Luật Du Lịch 2017 – Những điểm mới

Luật Du lịch 2017 gồm 9 chương, 78 điều, giảm 2 chương, 10 điều so với Luật Du lịch 2005 với nhiều nội dung được chỉnh sửa nhằm thúc đẩy du lịch phát triển; nâng cao chất lượng hoạt động du lịch; tạo điều kiện thuận lợi, môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp du lịch; tăng cường tính chuyên nghiệp của hoạt động hướng dẫn; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách du lịch. Sau đây Ban soạn thảo xin giới thiệu chi tiết những điểm mới của Luật.

I. CHƯƠNG I: NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Chương này gồm 9 điều (từ Điều 1 đến Điều 9), xác định phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật; giải thích từ ngữ; quy định nguyên tắc phát triển du lịch, chính sách phát triển du lịch; điều chỉnh sự tham gia của cộng đồng dân cư trong phát triển du lịch và tổ chức xã hội – nghề nghiệp về du lịch; quy định về bảo vệ môi trường du lịch và các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động du lịch.

1. Về đối tượng áp dụng

So với Luật Du lịch 2005, đối tượng áp dụng của Luật Du lịch 2017 được mở rộng hơn thông qua việc điều chỉnh cả hành vi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động du lịch ở nước ngoài. Đây là sự điều chỉnh cần thiết nhằm đảm bảo hiệu lực pháp lý của Luật đối với nhóm đối tượng này.

2. Về giải thích từ ngữ

Việc giải thích nhiều từ ngữ trong Luật đã được chỉnh sửa nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế. Cụ thể:

Khái niệm du lịch: Luật Du lịch 2005 quy định du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình trong một khoảng thời gian nhất định. Việc không xác định rõ khoảng thời gian đi du lịch đã làm mất tính cụ thể của khái niệm này. Khắc phục bất cập này, nhằm đảm bảo phù hợp với khái niệm du lịch của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), Luật Du lịch 2017 đã quy định rõ việc đi du lịch được thực hiện trong khoảng thời gian không quá 01 năm liên tục.

Khái niệm sản phẩm du lịch: Luật Du lịch 2005 quy định sản phẩm du lịch là tập hợp các dịch vụ cần thiết để thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch. Khái niệm này chưa chính xác và đầy đủ vì trên thực tế, tài nguyên du lịch cũng là một yếu tố quan trọng để hình thành sản phẩm du lịch. Do vậy, Luật Du lịch 2017 đã điều chỉnh lại khái niệm này, theo đó, sản phẩm du lịch là tập hợp các dịch vụ trên cơ sở khai thác giá trị tài nguyên du lịch để thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch.

Khái niệm điểm du lịch: Bên cạnh quy định phải có tài nguyên du lịch, Luật Du lịch 2017 quy định điểm du lịch phải được đầu tư, khai thác phục vụ khách du lịch. Việc điều chỉnh này phù hợp với quy định về điều kiện công nhận điểm du lịch là phải có kết cầu hạ tầng, dịch vụ cần thiết đảm bảo phục vụ khách du lịch (Điều 23).

Khái niệm hướng dẫn du lịch và hướng dẫn viên du lịch: Luật Du lịch 2005 giải thích khái niệm hướng dẫn du lịch còn chung chung, thiếu tính cụ thể. Bên cạnh đó, việc giải thích người thực hiện hoạt động hướng dẫn là hướng dẫn viên là chưa chính xác vì theo khái niệm này, những người hành nghề hướng dẫn du lịch “chui” cũng có thể được coi là hướng dẫn viên. Khắc phục bất cập này, Luật Du lịch 2017 đã giải thích rõ hơn nội hàm của hoạt động hướng dẫn du lịch, đồng thời xác định hướng dẫn viên du lịch là người được cấp thể để hành nghề hướng dẫn du lịch.

Khái niệm cơ sở lưu trú du lịch: Khái niệm cơ sở lưu trú du lịch trong Luật Du lịch 2005 không còn phù hợp với sự phát triển đa dạng và phong phú của các loại hình cơ sở lưu trú du lịch hiện nay. Vì vậy, Luật Du lịch 2017 đã giải thích lại thuật ngữ này một cách bao quát hơn.

Khái niệm xúc tiến du lịch: Luật bổ sung thêm hoạt động nghiên cứu thị trường trong nội hàm của thuật ngữ này do trên thực tiễn, đây là hoạt động quan trọng trong công tác xúc tiến du lịch.

Khái niệm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa: Việc giải thích những thuật ngữ này trong Luật Du lịch 2005 chưa chính xác và thiếu rõ ràng, có sự nhầm lẫn với loại hình du lịch cộng đồng. Luật Du lịch 2017 đã điều chỉnh để đảm bảo tính chính xác, phù hợp với thực tiễn đối với từng loại hình du lịch.

Bên cạnh việc chỉnh sửa về câu chữ trong các từ ngữ, Luật đã bỏ việc giải thích một số thuật ngữ do không cần thiết phải được giải thích trong Luật (tham quan, dịch vụ du lịch, phương tiện vận chuyển khách du lịch) hoặc nội dung liên quan đến những thuật ngữ này không còn được quy định trong Luật (đô thị du lịch, tuyến du lịch). Bên cạnh đó, Luật giải thích thêm thuật ngữ “du lịch cộng đồng” do đây là loại hình du lịch quan trọng trong phát triển sản phẩm du lịch.

3. Về chính sách phát triển du lịch

Điều 6 Luật Du lịch 2005 quy định nhà nước có chính sách khuyến khích, ưu đãi về đất đai, tài chính, tín dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và tổchức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào một số lĩnh vực. Tuy nhiên, theo Luật Đầu tư, Luật Đất đai, các Luật về thuế… thì du lịch không phải là ngành, nghề ưu đãi đầu tư. Bên cạnh đó, các chính sách khác trong Điều này còn chung chung và mang tính khẩu hiệu nên không phát huy hiệu quả trong thực tiễn.

Trên cơ sở rà soát các Luật liên quan và thể chế hóa Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chính sách phát triển du lịch đã được Luật Du lịch 2017 quy định cụ thể hơn:

Khoản 2 Điều 5 quy định “Tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch được hưởng mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cao nhất khi Nhà nước ban hành, áp dụng các chính sách về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư” với chủ trương khi ban hành các chính sách có liên quan trong thời gian tới, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch sẽ được xem xét để hưởng mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cao nhất.

Khoản 3 Điều 5 quy định rõ những hoạt động được Nhà nước ưu tiên bố trí kinh phí. So với Luật Du lịch 2005, Luật đã bổ sung thêm các hoạt động điều tra, đánh giá tài nguyên du lịch; xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia, địa phương. Bên cạnh đó, Nhà nước ưu tiên bố trí kinh phí cho hoạt động xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch nói chung mà không bị giới hạn trong các đô thị du lịch, khu du lịch, điểm du lịch. Hoạt động ứng dụng khoa học, công nghệ, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực được chuyển sang đối tượng được hưởng chính sách khuyến khích, hỗ trợ quy định tại khoản 4 Điều 5.

Khoản 4 Điều 5 quy định về những hoạt động được Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ phát triển. Đáng chú ý là chính sách này đã thể hiện sự quan tâm, chú trọng của Nhà nước trong việc đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ du lịch chất lượng cao; đầu tư hình thành khu dịch vụ du lịch phức hợp, có quy mô lớn; hệ thống cửa hàng miễn thuế, trung tâm mua sắm phục vụ khách du lịch; đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới có tác động tích cực tới môi trường, thu hút sự tham gia của cộng đồng dân cư và các sản phẩm du lịch đặc thù.

Khoản 5 Điều 5 quy định về chính sách của nhà nước trong việc đi lại, cư trú, thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, hải quan, hoàn thuế giá trị gia tăng và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp khác cho khách du lịch. Đây là chính sách thiết thực nhằm thu hút khách du lịch đến Việt Nam.

Việc thành lập Quỹ được Luật tách thành một mục riêng thuộc Chương về xúc tiến du lịch với những quy định cụ thể hơn về địa vị pháp lý, mục đích, nguyên tắc hoạt động và nguồn hình thành Quỹ, đảm bảo căn cứ pháp lý rõ ràng cho việc thành lập Quỹ trong thời gian sắp tới.

4. Về tổ chức xã hội – nghề nghiệp về du lịch   

Luật Du lịch 2005 có một điều quy định về hiệp hội du lịch (Điều 8). Tuy nhiên, hiệp hội du lịch chỉ là một trong rất nhiều loại hình tổ chức hoạt động về du lịch. Để đảm bảo tính bao quát đối với các tổ chức này, Luật Du lịch 2017 đã mở rộng đối tượng này là các tổ chức xã hội – nghề nghiệp về du lịch và quy định những tổ chức này tham gia cùng nhà nước trong việc triển khai một số hoạt động nhằm phát triển du lịch.

5. Về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động du lịch

Luật Du lịch 2017 bỏ quy định nghiêm cấm hành vi “xây dựng công trình du lịch không theo quy hoạch đã được công bố” do vấn đề này sẽ được điều chỉnh trong pháp luật về quy hoạch.

Căn cứ tình hình thực tiễn và yêu cầu trong công tác quản lý nhà nước về du lịch, Luật đã bổ sung thêm một số hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm: lợi dụng hoạt động du lịch để đưa người từ Việt Nam ra nước ngoài hoặc từ nước; hành nghề hướng dẫn du lịch khi không đủ điều kiện hành nghề; quảng cáo không đúng loại, hạng cơ sở lưu trú du lịch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận, quảng cáo về loại, hạng cơ sở lưu trú du lịch khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.
 

Quy định về khách du lịch được chuyển từ Chương V Luật Du lịch 2005 lên Chương II Luật Du lịch 2017, thể hiện quan điểm lấy khách du lịch làm trung tâm của mọi hoạt động du lịch.

II. KHÁCH DU LỊCH

Chương này gồm 5 điều (từ Điều 10 đến Điều 14), quy định về các loại khách du lịch; quyền, nghĩa vụ của khách du lịch; bảo đảm an toàn cho khách du lịch và giải quyết kiến nghị của khách du lịch. So với Luật Du lịch năm 2005, quy định về khách du lịch tại Luật Du lịch 2017 có những điểm mới sau:

1. Luật Du lịch 2017 phân loại các nhóm khách du lịch rõ hơn

Theo Luật Du lịch 2005, khách du lịch gồm khách du lịch nội địa và khách du lịch quốc tế. Khách du lịch quốc tế là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào Việt Nam du lịch; công dân Việt Nam, người nước ngoài thường trú tại Việt Nam ra nước ngoài du lịch. Tuy nhiên, Luật Du lịch 2017 đã tách các đối tượng trên thành hai nhóm với tên gọi rõ ràng, cụ thể hơn, bao gồm khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài để phù hợp hơn với chỉ tiêu thống kê về khách du lịch hiện nay.

2. Về quyền của khách du lịch

Luật Du lịch 2017 bổ sung thêm một số quyền cơ bản của khách du lịch. Cụ thể:

Khẳng định khách du lịch có quyền tự đi du lịch hoặc sử dụng dịch vụ du lịch do tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch cung cấp. Tuy không phải là phổ biến nhưng trên thế giới vẫn có một số ít quốc gia, vùng lãnh thổ không khuyến khích khách du lịch đi tự do đến quốc gia, vùng lãnh thổ của mình. Việc đi du lịch đến quốc gia, vùng lãnh thổ này thường phải thông qua các công ty du lịch của quốc gia đó để bảo lãnh visa (Bhutan). Với Việt Nam, khách du lịch có quyền lựa chọn hình thức đi du lịch và được ghi nhận trong Luật Du lịch như là một quyền cơ bản.

Ghi nhận quyền phản ánh, kiến nghị của khách du lịch về các vấn đề liên quan đến hoạt động du lịch. Một trong những quyền cơ bản của khách hàng, người tiêu dùng là quyền phản ánh về chất lượng hàng hóa, dịch vụ và được tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trả lời, giải quyết những phản ánh này. Cùng với việc bổ sung quyền này, Luật Du lịch 2017 đã quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc giải quyết kiến nghị của khách nhằm góp phần hỗ trợ, giải quyết những khó khăn trở ngại cho khách du lịch.

Một số quyền của khách du lịch đã được Luật Du lịch 2017 quy định rộng hơn so với Luật Du lịch 2005. Cụ thể:

Thứ nhất, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản bởi tất cả các chủ thể có liên quan, không chỉ là trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch như quy định tại khoản 5 Điều 35 Luật Du lịch 2005. Sự điều chỉnh này là hoàn toàn phù hợp bởi sự an toàn của khách du lịch gắn liền với an ninh, trật tự và môi trường du lịch của điểm đến, đ.i hỏi sự tham gia, phối hợp của nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau, trong đó có chính quyền địa phương, khu du lịch, điểm du lịch và tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch.

Thứ hai, quyền được cứu hộ, cứu nạn trong trường hợp khẩn cấp không còn bị giới hạn khi khách đi du lịch trên lãnh thổ Việt Nam. Trong nhiều trường hợp, khách du lịch Việt Nam khi đi du lịch nước ngoài, nếu gặp rủi ro thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền (cơ quan đại diện ngoại giao của Nhà nước tại nước ngoài; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,…) trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình cũng phải thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an toàn cho khách du lịch. Đây là sự điều chỉnh nhằm đảm bảo quyền của khách du lịch khi đi du lịch nước ngoài; phù hợp với nguyên tắc đối xử bình đẳng với khách du lịch quy định tại khoản 5 Điều 4 Luật Du lịch.

Luật quy định cụ thể hơn về phạm vi thông tin mà các doanh nghiệp cung cấp cho khách du lịch. Theo khoản 2 Điều 35 Luật Du lịch 2005, khách du lịch có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch cung cấp thông tin cần thiết về chương trình, dịch vụ, điểm đến du lịch. Quy định này chưa rõ ràng về phạm vi thông tin cần cung cấp; chưa phù hợp với thực tiễn vì không thể yêu cầu mọi tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch phải có trách nhiệm này đối với mọi đối tượng khách. Do vậy, Luật Du lịch 2017 chỉ giới hạn quyền này đối với những thông tin về chương trình, dịch vụ, điểm đến du lịch theo hợp đồng đã ký kết với tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch (khoản 2 Điều 11).

Bên cạnh những điều chỉnh, bổ sung trên, Luật Du lịch 2017 đã bỏ một số quyền được quy định tại Điều 35 Luật Du lịch 2005, bao gồm quyền lựa chọn hình thức du lịch lẻ hoặc du lịch theo đoàn; lựa chọn một phần hoặc toàn bộ chương trình du lịch, dịch vụ du lịch (khoản 1); quyền được hưởng đầy đủ các dịch vụ theo hợp đồng, được hưởng bảo hiểm du lịch và các loại bảo hiểm khác (khoản 4) do những quyền này phụ thuộc vào thỏa thuận giữa khách du lịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch và thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật về luật dân sự, kinh doanh và bảo hiểm.

3. Về nghĩa vụ của khách

Theo quy định của Luật Du lịch 2005, khách du lịch có nghĩa vụ tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam về an ninh, trật tự,an toàn xã hội. Tuy nhiên, quy định này là chưa chính xác vì mọi tổ chức, cá nhân hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, không chỉ giới hạn trong một số lĩnh vực nhất định như đã nêu tại Luật Du lịch 2005. Do vậy, Luật Du lịch 2017 đã điều chỉnh quy định này là “khách du lịch có trách nhiệm tuân thủ pháp luật của Việt Nam”.

Khi đi du lịch, đặc biệt là du lịch nước ngoài, mỗi khách du lịch là một đại sứ của quốc gia. Cách hành xử, ứng xử của khách du lịch là một tiêu chí để bạn bè quốc tế đánh giá về đất nước, con người của quốc gia đó. Thực tế đã xảy ra những hiện tượng tiêu cực liên quan đến ý thức của khách Việt Nam khi đi du lịch nước ngoài như: trộm cắp, ăn uống lãng phí, xả rác bừa bãi, chen lấn không xếp hàng, hút thuốc lá, mất trật tự nơi công cộng… làm ảnh hưởng tới hình ảnh con người, đất nước Việt Nam. Xuất phát từ tình hình thực tiễn này, Luật Du lịch 2017 đã bổ sung quy định khách du lịch có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ nơi đến du lịch; ứng xử văn minh, không gây phương hại đến hình ảnh quốc gia, truyền thống văn hóa dân tộc của Việt Nam nhằm góp phần nâng cao hình ảnh người Việt, giữ gìn hình ảnh quốc gia khi đi du lịch nước ngoài của công dân Việt Nam.

4. Giải quyết kiến nghị của khách du lịch

Bên cạnh tài nguyên du lịch, chất lượng dịch vụ và môi trường du lịch là những yếu tố quan trọng góp phần xây dựng thương hiệu du lịch, thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng về tài nguyên du lịch. Tuy nhiên, trong lĩnh vực du lịch vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như chất lượng dịch vụ chưa tương xứng với tiêu chuẩn đã được công nhận hoặc đã thỏa thuận với khách du lịch; tình trạng “chèo kéo”, cướp, giật, trộm cắp, lừa đảo… vẫn còn xảy ra, gây bức xúc cho khách du lịch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành Du lịch.

Để khắc phục những tồn tại này, Luật Du lịch 2005 đã có quy định về việc tổ chức tiếp nhận yêu cầu, kiến nghị của khách du lịch (khoản 2 Điều 86). Tuy nhiên, quy định này chưa rõ ràng, đầy đủ và thiếu tính hợp lý, theo đó, chỉ một số địa phương có đô thị du lịch, khu du lịch hoặc có lượng khách du lịch lớn mới tổ chức việc tiếp nhận yêu cầu, kiến nghị của khách du lịch. Trên thực tế, khách du lịch có quyền được yêu cầu, kiến nghị bất kể họ đang du lịch ở địa điểm nào và cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết yêu cầu kiến nghị của họ. Ngoài ra, chưa có tiêu chí để xác định “nơi có lượng khách du lịch lớn”, do vậy, khó có căn cứ để xác định trách nhiệm của cơ quan nhà nước về du lịch các cấp trong việc tiếp nhận yêu cầu, kiến nghị của khách du lịch.

Để đảm bảo sự thuận tiện cho khách du lịch trong việc thực hiện quyền kiến nghị trên thực tiễn, Luật Du lịch 2017 quy định đầy đủ và rõ ràng hơn trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch trong việc tiếp nhận, giải quyết kiến nghị của khách du lịch, bao gồm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, quản lý khu, điểm du lịch, Ủy ban nhân dân các cấp và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng thời chuyển quy định này từ Chương X Luật Du lịch 2005 về chương II (khách du lịch) để đảm bảo tính logic về nội dung.

(Còn tiếp)

Nguyễn Thanh Thủy