Lý luận – Đảng bộ Khối Dân – Chính – Đảng Thành phố Hồ Chí Minh

Thực hiện chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về dân vận chính quyền

 

 

Thực hiện chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về dân vận chính quyềnTrong bài báo “Dân vận” năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”(1). Người còn chỉ rõ: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh, v.v..) đều phải phụ trách dân vận”(2). Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vị trí, vai trò của công tác dân vận chính quyền trong điều kiện Đảng cầm quyền. Quan điểm của Hồ Chí Minh về công tác dân vận chính quyền có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc để các cấp chính quyền từ Trung ương đến cơ sở đều có thể vận dụng được tùy theo phạm vi và chức trách của mình.

 

 

1. Những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về dân vận chính quyền

Một là, về ý thức và trách nhiệm làm công tác dân vận của cơ quan và cán bộ chính quyền. Hồ Chí Minh nhắc nhở cán bộ chính quyền phải nâng cao tinh thần phụ trách trước Đảng và trước quần chúng, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân…, phải thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, tuyệt đối không được lên mặt làm “quan cách mạng”. Người viết: “Cán bộ mà lên mặt quan cách mạng thì mọi việc đều lủng củng. Cán bộ mà biết làm cho dân tin, dân phục, dân yêu, thì việc gì cũng mỹ mãn”(3).

Hồ Chí Minh xác định rõ vị trí của chính quyền cấp cơ sở: “Cấp xã là gần gũi nhân dân nhất, là nền tảng của hành chính. Cấp xã làm được việc thì mọi công việc đều xong xuôi”(4). Người yêu cầu chính quyền cấp cơ sở phải có thái độ và trách nhiệm cao trong quan hệ với dân: “Ủy ban nhân dân làng trái với các hội đồng kỳ mục cũ thối nát, sẽ làm những việc có lợi cho dân, không phạm vào công lý, vào tự do của dân chúng”(5).

Hai là, nội dung quan trọng nhất của dân vận chính quyền là lợi ích và đời sống của nhân dân, hướng dẫn và giúp đỡ nhân dân thực hành tiết kiệm, đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa, cải thiện và nâng cao đời sống. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chúng ta phải ra sức hướng dẫn và giúp đỡ nhân dân hơn nữa trong sản xuất và tiết kiệm để cải thiện đời sống của bộ đội và nhân dân, để làm cho dân giàu nước mạnh”(6). Mục đích của dân vận là:

“Làm cho người nghèo thì đủ ăn

Người đủ ăn thì khá giàu

Người khá giàu thì giàu thêm.

Người nào cũng biết chữ,

Người nào cũng biết đoàn kết, yêu nước”(7).

Ba là, chính quyền tham gia vận động quần chúng thì mỗi cán bộ chính quyền phải: “Hiểu nguyện vọng của dân, sự cực khổ của dân. Hiểu tâm lý của dân, học sáng kiến của dân. Nhưng có những việc dân không muốn mà phải làm như tản cư, nộp thuế, những việc ấy phải giải thích cho dân rõ. Phải tôn kính dân, phải làm cho dân tin, phải làm gương cho dân. Muốn cho dân phục phải được dân tin, muốn cho dân tin phải thanh khiết”(8).

Bốn là, kiên quyết phê phán và tránh những nhận thức và hành động sai lầm như: xem khinh công tác dân vận; xa rời dân, không hiểu biết dân; chỉ dùng mệnh lệnh, thậm chí ép uổng, cưỡng bức, bắt bớ, không biết tuyên truyền, cổ động.  Đó cũng chính là xóa bỏ bệnh quan liêu, mệnh lệnh, lạm quyền mà cán bộ chính quyền dễ mắc phải. Người chỉ ra: “Khuyết điểm to ở nhiều nơi là xem khinh việc dân vận. Cử ra một ban hoặc vài người, mà thường cử những cán bộ kém rồi bỏ mặc họ. Vận được thì tốt, vận không được cũng mặc. Những cán bộ khác không trông nom, giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm dân vận. Đó là sai lầm rất to, rất có hại”(9).

Năm là, phương thức dân vận chính quyền chủ yếu phải dựa vào quần chúng nhân dân, đi đúng đường lối quần chúng. Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc nhở: “Muốn có kết quả thắng lợi, ắt phải dựa vào quần chúng”(10), “Trong mọi việc đều phải dựa vào quần chúng”(11), “Phải dựa vào quần chúng mà phát động mọi phong trào sản xuất, chiến đấu. Phải làm cho quần chúng luôn luôn phấn khởi, tin tưởng”(12). Theo Hồ Chí Minh, công tác dân vận không thể dùng mệnh lệnh, chỉ thị… mà: “Cán bộ chính quyền và cán bộ Đoàn thể địa phương phải cùng nhau bàn tính kỹ càng, cùng nhau chia công rõ rệt, rồi cùng nhau đi giải thích cho dân hiểu, cổ động dân, giúp dân đặt kế hoạch, tổ chức nhân công, sắp xếp việc làm, khuyến khích, đôn đốc, theo dõi, giúp đỡ dân giải quyết những điều khó khăn…”(13).

Sáu là,dân vận chính quyền phải là một quy trình gồm những thao tác cụ thể và khoa học. “Dân vận không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ. Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được. Điểm thứ hai là bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành. Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân. Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”(14).

Bảy là,sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ của chính quyền là hết sức quan trọng. Người khẳng định:“ Những hội viên các đoàn thể thì phải xung phong thi đua làm, để làm kiểu mẫu cho dân, giúp dân làm”(15).

2. Thực hiện dân vận chính quyền theo hướng xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân

Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trình độ trí tuệ và trách nhiệm với công tác dân vận của cán bộ, công chức

Nghị quyết Trung ương 7khóa XIvề tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”chỉ rõ: “Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Trong đó, Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận, đoàn thể làm tham mưu và nòng cốt”(16). Như vậy, mỗi cán bộ, công chức chính quyền cần tu dưỡng, rèn luyện phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”(17). Đồng thời, cần quán triệt và thực hiện tốt phương châm “ba không, ba nên” và “ba cần” khi tiếp xúc với dân: “ba không”(không gây phiền hà với dân; không thờ ơ, thiếu trách nhiệm công việc với dân; không nhận hối lộ, sách nhiễu, tham nhũng dân); “ba nên”(nên vui vẻ khi tiếp xúc, phục vụ dân; nên xin lỗi dân khi thấy thiếu sót; nên cảm ơn khi dân góp ý, phê bình); “ba cần”(cần gần dân và sát cơ sở; cần học hỏi và lắng nghe ý kiến dân; cần vận động dân cùng lo và cùng làm) trong quá trình thực thi công vụ và dân vận. Đồng thời, cán bộ, công chức phải nêu gương sáng về tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng, năng lực công tác và học tập. Cán bộ có chức quyền càng cao càng phải nêu gương trước, càng phải tiên phong gương mẫu cho cán bộ cấp dưới và công chức noi theo.

Thứ hai, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức dân vận chính quyền các cấp

Đổi mới nội dung công tác dân vận chính quyền theo hướng thực hiện đúng nhiệm vụ tổ chức thực hiện trong công tác dân vận, không chồng chéo, trùng lắp với công tác dận vận của Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội. Nội dung vận động nhân dân càng chi tiết, cụ thể, thiết thực thì nhân dân càng dễ tiếp nhận và tích cực tham gia thực hiện. Dân vận chính quyền cần hướng vào giải quyết những vấn đề cụ thể, thiết thực hằng ngày của nhân dân như: giải quyết công ăn việc làm, xóa đói, giảm nghèo; hỗ trợ vốn và vật tư sản xuất kinh doanh; hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; bồi thường giải phóng mặt bằng; chuyển giao tiến bộ khoa học – công nghệ trong sản xuất kinh doanh; vệ sinh môi trường; an toàn thực phẩm; chăm lo đời sống văn hóa cơ sở; thụ hưởng các dịch vụ y tế và giáo dục; phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tệ nạn xã hội…

Đổi mới phương thức công tác dân vận của chính quyền các cấp cần chú trọng: Đổi mới quy trình xây dựng, thực hiện chương trình, kế hoạch của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân trên cơ sở nền tảng “dân là gốc, vì lợi ích của nhân dân”; Đẩy mạnh cải cách hành chính, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp; Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tiếp dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân; tăng cường đối thoại trực tiếp với nhân dân để giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân; Tiếp tục thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; Xây dựng và thực hiện tốt cơ chế và tạo điều kiện để nhân dân tham gia xây dựng chính quyền; Kiện toàn các ban chỉ đạo triển khai các chương trình, kế hoạch công tác của chính quyền theo hướng đề cao công tác dân vận; Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan chính quyền đối với công tác dân vận; Tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong công tác dân vận.

Thứ ba, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra giám sát của cấp uỷ đảng, sự phối hợp chặt chẽ trong hoạt động giữa chính quyền với Mặt trận và các đoàn thể trong công tác dân vận

Các cấp ủy cần tăng cường lãnh đạo công tác dân vận chính quyền cùng cấp sao cho phù hợp với điều kiện cụ thể và đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của đảng bộ; cần chỉ đạo việc sơ kết, tổng kết công tác dân vận chính quyền, rút kinh nghiệm; đồng thời tăng cường chỉ đạo, giúp đỡ chính quyền đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận.

Các Ban dân vận, Ban tổ chức, Ban tuyên giáo cần tăng cường tham mưu chính quyền về xác định nội dung, phương thức dân vận và bồi dưỡng nghiệp vụ công tác dân vận cho cán bộ, công chức; phổ biến kinh nghiệm công tác dân vận cho cán bộ lãnh đạo, quản lý chính quyền; tham mưu xây dựng, củng cố tổ chức làm công tác dân vận đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cần tăng cường phối hợp với chính quyền trong công tác dân vận, nhất là về đổi mới nội dung, phương thức dân vận; trao đổi, phổ biến kinh nghiệm; xây dựng, duy trì các phong trào cách mạng trong nhân dân, xây dựng điển hình tiến tiến. 

Thứ tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai, minh bạch trong các hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền

Bố trí nơi tiếp dân nghiêm túc, chu đáo, có lịch tiếp dân cụ thể, có hòm thư tiếp nhận ý kiến của dân, phải phân công cán bộ lãnh đạo tiếp dân. Khi tiếp dân, cán bộ phải giải quyết các công việc của dân một cách rõ ràng.

Hoạt động của các cơ quan chính quyền, và của các cán bộ, công chức được bố trí, tổ chức theo hướng công khai, minh bạch: từng bước hoàn thiện mô hình hành chính một cửa; phải niêm yết công khai thủ tục hành chính, mẫu đơn từng loại việc, phí và lệ phí từng loại việc hành chính theo quy định; quy trình thời gian giải quyết công việc…

Trong giải quyết công việc của dân, cán bộ, công chức phải thực hiện theo hai chuẩn mực: đúng pháp luật và có lợi cho dân. Việc tiếp nhận và giải quyết công việc của dân phải bảo đảm đúng quy định của pháp luật, theo hướng nhanh nhất, thuận tiện nhất và không gây phiền hà cho dân; cán bộ công chức có thẩm quyền mới được tiếp nhận và giải quyết công việc của dân; không được đùn đẩy, thoái thác trách nhiệm. Những việc có quy định thời gian giải quyết, phải bảo đảm đúng. Trường hợp cần thêm thời gian giải quyết vì việc phức tạp, phải thông báo cho dân biết và gia hạn thời gian cụ thể, và chỉ gia hạn một lần duy nhất. Cần xử lý nghiêm các cán bộ, công chức, viên chức thiếu trách nhiệm, sách nhiễu, gây phiền hà cho dân trong giải quyết công việc.

Khi tiếp xúc với dân, cán bộ, công chức, viên chức phải lịch sự, hòa nhã, thể hiện nếp sống văn minh, tôn trọng nhân dân.

Cần đổi mới tác phong, lề lối làm việc, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, rà soát, đề xuất bãi bỏ những thủ tục hành chính rườm rà gây phiền hà cho nhân dân gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở theo hướng ngày càng sát dân, tôn trọng ý kiến của nhân dân với phương châm “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, tạo điều kiện để nhân dân tham gia hoạt động kiểm tra, giám sát, kịp thời giải quyết những yêu cầu chính đáng của nhân dân.

Thứ năm, tăng cường cơ sở vật chất phục vụ công tác dân vận chính quyền

Hằng năm, các cấp chính quyền cần quan tâm đầu tư các trang thiết bị phục vụ công tác dân vận, tạo điều kiện thuận lợi để công tác dân vận chính quyền đạt kết quả tốt hơn.

Cần cân đối nguồn lực tài chính khi triển khai thực hiện các chương trình, đề án liên quan đến công tác dân vận của chính quyền, vận động và khai thác tốt nguồn kinh phí từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để đầu tư trang thiết bị, đầu tư vào các đề án phát triển kinh tế – xã hội phục vụ cho công tác dân vận của chính quyền.

Chính quyền cần hỗ trợ kinh phí kịp thời, thỏa đáng cho ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; tạo điều kiện thuận lợi, nhất là về kinh phí cho Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội hoạt động.

Chính quyền cần nâng cấp và hiện đại hóa các phương tiện hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ thông tin, truyền thông và bảo đảm kinh phí cho các đơn vị này hoạt động hiệu quả.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2016

(1), (2), (6), (9), (13), (14), (15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.234, 233, 440, 234, 234, 233-234, 232.

(3), (4), (7), (8) Sđd, t.5, 2011, tr.167, 460, 81, 69.

(5) Sđd, t.4, 2011, tr.21.

(10) Sđd, t.9, 2011, tr.511.

(11) Sđd, t.10, 2011, tr.309.

(12) Sđd, t.15, 2011, tr.279.

(16), (17) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.41, 46.

 

TS Lâm Quốc Tuấn

Viện Xây dựng Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

 

CÁC TIN BÀI KHÁC:

Xem tin theo ngày

Ngày