Lý do cựu Tổng giám đốc Gang thép Thái Nguyên kháng án

Ông Trần Trọng Mừng muốn dùng 2 bất động sản tại Hà Nội để nộp khắc phục số tiền 130 tỷ đồng mà tòa sơ thẩm buộc bị cáo phải bồi thường trong vụ án ở TISCO.

Chiều 9/11, ông Trần Trọng Mừng (cựu Tổng giám đốc Công ty Gang thép Thái Nguyên – TISCO) là người đầu tiên trình bày lý do kháng cáo trong phiên xét xử phúc thẩm vụ án xảy ra tại đơn vị này.

Theo bản án sơ thẩm, TISCO là chủ đầu tư dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên. Khi nhà thầu là Tập đoàn MCC (Trung Quốc) vi phạm hợp đồng, ông Mừng không chỉ đạo chấm dứt hợp đồng, thu hồi tiền tạm ứng và báo cáo việc hủy đấu thầu.

Bị cáo còn chấp thuận cho Tổng công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) làm nhà thầu phụ dù không đủ năng lực. Hậu quả, dự án quá thời hạn gần 10 năm nhưng chưa hoàn thành, gây thất thoát hơn 830 tỷ đồng.

Xet xu vu Gang thep Thai Nguyen anh 1

Ông Mừng xin giảm án và giảm mức bồi thường 130 tỷ. Ảnh: N.H.

Trình bày tại tòa phúc thẩm, ông Mừng đề nghị HĐXX xem xét vai trò của bị cáo tại dự án ở TISCO. Cựu tổng giám đốc công ty cho rằng sau khi mình nghỉ hưu, dự án vẫn tiếp tục được thực hiện.

Theo bị cáo, quá trình triển khai dự án, thấy MCC chậm tiến độ và vi phạm hợp đồng, TISCO đã gửi văn bản gửi kiến nghị Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS) và Bộ Công Thương tìm nhà thầu thay thế và xem xét kiện ra toà án quốc tế nếu MCC không hoàn thành tiến độ. Tuy nhiên, VNS không có ý kiến phản hồi.

“Về nhiệm vụ được giao, bị cáo chỉ có quyền đề xuất, không thể quyết định việc dừng hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc”, ông Mừng nói và nhiều lần nhắc lại rằng bị cáo thực hiện các công việc tại dự án Gang thép Thái Nguyên theo chỉ đạo, báo cáo cấp trên rồi mới làm.

Về trách nhiệm dân sự, ông Mừng thừa nhận chưa bồi thường được đồng nào trong số tiền 130 tỷ cấp sơ thẩm buộc phải khắc phục. Tuy nhiên, cựu Tổng giám đốc TISCO kiến nghị tòa kê biên 2 bất động sản ở huyện Thạch Thất và quận Thanh Xuân, Hà Nội, để khắc phục hậu quả.

Xet xu vu Gang thep Thai Nguyen anh 2

Bị cáo Lê Thị Tuyết Lan. Ảnh: N.H.

Cùng có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, 10 bị cáo còn lại trình bày các lý do về nhân thân, tình trạng sức khỏe yếu, số tiền đã nộp khắc phục hậu quả để làm căn cứ xin giảm nhẹ hình phạt và miễn, giảm mức bồi thường dân sự.

Trong đó, bị cáo Đặng Văn Tập (cựu Phó giám đốc Thường trực Ban quản lý dự án TISCO) thừa nhận sai phạm nhưng cho rằng tòa sơ thẩm tuyên 7 năm tù “là quá nặng”. Theo ông này, các bị cáo tại TISCO đều làm theo quyết định của cấp trên.

Bà Lê Thị Tuyết Lan (cựu Phó phòng Kế toán TISCO, lĩnh 2 năm tù) cũng cho rằng mình và nhiều bị cáo trong vụ án chỉ thực hiện công việc chuyên môn. “Chúng tôi không tham mưu, đề xuất bất kỳ vấn đề gì dẫn tới sai phạm”, bà Lan nói và mong muốn tòa phúc thẩm xem xét.

Ngày mai (10/11), HĐXX cùng đại diện VKSND và nhóm luật sư tiếp tục thẩm vấn các bị cáo.

Theo tòa sơ thẩm, đơn vị trúng thầu là Tập đoàn MCC (Trung Quốc) vi phạm hợp đồng nên chưa hoàn thành dự án. Sau khi MCC rút hết nhân lực về nước và nhiều lần đề nghị tăng giá hợp đồng, các bị cáo Mai Văn Tinh (cựu Chủ tịch HĐQT VNS) và Trần Trọng Mừng không chỉ đạo chấm dứt hợp đồng, thu hồi tiền tạm ứng và báo cáo việc hủy đấu thầu. Hai bị cáo đã chỉ đạo thực hiện các hành vi phạm pháp luật về đầu tư, vi phạm hợp đồng EPC.

Hậu quả, dự án quá thời hạn gần 10 năm nhưng vẫn chưa hoàn thành. Việc chậm tiến độ làm phát sinh lãi vay và tăng chi phí đầu tư, gây thất thoát hơn 830 tỷ đồng.

Cấp sơ thẩm cũng kiến nghị xem xét hành vi của bộ chủ quản của VNS và TISCO là Bộ Công Thương. Theo phán quyết, Bộ Công Thương đã ra quyết định và đề ra chủ trương không đúng quy định của pháp luật liên quan dự án.