Luận văn thạc sĩ phải đáp ứng các yêu cầu gì? Pháp luật quy định tiêu chuẩn của người hưỡng dẫn luận văn thạc sĩ như thế nào? Luận văn thạc sĩ được đánh giá như thế nào?


Tôi đang theo học thạc sĩ cho tôi hỏi luận văn thạc sĩ phải đáp ứng các yêu cầu gì? Pháp luật quy định tiêu chuẩn của người hưỡng dẫn luận văn thạc sĩ ra sao? Bên cạnh đó sau khi tôi hoàn thành xong bài luận văn của tôi thì bài luận văn thạc sĩ của tôi sẽ được đánh giá như thế nào? Xin hãy tư vấn giúp tôi!

Luận văn thạc sĩ phải đáp ứng các yêu cầu gì?

Căn cứ tại khoản 2 Điều 8 Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ ban hành kèm theo Thông tư 23/2021/TT-BGDĐT quy định về hướng dẫn luận văn thạc sĩ như sau:

– Luận văn thạc sĩ là một báo cáo khoa học, tổng hợp các kết quả nghiên cứu chính của học viên, đáp ứng các yêu cầu sau:

+ Có đóng góp về lý luận, học thuật hoặc phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo; thể hiện năng lực nghiên cứu của học viên;

+ Phù hợp với các chuẩn mực về văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của người Việt Nam;

+ Tuân thủ quy định của cơ sở đào tạo về liêm chính học thuật và các quy định hiện hành của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Luận văn thạc sĩ

Luận văn thạc sĩ

Pháp luật quy định tiêu chuẩn của người hướng dẫn luận văn thạc sĩ như thế nào?

Căn cứ tại khoản 4 Điều 8 Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ ban hành kèm theo Thông tư 23/2021/TT-BGDĐT quy định về tiêu chuẩn của người hướng dẫn luận văn thạc sĩ như sau:

– Có trình độ tiến sĩ chuyên môn phù hợp với ngành đào tạo và đề tài luận văn của học viên;

– Có năng lực ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện nghiên cứu và trao đổi khoa học quốc tế;

– Có kết quả nghiên cứu khoa học liên quan đến đề tài luận văn trong thời gian 05 năm tính đến thời điểm được giao hướng dẫn;

– Đáp ứng những yêu cầu khác theo chuẩn chương trình đào tạo của ngành, lĩnh vực đào tạo và quy định của cơ sở đào tạo.

Luận văn thạc sĩ được đánh giá như thế nào?

Căn cứ tại Điều 9 Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ ban hành kèm theo Thông tư 23/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá luận văn thạc sĩ như sau:

– Luận văn được tổ chức đánh giá bằng hình thức bảo vệ trước hội đồng. Buổi bảo vệ được tổ chức công khai trừ những đề tài thuộc các lĩnh vực cần bảo mật thực hiện theo quy định của Nhà nước.

– Hội đồng đánh giá luận văn bảo đảm các yêu cầu sau:

+ Hội đồng có ít nhất 05 thành viên, bao gồm chủ tịch, thư ký, 02 ủy viên phản biện và các ủy viên khác; trong đó ít nhất 01 ủy viên phản biện là người ngoài cơ sở đào tạo;

+ Tiêu chuẩn các thành viên hội đồng phải đáp ứng tiêu chuẩn như người hướng dẫn luận văn quy định tại khoản 4 Điều 8 Quy chế này; trong đó chủ tịch phải là giảng viên cơ hữu hoặc nghiên cứu viên cơ hữu của cơ sở đào tạo;

+ Người hướng dẫn có thể tham gia hội đồng với tư cách là ủy viên nhưng không được cho điểm đánh giá; cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con, anh, chị, em ruột của học viên không tham gia hội đồng.

– Điều kiện để học viên được bảo vệ luận văn:

+ Đã hoàn thành tất cả các học phần của chương trình đào tạo;

+ Đã nộp luận văn, được người hướng dẫn đồng ý cho bảo vệ;

+ Đã hoàn thành các yêu cầu khác theo quy định của cơ sở đào tạo.

– Buổi bảo vệ luận văn được tổ chức khi ít nhất 2 phần 3 tổng số thành viên hội đồng đánh giá có mặt, trong đó có chủ tịch, thư ký và ít nhất 01 ủy viên phản biện. Hình thức bảo vệ trực tuyến có thể được thực hiện khi có sự đồng thuận của các thành viên hội đồng và học viên; toàn bộ diễn biến của buổi bảo vệ trực tuyến được ghi hình, ghi âm và lưu trữ tại cơ sở đào tạo.

+ Điểm luận văn là trung bình cộng điểm chấm của các thành viên hội đồng có mặt trong buổi đánh giá luận văn theo thang điểm 10; được xếp loại đạt khi lớn hơn hoặc bằng 5,5 điểm.

– Trong trường hợp luận văn không đạt yêu cầu, học viên được chỉnh sửa, bổ sung luận văn để được đánh giá lần thứ hai trong thời hạn 03 tháng tính từ ngày họp hội đồng đánh giá lần thứ nhất; không tổ chức đánh giá luận văn lần thứ ba.

– Sau khi bảo vệ thành công, toàn văn luận văn (đã được chỉnh sửa, bổ sung theo yêu cầu của hội đồng nếu có) phải được nộp và lưu trữ tại thư viện của cơ sở đào tạo; được công bố trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo trong thời gian ít nhất 30 ngày, trừ một số đề tài thuộc các lĩnh vực cần bảo mật thực hiện theo quy định của Nhà nước.

– Quy chế của cơ sở đào tạo quy định chi tiết về tiêu chí và quy trình đánh giá luận văn; các quy định khác liên quan đến đánh giá luận văn.