Lục Ngạn: Xây dựng kế hoạch tiêu thụ vải thiều năm 2021 | KHUYẾN CÔNG BẮC GIANG
Nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, các thành phần kinh tế, thương nhân, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện tham gia thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều trên địa bàn huyện năm 2021.
Năm nay, diện tích vải thiều của huyện Lục Ngạn là 15,450 nghìn ha, sản lượng ước đạt trên 120.000tấn (trong đó vải chín sớm khoảng 30.000tấn); thời gian thu hoạch bắt đầu từ khoảng 20/5 đến 20/7/2021( vải chín sơm bắt đầu thu hoạch từ 20/5; vải thiều chính vụ từ 10/6). Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, chế biến và tiêu thụ vải thiều, UBND huyện xây dựng kế hoạch thực hiện các biện pháp hỗ trợ nhân dân thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều năm 2021
Để hỗ trợ nhân dân sản xuất, tiêu thụ vải thiều thuận lợi, ngay từ đầu vụ, UBND huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn tập trung hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, nâng cao chất lượng sản phẩm. Quản lý chặt chẽ và duy trì sản xuất 81 mã số vùng trồng vải xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU và Nhật Bản.
Tổ chức cho các hộ tham gia vùng sản xuất vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản ký cam kết thực hiện đúng hướng dẫn, khuyến cáo của cơ quan chức năng về sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thời gian cách ly.
Đặc biệt, UBND huyện Lục Ngạn đã xây dựng 2 kịch bản (phương án) tiêu thụ vải thiều, bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.
Phương án 1, nếu tình hình dịch bệnh trong nước vẫn còn nhưng được kiểm soát, các hoạt động giao thương trở lại bình thường, hình thức tiêu thụ vải tươi tại thị trường nội địa sẽ tập trung vào các trung tâm thương mại, chợ đầu mối lớn, các tập đoàn bán lẻ tại hệ thống siêu thị và sàn giao dịch thương mại điện tử đặc sản Lục Ngạn dacsanlucngan.com…trên các trang mạng xã hội bằng thông tin trên mạng điện thoại di động về thời gian thu hoạch vải thiều tại huyện Lục Ngạn.
Phương án 2, trong điều kiện, tình hình dịch bệnh trong nước tiếp tục diễn ra phức tạp, dự kiến sẽ có 95 nghìn tấn vải thiều tươi được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Còn lại 25 nghìn tấn sẽ được sấy khô, bảo quản lạnh, ép nước và chế biến khác.
Cùng đó, huyện quan tâm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và một số thị trường khác như: Australia, Singapo, Pháp, Mỹ, Anh, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á… Ngoài ra huyện cũng chú trọng chế biến vải thiều tại chỗ bằng các hình thức: Chế biến sấy khô, đóng hộp, ép nước…
Tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX, Thương nhân đón thương nhân Trung Quốc sang thu mua vải thiều trên cơ sở chấp hành các quy định về phòng chống dịch Covid-19 ( có phương án cách ly riêng). Tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu vải thiều vào các thị trường cao cấp khác nhằm mở rộng thị trường, tăng sức cạnh tranh.
Ngô Thảo – Trung tâm KC&XTTM