Lý giải bí ẩn liên quan đến ánh sáng rực rỡ của sao Kim

Nguyễn Hạnh

  –  

Thứ năm, 15/07/2021 18:04 (GMT+7)

Các nhà khoa học tiết lộ rằng khoảng cách và mức độ phản xạ ánh sáng là những yếu tố khiến cho ánh sáng của sao Kim vượt trội hơn tất cả thiên thể khác trên bầu trời đêm, ngoại trừ Mặt trăng, khi quan sát từ Trái đất.

Lý giải bí ẩn liên quan đến ánh sáng rực rỡ của sao KimKhoảng cách giữa sao Kim (Venus) và Trái đất chính là yếu tố then chốt khiến sao Kim trông sáng và to khi nhìn từ Trái đất. Ảnh: AFP

Theo Science Times, độ sáng của sao Hỏa lẫn sao Mộc đều không thể so sánh với độ sáng của sao Kim khi nhìn từ Trái đất, ngay cả khi hành tinh này mờ nhạt nhất.

Khoảng cách giữa sao Kim và Trái đất chính là yếu tố then chốt khiến sao Kim trông sáng và to khi nhìn từ Trái đất. Sao Kim chỉ cách Trái đất khoảng 41 triệu km khi nó ở gần Trái đất nhất, gần hơn bất kỳ hành tinh nào khác trong Hệ Mặt trời. Và khi nó ở xa nhất, nó cũng chỉ cách Trái đất khoảng 261 triệu km.

Nhưng đó không phải là lý do duy nhất khiến nó trông rất sáng. Các nhà thiên văn học sử dụng thuật ngữ albedo để mô tả độ sáng của một hành tinh. Khi ánh sáng Mặt trời chiếu đến sao Kim, một số phần ánh sáng sẽ được bầu khí quyển hoặc bề mặt của sao Kim hấp thụ và một phần bị phản xạ lại. Albedo là tỉ lệ giữa bao nhiêu ánh sáng được hấp thụ và bao nhiêu được phản chiếu.

Sao Kim là hành tinh có albedo cao nhất trong Hệ Mặt trời. Nó có gần 0,7 albedo, nghĩa là nó phản chiếu khoảng 70% ánh sáng Mặt trời chiếu vào nó. Ngay cả Mặt trăng cũng chỉ phản xạ 10% ánh sáng Mặt trời, nhưng vì Mặt trăng ở gần Trái đất hơn nên độ sáng của nó không bị lấn át bởi sao Kim.

Các nhà khoa học giải thích, sao Kim được bao phủ bởi những đám mây chứa các giọt axit sunfuric và các tinh thể axit, điều đó cho phép ánh sáng phản xạ dễ dàng và làm cho sao Kim trông sáng rực rỡ.

Tuy nhiên, sao Kim không phải là vật thể phản chiếu nhiều ánh sáng nhất trong Hệ Mặt trời. Vị trí số một thuộc về mặt trăng Enceladus của sao Thổ, phản chiếu 90% ánh sáng Mặt trời chiếu vào nó.