Luật Hành chính công, “càng nghĩ càng băn khoăn”
“Càng suy nghĩ tôi càng thấy băn khoăn”, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trao đổi với VnEconomy về dự án Luật Hành chính công.
Dự thảo luật này do đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh – người trình sáng kiến dự án luật – làm trưởng ban soạn thảo. Điều này được xem một dấu ấn rất mới trong công tác lập pháp của Việt Nam, trong bối cảnh hầu hết các dự luật do Chính phủ trình và bộ trưởng làm trưởng ban soạn thảo.
Ông Uông Chu Lưu nói:
– Hiện nay sáng kiến lập pháp của đại biểu Quốc hội rất ít, có kiến nghị về luật đã khó rồi đây lại là trình dự án luật lại càng khó hơn, đó là thực tế.
Lâu nay vẫn nói đại biểu Quốc hội làm luật nhưng thực tế là Quốc hội thông qua luật trên cơ sở trình của các cơ quan, tổ chức nên việc đại biểu Trần Thị Quốc Khánh có sáng kiến lập pháp là việc rất đáng hoan ngênh, rất đáng trân trọng.
Cái khó là có “sân” riêng
Thưa ông, đề xuất dự án luật thì đại biểu Trần Thị Quốc Khánh không phải đầu tiên. Nhưng được Quốc hội chấp nhận đưa vào chương trình xây dựng luật thì đây là dự án luật hiếm hoi?
Đúng thế, trước đây tôi nhớ hình như ở Quốc hội khoá 8 cũng đã có đại biểu có sáng kiến trình dự án luật nhưng cuối cùng vẫn không đi được đến cùng để Quốc hội chấp nhận và thông qua được.
Trong chủ trương thì Quốc hội luôn khuyến khích và tạo điều kiện để đại biểu trình dự án luật, hiện cũng đã có những quy định pháp lý làm cơ sở cho đại biểu Quốc hội làm việc đó.
Nhưng, các nước làm luật nhẹ nhàng đơn giản vì hệ thống pháp luật của người ta đồng bộ, hoàn chỉnh rồi, bây giờ có những vấn đề cần sửa đổi bổ sung hoặc điều chỉnh rất nhỏ thôi. Hoặc họ quan niệm luật chỉ điều chỉnh vấn đề rất cụ thể, có khi chỉ là một vấn đề trong cuộc sống nên có thể trình dự án luật chỉ gồm hai, ba điều thì trình tự thủ tục rất đơn giản.
Còn hệ thống pháp luật của Việt Nam chưa đồng bộ, chưa hoàn chỉnh nên việc làm được một cái luật có phạm vi điều chỉnh bài bản công phu như dự thảo Luật Hành chính công thì đòi hỏi nhiều công phu, nhiều yếu tố, nhiều điều kiện lắm.
Không chỉ có ý tưởng mà ngay việc rà soát lại văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để đánh giá hiệu quả của hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này rồi đánh giá nhu cầu của xã hội mà cái luật mới này điều chỉnh thì người đưa ra sáng kiến cũng phải làm.
Rồi còn phải khảo sát thực tế, đánh giá tác động xủa chính sách này khi ban hành có hiệu quả kinh tế – xã hội thế nào, đưa đến sự đổi mới thế nào, có khả thi không, có phù hợp với các công ước, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hay không. Rồi phải cân đối hài hoà được lợi ích trong xã hội, anh có thể bảo vệ được nhóm lợi ích này nhưng cũng phải bảo vệ nhóm khác.
Vậy nên, cần sự tổng kết đánh giá thực tiễn, cần lấy ý kiến các nhóm chịu sự tác động đó để đưa ra một cái khung làm cơ sở cho việc trình dự án trước khi bắt tay vào soạn thảo.
Khi đã được đồng ý đưa vào chương trình xây dựng luật, thì thuyết minh ban đầu của dự án Luật Hành chính công cũng phải đủ sức thuyết phục đa số đại biểu Quốc hội, thưa ông?
Quốc hội quyết định đưa dự án Luật Hành chính công vào chương trình xây dựng luật với mục đích để có nền hành chính công minh bạch, công khai, hiệu lực hiệu quả, một nền hành chính công phục vụ và thông suốt đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, tạo ra điều kiện thông thoáng thuận lợi cho dân nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý của nhà nước.
Để đảm bảo nền hành chính chuyên nghiệp, tinh thần pháp quyền, dân chủ thì phải có quy định rất là khoa học, cụ thể, minh bạch, đó là ý tưởng rất tốt, đại biểu Quốc hội rất ủng hộ.
Nhưng nếu không có đối tượng điều chỉnh riêng thì quy định của Luật Hành chính công sẽ trùng với các văn bản hiện hành đã ban hành. Như nhiều chuyên gia đã nói, trong hệ thống pháp luật hiện có rất nhiều văn bản đã quy định về hành chính công. Chẳng hạn về tổ chức bộ máy có Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương…
Hay trong các luật chuyên ngành về quản lý đất đai, xây dựng, đầu tư, xử phạt hành chính… thì thẩm quyền như thế nào, trình tự thủ tục ra sao cũng đều có rồi.
Ông Lê Hồng Sơn (nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp – PV) có đề nghị dự thảo luật cần có chương về ban hành quyết định hành chính thay cho việc ban hành một luật riêng về ban hành quyết định hành chính đã được Chính phủ đề nghị đưa vào chương trình.
Đây cũng là câu chuyện phải bàn, xem điều chỉnh cái gì, có phải là trình tự thủ tục hay hình thức, thẩm quyển,vì những cái đó cũng đã có những luật khác quy định. ví dụ quyết định cấp đất, thu hồi đất đó là quyết định hành chính nhưng Luật Đất đai đã quy định rồi.
Như vậy cái khó của luật này là có “sân” riêng, không trùng lắp các luật khác. Luật này là hình thức hay là luật nội dung, là luật chung hay là luật cụ thể, xác định cái này rất khó. Càng suy nghĩ càng thấy băn khoăn.
Thành hiện thực thì vô cùng khó
Như ông đã nói, xưa nay đại biểu Quốc hội chỉ thông qua luật là chính, nay một đại biểu đích thân làm trưởng ban soạn thảo dự án luật mà được cho là sẽ “tấn công” mạnh vào quản lý hành chính thì liệu có những cái khó nằm ngoài những điều như ông vừa nói không?
Trong bối cảnh khách quan và chủ quan hiện nay, điều kiện để đại biểu thể hiện được ý tưởng không phải dễ, phải có bộ máy, điều kiện…Nhất là với phạm vi điều chỉnh rộng như tôi đã nói thì đưa sáng kiến thành hiện thực thì vô cùng khó.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ đạo Viện Nghiên cứu lập pháp, Văn phòng Quốc hội giúp đại biểu xây dựng dự án luật. Thường vụ Quốc hội cũng đã thành lập ban soạn thảo, giao cho đại biểu Khánh làm trưởng ban. Trong ban soạn thảo gồm rất nhiều đại diện các cơ quan, tổ chức cá nhân và các đại biểu khác nữa.
Về kinh phí thì dự án luật này cũng được tạo điều kiện như các dự án luật khác. Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu các bộ ngành tạo điều kiện để đại biểu có thể thực hiện tốt công việc của mình.
Nhưng, quan trọng nhất là đại biểu phải trả lời được câu hỏi về phạm vi điều chỉnh, để không trùng với các luật khác và đảm bảo tính khả thi, tác động để đưa nền hành chính công khai, minh bạch, chuyên nghiệp.
Cá nhân ông có tin vào sự thành công của dự án Luật Hành chính công hay không?
Tôi hy vọng thôi, chứ tin thì còn phải chờ sản phẩm hoàn chỉnh mới đánh giá được.
Theo http://vneconomy.vn/
Theo http://vneconomy.vn/