Luật nghĩa vụ quân sự là gì? Khái quát nội dung Luật nghĩa vụ quân sự?

Luật nghĩa vụ quân sự là gì? Nội dung chính của Luật Nghĩa vụ quân sự?

    Nghĩa vụ quân sự là được xác định là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Thực hiện nghĩa vụ quân sự là tham gia, đóng góp sức lực của mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước của Đảng và toàn dân. Để điều chỉnh hoạt động thực hiện nghĩa vụ quân sự, Quốc hội đã ban hành Luật Nghĩa vụ quân sự.

    1. Luật nghĩa vụ quân sự là gì?

    Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ về quốc phòng mà công dân cần thực hiện trong quân đội dưới hình thức phục vụ tại ngũ hoặc phục vụ trong ngạch dự bị nếu đáp ứng các điều kiện tuyển chọn quân theo quy định. Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ bắt buộc mà công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện.

    Luật nghĩa vụ quân sự là tổng hợp những quy định pháp luật điều chỉnh về nghĩa vụ quân sự; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân và chế độ, chính sách trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự.

    Theo Khoản 1 Điều 4 Luật nghĩa vụ quân sự 2015 ghi nhận:

    1. Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân.

    Luật Nghĩa vụ quân sự tiếng Anh là: “Law On Military Service”.

    Xem thêm: Luật sư tư vấn pháp luật nghĩa vụ quân sự đợt mới nhất năm 2021

    2. Nội dung chính của Luật nghĩa vụ quân sự:

    Về nghĩa vụ quân sự:

    Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định: Công dân không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú, trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật này. Công dân phục vụ trong lực lượng Cảnh sát biển và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân được coi là thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ

    Nghĩa vụ phục vụ tại ngũ: Công dân nam trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự có nghĩa vụ phục vụ tại ngũ trong Quân đội nhân dân; công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời bình nếu tự nguyện và quân đội có nhu cầu thì được phục vụ tại ngũ.(Điều 6)

    Công dân nam trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự có nghĩa vụ phục vụ trong ngạch dự bị bao gồm : Hết độ tuổi gọi nhập ngũ nhưng chưa phục vụ tại ngũ; Thôi phục vụ tại ngũ; và thôi phục vụ trong Công an nhân dân.

    Về chức vụ, cấp bậc quân hàm hạ sĩ quan, binh sĩ. Quyền và nghĩa vụ của hạ sĩ quan:

    Từ Điều 8 đến Điều 10, Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định đầy đủ chức vụ, cấp bậc quân hàm của hạ sĩ quan, binh sĩ  và quyền, nghĩa vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ. Trong đó, chức vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ gồm: phó trung đội trưởng và tương đương; tiểu đội trưởng và tương đương; phó tiểu đội trưởng và tương đương;  chiến sĩ. Cấp bậc quân hàm của hạ sĩ quan, binh sĩ gồm: thượng sĩ, trung sĩ, hạ sĩ, binh nhất, binh nhì.

    Về quyền và nghĩa vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ: Luật nghĩa vụ quân sự quy định quyền, nghĩa vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ phải thực hiện đối với Tổ quốc, nhân dân, với Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đây là nội dung cơ bản, thể hiện bản chất và yêu cầu của người quân nhân cách mạng, theo đó, hạ sĩ quan, binh sĩ phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao và thực hiện nghĩa vụ quốc tế; Chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Điều lệnh, Điều lệ của Quân đội nhân dân;…

    Các hành vi nghiêm cấm theo Điều 10 Luật nghĩa vụ quân sự 2015 bao gồm:

    – Trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự.

    – Chống đối, cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự.

    – Gian dối trong khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

    – Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về nghĩa vụ quân sự.

    – Sử dụng hạ sĩ quan, binh sĩ trái quy định của pháp luật.

    – Xâm phạm thân thể, sức khỏe; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của hạ sĩ quan, binh sĩ.

    Về đăng ký nghĩa vụ quân sự và quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự:

    Luật quy định cụ thể về nguyên tắc đăng ký nghĩa vụ quân sự và quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự. Đối tượng đăng ký nghĩa vụ quân sự gồm: Nam công dân từ đủ 17 tuổi trở lên, Nữ công dân từ đủ 18 tuổi trở lên theo trường hợp luật định.

    Đối tượng không được đăng ký nghĩa vụ quân sự được quy định tại Điều 13 gồm 03 trường hợp. Đối tượng miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự gồm: người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh tâm thần hoặc bệnh mãn tính theo quy định của pháp luật.

    Cơ quan đăng ký nghĩa vụ quân sự là Ban Chỉ huy quân sự cấp xã. Đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu; đăng ký nghĩa vụ quân sự bổ sung, khi thay đổi nơi cư trú, nơi làm việc, học tập, tạm vắng; đăng ký miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến, đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị và đưa ra khỏi danh sách đăng ký nghĩa vụ quân sự được quy định từ Điều 16 đến Điều 20.

    Việc đăng ký nghĩa vụ quân sự phải được thực hiện chặt chẽ và tiến hành tại cấp xã nơi công dân cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi công dân làm việc.

    Phục vụ của Hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ và hại sĩ quan binh sĩ dự bị:

    Thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng.  Thời gian phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ được tính từ ngày giao, nhận quân. Hạ sĩ quan, binh sĩ có trình độ chuyên môn, kỹ thuật khi thực hiện nghĩa vụ quân sự được ưu tiên sử dụng vào vị trí công tác phù hợp với nhu cầu của quân đội theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

    Hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị được chia thành hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị hạng một và binh sĩ dự bị hạng hai. Độ tuổi phục vụ trong ngạch dự bị của hạ sĩ quan, binh sĩ đối với công dân nam đến hết 45 tuổi, công dân nữ đến hết 40 tuổi.

    Hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị hết độ tuổi hoặc không còn đủ sức khỏe phục vụ trong ngạch dự bị thì được giải ngạch theo quyết định của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện.

    Về nhập ngũ:

    – Độ tuổi gọi nhập ngũ theo Điều 30 Luật nghĩa vụ quân sự 2015: Công dân nam đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi hập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi. Tiêu chuẩn công dân được gọi nhập ngũ gồm: có lý lịch rõ ràng, chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; đủ sức khỏe phục vụ tọa nghĩ theo quy định; có trình độ văn hóa phù hợp.

    – Thời điểm gọi công dân nhập ngũ: Luật quy định thời điểm gọi công dân nhập ngũ được thực hiện vào tháng 2 hoặc tháng 3 hàng năm.

    – Thẩm quyến quyết định việc gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ công an nhân dân  được quy định tại Điều 34 Luật nghĩa vụ quân sự 2015. Trong đó, thì chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện ra lệnh gọi từng công dân nhập ngũ theo chỉ đạo về số lượng của cấp trên.

    Luật quy định về hội đồng nghĩa vụ quân sự các cấp, thành viên của hội đồng, nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng.

    Tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ:

    Đối tượng được tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ được quy định tại điều 41. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ đối với công dân theo quy định tại Điều 41

    – Tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với những công dân sau đây:

    a) Chưa đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo kết luận của Hội đồng khám sức khỏe;

    b) Là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; trong gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận;

    c) Một con của bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%;

    d) Có anh, chị hoặc em ruột là hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ; hạ sĩ quan, chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân;

    đ) Người thuộc diện di dân, giãn dân trong 03 năm đầu đến các xã đặc biệt khó khăn theo dự án phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trở lên quyết định;

    e) Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật;

    g) Đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông; đang được đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học, trình độ cao đẳng hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo.

    – Miễn gọi nhập ngũ đối với những công dân sau đây:

    a) Con của liệt sĩ, con của thương binh hạng một;

    b) Một anh hoặc một em trai của liệt sĩ;

    c) Một con của thương binh hạng hai; một con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; một con của người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên;

    d) Người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân;

    đ) Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật từ 24 tháng trở lên.

    Xuất ngũ:

    Hạ sĩ quan, binh sĩ đã hết thời hạn phục vụ tại ngũ quy định thì được xuất ngũ hoặc hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ có thể được xuất ngũ trước thời hạn khi được Hội đồng giám định y khoa quân sự kết luận không đủ sức khỏe để tiếp tục phục vụ tại ngũ hoặc các trường hợp quy định khác. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định xuất ngũ hằng năm đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ. Chỉ huy đơn vị từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên quyết định xuất ngũ đối với từng hạ sĩ quan, binh sĩ thuộc quyền

    Về chế độ, chính sách và ngân sách bảo đảm trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự:

    Đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ từ tháng thứ 13 trở đi, mỗi năm được nghỉ phép 1 lần; từ tháng thứ 25 trở đi được hưởng thêm 250% phụ cấp quân hàm hiện hưởng hàng tháng; được tạm hoãn trả và không  tính lãi suất khoản vay từ Ngân hàng CSXH mà trước khi nhập ngũ là thành viên hộ nghèo, học sinh, sinh viên theo quy định của pháp luật; được Nhà nước bảo đảm chế độ BHXH, BHYT; trong thời gian phục vụ tại ngũ lập được thành tích trong chiến đấu, công tác, huấn luyện được khen thưởng; nếu bị thương, bị bệnh hoặc hy sinh, từ trần thì bản thân và gia đình được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật.

    Khi xuất ngũ, được trợ cấp xuất ngũ, tiền tàu xe, phụ cấp đi đường; được trợ cấp tạo việc làm; trước khi nhập ngũ đang học tập hoặc có giấy gọi vào học tập tại các nhà trường được bảo lưu kết quả và tiếp nhận vào học tại các trường; được ưu tiên trong tuyển sinh, cộng điểm trong thi tuyển công chức, viên chức và sắp xếp việc làm; trong thời gian tập sự được hưởng 100% mức lương và phụ cấp của ngạch tuyển dụng tương ứng với trình độ đào tạo…

    Đối với thân nhân hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ được hưởng chế độ BHYT, hưởng trợ cấp khó khăn; con được miễn, giảm học phí khi học tại cơ sở giáo dục phổ thông công lập và ngoài công lập; Trường hợp hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ hy sinh, từ trần trong khi làm nhiệm vụ thì gia đình được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật.

    Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nghĩa vụ quân sự trong phạm vi cả nước. Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về nghĩa vụ quân sự. Các bộ, cơ quan ngang bộ phối hợp với Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về nghĩa vụ quân sự theo thẩm quyền.