Luật môi trường là gì? Đối tượng và phương pháp điều chỉnh?
Luật môi trường là gì? Đối tượng điều chỉnh của luật môi trường? Phương pháp điều chỉnh của luật môi trường? Nguyên tắc của Luật môi trường?
Mỗi người chúng ta được sinh ra, lớn lên trong môi trường, đó gọi là môi trường sống của con người. Tuy nhiên, khi xã hội ngày càng phát triển đã kéo theo vô vàn hệ lụy rất xấu cho môi trường. Để có thể bảo vệ, tái tạo lại môi trường, mỗi nhà nước đều có nhiều phương thức khác nhau, và công cụ pháp lý để bảo vệ môi trường đó chính là Luật môi trường. Nhưng Luật môi trường là một khái niệm khá mới ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568
1. Luật môi trường là gì?
Môi trường là gì?
Môi trường có thể được hiểu dưới nhiều góc nhìn khác nhau trong mỗi lĩnh vực khác nhau như môi trường tự nhiên, môi trường sống, môi trường doanh nghiệp,… Theo khái niệm mà chúng ta thường được biết đến thì môi trường là toàn bộ những điều kiện tự nhiên và điều kiện xã hội mà con người hoặc sinh vật tồn tại hoặc phát triển.
Môi trường được tạo thành bởi vô số các yếu tố vật chất như đất, nước, không khí, ánh sáng, âm thanh, … đây chính là những yếu tố vật chất tự nhiên. Bên cạnh đó, môi trường còn bao gồm những yếu tố nhân tạo như các công trình văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc,.. do con người tạo ra nhằm tác động tới thiên nhiên.
Luật môi trường là gì?
Nhắc đến luật là chúng ta nhắc đến tổng hợp những quy định pháp luật điều chỉnh các mối quan hệ phát sinh trong lĩnh vực nhất định. Trong lĩnh vực môi trường thì các quan hệ phát sinh sẽ phải đi liền với việc bảo vệ, sử dụng, khai thác hoặc tác động đến các yếu tố của môi trường
Kết hợp hai khái niệm trên, ta có thể hiểu khái niệm Luật môi trường chính là tổng hợp những quy định pháp luật điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong việc khai thác, sử dụng, bảo vệ hay tác động đến các yếu tố của môi trường.
Cần phân biệt khái niệm “Luật môi trường” và khái niệm “Luật bảo vệ môi trường”. Nếu như “Luật bảo vệ môi trường” là một đạo luật do Quốc hội ban hành theo trình tự, thủ tục luật định điều chỉnh các quan hệ xã hội trong hoạt động bảo vệ môi trường, thì “Luật môi trường” là một lĩnh vực pháp luật có nội dung điều chỉnh cả những quan hệ xã hội trong hoạt động bảo vệ môi trường và điều chỉnh cả những quan hệ xã hội phát sinh trong việc khai thác, sử dụng, tác động đến các yếu tố môi trường. Như vậy, khái niệm “Luật môi trường” bao hàm nội dung rộng hơn so với khái niệm “luật bảo vệ môi trường”.
Lĩnh vực Luật môi trường ở Việt Nam gồm các lĩnh vực khác nhau bao gồm: Pháp luật về kiểm soát ô nhiễm, suy thoái sự cố môi trường; Pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học; pháp luật về đánh giá môi trường; Pháp luật về kiểm soát ô nhiễm không khí; Pháp luật về kiểm soát ô nhiễm nước; Pháp luật kiểm soát suy thoái đất; Pháp luật về kiểm soát suy thoái rừng; Pháp luật về kiểm sát suy thoái nguồn thủy sinh; Pháp luật về kiểm soát nguồn Gen; Pháp luật về bảo tồn di sản; Pháp luật về kiểm soát ô nhiễm đối với các hoạt động có ảnh hưởng đặc biệt tới môi trường….
Vai trò của Luật môi trường trong bảo vệ môi trường
Luật môi trường có những vai trò chính trong việc bảo vệ môi trường như:
Luật môi trường quy định các hành vi mà con người được làm, không được làm và phải làm và những quy tắc khác mà con người phải thực hiện khi khai thác và sử dụng các yếu tố của môi trường. Việc quy định như vậy nhằm hướng tới khai thác và sử dụng môi trường theo tiêu chuẩn đảm bảo khoa học, đảm bảo cho sự cân bằng, phục hồi của môi trường.
Pháp Luật môi trường quy định các chế tài buộc các cá nhân, tổ chức phải thực hiện đầy đủ các đòi hỏi của pháp luật trong việc khai thác và sử dụng các yếu tố của môi trường. Các chế tài này có thể là chế tài hình sự, kinh tế hoặc hành chính. Việc pháp luật có những quy định này nhằm trong các trường hợp các chủ thể không tự giác thực hiện, hoặc thực hiện không đúng, không đủ các quy tắc về việc khai thác, sử dụng môi trường thì cần có những chế tài xử phạt mang tính răn đe, ngăn chặn những hành vi tiếp diễn.
Pháp Luật môi trường quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức bảo vệ môi trường. Việc bảo vệ môi trường không là trách nhiệm của riêng một tổ chức, cá nhân, trong đó các tổ chức bảo vệ môi trường là những người đi đầu, vừa có nhiệm vụ bảo vệ môi trường, vừa có nhiệm vụ triển khai, giám sát hoạt động môi trường;…
Xem thêm: Luật dân sự là gì? Phương pháp điều chỉnh của Luật dân sự Việt Nam
2. Đối tượng điều chỉnh của Luật môi trường:
Đối tượng điều chỉnh của Luật môi trường chính là các quan hệ xã hội phát sinh trực tiếp trong hoạt động khai thác, quản lý và bảo vệ các yếu tố môi trường.
Đối tượng điều chỉnh của Luật môi trường bao gồm:
– Quan hệ giữa nhà nước với tổ chức cá nhân gồm:
+ Quan hệ thanh tra môi trường
+ Quan hệ xử phạt vi phạm pháp Luật môi trường
+ Quan hệ khi phê duyệt báo cáo ĐTM, ĐMC
– Quan hệ giữa các tổ chức, cá nhân với nhau:
+ Quan hệ thỏa thuận, hợp tác bảo vệ môi trường; hợp tác khắc phục thiệt hại do ô nhiễm , suy thoái hoặc sự cố môi trường gây ra; phối hợp đầu tư vào các công trình bảo vệ môi trường .
+ Quan hệ bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực môi trường ví dụ bồi thường thiệt hại do việc gây ô nhiễm , suy thoái hay sự cố môi trường gây nên
+ Quan hệ thuê dịch vụ lập ĐTM
+ Quan hệ phát sinh từ việc giải quyết tranh chấp môi trường.
Xem thêm: Phương pháp, đối tượng điều chỉnh của tư pháp quốc tế
3. Phương pháp điều chỉnh của Luật môi trường:
Phương pháp điều chỉnh của Luật môi trường gồm phương pháp mệnh lệnh và phương pháp bình đẳng
Phương pháp mệnh lệnh hành chính quyền nhân danh nhà nước ra những mệnh lệnh bắt buộc đối với bên kia là cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có nghĩa vụ phục tùng các mệnh lệnh đó. Một bên nhân danh nhà nước ra những mệnh lệnh bắt buộc đối với bên kia là cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có nghĩa vụ phục tùng các mệnh lệnh đó. Phương pháp điều chỉnh này thương được dùng trong quan hệ giữa một bên là cơ quan nhà nước với các tổ chức, cá nhân. Phương pháp mệnh lệnh được thể hiện trong một số trường hợp như: Quyết định cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép trong lĩnh vực môi trường; Quyết định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường…
Phương pháp bình đẳng điều chỉnh quan hệ giữa các cá nhân với cá nhân hoặc chủ thể khác. Các chủ thể bình đẳng với nhau trong quan hệ, không dựa trên bất kỳ yếu tố nào mà một bên có địa vị cao hơn bên còn lại. Sự bình đẳng của các chủ thể dựa trên cơ sở sự độc lập về mặt tài sản và tổ chức. Việc xác lập, thực hiện và giải quyết những quan hệ hoàn toàn do ý chí và lợi ích chính các chủ thể là cá nhân, tổ chức tham gia quan hệ đó. Các bên được tự do thỏa thuận các vấn đề, đảm bảo sự tuân thủ pháp luật.
Xem thêm: Đối tượng và phương pháp điều chỉnh của Bộ luật lao động 2019
4. Nguyên tắc của Luật môi trường:
Thứ nhất, nguyên tắc đảm bảo con người được sống trong môi trường trong lành.
Quyền được sống là một trong những quyền cơ bản của con người. Đây là quyền quyết định đến vấn đề sức khỏe, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống nói chung, bảo đảm, quyền được sống là điều kiện để con người thực hiện các quyền cơ bản khác.. Thực trạng môi trường hiện nay đang ngày một xấu đi với những biểu hiện rõ ràng như biến đổi khí hậu, suy thoái đa dạng sinh học, suy thoái tầng Ô zôn, suy thoái nguồn nước, đất, không khí,… dẫn đến quyền tự nhiên này bị xâm phạm. Nhà nước phải có trách nhiệm thực hiện những biện pháp cần thiết để bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường nhằm bảo đảm cho người dân được sống trong một môi trường trong lành bên cạnh đó xây dựng cơ sở pháp lý để người dân bảo vệ quyền được sống trong mình trong lành của mình.
Thứ hai, nguyên tắc phát triển bền vững
Phát triển bền vững được hiểu là sự phát triển đáp ứng được nhu cầu của thế hệ hiện đồng thời không gây ảnh hưởng đến khả năng của các thế hệ trong tương lai. Cơ sở của nguyên tắc dựa trên chính vai trò của môi trường đối với con người, không có môi trường thì con người không thể sống và tồn tại, muốn phát triển thì phải bảo vệ môi trường và ngược lại, có bảo vệ môi trường thì mới phát triển được. Bảo vệ môi trường đồng nghĩa với việc bảo vệ mục tiêu phát triển của con người.
Nguyên tắc này yêu cầu sự kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường đồng thời việc khai thác tài nguyên và xả thải phải trong giới hạn, trong khả năng tự làm sạch của môi trường. Với những tài nguyên vô tận như năng lượng gió, năng lượng mặt trời thì tận dụng khai thác triệt để; tài nguyên có thể phục hồi thì khai thác trong chừng mực sẽ tự phục hồi, khai thác sử dụng trong giới hạn của sự phục hồi và tài nguyên không thể phục hồi thì phải khai thác, sử dụng tiết kiệm và tìm ra nguồn vật liệu mới để thay thế vật liệu đó. phải xả thải trong khả năng tự làm sạch của trái đất.
Thứ ba, nguyên tắc phòng ngừa
Phòng ngừa chính là việc chủ động ngăn chặn rủi ro đối với môi trường khi chưa xảy ra. Việc phòng ngừa bao giờ cũng có chi phí nhỏ hơn chi phí khắc phục, bên cạnh đó có những tổn hại mà không thể nào phục hồi được.
Nguyên tắc này đòi hỏi phải có lường trước những rủi ro mà con người và thiên nhiên có thể gây ra cho đồng thời đưa ra những phương án, giải pháp để giảm thiểu rủi ro, loại trừ rủi ro.
Thứ tư, nguyên tắc thống nhất trong quản lý và bảo vệ môi trường
Các yếu tố trong môi trường hình thành liên kết trong một thể thống nhất, nếu một yếu tố bị thay đổi, ảnh hưởng sẽ có những tác động lên các yếu tố khác. Vì vậy, cần có sự thống nhất trong việc quản lý và bảo vệ môi trường. Các văn bản quy phạm pháp luật về môi trường như Luật bảo vệ môi trường, Luật bảo vệ và phát triển rừng, Luật tài nguyên nước… phải đặt trong một chỉnh thể thống nhất.
Việc khai thác, bảo vệ môi trường phải đặt dưới sự quản lý thống nhất của trung ương theo hướng hình thành cơ chế mang tính liên vùng, bảo đảm sự hợp tác chặt chẽ giữa các địa phương. Như phân công trách nhiệm quản lý nhà nước giữa các ngành, lĩnh vực phải đảm bảo phù hợp với tính thống nhất của môi trường theo hướng quy hoạt động quản lý về môi trường về một đầu mối dưới sự quản lý thống nhất của Chính phủ.