sinh ra những “quái thai của lịch sử”(2)… Những luận điệu đó được tung ra khắp nơi trên thế giới với các hình thức, diễn đàn khác nhau nhằm phủ nhận bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin. Xuất phát từ lập luận đó, họ cho rằng hiện nay “Việt Nam đang bế tắc không chỉ về kinh tế, mà còn về tinh thần. Không ai còn tin vào chủ nghĩa Mác nữa”(3); rằng, “con đường xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang đi là trái với quá trình lịch sử – tự nhiên”(4). Đó chính là “một khúc cong của lịch sử, là đoạn vòng vèo đầy đau khổ đi lên chủ nghĩa tư bản”(5). Do đó, theo họ, Việt Nam cần “tránh chỗ tối, tìm chỗ sáng”, “tránh con đường đau khổ” mà một số nước đã đi qua để đi theo con đường TBCN.
Cũng từ đây, ở một số nước phương Tây đã hình thành những trào lưu chống Mác. Từ thập niên 90 của thế kỷ XX đã bùng nổ các bài viết, các công trình phê phán chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa Lênin, bác bỏ từng phần hay toàn bộ học thuyết này. Sự chống phá chủ nghĩa Mác nói chung và học thuyết hình thái kinh tế – xã hội nói riêng được chia thành các xu hướng chính như sau:
Thứ nhất, xu hướng của các học giả tư sản phương Tây luôn đối lập với C.Mác về lập trường tư tưởng.
Có thể nói, ngay từ khi ra đời ở những năm 40 của thế kỷ XIX, triết học Mác đã luôn phải đối diện với sự chống phá của các học giả phương Tây do mâu thuẫn đối kháng về lập trường tư tưởng. Trong khi họ luôn bảo vệ lợi ích của giai cấp tư sản và tìm mọi cách để luận chứng cho sự “tồn tại hợp lý” của chế độ TBCN thì các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác lại khẳng định loài người nhất định sẽ tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Do đó, khi CNXH ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, nhiều học giả phương Tây, cả cánh tả và cánh hữu, từ tân bảo thủ đến tân tự do, tin rằng đây là một dấu chấm hết đối với chủ nghĩa Mác – Lênin sau hơn 150 năm tồn tại. Đại diện cho quan điểm này là triết gia phái tân bảo thủ Francis Fukuyama với công trình nổi tiếng “Sự cáo chung của lịch sử và người cuối cùng” xuất bản năm 1992. Trong công trình này, tác giả cho rằng cùng với sự kết thúc của “Chiến tranh Lạnh” và sự sụp đổ của bức tường Berlin, “cuộc đấu tranh giữa các hệ tư tưởng như là động lực của sự tiến bộ nhân loại đã đến hồi kết với thắng lợi cuối cùng thuộc về nền dân chủ tự do và chủ nghĩa tư bản thị trường”(6). Mặt khác, các học giả này đã vin vào sự phát triển hiện thời của CNTB mà cho rằng học thuyết hình thái kinh tế – xã hội chỉ thấy được khía cạnh “phá hủy” của CNTB, mà không thấy được khả năng “sáng tạo” của nó trong vòng chuyển động không ngừng. Một số học giả của xu hướng này cho rằng, C.Mác và V.I.Lênin đã không lường trước được khả năng thích nghi, tiến hóa của CNTB, chẳng hạn trong việc giải quyết mâu thuẫn giữa chủ và thợ, giữa tư bản và lao động. Mặt khác, họ cho rằng, khi học thuyết hình thái kinh tế – xã hội chỉ ra con đường sai lầm để thoát khỏi CNTB, chẳng những không dẫn đến chủ nghĩa xã hội, mà còn đưa tới một chế độ “toàn trị độc đoán”, hay nói như học giả tân tự do hàng đầu Friedrich F.Hayek là dẫn tới “chủ nghĩa nô lệ”(7).
Thứ hai, xu hướng của những kẻ cơ hội nhân danh bảo vệ chủ nghĩa Mác nhưng thực chất là xuyên tạc, hạ bệ chủ nghĩa Mác.
Không chỉ phải đối mặt với sự chống phá của các học giả tư sản phương Tây mà ngay từ khi mới ra đời, chủ nghĩa Mác nói chung và học thuyết hình thái kinh tế – xã hội nói riêng còn luôn bị những kẻ cơ hội công kích, tấn công. Sau sự sụp đổ của CNXH ở Liên Xô và Đông Âu, các phần tử cơ hội thuộc các đảng cộng sản đã mạo danh là những người mácxít – mặc dù lên tiếng ủng hộ học thuyết hình thái kinh tế – xã hội nhưng thực chất là vin vào sự thoái trào của hệ thống các nước XHCN để đòi xét lại chủ nghĩa Mác. Tiêu biểu cho xu hướng này là trường phái trotskyist mới(8). Theo quan điểm của trường phái này, CNXH hiện thực ở Liên Xô hơn 70 năm qua và các nước Đông Âu từ sau Chiến tranh thế giới thứ II, cũng như ở Trung Quốc và Việt Nam trước cải cách đổi mới là hoàn toàn xa lạ với các nguyên lý nền tảng của chủ nghĩa Mác – Lênin. Họ gọi đó là các “phiên bản khác nhau của chủ nghĩa toàn trị của Stalin”. Có người theo xu hướng này còn cố gắng tìm mọi cách để đối lập quan điểm của V.I.Lênin với quan điểm của C.Mác – Ph.Ăngghen về CNXH và thời kỳ quá độ. Họ cho rằng mô hình xây dựng CNXH ở một nước riêng lẻ có trình độ phát triển lạc hậu bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa mà V.I.Lênin đặt nền móng ở nước Nga là một biểu hiện của sự “chệnh hướng khỏi các nguyên lý mácxít cơ bản”(9).
Chính sự xuyên tạc này đã ảnh hưởng không nhỏ đến lập trường, quan điểm của những người theo chủ nghĩa Mác. Biểu hiện rõ ràng nhất là sự giảm sút lớn số lượng những người trung thành với học thuyết này trên toàn thế giới. Xu hướng “phi mácxit hóa”, phân rã về tư tưởng, ly khai với học thuyết Mác – Lênin trỗi dậy mạnh mẽ tại hàng loạt nước từng đi theo con đường XHCN, cũng như trong nội bộ các đảng cộng sản, các đảng XHCN và phong trào công nhân quốc tế. Hiện nay, mặc dù sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu đã diễn ra gần 30 năm nhưng các phần tử cơ hội, phản động, xét lại vẫn coi đây là một cái cớ không gì thuyết phục hơn để tiếp tục phủ nhận học thuyết hình thái kinh tế – xã hội cũng như phủ nhận chủ nghĩa Mác.
Thứ ba, xu hướng của những người theo thuyết kỹ trị hiện đại muốn phủ nhận những luận điểm cơ bản của lý luận về hình thái kinh tế – xã hội trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Thuyết kỹ trị là một học thuyết tuyệt đối hóa vai trò của khoa học – kỹ thuật đối với sự phát triển của xã hội loài người. Ngay khi C.Mác đưa ra tư tưởng phân chia lịch sử xã loài người thành các hình thái kinh tế – xã hội thì các nhà kỹ trị cũng có cách phân chia xã hội loài người thành các nền văn minh. Tiêu biểu cho xu hướng này là nhà tương lai học người Mỹ – Alvin Toffler. Ông đã phân chia lịch sử phát triển của loài người dựa trên cơ sở 3 nền văn minh: văn minh nông nghiệp, văn minh công nghiệp và văn minh hậu công nghiệp. Đây là những nghiên cứu và phát hiện có tính duy vật về sự phát triển xã hội, trong đó có cả những dự báo khá rõ ràng về những biến đổi trong xã hội tương lai. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, xét về tổng thể, nghiên cứu của Alvin Toffler còn nhiều điểm chưa vượt qua được học thuyết của C.Mác. Do tuyệt đối hóa vai trò của khoa học nên ông chỉ coi đây là tiêu chí để phân định sự khác nhau của các giai đoạn phát triển trong lịch sử mà ông gọi đó là các nền văn minh.
Ngày nay, trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, khi mà khoa học – công nghệ đang ngày càng có vai trò to lớn đối với sự phát triển của xã hội loài người, các nhà kỹ trị mới lại đang tìm cách vin vào những thành tựu của khoa học – công nghệ hiện đại để phủ nhận những quan điểm được coi là sống còn của học thuyết hình thái kinh tế – xã hội. Một trong những quan điểm đó là việc C.Mác đã khẳng định con người là chủ thể của lịch sử, người lao động là nhân tố đóng vai trò quyết định sự phát triển của lực lượng sản xuất. Tuy nhiên, các học giả của thuyết kỹ trị hiện đại cho rằng, ngày nay, với sự xuất hiện ngày càng nhiều “robot thông minh”, “trí tuệ nhân tạo” khiến người máy đang dần thay thế con người. Điều đó khiến người lao động vốn từ chỗ là chủ thể của quá trình sản xuất đang bị gạt ra bên lề quá trình sản xuất ấy, trở thành nhân tố đóng vai trò thứ yếu. Biểu hiện của sự thay đổi này là thay vì cần đến nhiều nhân công để lao động, sản xuất thì ngày càng có nhiều doanh nghiệp chỉ cần ít nhân công. Thay vì trả lương cho nhân công, các doanh nghiệp đầu tư vào máy móc, công nghệ. Do đó, các nhà kỹ trị hiện đại cho rằng đã đến lúc cần xem xét lại quan điểm của C.Mác về vai trò, vị trí trung tâm, có ý nghĩa quyết định của người lao động trong sản xuất vật chất.
Như vậy, có thể nhận thấy, ngay từ khi chủ nghĩa Mác ra đời đã trở thành mục tiêu tấn công của các học giả tư sản, các phần tử cơ hội, phản động. Đặc biệt, sau sự sụp đổ của CNXH ở Liên Xô và Đông Âu, các thế lực thù địch đã tìm mọi cách để phủ nhận học thuyết hình thái kinh tế – xã hội, nhất là quan điểm về tương lai của xã hội loài người là CNXH, chủ nghĩa cộng sản. Ngày nay, trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các học giả tư sản, nhất là những người theo thuyết kỹ trị hiện đại lại đang tìm mọi cách phủ nhận học thuyết hình thái kinh tế – xã hội, nhất là quan điểm coi con người là chủ thể của lịch sử, là nhân tố đóng vai trò quyết định sự phát triển của lực lượng sản xuất. Điều đó đặt ra thử thách lớn đối với những mácxít chân chính là cần phải kiên trì, kiên định và sáng tạo với chủ nghĩa Mác và luôn đấu tranh phản bác chống lại những quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ chủ nghĩa Mác.
2. Tiếp tục khẳng định tính khoa học, tính cách mạng của lý luận về hình thái kinh tế – xã hội
Chúng ta không thể phủ nhận một hiện thực là sự sụp đổ của CNXH hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu là một bước lùi lịch sử của của phong trào cộng sản và công nhân toàn thế giới. Đó cũng là một tổn thất to lớn cho phong trào đấu tranh cho những mục tiêu cao cả và tốt đẹp của nhân loại: hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của con người. Tuy nhiên, sự sụp đổ đó không phải là sự “cáo chung” của chủ nghĩa Mác nói chung và học thuyết hình thái kinh tế – xã hội nói riêng. Nó cũng không phải là do chủ nghĩa Mác – Lênin đã lạc hậu, lỗi thời mà đó thực sự là do đã hiểu sai, vận dụng sai những quan điểm của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác trong quá trình xây dựng CNXH. Bản chất chủ nghĩa Mác – Lênin là cách mạng và khoa học. Do đó, nó đòi hỏi việc nhận thức, vận dụng và phát triển vừa phải đứng vững trên lập trường cách mạng, lập trường của giai cấp công nhân, vừa phải thực hiện với một tinh thần và phương pháp khoa học nghiêm túc, đúng đắn.
Những người mácxít thấm thía sâu sắc những tổn thất to lớn từ sự sụp đổ CNXH ở Liên Xô và Đông Âu, nhưng cũng nhận ra rằng, điều đó đã khách quan tạo cho chúng ta có thêm dữ liệu để nhận thức đúng, trở về đúng với những quan điểm của C.Mác, Ph.Ănghen và V.I.Lênin và vận dụng, phát triển đúng đắn, sáng tạo phù hợp với điều kiện lịch sử mới. Nó cho thấy rõ hơn những sai lầm của các Đảng Cộng sản ở các nước XHCN trong việc nắm bắt bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin và vận dụng vào thực tiễn; thấy rõ hơn tính chất nguy hiểm của các đòn tấn công, xuyên tạc của các thế lực thù địch trong việc phủ nhận chủ nghĩa Mác trên phạm vi toàn thế giới.
Trong tình hình hiện nay, chính từ các quốc gia tư bản phương Tây, người ta lại thấy có những tiếng nói về những giá trị của chủ nghĩa Mác, của học thuyết kinh tế Mác, về phong trào “trở về với Mác”, tìm đọc Mác. Đặc biệt, ở những thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu 2008 – 2009, trong khủng khoảng nợ công và suy thoái kinh tế ở nhiều quốc gia tư bản phát triển, phong trào “trở về với C.Mác”, tìm đọc C.Mác lại trở nên sôi nổi hơn bao giờ hết. Những tác phẩm kinh điển của C.Mác và V.I.Lênin vẫn được tìm đọc nhiều nhất, đặc biệt là bộ “Tư bản” của C.Mác vẫn xếp số một trên thế giới và được dịch ra 134 ngôn ngữ ở 63 nước(10). Không thể cố nói bừa rằng, chủ nghĩa Mác – Lênin là học thuyết “ảo tưởng”, đã “lạc hậu, lỗi thời” khi chính học thuyết này đã tạo nên những hiện thực làm biến đổi thế giới, thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ của lịch sử loài người và có sức lôi cuốn cũng như tầm ảnh hưởng sâu rộng toàn nhân loại.
Trong bối cảnh mới có nhiều thay đổi hiện nay, để bảo vệ tính khoa học và tính cách mạng của học thuyết hình thái kinh tế – xã hội, chúng ta không chỉ cần khẳng định những chân giá trị trong quan điểm của triết học Mác – Lênin mà còn phải bổ sung, phát triển để những quan điểm đó thêm sức sống mới của thời đại. Thí dụ, quan điểm của học thuyết kỹ trị hiện đại khi đề cao vai trò quyết định của khoa học – công nghệ đối với sản xuất vật chất hiện nay, bản thân C.Mác chưa bao giờ phủ nhận vai trò của khoa học bởi chính Ph.Ăngghen đã từng khẳng định: “Đối với Mác, khoa học là một động lực lịch sử, một lực lượng cách mạng”(11).
Không thể phủ nhận được ngày nay những thành tựu của khoa học – công nghệ hiện đại với sự ra đời của người máy đã thay thế không chỉ những công việc nặng nhọc, những hoạt động cơ bắp mà còn có thể thay thế cho cả những hoạt động tinh vi, phức tạp của con người. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là khoa học – công nghệ hiện đại trở thành yếu tố quyết định sự phát triển của lực lượng sản xuất, từ đó người lao động trở thành yếu tố thứ yếu, đứng bên ngoài quá trình sản xuất. Về thực chất, khoa học – công nghệ trước hết là sản phẩm của quá trình nhận thức, sản phẩm của sự phát triển trí tuệ của con người. Có thể nói, do yêu cầu của sản xuất mà con người đã sáng tạo và quyết định khuynh hướng, tốc độ phát triển của khoa học – công nghệ, đồng thời quyết định việc sử dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất theo mục đích của mình. Thực tế cho thấy, kỹ thuật, công nghệ hiện đại với tư cách là phần vật chất trong các yếu tố cấu thành của lực lượng sản xuất dù năng động và cách mạng đến mấy cũng chỉ là sản phẩm do bàn tay và khối óc của con người làm ra và chịu sự điều khiển, giám sát của con người. Do đó, trí tuệ nhân tạo dù được mệnh danh là tiên tiến đến đâu cũng chỉ là sản phẩm của con người, hoạt động của nó phụ thuộc vào những chương trình mà con người đã lập ra, đã cài đặt vào máy tính điện tử và người máy công nghiệp. Vì vậy, khoa học – công nghệ là của con người, gắn liền với con người, phụ thuộc vào con người và phải thông qua hoạt động của con người mới có thể được vật hóa vào quá trình sản xuất. Nếu không xuất phát từ con người, được tiến hành bởi con người và không hướng về mục đích phục vụ con người, không có quá trình sản xuất nào có đủ lý do để tồn tại và phát triển. Do vậy, trong bất cứ thời đại nào, kể cả thời đại của khoa học – công nghệ hiện đại, người lao động vẫn là nhân tố đóng vai trò quyết định sự phát triển của lực lượng sản xuất. Vì thế, quan điểm của C.Mác về vai trò quyết định của người lao động đối với sự phát triển của lực lượng sản xuất vẫn còn đúng đắn.
3. Một số khía cạnh cần bổ sung, phát triển của lý luận về hình thái kinh tế – xã hội
Hiện nay, so với thời đại của C.Mác, khoa học – công nghệ có những bước tiến nhảy vọt góp phần tạo ra một lực lượng sản xuất mà xưa nay nhân loại chưa từng được chứng kiến. Quá trình quốc tế hóa mà C.Mác nói đến vào thế kỷ XIX đã thực sự trở thành quá trình toàn cầu hóa trong thời đại chúng ta. Ở các mức độ khác nhau, tất cả các nước đều bị cuốn vào toàn cầu hóa, bởi vì nó đã “xâm nhập vào khắp nơi, trụ lại ở khắp nơi và thiết lập những mối liên hệ ở khắp nơi”(12). Trong bối cảnh đó, lý luận về hình thái kinh tế – xã hội mặc dù có nhiều giá trị bền vững cho đến ngày nay nhưng không phải không có những điểm cần được bổ sung, phát triển. V.I.Lênin – Người đã không ngừng bảo vệ, phát triển học thuyết Mác đã nhiều lần nhấn mạnh: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”(13).
Từ sự phát triển của lực lượng sản xuất hiện đại trong giai đoạn hiện nay, chúng tôi đề xuất bổ sung, phát triển học thuyết hình thái kinh tế – xã hội trên một số điểm cơ bản như sau:
Thứ nhất, C.Mác sống ở thời kỳ phát triển của CNTB nên ông cũng bàn nhiều đến xã hội tư bản. Khi bàn đến sự phát triển của lực lượng sản xuất ở thời kỳ TBCN, theo C.Mác, người lao động chủ yếu là người công nhân, là giai cấp vô sản. Đó là “một giai cấp xã hội hoàn toàn chỉ kiếm sống bằng việc bán lao động của mình”, là “giai cấp những người hoàn toàn không có của”, là “giai cấp những công nhân làm thuê hiện đại, vì mất các tư liệu sản xuất của bản thân, nên buộc phải bán sức lao động của mình để sống”(14); hầu như ông ít nói đến tầng lớp các bác sỹ, kỹ sư, nhà khoa học. Ngày nay, giai cấp công nhân không chỉ có những người lao động chân tay thuần túy mà còn bao gồm cả tầng lớp những người trí thức của mình nữa. Hơn nữa, trong giai đoạn hiện nay, bản thân người lao động là công nhân cũng có sự thay đổi đáng kể. Ở thời đại của C.Mác, chủ yếu là công nhân cơ khí, đa số là lao động thủ công nhưng ngày nay, những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm cho công cụ lao động ngày càng được cải tiến; sức lao động của con người được giải phóng; trình độ, tay nghề, kỹ năng, kỹ xảo của người lao động không ngừng được nâng cao. Do đó, trong rất nhiều nhà máy, xí nghiệp, số lượng nhân lực khoa học tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất chiếm tỷ lệ ngày càng cao, vượt trội hơn hẳn so với số lượng lao động làm việc cơ bắp thông thường. Đội ngũ công nhân trí thức xuất hiện và có xu hướng ngày càng gia tăng cả về số lượng và chất lượng đang làm thay đổi dần tỷ trọng của lao động phổ thông và lao động có trình độ cao. Việc bổ sung thêm nội hàm của khái niệm người lao động là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay vì “Điều này hết sức quan trọng đối với chúng ta khi đất nước đang từng bước tiến tới nền kinh tế tri thức, khi nhiệm vụ trí thức hóa công nhân trở thành đòi hòi bắt buộc, nếu chúng ta muốn đưa đất nước tiến kịp thế giới, tránh tụt hậu xa hơn trong quá trình hội nhập với kinh tế thế giới”(15).
Thứ hai, trước đây, khi nói đến lực lượng sản xuất, C.Mác nhấn mạnh nhiều đến khả năng của con người trong việc chinh phục giới tự nhiên. C.Mác viết: “Lực lượng sản xuất chẳng qua là năng lực thực tiễn của con người trong việc chinh phục giới tự nhiên”(16). Vì lẽ đó, để thể hiện khả năng của mình, con người đã sử dụng những phương tiện, kỹ thuật hiện đại để chinh phục giới tự nhiên ngày càng nhiều hơn. Thực tế cho thấy, trong quá trình sản xuất vật chất, con người không chỉ chinh phục tự nhiên mà còn phải thích nghi với giới tự nhiên nên khi đề cập đến phạm trù lực lượng sản xuất mà chỉ nhấn mạnh đến hoạt động chinh phục, xem nhẹ hoạt động thích nghi là chưa đầy đủ: “Quan niệm như vậy không chỉ hạn chế nội hàm của khái niệm lực lượng sản xuất mà còn khó dung nạp với sự phát triển bền vững, phát triển liên tục”(17). Hệ quả của quan điểm này là “con người tìm mọi cách chinh phục, khai thác sao cho được nhiều nhất của cải từ thiên nhiên, bất chấp mọi hậu quả”(18). Trong bối cảnh hiện nay, với mục tiêu phát triển bền vững, quan niệm về lực lượng sản xuất cần bổ sung thêm khía cạnh sống hài hòa với tự nhiên. Do mối quan hệ giữa con người với tự nhiên ngày càng xung khắc, biểu hiện qua việc thiên tai xuất hiện ngày càng nhiều, mức độ nghiêm trọng ngày càng gia tăng, nên con người cần từng bước điều chỉnh lại hoạt động sản xuất vật chất, chuyển hướng sang phát triển lực lượng sản xuất một cách có chọn lọc, tránh làm tổn hại đến tự nhiên. Thay vì nói phát triển lực lượng sản xuất như trước kia, cần phải phát triển lực lượng sản xuất chọn lọc vì “lực lượng sản xuất là khái niệm thể hiện không chỉ hoạt động đấu tranh mà còn thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa con người và giới tự nhiên”(19).
Thứ ba, nhờ sự phát triển mạnh của công nghệ thông tin, nhất là mạng internet, khoa học nói riêng và tri thức nói chung được phổ biến nhanh chóng, hầu như tức thời (online) với nhiều sự kiện khoa học trên toàn thế giới. Dòng tri thức, dòng công nghệ cùng với dòng vốn được lưu thông với tốc độ chưa từng có trên toàn thế giới. Người ta có thể sản xuất từng bộ phận cấu thành của một sản phẩm ở nhiều nơi trên thế giới, sau đó lắp ráp và lưu thông ở các nước khác nhau nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Vì vậy, đầu ra của lực lượng sản xuất hiện đại không còn là sản phẩm riêng của lao động ở một quốc gia nữa mà mang tính toàn cầu. Do đó, lực lượng sản xuất hiện đại trở thành một yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc đẩy mạnh quá trình toàn cầu hóa. Đây là đặc điểm mới chỉ riêng có ở lực lượng sản xuất hiện đại mà lực lượng sản xuất ở các giai đoạn trước kia chưa có hoặc mới ở trong một phạm vi hẹp. Ở thời của C.Mác, ông đã đề cập đến xu hướng phát triển tất yếu của nền sản xuất là “thiết lập mối quan hệ ở khắp mọi nơi trên thế giới” nhưng chưa thực sự đặt ra vấn đề toàn cầu hóa của lực lượng sản xuất. Do vậy, để có thể tiếp tục vận dụng những quan điểm của C.Mác về lực lượng sản xuất, cần mở rộng nội hàm của khái niệm này không chỉ ở một nền sản xuất vật chất của một quốc gia nhất định mà trên phạm vi toàn thế giới. Điều đó góp phần làm cho học thuyết Mác nói riêng và quan điểm về lực lượng sản xuất nói chung được bồi đắp “thêm da thêm thịt” bằng thực tiễn sinh động của thời đại ngày nay.
Như vậy, để bảo vệ học thuyết hình thái kinh tế – xã hội, một mặt chúng ta cần phải tỉnh táo nhận diện những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch; mặt khác chúng ta cần phải mạnh dạn đề xuất bổ sung, phát triển những quan điểm của học thuyết này cho phù hợp với thực tiễn. Việc bổ sung, phát triển đó không phải là “xét lại” chủ nghĩa Mác; cũng không phải là làm lu mờ chân giá trị của chủ nghĩa Mác mà là làm cho những nội dung, quan điểm của học thuyết Mác được có thêm sức sống mới, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của giai đoạn hiện nay. Đó là một việc làm hết sức khó khăn đòi hỏi những người mácxít phải kiên trì, có bản lĩnh và có trách nhiệm với hệ thống lý luận cách mạng và khoa học được coi là nền tảng tư tưởng của Đảng ta hiện nay.
_____________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2019
(1), (2), (3) Ban Tuyên giáo Trung ương: Phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.48, 47-48, 48.
(4) Một số vấn đề về chủ nghĩa Mác – Lênin trong thời đại hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.12.
(5)Việt Nam tiến bước cùng thời đại, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2009, tr.29.
(6), (7), (8), (9) Xem: Nguyễn Xuân Thắng: “Phê phán quan điểm: “Sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu bắt nguồn từ chủ nghĩa Mác – Lênin””, Tạp chí Tuyên giáo, số tháng 12, 2014, tr.4-5, 5, 6, 6.
(10) Xem: Nguyễn Chí Dũng: “Học thuyết Mác về hình thái kinh tế – xã hội và cuộc thử nghiệm trong thế kỷ XX”, Tạp chí Triết học, số 1 (200), tháng 1-2008, tr.11.
(11) C. Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.19, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.500.
(12), (14) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.601, 456.
(13) V.I.Lênin: Toàn tập, t.4, Nxb Tiến bộ Mátxcơva, 1974, tr.232.
(15) Nguyễn Trọng Chuẩn: “Nâng cao nhận thức, bổ sung và phát triển triết học Mác – Lênin nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và của thời đại mở rộng giao lưu quốc tế”, Tạp chí Triết học, số 9 (208), tháng 9-2008, tr.56.
(16) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.23, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.268.
(17), (18), (19) Lý Bân: “Quan niệm mới về phát triển lực lượng sản xuất”, Thông tin những vấn đề lý luận, số 19, 2008, tr.10, 10, 9.
TS Lê Thị Chiên
Viện Triết học,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh