Lý luận, pháp luật quốc tế và Việt Nam về quyền con người của phạm nhân (Phần 1)

1. Lý luận về quyền con người, quyền con người của phạm nhân

Quyền con người, quyền con người của phạm nhân là vấn đề có ý nghĩa lớn về lý luận, và pháp lý, đã xuất hiện từ lâu trong lịch sử nhân loại và hiện nay là vấn đề mang giá trị thời đại, có sức hấp dẫn lôi cuốn không chỉ trong giới học thuật, trong thực tiễn hành động và mục tiêu hướng tới của chính phủ ở mỗi quốc gia, được sử dụng trong bộ chỉ số đánh giá mức độ thực hiện quyền con người, qua đó thể hiện mức độ văn minh, nhân đạo và nhân văn ở mỗi nước.

1.1 Về khái niệm quyền con người, quyền con người của phạm nhân

Muốn hiểu quyền con người của phạm nhân, trước hết ta phải hiểu quyền con người là gì? Hiện nay có nhiều cách hiểu, tiếp cận khác nhau về khái niệm quyền con người, tuy nhiên quan niệm chung nhất, được cộng đồng quốc tế thừa nhận, đó là “Quyền con người là những đặc quyền tự nhiên, vốn có của con người mà nếu không được bảo đảm thì chúng ta sẽ không thể sống như một con người”1. Hay theo Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về quyền con người (OHCHR): “Quyền con người là những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc mà làm tổn hại đến nhân phẩm, những sự được phép và tự do cơ bản của con người”2. Như vậy, chúng ta có quyền con người, trước hết vì chúng ta là con người, và đã là con người thì ai cũng có quyền bình đẳng như nhau, vì thế nguyên tắc cơ bản xuyên suốt xác lập toàn bộ nền tảng pháp luật quốc tế được xây dựng trong nửa sau thế kỷ 20 cho đến ngày nay là nguyên tắc bình đẳng và không phân biệt đối xử vì bất cứ lý do nào, dựa trên cơ sở về chủng tộc, màu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hay quan niệm, nguồn gốc dân tộc hay xã hội, tài sản, dòng dõi hay bất cứ địa vị nào khác3.

Khái niệm phạm nhân, theo pháp luật Việt Nam, “là người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, tù chung thân4”. Trong các văn bản pháp luật Việt Nam thuật ngữ “phạm nhân” tương ứng về mặt ngữ nghĩa với thuật ngữ “tù nhân – prisoner” được dịch theo văn bản pháp luật quốc tế; phạm nhân là những người đã thành án, đều nằm trong nội hàm khái niệm “những người bị tước tự do – persons deprived of their liberty”. Và những người bị tước tự do theo pháp luật quốc tế bao gồm tất cả những ai đang bị giam giữ vì bất kỳ lý do nào, không chỉ giới hạn ở những phạm nhân/tù nhân mà cả những người đang bị quản chế để học tập, lao động, rèn luyện ở các trại cải tạo, trường giáo dưỡng, bệnh viện tâm thần, cơ sở cai nghiện…5. Về nguyên tắc quốc tế, bất kỳ ai đang bị giam giữ, cho dù bị giam giữ hành chính hay hình sự (đang trong giai đoạn điều tra chờ xét xử hay đã thành án), họ đều có quyền được đối xử nhân đạo và được tôn trọng nhân phẩm con người6. Do vậy, đề cập tới quyền con người của phạm nhân, và tại sao phạm nhân lại có quyền con người là bởi vì phạm nhân cũng là con người, và đã là con người thì họ phải được tôn trọng phẩm giá, và phẩm giá là giá trị cao nhất, vốn có của mỗi con người, và phẩm giá chính là cơ sở, nguồn gốc của quyền con người – vì quyền con người bắt nguồn từ phẩm giá vốn có của con người7. Như vậy, phạm nhân có quyền con người, đơn giản vì phạm nhân là con người.

1.2 Về nội dung các quyền con người của phạm nhân

Xuất phát từ nguyên tắc tôn trọng phẩm giá vốn có và thân phận, địa vị pháp lý của phạm nhân, có thể phân các quyền của phạm nhân theo các nhóm như sau:

(i) Nhóm các quyền con người của phạm nhân được bảo vệ, bảo đảm tương tự như những người bình thường trong xã hội (người tự do), họ được bảo đảm các quyền như quyền sống; quyền bất khả xâm phạm về thân thể, danh dự, nhân phẩm; nghiêm cấm mọi hình thức tra tấn, bức cung, nhục hình, đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo hay hạ nhục con người; quyền không bị bắt làm nô lệ; không bị sử dụng để làm thí nghiệm y học hoặc khoa học mà không có sự đồng ý tự nguyện; quyền được công nhận là chủ thể pháp luật; không bị phân biệt đối xử; quyền tự do tư tưởng; các quyền được xét xử công bằng; quyền khiếu nại, tố cáo, được đền bù và bồi thường. Theo quy chuẩn quốc tế, các quyền này được gọi là “quyền tuyệt đối”, áp dụng cho tất cả mọi người, bất kể địa vị pháp lý của họ như thế nào.

(ii) Nhóm các quyền được bảo vệ, bảo đảm một cách hạn chế, đó là các quyền đối với cuộc sống gia đình, bí mật đời tư, trao đổi thư từ, quyền được giáo dục; lao động, học nghề; quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin, tự do tôn giáo; cũng như một số quyền tự do dân sự khác8.

(iii) Nhóm các quyền bị tước, do địa vị pháp lý của họ là những người đang chấp hành bản án phạt tù trong các trại giam, nên đương nhiên họ bị tước các quyền tự do cá nhân, bao gồm tự do cư trú và tự do đi lại, tự do hội họp, tự do lập hội, một số nước tước cả quyền bầu cử, ứng cử; quyền tự do kết hôn, lập gia đình trong khoảng thời gian chấp hành hình phạt tù.

1.3 Về những nguyên tắc tiêu chuẩn quốc tế tối thiểu đối xử với phạm nhân trong các trại giam

Các nguyên tắc tiêu chuẩn quốc tế tối thiểu là các nguyên tắc tiêu chuẩn quy định các điều kiện đối xử với phạm nhân trong các trại giam là ở mức độ tối thiểu, được áp dụng trên phạm vi toàn cầu và nếu quốc gia đối xử với họ dưới các ngưỡng tối thiểu đó bị coi là vi phạm quyền con người của phạm nhân. Chính vì thế, để giải đáp yêu cầu này, câu hỏi được đặt ra là, trại giam được lập ra để thực hiện chức năng, nhiệm vụ gì, và mục đích chính cần hướng tới/đạt được là gì? Trừng trị/trả thù vì tội lỗi họ đã gây ra cho xã hội, hay chức năng, nhiệm vụ chính của trại giam là giáo dục, cải tạo, cảm hóa lỗi lầm để giúp họ càng sớm càng tốt trở lại với gia đình, hòa nhập với cộng đồng xã hội.

Khoản 1, Điều 10 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 quy định nguyên tắc: “Tất cả những người bị tước quyền tự do phải được đối xử nhân đạo và tôn trọng phẩm giá vốn có của con người”9. Nguyên tắc về sự đối xử nhân đạo với phạm nhân là xuất phát điểm cho bất kì một xem xét nào về các điều kiện của trại giam và các chế độ quản lý trại giam. Nguyên tắc này cũng bổ sung thêm cho nguyên tắc về cấm tra tấn và ngược đãi phạm nhân mà bất kỳ quốc gia nào cũng phải tuân thủ và có trách nhiệm áp dụng các biện pháp tích cực để bảo đảm những điều kiện tối thiểu về đối xử nhân đạo đối với họ10. Điều này có nghĩa là bất kỳ những hạn chế hợp pháp nào về các quyền con người của phạm nhân cũng phải được kiểm tra, đánh giá xem có phù hợp so với mốc chuẩn quốc tế về đối xử nhân đạo. Hay nói cách khác chất lượng tổng thể về cuộc sống của phạm nhân trong trại giam không nên làm tăng thêm sự đau khổ cho họ vì việc tách người phạm tội ra khỏi thế giới bên ngoài đã là một nỗi đau khổ, vì nó tước bỏ quyền tự chủ của một con người bằng cách tước bỏ sự tự do của người đó. Do đó chỉ trừ trường hợp vì một lý do chính đáng nào đó hay để duy trì kỷ luật phạm nhân, các điều kiện sống trong hệ thống trại giam không nên làm trầm trọng thêm nỗi đau khổ cho họ11.

Từ tư tưởng này, Khoản 3, Điều 10 của Công ước xác lập nguyên tắc: “Việc đối xử với phạm nhân trong hệ thống trại giam nhằm mục đích chính yếu là cải tạo và đưa họ trở lại xã hội”12. Nhằm thực hiện mục đích này, những nguyên tắc tiêu chuẩn tối thiểu về đối xử với phạm nhân đã được phát triển trên phạm vi cấp độ quốc tế và khu vực, nhấn mạnh cái được gọi là “nguyên tắc tiêu chuẩn tối thiểu” nhằm mục đích chống lại những ảnh hưởng gây suy yếu sức khỏe thể chất và tâm thần của phạm nhân, thúc đẩy sự tự lực và tự chủ của họ và hỗ trợ họ chuẩn bị cho quá trình tái hòa nhập với cộng đồng, xã hội. Năm 1955, Liên hợp quốc thông qua Các nguyên tắc tiêu chuẩn tối thiểu về đối với phạm nhân là nhằm tiêu chuẩn hóa ở mức độ tối thiểu những khác biệt giữa cuộc sống trong trại giam với cuộc sống bên ngoài (cuộc sống của người tự do)13. Vì thế yêu cầu các quốc gia có nghĩa vụ tích cực phải bảo đảm rằng điều kiện giam giữ phải góp phần duy trì tình trạng sức khỏe thể chất và tâm thần cho những người bị giam giữ.

2. Bảo vệ, bảo đảm các quyền con người của phạm nhân trong trại giam – chuẩn mực quốc tế và pháp luật Việt Nam

2.1 Chuẩn mực quốc tế

Dựa vào các nguyên tắc tiêu chuẩn đối xử nhân đạo và tôn trọng phẩm giá con người, pháp quốc tế quy định những nguyên tắc tiêu chuẩn tối thiểu về đối xử với phạm nhân, phạm vi các quyền trong trại giam cũng như các biện pháp bảo đảm cần thiết cho sự bảo vệ hiệu quả các quyền này.

(a) Tiêu chuẩn tối thiểu về chỗ ở và đáp ứng những nhu cầu cơ bản

– Tiêu chuẩn về chỗ ở là trung tâm trong chất lượng tổng thể cuộc sống của phạm nhân trong trại giam. Chỗ ở xuống cấp cùng với tình trạng chật trội và các thiết bị vệ sinh thiếu thốn là cực kỳ có hại cho sức khỏe thể chất và tinh thần của phạm nhân. Vì thế, Nguyên tắc tiêu chuẩn tối thiểu quy định rằng chỗ ăn, ở của phạm nhân “phải đáp ứng được tất cả các yêu cầu về y tế, chú ý đến các điều kiện khí hậu, đặc biệt là khoảng không, khoảng trống sàn tối thiểu, ánh sáng, sưởi ấm và thông hơi”14. Không có tiêu chuẩn tối thiểu phổ cập về không gian phòng (bao nhiêu m2/người), điều này hoàn toàn tùy thuộc vào điều kiện ở từng khu vực và đặc biệt điều kiện kinh tế của mỗi quốc gia15.

– Cung cấp nhu cầu cơ bản: Trại giam phải được cung cấp thiết bị vệ sinh đầy đủ và sạch sẽ có thể tiếp cận cả ngày lẫn đêm và kín đáo tối thiểu16. Nhà vệ sinh nằm bên trong xà lim có nhiều không gian ăn ở sinh hoạt thì phải được ngăn cách bằng màn che; tuy nhiên sẽ tốt hơn nếu những thiết bị này nằm tách biệt với không gian sống và ngủ nghỉ của phạm nhân. Ngoài không gian và vệ sinh thích hợp, cũng cần thiết có ánh sáng tự nhiên và sự thông hơi đầy đủ nhằm bảo đảm tiêu chuẩn tối thiểu về chỗ ở nhân đạo17. Về cung cấp nhu cầu cơ bản, phạm nhân cũng có quyền có một giường và chỗ ngủ tối thiểu,18 mặc quần áo thích hợp mà không bị hạ thấp nhân phẩm hay bị lăng mạ khi mặc đồng phục,19 và được cung cấp nước uống bất cứ lúc nào và thức ăn đủ dinh dưỡng được chuẩn bị và phục vụ thích hợp, có tính đến tình trạng sức khỏe và những nhu cầu ăn kiêng của phạm nhân20. Ở rất nhiều quốc gia, trách nhiệm về chăm sóc sức khỏe trong trại giam không được tuân thủ, phạm nhân hoàn toàn bị phó mặc cho gia đình của họ về thức ăn và thuốc thang21.

– Địa điểm giam giữ và việc di lý phạm nhân: Địa điểm giam giữ tương ứng nên được đặt càng gần với nơi cư trú của phạm nhân hay các điểm dân cư càng tốt22, và tránh di lý phạm nhân thường xuyên từ trại giam này đến trại giam khác vì điều này có thể có ảnh hưởng xấu đến tình trạng sức khỏe tâm lý và thể chất của phạm nhân và hạn chế nghiêm trọng khả năng duy trì liên lạc với gia đình của họ. Trong bất kì trường hợp nào, phạm nhân cũng có quyền được thông báo cho các thành viên trong gia đình họ hoặc những người thích hợp về nơi bị giam giữ mới của họ sau mỗi lần di lý đến trại giam khác23.

(b) Chế độ đối xử trong trại giam

– Chăm sóc sức khỏe: Thiếu chăm sóc sức khỏe thích đáng, tối thiểu có thể được xem là một khía cạnh của sự ngược đãi phạm nhân24. Do đó, phạm nhân không chỉ có quyền được chăm sóc sức khỏe hằng ngày, trong trường hợp khẩn cấp mà còn đối với bất kì một sự điều trị nào khác phù hợp tâm lý và thể chất của họ. Việc không cung cấp hỗ trợ y tế tối thiểu cần thiết có thể quy cho là ngược đãi; các nhà chức trách phải có trách nhiệm phát hiện và điều trị cho bất kì phạm nhân nào về tình trạng khiếm khuyết về thể chất và tâm thần do giam giữ gây ra. Chẳng hạn các biện pháp phòng ngừa phải được thực hiện nhằm phòng tránh nguy cơ phạm nhân có thể tự tử, hoặc nhằm ngăn chặn, kiểm tra và điều trị có hiệu quả các bệnh truyền nhiễm trong trại giam, thảm họa tự nhiên có thể xảy ra.

– Các phương tiện thể thao và giải trí: Một yếu tố cần thiết để bảo đảm tình trạng sức khỏe cho phạm nhân là việc cung cấp các phương tiện thể dục thể thao và giải trí thích đáng. Các tiêu chuẩn quốc tế quy định rằng mỗi phạm nhân nên được cho phép ít nhất 1 giờ tập thể dục mỗi ngày ở ngoài trời25. Ngoài ra, phạm nhân nên được cung cấp các cơ hội giải trí, như thể thao, trò chơi, các hoạt động văn hóa và khả năng theo đuổi sở thích cá nhân26.

– Liên lạc với thế giới bên ngoài: Việc duy trì liên lạc thường xuyên với gia đình và bạn bè là những biện pháp bảo đảm quan trọng nhằm phòng, chống tra tấn và ngược đãi trong quá trình giam giữ và góp phần vào sự xem xét công khai và hiểu biết về điều kiện vật chất của cơ sở giam giữ và về chế độ trại giam tương ứng ở địa phương.

Các tiêu chuẩn quốc tế thừa nhận rộng rãi rằng duy trì liên lạc về mặt xã hội với thế giới bên ngoài giúp chống lại những ảnh hưởng không tốt của giam giữ và đạt được mục đích toàn diện của sự cải tạo và phục hồi xã hội thành công của phạm nhân sau khi được trả tự do27. Từ góc độ quyền con người của phạm nhân, những mối liên lạc với thế giới bên ngoài được bảo vệ bởi quyền đối với cuộc sống gia đình và quyền giao tiếp theo đúng quy định tại Điều 17 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, năm 1966.

+ Về quyền đối với cuộc sống gia đình: Phạm nhân có quyền được thăm viếng thường xuyên bởi các thành viên trong gia đình và bạn bè thân quen của họ và các cán bộ trại giam có trách nhiệm thúc đẩy và hỗ trợ các chuyến thăm này.28 Bất kì một sự hạn chế nào về quyền thăm viếng chỉ có thể được biện minh nếu chúng thực sự cần thiết vì một lợi ích công hợp pháp  như quan ngại về an ninh quốc gia hay mục đích ngăn ngừa tội phạm. Ngoại trừ những lý do này, trong bất kì hoàn cảnh nào, sự liên lạc tối thiểu phải luôn được bảo đảm vì tầm quan trọng của quyền đối với gia đình đi đôi với nguyên tắc đối xử nhân đạo29.

 Để phạm nhân duy trì các mối quan hệ hiệu quả và có ý nghĩa với các thành viên trong gia đình, đặc biệt là với vợ/chồng, bố mẹ và con cái, thì cán bộ trại giam nên mở cửa các phòng thăm gặp phù hợp nhất có thể, cho phép phạm nhân có thể tiếp xúc trực tiếp với gia đình họ.

+ Về quyền liên lạc với bên ngoài: Phạm nhân có quyền được giao tiếp với thế giới bên ngoài thông qua thư từ và trò chuyện qua điện thoại, tất nhiên họ phải chịu những hạn chế về tần suất và nội dung liên lạc. Những giới hạn nhất định có thể được biện hộ là do quy định của trại giam và cân nhắc về nguồn lực, nhưng nhìn chung quan hệ thư từ phải được phép và cán bộ trại giam có trách nhiệm giúp đỡ các phạm nhân bằng việc cung cấp giấy viết, v.v..30 Quan hệ thư từ giữa luật sư và thân chủ nên được đặc biệt ưu tiên để bảo vệ công lý. Việc kiểm duyệt thư đến và đi của các phạm nhân chỉ nên được thực hiện trong trường hợp cần thiết, để đáp ứng lợi ích hợp pháp của nhà nước và việc mở thư nên được thực hiện với những bảo đảm như sự có mặt của người bị người bị giam.

+ Bảo vệ sự riêng tư: Mặc dù có những hạn chế nhất định đối với quyền về đời tư của phạm nhân trong trại giam, sự xâm phạm nghiêm trọng đến phạm vi riêng tư của người bị giam, như việc bắt cởi hết quần áo ra để khám xét, kiểm tra y tế cưỡng bức hay giám sát bằng ca-mê-ra liên tục có thể chung quy lại là sự vi phạm đến quyền riêng tư. Các biện pháp như vậy chỉ nên áp dụng nếu chứng minh được rằng vì một mục đích hợp pháp, như ngăn ngừa tội phạm hoặc giảm đến mức thấp nhất nguy cơ tự tử của phạm nhân, hoặc phòng, chống bạo lực trong các phạm nhân.

(c) Bảo đảm thực hiện các quyền con người của phạm nhân chuẩn bị cho tái hòa nhập cộng đồng

– Quyền được giáo dục: Nhằm bảo vệ đúng đắn quyền được giáo dục, học tập của phạm nhân, cơ sở giam giữ phải được trang bị hoặc được cung cấp các thiết bị giáo dục, tạo điều kiện cho phạm nhân phát triển các kĩ năng và năng lực càng nhiều càng tốt đáp ứng được nhu cầu cá nhân và nguyện vọng của họ. Vì thế, Nguyên tắc tiêu chuẩn tối thiểu đề xuất rằng mọi trại giam phải có thư viện được trang bị tốt và nên đặc biệt quan tâm chú ý đến việc giáo dục cho phạm nhân mù chữ và phạm nhân chưa thành niên31. Nên cung cấp các phương tiện hỗ trợ giáo dục thích đáng càng nhiều càng tốt phù hợp nhất với hệ thống giáo dục quốc dân nhằm bảo đảm cho phạm nhân có khả năng tái hòa nhập thành công sau khi được thả tự do.32

– Quyền được lao động, học nghề: Việc cung cấp công việc thích hợp hữu ích để mọi phạm nhân đều được làm việc thiết thực toàn thời gian là một khía cạnh tích cực của chế độ giam giữ, cải tạo, nhằm giảm thiểu tối đa mặt tiêu cực của chế độ giam giữ và tăng cường lòng tự trọng và trách nhiệm của phạm nhân33.

Nên đưa ra các cơ hội đào tạo nghề càng nhiều càng tốt và có cách thức tổ chức và phương pháp làm việc trong trại giam phải tương tự như với bên ngoài xã hội nhằm tăng khả năng thích ứng, tìm kiếm công việc sau khi họ mãn hạn tù34. Trong bất cứ trường hợp nào thì phạm nhân cũng đều có quyền được trả công đầy đủ cho công việc của họ35 và nhìn chung họ nên được làm việc dưới những điều kiện tương tự như đối với những người đang làm việc trong cộng đồng, bao gồm cả việc tham gia hệ thống an sinh xã hội quốc gia36. Tuyệt đối cấm lao động cưỡng bức, mang tính bóc lột sức lao động vì mục đích thương mại; hoặc làm việc như một hình thức trừng phạt và làm những công việc mang tính khổ sai37.

– Bảo đảm những quyền dân sự và chính trị khác: Vì lý do nhân đạo, các cơ quan nhân quyền quốc tế ngày càng quan tâm và công nhận tầm quan trọng của việc duy trì và bảo vệ một số quyền dân sự, chính trị khác cho phạm nhân. Chẳng hạn  các quyền liên quan đời sống gia đình về nguyên tắc nên bảo vệ cho phạm nhân, nhất là đối với phạm nhân nữ đang ở tuổi trưởng thành (có thể được lưu trữ phôi). Ngoài ra, việc được bảo vệ quyền trao đổi thư từ qua lại và quyền giao tiếp với thế giới bên ngoài, phạm nhân cũng được hưởng sự bảo vệ quyền tự do ngôn luận của mình, bao gồm bày tỏ quan điểm, ý kiến cá nhân về các vấn đề có liên quan. Trong trường hợp này, việc hạn chế về quyền giao tiếp của phạm nhân với các phương tiện truyền thông chỉ có thể được biện minh trong những hoàn cảnh đặc biệt, vì bảo vệ an ninh hay trật tự, an toàn của cơ sở giam giữ hay vì những lợi ích chung của xã hội hoặc vì bảo vệ an ninh, anh toàn cho chính phạm nhân38. Vì tầm quan trọng đó, các tiêu chuẩn quốc tế quy định một cách rõ ràng rằng phạm nhân phải được cung cấp các phương tiện thích hợp (báo, các tạp chí xuất bản định kỳ, ra-đi-ô hoặc truyền hình) để họ có được thông tin về các sự kiện chung .

(d) Bảo vệ các phạm nhân đặc biệt

Phạm nhân, bản thân họ đã là những nhóm người dễ bị tổn thương nhất, có địa vị pháp lý gần như thấp hèn trong xã hội, nhưng trong số phạm nhân, lại có nhóm người dễ bị tổn thương kép. Luật và các tiêu chuẩn quốc tế bảo vệ quyền con người của phạm nhân tập trung vào những nhóm phạm nhân sau đây: Phạm nhân nữ và nữ đang nuôi con nhỏ; phạm nhân là người chưa thành niên; phạm nhân là người đồng tình luyến ái nữ, người đồng tình luyến ái nam, người song tính và người chuyển giới tính; phạm nhân bị kết án vì các tội liên quan đến tình dục; phạm nhân là người khuyết tật…

2.2 Pháp luật Việt Nam

Sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, hội nhập sâu rộng vào đời sống quốc tế, hệ thống pháp luật Việt Nam về bảo vệ, bảo đảm quyền con người nói chung, quyền con người trong lĩnh vực tư pháp hình sự, ngày càng được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu, nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền XHCN và yêu cầu của hội nhập quốc tế. Hiến pháp năm 2013 – đỉnh cao trong hoạt động lập pháp bảo đảm quyền con người, đã dành chương riêng quy định về quyền con người, quyền công dân (Chương 2). Các quyền con người, quyền công dân nói chung được Hiến pháp ghi nhận và bảo đảm thực hiện với nguyên tắc xuyên suốt đó là xác lập vai trò và trách nhiệm của Nhà nước trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, và nguyên tắc quyền con người chỉ có thể bị hạn chế trong trường hợp thật sự cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự công cộng và đạo đức xã hội40. Và việc hạn chế quyền con người phải do luật quy định.

Từ các nguyên tắc hiến định, pháp luật bảo đảm quyền con người của phạm nhân một thời gian dài, từ chỗ được điều chỉnh bằng các văn bản dưới luật (nghị định, quy chế, thông tư), nay đã có có sự thay đổi vượt bậc, được điều chỉnh bằng luật do Quốc hội ban hành. Luật Thi hành án hình sự, được Quốc hội thông qua năm 2019, thay thế Luật Thi hành án hình sự năm 2010, đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về quyền con người và đặc biệt thể chế hóa các nguyên tắc của Hiến pháp năm 2013, các tiêu chuẩn quốc tế về bảo vệ, bảo đảm quyền con người nói chung, quyền con người phạm nhân nói riêng.

Luật Thi hành án hình sự năm 2019 xác lập nguyên tắc bảo đảm quyền con người trong thi hành án hình sự; quy định quyền và nghĩa vụ của phạm nhân; các tiêu chuẩn, chế độ đối xử, bảo đảm thực hiện quyền, các biện pháp chuẩn bị cho phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng; bảo đảm quyền của nhóm đối tượng phạm nhân đặc biệt (dễ bị tổn thương); quy định vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý thi hành án hình sự, của trại giam, trại tạm giam, cán bộ trại giam và các biện pháp phòng, chống ngược đãi trong trại giam…

a) Các nguyên tắc cơ bản bảo đảm quyền con người trong thi hành án hình sự

– Bảo đảm tính nhân đạo xã hội chủ nghĩa; tôn trọng danh dự, nhân phẩm, quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp hành án;

– Kết hợp giữa trừng trị và giáo dục cải tạo trong việc thi hành án; áp dụng biện pháp giáo dục cải tạo phải trên cơ sở tính chất, mức độ phạm tội, độ tuổi, sức khỏe, giới tính, trình độ học vấn và các đặc điểm nhân thân khác của người chấp hành án;

– Thi hành án đối với người dưới 18 tuổi chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành người có ích cho xã hội;

– Khuyến khích người chấp hành án ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động cải tạo, tự nguyện bồi thường thiệt hại;

– Bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo hành vi, quyết định trái pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành án hình sự; và

– Bảo đảm sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình trong hoạt động thi hành án hình sự, tái hòa nhập cộng đồng theo quy định của pháp luật.

Từ các nguyên tắc cơ bản nêu trên, phù hợp với nguyên tắc, tiêu chuẩn tối thiểu về đối xử với phạm nhân được quy định trong các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người, Điều 27 Luật Thi hành án hình sự quy định các quyền và nghĩa vụ của phạm nhân như sau:

b) Về các quyền của phạm nhân

– Được bảo hộ tính mạng, sức khỏe, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được phổ biến quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân;

– Được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế theo quy định; gửi, nhận thư, nhận quà, tiền; đọc sách, báo, nghe đài, xem truyền hình phù hợp với điều kiện của nơi chấp hành án;

– Được tham gia hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ;

– Được lao động, học tập, học nghề;

– Được gặp, liên lạc với thân nhân, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân; đối với phạm nhân là người nước ngoài được thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự;

– Được tự mình hoặc thông qua người đại diện để thực hiện giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật;

– Được bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo; được đề nghị xét đặc xá, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;

– Được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, hưởng chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật;

– Được sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật;

– Được khen thưởng khi có thành tích trong quá trình chấp hành án.

c) Về tiêu chuẩn và chế độ đối xử với phạm nhân: Mục 2, các Điều từ 48 đến Điều 55, Luật Thi hành án hình sự quy định cụ thể các chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế đối với phạm nhân. Ngoài các quy định tại Luật này, Chính phủ còn ban hành nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.

– Tiêu chuẩn, chế độ ăn, ở41: Phạm nhân được bảo đảm tiêu chuẩn về định lượng và chất lượng khẩu phần ăn, uống hợp vệ sinh, được cung cấp các dụng cụ cần thiết cho việc tự tổ chức nấu ăn. Mỗi phạm nhân được bố trí chỗ nằm tối thiểu là 02 m2. Đối với phạm nhân có con nhỏ ở cùng thì được bố trí chỗ nằm tối thiểu là 03 m2 . Quy định này bảo đảm phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam.

– Tiêu chuẩn, chế độ mặc và tư trang của phạm nhân42: Phạm nhân được cấp quần áo theo mẫu thống nhất, khăn mặt, chăn, chiếu, màn, dép, mũ hoặc nón, xà phòng, kem và bàn chải đánh răng; phạm nhân nữ được cấp thêm đồ dùng cần thiết cho vệ sinh của phụ nữ. Phạm nhân tham gia lao động được cấp thêm quần áo để lao động và căn cứ vào điều kiện công việc cụ thể được cấp dụng cụ bảo hộ lao động cần thiết.

– Tiêu chuẩn, chế độ hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo của phạm nhân43: Phạm nhân được hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, đọc sách, báo, nghe đài, xem truyền hình phù hợp với điều kiện của nơi chấp hành án. Mỗi phân trại của trại giam có thư viện, khu vui chơi, sân thể thao, được trang bị một hệ thống truyền thanh nội bộ, mỗi buồng giam tập thể được trang bị 01 ti vi.

Đối với phạm nhân theo tôn giáo được sử dụng kinh sách xuất bản dưới hình thức sách in, phát hành hợp pháp và được bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

– Tiêu chuẩn, chế độ đối với phạm nhân nữ có thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi44: Nếu không thuộc trường hợp được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù thì được bố trí nơi giam hợp lý, được khám thai định kỳ hoặc đột xuất, được chăm sóc y tế trong trường hợp cần thiết, được giảm thời gian lao động, được hưởng chế độ ăn, uống bảo đảm sức khỏe.

Về nguyên tắc để bảo đảm quyền và lợi ích của trẻ em, phạm nhân nữ nuôi con dưới 36 tháng tuổi được bố trí thời gian phù hợp để chăm sóc, nuôi dưỡng con. Nếu có con từ 36 tháng tuổi trở lên phải gửi con về cho thân nhân nuôi dưỡng. Hoặc đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội.

Trong các trại giam, phải tổ chức nhà trẻ ngoài khu giam giữ để chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là con của phạm nhân dưới 36 tháng tuổi và con của phạm nhân từ 36 tháng tuổi trở lên trong thời gian chờ làm thủ tục đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội.

– Tiêu chuẩn, chế độ gặp, nhận quà của phạm nhân45: Bảo đảm quyền được liên lạc với thế giới bên ngoài, phạm nhân được gặp thân nhân 01 lần trong 01 tháng, mỗi lần gặp không quá 01 giờ, nếu có thành tích giáo dục cải tạo, lao động, học tập của phạm nhân, có thể được kéo dài thời gian gặp thân nhân nhưng không quá 03 giờ hoặc được gặp vợ, chồng ở phòng riêng không quá 24 giờ46. Phạm nhân được khen thưởng hoặc lập công thì được gặp thân nhân thêm 01 lần trong 01 tháng.

Phạm nhân được nhận quà là tiền, đồ vật do thân nhân gửi qua đường bưu chính không quá 02 lần trong 01 tháng. Trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm tiếp nhận tiền, đồ vật mà thân nhân của phạm nhân gửi cho phạm nhân và bóc, mở, kiểm tra để phát hiện và xử lý đồ vật thuộc danh mục cấm theo quy định của pháp luật.

– Tiêu chuẩn, chế độ và thủ tục thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự47: Cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự nước ngoài có yêu cầu thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự đối với phạm nhân mang quốc tịch nước mình đang chấp hành án phạt tù tại Việt Nam, nếu có đơn đề nghị.

– Tiêu chuẩn, chế độ liên lạc của phạm nhân48: Phạm nhân liên lạc với gia đình thông qua việc gửi thư (mỗi tháng 02 lá thư) và bằng điện thoại trong nước (mỗi tháng 01 lần, không quá 10 phút, trừ trường hợp cấp bách). Về cơ bản, việc gửi thư và gọi điện thoại bị kiểm soát về nội dung.

– Tiêu chuẩn, chế độ chăm sóc y tế đối với phạm nhân49: Phạm nhân được khám sức khỏe, được hưởng chế độ phòng, chống dịch bệnh; phạm nhân bị ốm, bị thương tích thì được khám bệnh, chữa bệnh và điều trị tại cơ sở y tế của trại giam, trại tạm giam hoặc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước nơi gần nhất. Trường hợp bệnh nặng hoặc thương tích vượt quá khả năng điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó thì được chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên để điều trị. Trong trường hợp này cơ sở giam giữ phạm nhân có trách nhiệm báo cho thân nhân, đại diện gia đình biết để phối hợp chăm sóc, điều trị. Chế độ ăn, cấp phát thuốc, bồi dưỡng cho phạm nhân do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ định.

e) Các biện pháp bảo đảm quyền của phạm nhân chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng

Ngay từ khi người phạm tội đang chấp hành bản án tại trại giam, cán bộ trại giam đã phải nghĩ ngay đến việc người phạm tội cần được trở lại với cộng đồng càng sớm, càng tốt, bởi mục đích giam giữ không nhằm duy nhất trừng trị con người, mà chủ yếu là giáo dục, cảm hóa đưa họ trở lại với cộng đồng xã hội, về với gia đình, đó là trách nhiệm của trại giam. Do đó cán bộ trại giam phải nhận thức được đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình là thực hiện đúng các quy định của pháp luật, nhất là các quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ của phạm nhân trong suốt quá trình giam giữ, cải tạo như sau:

– Bảo đảm chế độ học tập, học nghề của phạm nhân50: Học tập và học nghề là bước đặc biệt quan trọng, giúp cho phạm nhân chuẩn bị hành trang tái hòa nhập cộng đồng. Theo quy định hiện hành, phạm nhân được phổ biến pháp luật, giáo dục công dân và được học văn hóa, học nghề. Phạm nhân chưa biết chữ phải học văn hóa để xóa mù chữ. Phạm nhân là người nước ngoài được khuyến khích học tiếng Việt. Phạm nhân được bố trí 01 ngày trong tuần để học tập, học nghề, trừ ngày chủ nhật, lễ, tết theo quy định của pháp luật.

– Bảo đảm chế độ lao động của phạm nhân51: Phạm nhân được tổ chức lao động phù hợp với độ tuổi, sức khỏe và đáp ứng yêu cầu quản lý, giáo dục, hòa nhập cộng đồng. Phạm nhân lao động phải dưới sự giám sát, quản lý của trại giam, trại tạm giam. Thời giờ lao động của phạm nhân không quá 08 giờ trong 01 ngày và 05 ngày trong 01 tuần, được nghỉ vào các ngày chủ nhật, lễ, tết theo quy định của pháp luật. Trường hợp đột xuất hoặc thời vụ, Giám thị trại giam có thể yêu cầu phạm nhân làm thêm giờ nhưng không được vượt quá tổng số giờ làm thêm trong ngày theo quy định của pháp luật về lao động. Trường hợp phạm nhân lao động thêm giờ hoặc lao động trong ngày nghỉ thì được nghỉ bù hoặc được bồi dưỡng bằng tiền, hiện vật.

Trại giam phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho phạm nhân; bố trí làm công việc phù hợp với giới tính; phù hợp với lao động nữ; phạm nhân đang có con dưới 36 tháng tuổi, phạm nhân nữ có thai; với người có nhược điểm về thể chất, tâm thần có thể được miễn hoặc giảm thời gian lao động; được nghỉ các ngày lễ trong năm.

Kết quả lao động của phạm nhân được sử dụng bổ sung cho mức ăn của phạm nhân và lập Quỹ hòa nhập cộng đồng để chi hỗ trợ cho phạm nhân khi chấp hành xong án phạt tù; bổ sung vào quỹ phúc lợi, khen thưởng của trại giam; chi hỗ trợ đầu tư trở lại cho trại giam phục vụ việc tổ chức lao động, giáo dục, dạy nghề cho phạm nhân; nâng cao tay nghề cho phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù và chi trả một phần công lao động cho phạm nhân trực tiếp tham gia lao động sản xuất; chi hỗ trợ cho phạm nhân bị tai nạn lao động52.

– Các công việc chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng53: Trước khi phạm nhân chấp hành xong án phạt tù, được đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện, Trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm: Tư vấn tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý; Định hướng nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm; Hỗ trợ một phần kinh phí từ Quỹ hòa nhập cộng đồng của trại giam.

g) Bảo vệ các phạm nhân đặc biệt, phù hợp với tiêu chuẩn chung của quốc tế. Thực tiễn thi hành án phạt tù trong các khu giam giữ tại các trại giam của Việt Nam cũng thực hiện phân loại phạm nhân theo các mức án và mức độ tính dễ bị tổn thương như sau:

– Khu giam giữ dành cho phạm nhân theo các mức án54: phạm nhân có mức án phạt tù trên 15 năm, tù chung thân, phạm nhân thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm; Khu giam giữ đối với phạm nhân có mức án phạt tù từ 15 năm trở xuống; phạm nhân có mức án phạt tù trên 15 năm đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù và thời hạn chấp hành án còn lại dưới 15 năm; phạm nhân thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm, đã chấp hành một phần hai thời hạn chấp hành án phạt tù và đã được giảm thời hạn chấp hành án; Buồng kỷ luật đối với phạm nhân bị kỷ luật.  

– Khu vực giam dành cho những phạm nhân có mức độ dễ bị tổn thương cao, được bố trí giam giữ riêng55: Phạm nhân nữ; Phạm nhân là người dưới 18 tuổi; Phạm nhân là người nước ngoài; Phạm nhân là người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Phạm nhân có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình trong thời gian chờ quyết định của Tòa án; Phạm nhân có con dưới 36 tháng tuổi theo mẹ vào trại giam; Phạm nhân thường xuyên vi phạm nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân.

Đối với phạm nhân là người đồng tính, người chuyển đổi giới tính, người chưa xác định rõ giới tính được giam giữ riêng.

PGS.TS Tường Duy Kiên

Viện trưởng Viện Quyền con người

Tài liệu tham khảo

(1) LHQ (2006), Hỏi đáp về Quyền con người, Niu Ước và Giơ ne vơ, tr.4.

(2) Sđd, tr.4.

(3) Điều 2 Tuyên ngôn Thế giới về quyền con người năm 1948

(4) Khoản 2, Điều 3 Luật Thi hành án hình sự năm 2019

(5) Bình luận của Ủy ban Nhân quyền

(6) Điều 10 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966.

(7) Lời mở đầu Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966.

(8) Mức độ hạn chế quyền và quyền nào bị hạn chế do pháp luật của mỗi nước quy định.

(9) Theo Công ước quyền con người Châu Âu (ECHR), không có điều khoản tương đương. Nghĩa vụ tích cực của các quốc gia thành viên đối xử nhân đạo với phạm nhân được ECtHR đưa vào Điều 3.

(10) HRC, Bình Luận Chung Số 21, ngày 10 tháng 4 năm 1992, đoạn 3. Về quan hệ giữa cấm tra tấn và ngược đãi (Điều 7 ICCPR) và nguyên tắc đối xử nhân đạo xem Nowak, Bài bình luận của ICCPR, Sđd, tr. 241ff.

(11) Nguyên tắc 57 của Nguyên tắc tiêu chuẩn tối thiểu về đối xử với phạm nhân; HRC Bình Luận Chung Số 21, Sđd, đoạn 4.

(12) Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966.

(13) Được thông qua tại Cuộc họp lần thứ nhất của Liên Hợp Quốc về Ngăn ngừa Tội phạm và Đối xử với Người phạm tội, tổ chức tại Giơ-ne-vơ năm 1955, và được Hội đồng Kinh tế – Xã hội phê chuẩn bằng các Nghị quyết 663C (XXIV) ngày 31/7/1957 và 2076 (LXII) ngày 13/5/1977.

(14)  Nguyên tắc 19 của Nguyên tắc Tiêu Chuẩn Tối Thiểu;

(15) Đối với khu vực Châu Âu, Ủy ban chống tra tấn Châu Âu quy định diện tích tối thiểu cho mỗi phạm nhân là 4m2 và khuyến nghị không nên sử dụng các xà lim đơn có diện tích nhỏ hơn 6m2

 (16) Nguyên tắc 12 của Nguyên tắc tiêu chuẩn tối thiểu;

(17) Nguyên tắc 11 của Nguyên tắc tiêu chuẩn tối thiểu;

(18) Nguyên tắc 19 của Nguyên tắc tiêu chuẩn tối thiểu;

(19) Nguyên tắc 17 của Nguyên tắc tiêu chuẩn tối thiểu;

(20) Nguyên tắc 20 của Nguyên tắc tiêu chuẩn tối thiểu;

(21) Ví dụ xem Báo cáo của Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về Tra tấn về chuyến công tác của ông đến In-đô-nê-xi-a, Tư liệu Liên hợp quốc, A/HRC/7/3/Add.7 (ngày 10 tháng 3 năm 2007), đoạn 30;

(22) Nguyên tắc 16.1 của Tập hợp các Nguyên tắc;

(23) Nguyên tắc 44(3) của Nguyên tắc tiêu chuẩn tối thiểu.

(24) Ví dụ xem Báo cáo về chuyến công tác đến Nigeria của Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về Tra tấn, Tư liệu Liên hợp quốc, A/HRC/7/3/Add.4 (ngày 22 tháng 11 năm 2007), đoạn 37.

(25) Nguyên tắc 21 (2) của Nguyên tắc tiêu chuẩn tối thiểu; 

(26) Nguyên tắc 78 của Nguyên tắc tiêu chuẩn tối thiểu;

(27) Nguyên tắc 80 của Nguyên tắc tiêu chuẩn tối thiểu;

(28) Nguyên tắc 37 của Nguyên tắc tiêu chuẩn tối thiểu;

(29) Nguyên tắc 37 của Nguyên tắc tiêu chuẩn tối thiểu;

(30) Nguyên tắc 19 của Tập hợp các Nguyên tắc;

(31) Nguyên tắc 40 và 77 (1) của Nguyên tắc tiêu chuẩn tối thiểu;

(32) Sđd.

(33) Nguyên tắc 71 của Nguyên tắc tiêu chuẩn tối thiểu;

(34) Nguyên tắc 72 của Nguyên tắc tiêu chuẩn tối thiểu;

(35) Nguyên tắc 76 (1) của Nguyên tắc tiêu chuẩn tối thiểu;

(36) Nguyên tắc 76 (1) của Nguyên tắc tiêu chuẩn tối thiểu;

(37) Nguyên tắc 71 (1) của Nguyên tắc tiêu chuẩn tối thiểu;

(38) Xem Nguyên tắc 24 (12) của Nguyên tắc trại giam Châu Âu.

(39) Nguyên tắc 39 của Nguyên tắc tiêu chuẩn tối thiểu;

(40) Khoản 2, Điều 14 Hiến pháp năm 2013.

(41) Điều 48 Luật Thi hành án Hình sự năm 2019

(42) Điều 49 Luật Thi hành án Hình sự năm 2019

(43) Điều 49 Luật Thi hành án Hình sự năm 2019

(44) Điều 51 Luật Thi hành án Hình sự năm 2019

(45) Điều 52 Luật Thi hành án Hình sự năm 2019

(46) Phòng hạnh phúc. Đây là một ưu việt trong chế độ đối xử với phạm nhân ở Việt Nam.

(47) Điều 53, Luật Thi hành án Hình sự năm 2019

(48) Điều 54, Luật Thi hành án hình sự năm 2019

(49) Điều 55, Luật Thi hành án hình sự năm 2019

(50) Điều 31, Luật Thi hành án hình sự năm 2019

(51) Điều 32, Luật Thi hành án hình sự năm 2019

(52) Điều 34 Luật Thi hành án hình sự năm 2019

(53) Điều 45, Luật Thi hành án hình sự năm 2019

(54) Khoản 1, Điều 30 Luật Thi hành án hình sự năm 2019

(55) Khoản 2, Điều 30 Luật Thi hành án hình sự năm 2019