Luật công chứng 2021 và các quy định của pháp luật về thủ tục công chứng – Đại Tín Land

Home – Góc pháp lý – Luật công chứng 2021 và các quy định của pháp luật về thủ tục công chứng

Năm 2021 các thủ tục công chứng thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng vẫn tuân theo quy định của pháp luật theo Luật công chứng 2014, Số: 53/2014/QH13 – được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 20 tháng 6 năm 2014. Điểm mới nhất là Thông tư 01/2021/TT-BTP hướng dẫn Luật Công chứng được Bộ Tư pháp ban hành vào ngày 03/02/2021. (Tải về thông tư Tại Đây) Trong bài viết dưới đây, BacNinh Invest xin giới thiệu lại toàn bộ nội dung chính của Luật công chứng hiện hành và những điểm đáng chú ý nhất giúp khách hàng nắm bắt cơ bản về thủ tục công chứng nhà đất tại Bắc Ninh.

1. Nội dung Luật công chứng 2014.

Luật công chứng 2014 gồm 10 chương 81 điều quy định về công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, việc hành nghề công chứng, thủ tục công chứng và quản lý nhà nước về công chứng.

Chương I: Những quy định chung

  • Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
  • Điều 2. Giải thích từ ngữ
  • Điều 3. Chức năng xã hội của công chứng viên
  • Điều 4. Nguyên tắc hành nghề công chứng
  • Điều 5. Giá trị pháp lý của văn bản công chứng
  • Điều 6. Tiếng nói và chữ viết dùng trong công chứng
  • Điều 7. Các hành vi bị nghiêm cấm

Chương II: Công chứng viên

  • Điều 8. Tiêu chuẩn công chứng viên
  • Điều 9. Đào tạo nghề công chứng
  • Điều 10. Miễn đào tạo nghề công chứng
  • Điều 11. Tập sự hành nghề công chứng
  • Điều 12. Bổ nhiệm công chứng viên
  • Điều 13. Những trường hợp không được bổ nhiệm công chứng viên
  • Điều 14. Tạm đình chỉ hành nghề công chứng
  • Điều 15. Miễn nhiệm công chứng viên
  • Điều 16. Bổ nhiệm lại công chứng viên
  • Điều 17. Quyền và nghĩa vụ của công chứng viên

Chương III: Tổ chức hành nghề công chứng

  • Điều 18. Nguyên tắc thành lập tổ chức hành nghề công chứng
  • Điều 19. Phòng công chứng
  • Điều 20. Thành lập Phòng công chứng
  • Điều 21. Chuyển đổi, giải thể Phòng công chứng
  • Điều 22. Văn phòng công chứng
  • Điều 23. Thành lập và đăng ký hoạt động Văn phòng công chứng
  • Điều 24. Thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của Văn phòng công chứng
  • Điều 25. Cung cấp thông tin về nội dung đăng ký hoạt động của Văn phòng công chứng
  • Điều 26. Đăng báo nội dung đăng ký hoạt động của Văn phòng công chứng
  • Điều 27. Thay đổi thành viên hợp danh của Văn phòng công chứng
  • Điều 28. Hợp nhất, sáp nhập Văn phòng công chứng
  • Điều 29. Chuyển nhượng Văn phòng công chứng
  • Điều 30. Thu hồi quyết định cho phép thành lập
  • Điều 31. Chấm dứt hoạt động Văn phòng công chứng
  • Điều 32. Quyền của tổ chức hành nghề công chứng
  • Điều 33. Nghĩa vụ của tổ chức hành nghề công chứng

Chương IV: Hành nghề công chứng

  • Điều 34. Hình thức hành nghề của công chứng viên
  • Điều 35. Đăng ký hành nghề
  • Điều 36. Thẻ công chứng viên
  • Điều 37. Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên
  • Điều 38. Bồi thường, bồi hoàn trong hoạt động công chứng
  • Điều 39. Tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên

Chương V: Thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch

Mục 1. THỦ TỤC CHUNG VỀ CÔNG CHỨNG

  • Điều 40. Công chứng hợp đồng, giao dịch đã được soạn thảo sẵn
  • Điều 41. Công chứng hợp đồng, giao dịch do công chứng viên soạn thảo theo đề nghị của người yêu cầu công chứng
  • Điều 42. Phạm vi công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản
  • Điều 43. Thời hạn công chứng
  • Điều 44. Địa điểm công chứng
  • Điều 45. Chữ viết trong văn bản công chứng
  • Điều 46. Lời chứng của công chứng viên
  • Điều 47. Người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch
  • Điều 48. Ký, điểm chỉ trong văn bản công chứng
  • Điều 49. Việc ghi trang, tờ trong văn bản công chứng
  • Điều 50. Sửa lỗi kỹ thuật trong văn bản công chứng
  • Điều 51. Công chứng việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch
  • Điều 52. Người có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu

Mục 2. THỦ TỤC CÔNG CHỨNG MỘT SỐ HỢP ĐỒNG, GIAO DỊCH, CÔNG CHỨNG BẢN DỊCH, NHẬN LƯU GIỮ DI CHÚC

  • Điều 53. Phạm vi áp dụng
  • Điều 54. Công chứng hợp đồng thế chấp bất động sản
  • Điều 55. Công chứng hợp đồng ủy quyền
  • Điều 56. Công chứng di chúc
  • Điều 57. Công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản
  • Điều 58. Công chứng văn bản khai nhận di sản
  • Điều 59. Công chứng văn bản từ chối nhận di sản
  • Điều 60. Nhận lưu giữ di chúc
  • Điều 61. Công chứng bản dịch

Chương VI: Cơ sở dữ liệu công chứng và lưu trữ hồ sơ công chứng

  • Điều 62. Cơ sở dữ liệu công chứng
  • Điều 63. Hồ sơ công chứng
  • Điều 64. Chế độ lưu trữ hồ sơ công chứng
  • Điều 65. Cấp bản sao văn bản công chứng

Chương VII: Phí công chứng, thù lao công chứng và chi phí khác

  • Điều 66. Phí công chứng
  • Điều 67. Thù lao công chứng
  • Điều 68. Chi phí khác

Chương VIII: Quản lý nhà nước về công chứng

  • Điều 69. Trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành có liên quan trong công tác quản lý nhà nước về công chứng
  • Điều 70. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các Sở Tư pháp trong công tác quản lý nhà nước về công chứng

Chương IX: Xử lý vi phạm và giải quyết tranh chấp

  • Điều 71. Xử lý vi phạm đối với công chứng viên
  • Điều 72. Xử lý vi phạm đối với tổ chức hành nghề công chứng
  • Điều 73. Xử lý vi phạm đối với người có hành vi xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng
  • Điều 74. Xử lý vi phạm đối với cá nhân, tổ chức hành nghề công chứng bất hợp pháp
  • Điều 75. Xử lý vi phạm đối với người yêu cầu công chứng
  • Điều 76. Giải quyết tranh chấp

Chương X: Điều khoản thi hành

  • Điều 77. Việc chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản của công chứng viên
  • Điều 78. Việc công chứng của cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài
  • Điều 79. Điều khoản chuyển tiếp
  • Điều 80. Hiệu lực thi hành
  • Điều 81. Quy định chi tiết

Đọc đầy đủ hoặc download về máy Tại Đây  hoặc tại đây: Luat Cong Chung (Da Ky)

2. Những điểm đáng chú ý khi thực hiện thủ tục công chứng 2021

2.1 Công chứng là gì?

Theo khoản 1 Điều 2, Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản, tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc ngược lại mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.

Rất nhiều người thường lầm tưởng công chứng, chứng thực là một, tuy nhiên 02 khái niệm này lại khác nhau. Sở dĩ chúng thường được gọi chung là bởi công chứng, chứng thực được xếp vào nhóm chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của văn bản, hợp đồng…

2.2 Giá trị pháp lý của văn bản công chứng

Điều 5 Luật Công chứng 2014 quy định giá trị pháp lý của văn bản công chứng, cụ thể:

  • Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.
  • Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác.
  • Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.
  • Bản dịch được công chứng có giá trị sử dụng như giấy tờ, văn bản được dịch.

Như vậy, văn bản công chứng là một chứng cứ hữu hiệu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể, phòng ngừa tranh chấp, là bằng chứng xác thực, có giá trị sử dụng như bản gốc.

2.3 Thủ tục công chứng

Điều 40 Luật Công chứng 2014, thủ tục công chứng được tiến hành theo các bước sau:

– Bước 1: Tiếp nhận yêu cầu công chứng

Người có yêu cầu công chứng trình bày nội dung cần công chứng và hồ sơ tài liệu cần công chứng với Công chứng viên hoặc chuyên viên văn phòng công chứng.

– Bước 2: Kiểm tra số lượng và tính pháp lý giấy tờ trong hồ sơ

  • Trường hợp 1: Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ và các bên tham gia giao dịch đáp ứng đầy đủ các quy định pháp luật thì thì thụ lý và ghi vào sổ công chứng. Người tiếp nhận hồ sơ thông báo cho khách hàng phí công chứng, thù lao công chứng để khách hàng biết và thoả thuận trước khi thực hiện các công việc nghiệp vụ.
  • Trường hợp 2: Trường hợp hồ sơ thiếu, người tiếp nhận thông báo các giấy tờ cần hoàn thiện.
  • Trường hợp 3: Trường hợp hồ sơ không đủ cơ sở pháp luật để giải quyết thì từ chối tiếp nhận và giải thích lý do.

– Bước 3: Giải quyết yêu cầu công chứng

– Bước 4: Ghi lời chứng và ký

  • Người có yêu cầu đồng ý toàn bộ nội dung trong dự thảo hợp đồng, giao dịch thì ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch.
  • Công chứng viên yêu cầu người yêu cầu công chứng xuất trình bản chính của các giấy tờ trong hồ sơ để đối chiếu trước khi ghi lời chứng, ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch.

– Bước 5: Thu phí, đóng dấu và trả kết quả cho khách hàng

Thư ký viết thông báo phí công chứng và thù lao công chứng. Khi nhận được phí và thù lao, kế toán viết phiếu và chuyển cho khách hàng.

Văn thư ghi số công chứng, đóng dấu hồ sơ công chứng, trả hồ sơ đã được công chứng cho khách hàng.

Thời hạn công chứng: Không quá 02 ngày làm việc; đối với hợp đồng, giao dịch có nội dung phức tạp thì thời hạn công chứng có thể kéo dài hơn nhưng không quá 10 ngày làm việc.

van phong cong chung kinh bac bac ninh

van phong cong chung kinh bac bac ninh

2.4 Các loại hợp đồng bắt buộc phải công chứng

– Hợp đồng mua bán nhà ở

Trừ trường hợp mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước; mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư.

Căn cứ: Điều 122 Luật Nhà ở 2014 và Điều 430 Bộ luật Dân sự 2015

– Hợp đồng tặng cho nhà ở, bất động sản

Trừ trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương.

Căn cứ: Điều 122 Luật Nhà ở 2014 và Khoản 1 Điều 459 Bộ luật Dân sự 2015

– Hợp đồng góp vốn bằng nhà ở

Trừ trường hợp: Góp vốn bằng nhà ở bởi một bên là tổ chức.

Căn cứ: Khoản 1 Điều 122 Luật Nhà ở 2014

– Hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất

Căn cứ: Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013

– Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, nhà ở

Căn cứ: Khoản 1 Điều 122 Luật nhà ở 2014; Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013

– Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ

Căn cứ: Khoản 4 Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015

– Di chúc được lập bằng tiếng nước ngoài

Phải được dịch ra Tiếng Việt và có công chứng, chứng thực.

Căn cứ: Khoản 5 Điều 647 Bộ luật Dân sự 2015

– Văn bản thừa kế nhà ở, quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất

Căn cứ: Khoản 3 Điều 122 Luật nhà ở 2014 và Điểm c Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013

Cac loai hop dong bat buoc phai cong chung

Cac loai hop dong bat buoc phai cong chung

2.5 Xử lý vi phạm về công chứng

Luật Công chứng 2014 nhấn mạnh trường hợp công chứng viên vi phạm quy định về công chứng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Đối với tổ chức hành nghề công chứng vi phạm thì bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại phải bồi thường.

Cụ thể, phạt tiền từ 40 triệu đồng – 60 triệu đồng đối với tổ chức không đủ điều kiện hành nghề công chứng mà hành nghề công chứng dưới bất kỳ hình thức nào (khoản 6 Điều 15 Nghị định 110/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 67/2015/NĐ-CP)

Một số vi phạm thường gặp và mức xử phạt cần biết, cụ thể:

– Không niêm yết phí công chứng, thù lao công chứng và nguyên tắc tính chi phí khác tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng phạt tiền từ 01- 02 triệu đồng;

– Thu thù lao công chứng cao hơn mức trần thù lao công chứng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành và mức thù lao đã niêm yết; thu chi phí cao hơn mức chi phí đã thỏa thuận phạt từ 03 – 07 triệu đồng;

– Phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối với hành vi làm giả quyết định cho phép thành lập văn phòng công chứng, giấy đăng ký hoạt động…

Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; hủy bỏ giấy tờ giả đã tạo.

Trên đây là một số điểm cần chú ý trong nội dung của Luật Công chứng 2014. Nếu có bất cứ thắc mắc gì vui lòng để lại câu hỏi trong phần bình luận dưới đây. BacNinh Invest xin trả lời sớm nhất có thể. Ngoài ra bạn có thể tra cứu nhanh danh sách văn phòng công chứng Bắc Ninh.