Luật Hợp tác xã phải tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho các tổ chức kinh tế hợp tác
Sáng 20/9/2022, tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Đây là nội dung sẽ trình Quốc hội thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 4 vào tháng 10 tới.
TRANH LUẬN VỀ TÊN GỌI LUẬT HỢP TÁC XÃ
Trình bày Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cho biết mục đích sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Hợp tác xã hiện hành nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho phát triển của các tổ chức kinh tế hợp tác trong tình hình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, hội nhập quốc tế, sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đồng thời, hoàn thiện quy định về huy động, phát triển thành viên; loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường; bảo đảm và phát huy đặc trưng, nguyên tắc cơ bản của mô hình kinh tế hợp tác. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển năng động, hiệu quả, bền vững.
Toàn cảnh cuộc họp: Ảnh VGP.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Luật Hợp tác xã sửa đổi sẽ kế thừa tối đa quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 còn phù hợp; giữ vững các nguyên tắc cơ bản của mô hình kinh tế hợp tác do Liên minh Hợp tác xã quốc tế đưa ra trong thế kỷ 21.
“Các quy định của Luật được xây dựng trên cơ sở tổng kết thực tiễn phát triển Hợp tác xã ở nước ta từ khi Luật Hợp tác xã năm 2012 có hiệu lực thi hành; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế; phù hợp với xu thế vận động và phát triển của các tổ chức kinh tế hợp tác trong bối cảnh mới.
Về tên gọi của dự án Luật này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay Chính phủ lựa chọn phương án đổi tên Luật thành “Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác”.
Tên gọi mới phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết 20-NQ/TW xác định: “kinh tế tập thể với nhiều hình thức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao (THT, HTX, liên hiệp HTX…)”; Phù hợp với đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Luật; Phù hợp với tôn chỉ, mục đích, bản chất của mô hình kinh tế hợp tác, đề cao tinh thần “hợp tác” giữa các thành viên của Liên minh Hợp tác xã Quốc tế.
Mặt khác, tên gọi “Các tổ chức kinh tế hợp tác” sẽ thống nhất với thuật ngữ quốc tế về các mô hình kinh tế hợp tác, được Chính phủ thống nhất và được đa số các bộ, ngành, cơ quan liên quan và địa phương nhất trí.
“Không nên đổi tên Luật Hợp tác xã thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác vì khái niệm Hợp tác xã mang tính tương đồng với Luật của các nước khác để hội nhập, và rộng hơn khái niệm cá tổ chức kinh tế hợp tác vì bao hàm cả nội hàm phát xã hội, tương trợ mà các tổ chức thuần tuý kinh tế không đảm nhiệm được”.
PGS. TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.
Đóng góp ý kiến tại cuộc họp, nhiều đại biểu đồng tình với đề xuất của Chính phủ, đổi tên dự án Luật thành “Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác”. Ths.Ngô Sỹ Đạt, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng đề xuất đặt tên là “Luật Các tổ chức kinh tế tập thể” là phù hợp vì phạm trù kinh tế hợp tác rộng hơn bao gồm cả sự hợp tác giữa các tác nhân kinh tế. Các từ trong dự thảo Luật “kinh tế hợp tác” nên sửa thành “kinh tế tập thể”.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu chưa đồng tình với quan điểm này. Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường, cho rằng tên gọi Luật Hợp tác xã đã được sử dụng từ Luật Hợp tác xã năm 1996, Luật Hợp tác xã năm 2003 và Luật Hợp tác xã năm 2012. Hệ thống chính trị và người dân đã quen với tên gọi này, ngắn họn, dễ hiểu, thuận lợi cho tuyên truyền phổ biến và áp dụng pháp luật. Theo ông Cường, trong Hiến pháp, Bộ luật Dân sự và các quy định pháp luật khác không có quy định về thuật ngữ “tổ chức kinh tế hợp tác”.
Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị cân nhắc giữ tên như đã đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 là Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Theo đó xác định vai trò nòng cốt của các hợp tác xã, với các loại hình hợp tác xã, một mặt vẫn bảo đảm bao quát được phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng đối với các loại hình hợp tác xã.
Mặt khác tránh việc thay đổi tên gọi dẫn đến các chi phí xã hội và hệ lụy phát sinh liên quan đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, rà soát về dẫn chiếu trong các văn bản pháp luật hiện hành.
ĐỀ NGHỊ TIẾP TỤC RÀ SOÁT BẢO ĐẢM TÍNH THỐNG NHẤT
Thẩm tra về dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khẳng định: Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Hợp tác xã (sửa đổi) nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý thống nhất, đầy đủ, góp phần thúc đẩy việc phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững, theo đúng tinh thần của Nghị quyết 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Hồ sơ của dự án Luật đáp ứng điều kiện trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4.
“Hợp tác xã khác các doanh nghiệp khác ở chỗ là có tính xã hội, có tính cộng đồng, tính chia sẻ, tính hỗ trợ lẫn nhau, không thuần túy là kinh tế, là lợi nhuận nhưng cũng không phải là phi lợi nhuận mà vẫn có lợi ích”, ông Vũ Hồng Thanh nói.
“Cần thể hiện rõ hơn Hợp tác xã là một hình thức kinh tế tập thể mà ở đó cùng nhau làm, chia sẻ lợi ích với nhau và hỗ trợ nhau cùng phát triển. Chính chia sẻ lợi ích, hỗ trợ nhau cùng phát triển ấy thì Nhà nước phải quan tâm để hỗ trợ họ”.
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng về cơ bản các nội dung của 8 chính sách tại Nghị quyết 20-NQ/TW đã được thể chế hóa tại dự thảo Luật. Tuy nhiên các chính sách này còn chung chung, chưa được cụ thể. Đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bảo đảm quy định thống nhất với các luật có liên quan, nhất là phải bảo đảm tính thống nhất, phù hợp với quy định tại dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cũng đang được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4. Đề nghị bổ sung nguyên tắc, tiêu chí hỗ trợ cụ thể, xác định rõ nguồn lực để thực hiện các chính sách, bảo đảm chính sách đi vào cuộc sống.
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đồng chí Chủ tịch Quốc hội, ý kiến tham gia hết sức cụ thể, đa dạng và sâu sắc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của các cơ quan thẩm tra.
Các ý kiến tập trung vào một số vấn đề như vai trò, vị trí pháp lý, nhiệm vụ của tổ chức đại diện của Liên minh Hợp tác xã; Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Cần rà soát các quy định về tổ chức quản lý, quản trị, người đại diện theo pháp luật, cụ thể cho từng trường hợp, mô hình hoạt động; quy định về gia nhập, hoạt động, rút khỏi thị trường, số lượng thành viên, thủ tục đăng ký thành lập, giải thể hợp tác xã.
Cần quy định cụ thể về huy động nguồn lực, chính sách hỗ trợ nhà nước cho hợp tác xã; về chế độ kế toán, kiểm toán, thông tin báo cáo; phân định quản lý nhà nước; rà soát, xử lý mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập với các luật khác để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.