Lượng người tự phát về Kiên Giang đã giảm 90%
Trưa 7/10, đã có khoảng 34.000 người lao động về quê do mất việc, tỉnh Kiên Giang huy động tối đa nguồn lực chống dịch và chăm lo cho người dân.
Huy động tối đa nguồn lực chống dịch
Ngày 7/10, theo thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Kiên Giang, hiện nay người dân từ TP.HCM và các tỉnh trở về Kiên Giang đã lên đến 34.000 người và số lượng sẽ tiếp tục tăng vào những ngày tới – dự kiến lên khoảng 40.000 – 45.000 người.
Tuy nhiên hôm nay – 7/10, lượng người về đã có xu hướng giảm. “Những ngày trước bình quân 4.000 người về, còn từ sáng đến giờ chỉ còn khoảng 400 người (tức giảm 90%)”, ông Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Ban Tuyên giáo, thành viên Bna Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Kiên Giang nhận xét.
Người dân vào tỉnh từ tất cả các cửa ngõ, nhưng tập trung đông nhất là trên QL80 (đoạn thuộc huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang, giáp ranh với TP Cần Thơ) và tại cầu Cái Tư (huyện Gò Quao, giáp ranh với tỉnh Hậu Giang).
Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang – Đỗ Thanh Bình trực tiếp kiểm tra địa bàn cửa ngõ Kênh B (huyện Tân Hiệp) được xem là điểm “nóng” do số người dân về quê tăng đột biến trong những ngày qua.
Qua thống kê sơ bộ (từ ngày 1 – 6/8), địa phuơng có số lượng người lao động về đông nhất là huyện Giồng Riềng với 6.000 người, kế đến là huyện Gò Quao 5.000, An Biên 2.000, Hòn Đất 2.000 người…
Do tình hình người dân mỗi ngày dồn dập vào các cửa ngõ, nên tỉnh Kiên Giang phải huy động khoảng 4.000 nhân sự, bao gồm: công an, quân sự, đoàn thanh niên, y tế, tài xế và gần 200 phương tiện cơ giới, xe cứu thương nhằm đáp ứng kịp thời nhiệm vụ, đảm bảo nhanh chóng, thần tốc, an toàn phòng, chống dịch Covid-19 cho người dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang – Lâm Minh Thành chỉ đạo cả hệ thống chính trị phải tập trung nguồn lực nhà nước, nguồn lực xã hội để cùng chung tay giải quyết tốt vấn đề người lao động trở về.
“Các lực lượng địa phương phải chủ động đón tiếp, xây dựng phương án. Đồng thời, dự trù những vấn đề phát sinh để có kế hoạch giải quyết kịp thời phù hợp, tăng cường công tác an sinh xã hội không để người dân thiếu đói, bị tổn thương. Đặc biệt, đối với người già, phụ nữ mang thai và trẻ em…”, ông Thành nhấn mạnh.
Kiên Giang tổ chức đón gần 400 người lao động mất việc từ TP.HCM và các tỉnh lân cận về quê vào ngày 6/8.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cũng yêu cầu các địa phương phải thành lập các tổ, đội lưu động để theo dõi sức khỏe của người trở về từ TP.HCM đang thực hiện cách ly y tế tại nhà trên địa bàn mình.
“Chủ động “4 tại chỗ”, huy động tối đa nguồn lực tại chỗ, các tổ chức cá nhân tại chỗ để chăm lo cho người dân từ các tỉnh, TP về quê sớm ổn định cuộc sống”, ông Thành nói.
Giám sát chặt chẽ người cách ly tại nhà
Theo phương án “3 cấp”, người dân về đến cửa ngõ tỉnh Kiên Giang được tập kết khai báo y tế, lập danh sách với đầy đủ thông tin cá nhân và lấy mẫu xét nghiệm nhanh Covid-19.
Các trường hợp dương tính sẽ được đưa vào Trung tâm Thu dung điều trị Covid-19 bằng xe chuyên dùng. Các trường hợp âm tính được phân loại, từng địa phương bố trí lực lượng đến tiếp nhận, chức phưng tiện dẫn đường đưa công dân về đến điểm tập trung tạm thời của huyện, thành phố đó.
Tại đây, Tổ công tác sẽ hướng dẫn công dân các quy định cách ly y tế tại nhà và thông báo các xã, phường đến tiếp nhận và đưa công dân về địa phương mình rồi bàn giao xuống ấp, khu phố.
Đối với các trường hợp không đủ điều kiện cách ly tại nhà được bố trí đưa vào khu cách ly tập trung của huyện, TP.
Lực lượng CSGT Công an huyện Tân Hiệp đưa người lao động về quê tự phát bàn giao cho địa phương kiểm soát, quản lý phòng, chống dịch Covid-19.
Theo ông Hà Văn Phúc – Giám đốc Sở Y tế, Phó Chỉ huy phòng, chống dịch bệnh Covid -19 tỉnh Kiên Giang, Trung tâm Chỉ huy đã có các bước hướng dẫn cụ thể công tác phòng, chống dịch đối với người về từ địa phương khác.
Cụ thể, người đã tiêm đủ 2 liều vaccine (ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng) hoặc F0 khỏi bệnh không quá 6 tháng sẽ được cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú 7 ngày.
“Trong thời gian cách ly, thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên vào ngày đầu, ngày thứ 3 và bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 7 và theo dõi sức khỏe 7 ngày tiếp theo”, ông Phúc thông tin.
Cũng theo ông Phúc, đối với trường hợp chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ liều hoặc tiêm đủ liều nhưng chưa đủ 14 ngày hoặc quá 12 tháng, người nhiễm F0 khỏi bệnh quá 6 tháng phải cách ly tại nhà nơi lưu trú 14 ngày.
“Những người này phải thực hiên xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên vào ngày đầu, ngày thứ 3 và bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 7 và ngày thứ 14. Sau đó tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 14 ngày tiếp theo”, ông Phúc thông tin thêm.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang – Lâm Minh Thành chia sẻ: “Cảnh người dân từ TP.HCM và các tỉnh bồng bế, dìu dắt về quê, trong đó có rất nhiều người già, phụ nữ mang thai trẻ em, rất thương cảm. Tỉnh sẽ huy động tối đa mọi nguồn lực kinh tế Nhà nước, các mạnh thường quân hỗ trợ chăm lo cho người dân tốt nhất, không để một ai thiệt thòi, thiếu đói hay bị bỏ lại phía sau. ..
Trong vòng 1 tháng qua, tỉnh Kiên Giang đã đón 2 đợt khoảng 1.000 người dân có đăng ký thường trú trên địa bàn tỉnh về quê. Trong đó, ưu tiên người già, phụ nữ mang thai, trẻ em, người có bệnh nền và tỉnh cũng tiếp tục thông báo đăng ký bà con nào có nguyện vọng về quê sẽ đón tiếp đợt 3 vào những ngày tới.