Luật hành chính là gì? Thông tin điều chỉnh luật hành chính
Luật hành chính là gì? Thông tin điều chỉnh luật hành chính
Hẳn đã không ít lần bạn nghe đến cụm từ luật hành chính. Vậy bạn biết có biết luật hành chính là gì? Các thông tin về đối tượng và phương pháp điều chuẩn luật hành chính cụ thể như thế nào? Tất cả những thắc mắc này, sẽ được chúng tôi giải đáp cụ thể trong bài viết dưới đây. Mời các bạn cùng tham khảo!
1. Luật hành chính là gì?
Luật hành chính được biết đến là hệ thống các quy phạm pháp luật do nhà nước ban hành điều chỉnh những quan hệ xã hội mang tính chất chấp hành và điều hành phát sinh trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, hoặc tổ chức xã hội khi được nhà nước trao quyền thực hiện chức năng quản lý nhà nước.
Luật hành chính là tổng thể các quy phạm pháp luật được nhà nước ban hành
Trong đó: Hoạt động chấp hành và điều hành, được hiểu với nội dung và phạm vi gần như các khái niệm của hoạt động hành pháp và hoạt động hành chính – nhà nước hoặc hoạt động quản lý nhà nước. Từ đó, chúng ta có thể kết luận rằng, luật hành chính là ngành luật về quản lý nhà nước, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong công cuộc xây dựng đất nước.
2. Đối tượng điều chỉnh của luật hành chính là ai?
Đối tượng điều chỉnh của luật hành chính là những quan hệ xã hội mang tính chất chấp hành và điều hành phát sinh giữa các chủ thể tham gia hoạt động của nhà nước trong những trường hợp sau:
-
Những quan hệ xã hội mang tính chất chấp hành và điều hành phát sinh trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước.
-
Những quan hệ xã hội mang tính chất chấp hành và điều hành phát sinh trong hoạt động xây dựng, tổ chức công tác nội bộ của các cơ quan nhà nước khác như Tòa án, Viện kiểm sát…
-
Những quan hệ xã hội mang tính chất chấp hành và điều hành phát sinh trong hoạt động của các cơ quan nhà nước khác hoặc các tổ chức xã hội khi được nhà nước trao quyền thực hiện chức năng quản lý nhà nước.
Đối tượng điều chỉnh luật hành chính được phân định rõ ràng
Trên đây là những đối tượng điều chỉnh của luật hành chính, nắm bắt chính xác thông tin sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các quy định trong luật hành chính được ban hành mới nhất hiện nay.
3. Phương pháp điều chỉnh của luật hành chính là gì?
Phương pháp điều chỉnh của luật hành chính hay còn gọi là phương pháp điều chỉnh của một ngành luật là tổng thể những biện pháp, cách thức, phương thức mà ngành luật đó sử dụng để tác động lên ý chí, hành vi của các bên tham gia vào quan hệ xã hội mà ngành luật đó điều chỉnh.
Theo đó, phương pháp điều chỉnh của luật hành chính là cách thức, biện pháp tác động lên các chủ thể trong quan hệ xã hội mang tính chất chấp hành – điều hành phát sinh trong lĩnh vực tổ chức và hoạt động hành chính nhà nước.
Xuất phát từ tính chấp hành – điều hành trong quan hệ hành chính nên phương pháp điều chỉnh đặc trưng của luật hành chính là phương pháp quyền uy – phục tùng. Theo phương pháp này, thì một trong hai bên của quan hệ hành chính, bên này phải phục tùng ý chí của bên kia chẳng hạn như: quan hệ giữa các cơ quan hành chính cấp trên và cấp dưới, giữa các cơ quan hành chính nhà nước và công dân,…
Tìm hiểu để nắm bắt được các phương pháp điều chỉnh luật hành chính
Ngoài ra, bên được trao quyền hạn mang tính quyền lực nhà nước là bên được ra các quyết định mang tính đơn phương, kiểm tra hoạt động của bên còn lại, được áp dụng các biện pháp cưỡng chế trong trường hợp cần thiết theo quy định pháp luật. Về phía bên còn lại, bắt buộc phải thi hành, phục tùng các quyết định, biện pháp này. Chẳng hạn như: công dân được quyền xin cấp đất xây dựng nhà ở, nhưng việc xem xét và quyết định có cấp hay không là quyền hạn của cơ quan hành chính nhà nước. Một khi quyết định đã ban hành, công dân phải chấp hành quyết định. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, pháp luật cũng đồng thời cho phép người dân được thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo đối với quyết định hành chính không đúng và thỏa đáng với ý nguyện của công dân.
Trong một vài trường hợp, quan hệ pháp luật hành chính được điều chỉnh bởi phương pháp thỏa thuận. Theo đó trong quan hệ này tồn tại sự bình đẳng về ý chí của các bên tham gia quan hệ. Chẳng hạn như: trong quan hệ hành chính phối hợp giữa hai cơ quan hành chính để ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên tịch thì các bên trong quan hệ này có tư cách, ý chí bình đẳng với nhau hay còn gọi là quan hệ pháp luật hành chính ngang.
Tóm lại, luật hành chính sử dụng hai phương pháp điều chỉnh là phương pháp quyền uy – phục tùng và phương pháp thỏa thuận. Trong đó phương pháp đặc trưng và chiếm lĩnh trong hầu hết các quan hệ pháp luật hành chính là phương pháp quyền uy – phục tùng.
Thông tin mà chúng tôi vừa chia sẻ trên đây, hẳn sẽ gây khó hiểu cho một số người vì nó là luật được thể hiện trên văn bản và cần sự chính xác tuyệt đối. Do đó, nếu bạn muốn được hỗ trợ tư vấn các thông tin về luật hành chính, hãy truy cập và trang web: giaiphaptinhhoa.com. Tại đây, các chuyên gia về luật hành chính luôn sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc của bạn. Đồng thời, còn đưa ra các giải pháp giúp bạn giải quyết những khó khăn hiện tại của mình một cách hiệu quả!