Lý do yêu thương không phải là cảm xúc dễ chịu

LÝ DO YÊU THƯƠNG KHÔNG PHẢI LÀ CẢM XÚC DỄ CHỊU

Tôi phải thú nhận. Tôi thực sự không thích Terence (dĩ nhiên không thể tiết lộ tên thật của anh ta). Tôi không thích cách anh đi đứng hay nói chuyện. Tôi không thể chịu được cách anh đi lại vênh vang, vung tay một cách ngạo nghễ, nhìn ngang ngó dọc như thể anh điều hành cả nhà thờ. Tôi không thích cách anh nói như thể anh biết rõ hơn bất cứ ai trong nhóm. Thậm chí những câu hỏi của anh cũng đầy vẻ trịch thượng, câu trả lời của chúng tôi không bao giờ có thể làm anh hài lòng hoàn toàn. Có chăng, anh sẽ gật đầu như muốn nói: “Đó không phải là câu trả lời tốt nhất, nhưng tôi có thể làm gì khác.”

Và tôi phải quan tâm anh. Với tư cách là tân trưởng nhóm, nhiệm vụ của tôi là giúp đỡ anh trong bước đường theo Chúa. Vâng, thưa Chúa, nhưng Ngài biết đấy, con không thích anh ta.

Thật khó để dung hòa giữa nhiệm vụ và cảm xúc. Tôi đã rất bối rối trong vai trò mới này, không biết làm sao để hành động giống như một trưởng nhóm và làm cách nào để khuyên bảo, động viên và quan tâm những người khác. May mắn thay, hầu hết các thành viên đều rất nhiệt tình và hợp tác. Họ lắng nghe và cố gắng lấp đầy khoảng trống. Ngoại trừ Terence.

Điều này diễn ra trong nhiều tháng. Tôi đã cố gắng kiềm chế cảm xúc mỗi khi nói chuyện với Terence và tỏ ra khích lệ trong những cuộc thảo luận. Khi ai đó khen ngợi anh, tôi sẽ đồng ý. Khi Terence không đồng ý với tôi về điều gì đó, tôi sẽ nói rằng: “Thôi được rồi, anh có lý”. Nhưng sau đó, tôi sẽ cáu gắt và phàn nàn với vợ tôi: “Em có thấy vẻ mặt anh ta không? Anh ta nghĩ mình là ai? Thật trẻ trâu”.

Tôi cũng phàn nàn với người lãnh đạo chung của nhóm. Nhưng anh ấy có vẻ không đồng ý với quan điểm của tôi. Anh ấy nghĩ Terence có tiềm năng, mặc dù hiểu tại sao tôi lại nói những điều như vậy về Terence. Anh ấy bảo tôi: “Hãy cho Terence một cơ hội”. Và thế là tôi liền nói với vợ: “Sao anh ta có thể mù quáng như thế? Anh ta không nhìn thấy con người thật của Terence ư?”

Khi Terence gây ra vấn đề gì đó với các thành viên trong nhóm, điều đó dường như minh chứng cho quan điểm của tôi. Nhưng tôi biết rằng mình phải làm công việc của một trưởng nhóm: khoan dung cho những điều vô lý anh ta làm, tiếp tục quan tâm và yêu mến anh ta như một người anh em trong Đấng Christ. Bạn nói đùa phải không? Yêu thương anh ta à? Tại sao? Tôi còn không thể chịu nổi anh ta!

Yêu thương… là một sự lựa chọn

Khi tôi tiếp tục đấu tranh với cảm xúc của mình, người lãnh đạo sau đó đã nói những lời khiến tôi xúc động. “Em được kêu gọi để yêu thương bạn ấy, không phải để thích bạn ấy”. Nhiệm vụ của em là ở bên cạnh khi bạn ấy cần giúp đỡ hay cần một người lắng nghe. Em không cần phải lúc nào cũng thích bạn ấy”.

À! Vậy thì tôi có thể làm được. Tôi đoán mình có thể tiếp tục chịu đựng thái độ của Terence và chỉ tập trung vào công việc của một trưởng nhóm nên làm. Tôi đã sẵn sàng kiểm soát những điều tôi làm hơn là những điều tôi cảm thấy.

Nhưng mà điều đó có vẻ không ổn lắm – “Này anh bạn, tôi không thể chịu được bạn, nhưng mà tôi yêu bạn.” Tôi vẫn phán xét Terence, đồng thời cũng giúp đỡ anh. Tôi cảm thấy mình thật là đạo đức giả. Tôi là kiểu lãnh đạo nào? Thật sự thì tôi là kiểu Cơ Đốc nhân nào?

Khi suy nghĩ về vấn đề này, tôi bắt đầu cảm thấy được an ủi trong bài học tôi vừa học được: Tình yêu thương không phải là cảm xúc mà là sự lựa chọn có ý thức, là hành động có sự cân nhắc của ý chí. Chúng ta không yêu người khác đơn giản là để phát triển tình cảm ủy mị ấm áp, mà là đưa ra quyết định quan tâm người đó, nghĩ đến điều tốt nhất cho họ. Chúng ta chọn yêu thương – một cam kết và quyết tâm được cân nhắc thận trọng, bao gồm hành động, sự nỗ lực và đôi khi cả sự hy sinh.

Tôi nghĩ có lẽ đó cũng là cách Chúa yêu. Đó là lý do tại sao Ngài có thể tiếp tục yêu thương chúng ta, dù Ngài nhìn thấy bản chất tội lỗi, tính cách đáng buồn đầy nhơ bẩn và những lần cố ý phạm tội của chúng ta. Khi tạo dựng A-đam và Ê-va, Chúa không nhìn họ và nghĩ rằng “chúng thật dễ thương nên ta yêu chúng!”. Không phải như vậy, Ngài chọn yêu chúng ta khi tạo dựng nên chúng ta, dù Ngài biết rằng con người sẽ quay lại chống đối Ngài. Cũng vì tình yêu đó mà Ngài đã hy sinh Con Một của mình để kéo chúng ta trở lại với Ngài.

Yêu thương… là hành động

Tất cả chúng ta đã nhiều lần nghe bài giảng nổi tiếng về tình yêu trong phân đoạn I Cô-rinh-tô 13. Phân đoạn này thường được giảng trong hôn lễ, điều trớ trêu thay, bài giảng thường tập trung vào khía cạnh tình cảm nồng nhiệt của sự kết hiệp trong hôn nhân.

Có bao giờ bạn để ý tất cả những mô tả về tình yêu là nói về hành động không? (Tóm tắt nhanh: Tình yêu thương hay nhịn nhục/ nhân từ, không kiêu ngạo/không khoe mình/ không nóng giận. Tình yêu thương vui trong lẽ thật/bảo vệ/ tin mọi sự/trông cậy mọi sự/ nín chịu mọi sự, và tình yêu thương chẳng ghen tị/ chẳng khoe mình/ chẳng lên mình kiêu ngạo/ chẳng làm điều trái phép/ chẳng vui về điều không công bình). Không một từ nào nói về cảm xúc của tình yêu.

Chúa Jêsus giải thích về ý nghĩa của việc yêu thương người lân cận (Lu-ca 10:25-37), người Samari nhơn lành được mô tả là thể hiện tình yêu thương một cách chân thành, thiết thực. Ông không chỉ cảm thấy thương cảm, rồi nói “Tôi hiểu cảm giác của anh” và bước đi. Nhưng ông đã băng bó vết thương cho người bị nạn, đưa đến quán trọ và nhờ người chăm sóc chu đáo.

Và khi Chúa Jêsus hỏi Phi-e-rơ liệu ông có yêu Ngài không (Giăng 21:15-17), Ngài bảo môn đồ này hãy chăn những chiên con của Ngài. Tình yêu Phi-e-rơ dành cho Chúa được thể hiện bằng việc ông yêu thương và chăm sóc những người Chúa yêu. Tình yêu của Chúa Jêsus dành cho chúng ta được thể hiện theo một cách tối thượng, khi Ngài hy sinh chính thân mình vì chúng ta.

Đúng vậy, tình yêu là một hành động. Không còn nghi ngờ gì nữa, tôi sẽ phải đối diện với thái độ phán xét của mình dành cho Terence – chắc chắn Chúa Jêsus không muốn tôi nuôi dưỡng những cảm xúc như vậy. Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi phải phân loại những cảm xúc đó trước khi bắt đầu yêu thương anh ấy như một người anh em trong Đấng Christ. Tôi vẫn có thể yêu anh ấy bằng cách quan tâm, sẵn sàng giúp đỡ khi anh ấy cần.

Trong khi đó, tôi biết rằng tôi nên cầu nguyện cho vấn đề này, cầu xin Chúa thay đổi tấm lòng thiếu bao dung của tôi, để có thể nhìn Terence như cách Chúa nhìn anh ấy, cũng như cầu xin Ngài ban cho sức mạnh để yêu thương cách hết lòng. Dù tôi sẵn sàng thay đổi, nhưng tôi không thể làm được nếu chỉ dựa trên sức mình.

Tình yêu… là duy trì mối quan hệ dù điều gì xảy ra

Khi quyết định yêu thương với sự cân nhắc kỹ càng, mối quan hệ của chúng ta sẽ có một ý nghĩa mới và mạnh mẽ. Tại sao? Vì những mối quan hệ này không còn phụ thuộc vào cách chúng ta cảm nhận về đối phương hoặc những gì đối phương nói hay làm. Tình yêu đó không bị mất đi bởi những cơn tức giận, oán trách, hành động sai trái. Tình yêu đó vô điều kiện.

Những mối quan hệ bền vững nhất được vun đắp từ tình yêu có sự cân nhắc kỹ càng của lý trí. Bạn còn nhớ câu chuyện về người cha có đứa con trai hoang đàng đã tiêu xài phung phí hết tài sản thừa kế? Khi người con trai trở về, người cha nhân từ vẫn sẵn sàng đón nhận anh ta, bởi tình yêu bao la mà ông không nhìn đến lỗi lầm của con mình (Luca 15:11-32). Tình yêu đó không phụ thuộc vào những việc người con trai làm hay nói.

Liệu mối quan hệ tình cảm của chúng ta có được tình yêu đó tiếp sức? Dĩ nhiên là có. Thông thường chúng ta bắt đầu với những cảm xúc lãng mạn, mơ hồ rồi tiến đến hôn nhân. Liệu những cảm xúc này có dựa trên cam kết mạnh mẽ để có thể tiếp tục yêu thương ngay cả khi có những rạn nứt xảy ra hoặc khi khuyết điểm bắt đầu xuất hiện? Liệu quyết định yêu thương có ý thức này có thể đưa cuộc hôn nhân vượt qua những khủng hoảng tồi tệ nhất không?

Điều gì khiến tình bạn chúng ta tiếp tục bền vững? Chúng ta có sẵn sàng tha thứ khi họ làm tổn thương mình không? Chúng ta sẽ ở đó với họ bất kể họ có nói hoặc làm gì? Liệu chúng ta có thể hy sinh lòng tự tôn, những tổn thương, tức giận để có thể giúp đỡ họ khi cần không?

Yêu thương… cuối cùng sẽ cảm nhận được

Nếu tôi nói thái độ đối với Terence đã thay đổi hoàn toàn là tôi nói dối. Nhưng tôi tin rằng sau khi đưa ra quyết định có chủ ý rằng tôi sẽ yêu thương và quan tâm anh ấy, tôi có thể gạt bỏ cảm xúc phán xét qua một bên và cố gắng nhìn vào những nhu cầu cần được giúp đỡ của anh ấy. Nhóm nhỏ đã phát triển và tôi không còn hoạt động trong đó nữa, vì vậy tôi chưa kiểm chứng được hoàn toàn. Terence cũng tiếp tục cuộc sống của anh ấy.

Tuy nhiên, tôi được nhắc nhở rằng cảm xúc phải bắt kịp với hành động của chúng ta. Mặc dù chúng ta có thể chọn yêu thương ai đó bằng ý chí, bất chấp những gì ta nghĩ về người đó, nhưng sự “mất cân bằng” này không nên kéo dài mãi – nếu không tình yêu sẽ trở thành thù hận. Đồng thời, khi tiếp tục vâng theo lời dạy của Chúa là yêu thương và thể hiện bằng hành động có sự kiểm soát của ý chí, thái độ chúng ta sẽ thay đổi theo thời gian. Giống như cách hành động trở thành thói quen và thói quen trở thành tính cách. Những nỗ lực dựa trên ý chí để yêu thương người khác, cuối cùng sẽ thay đổi và hình thành cảm xúc trong tim ta.

Sự thay đổi này đến bởi sự giúp đỡ thiên thượng. Chúng ta không thể yêu bằng sức riêng – trên thực tế tình yêu được miêu tả trong I Cô-rinh-tô 13 không thể đạt được nếu không được Chúa ban cho một tấm lòng mới. Khi chúng ta tiếp tục vâng theo lời Ngài yêu thương người khác, Ngài sẽ thay đổi tấm lòng, ban cho ta tình yêu thương và lòng trắc ẩn như cách Ngài yêu chúng ta.

Vậy đây là thử thách dành cho tôi: Để Chúa làm việc trên đời sống và ban cho một tấm lòng mới, tôi cần tiếp tục thể hiện tình yêu thương người lân cận, lựa chọn có ý thức để thể hiện tình thương qua lời nói và hành động. Bạn sẽ tham gia cùng tôi chứ?

Về tác giả Leslie Koh

Sau nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, Leslie cuối cùng quyết định thay đổi công việc từ viết tin xấu sang viết tin tức tốt lành. Anh tin vào năng lực của lời nói (đặc biệt là lời nói hài hước). Anh đang phục vụ trong vai trò biên tập viên cho Our Daily Bread Ministries.

Chuyển ngữ: Huỳnh Kiên

Biên tập: ODB Việt Nam

Nguồn: https://ymi.today/2016/02/why-love-isnt-a-good-feeling/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/