[Luận văn] Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai – TP. Hà Nội

[Luận văn 2020] Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thực tiễn tại quận Bắc Từ Liêm – TP. Hà Nội

THÔNG TIN LUẬN VĂN

  • Trường: Đại học Luật Hà Nội
  • Tác giả: ThS. Nguyễn Đức Long
  • Định dạng: PDF
  • Số trang: 60 trang
  • Năm: 2020

[Luận văn] Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thực tiễn tại quận Bắc Từ Liêm - TP. Hà Nội[Luận văn] Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thực tiễn tại quận Bắc Từ Liêm - TP. Hà Nội [Luận văn] Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thực tiễn tại quận Bắc Từ Liêm - TP. Hà Nội[Luận văn] Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thực tiễn tại quận Bắc Từ Liêm - TP. Hà Nội [Luận văn] Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thực tiễn tại quận Bắc Từ Liêm - TP. Hà Nội[Luận văn] Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thực tiễn tại quận Bắc Từ Liêm - TP. Hà Nội [Luận văn] Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thực tiễn tại quận Bắc Từ Liêm - TP. Hà Nội[Luận văn] Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thực tiễn tại quận Bắc Từ Liêm - TP. Hà Nội

1. Tính cấp thiết của đề tài.

Từ xa xưa, các bậc tiền nhân đã có câu “Tấc đất tấc vàng” để thể hiện giá trị to lớn của đất đai trong đời sống xã hội. Trong điều kiện kinh tế thị trường như nước ta hiện nay, thì đất đai lại ngày càng có giá trị; nên một bộ phận đáng kể người sử dụng đất sẵn sàng vi phạm pháp luật đất đai để có được lợi nhuận. Do đó, các quy định về xử lý hành vi vi phạm pháp luật đất đai nói chung và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai nói riêng ngày càng đóng vai trò quan trọng và trở nên cấp thiết. Thời gian qua đã có nhiều công trình khoa học nghiên cứu về vấn đề này và đã đóng góp một số giải pháp để hoàn thiện chế định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành pháp luật về đất đai cho thấy hiệu quả của việc xử phạt về vi phạm hành chính trong lĩnh vực này còn chưa đáp ứng được sự kỳ vọng, mong muốn của xã hội. Nhiều vụ vi phạm pháp luật đất đai được phát hiện nhưng được xử phạt với chế tài còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe, giáo dục người vi phạm nên vô hình trung đã gây ra tình trạng khinh nhờn, coi thường pháp luật và sự rối ren trong quản lý đất đai. Đây là lý do cần phải tiếp tục có sự nghiên cứu, đánh giá một cách hệ thống, toàn diện thực trạng pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai nhằm nhận diện những tồn tại, bất cập và nguyên nhân để từ đó tiếp tục đưa ra các giải pháp góp phần hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thi hành chế định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Quận Bắc Từ Liêm – TP. Hà Nội với vị trí địa lí nằm dọc phía bờ nam của sông Hồng: Phía Đông giáp quận Tây Hồ, phía Đông Nam giáp với quận Cầu Giấy, Phía Tây giáp huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Phía Nam giáp với quận Nam Từ Liêm, phía Bắc giáp huyện Đông Anh. Được thành lập ngày 27/12/2013 theo Nghị quyết số 132/NQ-CP của Chính phủ, từ việc tách 9 xã: Liên Mạc, Thượng Cát, Thụy Phương, Tây Tựu, Phú Diễn, Minh Khai, Xuân Đinh, Cổ Nhuế, Đông Ngạc, xã Xuân Phương; thị trấn Cầu Diễn thuộc huyện Từ Liêm cũ.

Từ thời điểm thành lập đến nay, tốc độ phát triển kinh tế của Bắc Từ Liêm năm sau luôn cao hơn năm trước, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật được xây dựng đồng bộ làm thay đổi bộ mặt đô thị. Kinh tế phát triển kéo theo giá đất ngày càng tăng, đây là một nguyên nhân khách quan dẫn đến việc vi phạm pháp luật đất đai. Mặc dù chính quyền quận Bắc Từ Liêm đã áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp để phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai (trong đó có vi phạm hành chính về đất đai) song số lượng và tính chất mức độ của các vi phạm hành chính đất đai vẫn không có dấu hiệu giảm. Vì vậy đặt ra yêu cầu phải nghiên cứu, đánh giá toàn diện, khách quan, có hệ thống về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai từ thực tiễn thi hành tại quận Bắc Từ Liêm hiện nay.

Với những lý do trên, học viện lựa chọn đề tài “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Thực tiễn tại quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội” làm luận văn Thạc sĩ Luật học.

2. Tình hình nghiên cứu đề tài.

Hiện nay, các công trình nghiên cứu về “Pháp luật xử lý vi phạm hành chính” khá nhiều, tuy nhiên, những công trình đề cập trực tiếp đến xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai lại chưa phổ biến. Đặc biệt, là việc nghiên cứu vấn đề này gắn liền với thực tiễn thi hành tại quận Bắc Từ Liêm – TP. Hà Nội thì chưa có công trình nào.

Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu khác mang giá trị tham khảo có thể kể đến một số công trình tiêu biểu như: “Bàn về vấn đề vi phạm hành chính nhiều lần và thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính” của tác giả Nguyễn Hoàng Việt, Đào Thùy Linh, Tạp chí Nghề Luật số 4/2019, tr. 61-66; “Một số góp ý hoàn thiện Luật Xử lý vi phạm hành chính” của Trần Quốc Huy, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 24/2018, tr. 48-52; “Điều kiện bảo đảm cho công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính” của Nguyễn Hoàng Việt, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật số chuyên đề 5/2015, tr. 27 – 32; “Sự chồng chéo giữa biện pháp khắc phục hậu quả với các hình thức xử phạt trong pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính” của tác giả Cao Vũ Minh trên Tạp chí nhà nước và pháp luật số 10/2018, tr. 38 – 47… Các công trình nêu trên nghiên cứu những vấn đề chung về xử lý vi phạm hành chính ở các góc độ, khía cạnh khác nhau… Ví dụ Bài viết “Một số góp ý hoàn thiện Luật Xử lý vi phạm hành chính” của tác giả Trần Quốc Huy nêu một số bất cập và góp ý nhằm hoàn thiện Luật xử lý vi phạm hành chính qua thực tiễn thi hành, như: Hoàn thiện quy định về mức phạt tiền cụ thể đối với hành vi vi phạm hành chính, quy định đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính,… Bài viết “Điều kiện bảo đảm cho công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính” của Nguyễn Hoàng Việt phân tích tình hình bảo đảm các điều kiện cho việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính kể từ thời điểm Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực, đánh giá những mặt đạt được, những mặt còn hạn chế, chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, trên cơ sở đó đưa ra đề xuất, kiến nghị.

Các luận văn thạc sĩ luật học nghiên cứu về đề tài xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực cụ thể như: Hoàng Thị Phương Ly (2016), “Pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch”, Luận văn thạc sĩ luật học, TS. Nguyễn Thị Thủy hướng dẫn, Hà Nội; Trần Thị Lan Anh (2016), “Pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sử dụng đất ở Việt Nam”, Luận văn thạc sĩ luật học, PGS. TS. Phạm Hữu Nghị hướng dẫn, Hà Nội; “Thực trạng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh bất động sản”, Luận văn thạc sĩ Luật học, Trần Quang Anh; TS. Nguyễn Thị Dung hướng dẫn, Hà Nội, 2018… Trong nhóm công trình nghiên cứu về xử lý hành chính trong lĩnh vực cụ thể thì các công trình nghiên cứu về xử lý hành chính trong lĩnh vực đất đai chiếm số lượng lớn. Các công trình này dù nghiên cứu từ các góc độ khác nhau, nhưng tựu chung lại, đã làm rõ những vấn đề lý luận về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, phân tích khá thấu đáo thực trạng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai tại Việt Nam, từ đó đưa ra các giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.

Các công trình nghiên cứu về thực tiễn thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính tại các địa phương có thể kể đến bao gồm: Vi phạm hành chính về đất đai ở Thái Bình – Thực trạng và giải pháp khắc phục, luận văn Thạc sĩ luật học của Đỗ Thị Phương(2005), Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Hà Nội; Pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và thực tiễn thi hành trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, Luận văn thạc sĩ Luật học của Dương Mai Tùng; PGS. TS. Nguyễn Quang Tuyến hướng dẫn, Hà Nội, 2018; Hoạt động quản lý xử phạt vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật ở Ninh Bình của Trịnh Thị Hằng Nga đăng trên Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Số chuyên đề 7/2016, tr. 11 – 14; Một cách làm riêng về xử lý vi phạm hành chính ở huyện Tiên Phước, Quảng Nam của Vũ Minh đăng trên Tạp chí Dân chủ và Pháp luật số 1/2012, tr. 53 – 54… Các công trình nêu trên đã tìm hiểu, phân tích thực tiễn thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực tại các địa phương, nêu những kết quả đạt được trong hoạt động xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật; những khó khăn, hạn chế trong công tác này và đề xuất được các giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về vấn đề này.

Nhìn chung, các công trình nghiên cứu trên đây đã giải quyết được một số vấn đề lý luận và thực tiễn về xử lý vi phạm hành chính, bao gồm phân tích khái niệm, đặc điểm, hậu quả của vi phạm hành chính; đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả phòng chống vi phạm pháp luật. Đồng thời cũng đã phân tích các quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và thực tiễn thi hành các quy định này tại các địa phương. Từ đó, chỉ ra những hạn chế, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn thực thi và giải pháp khắc phục về pháp lý liên quan đến vấn đề này. Tuy nhiên, công trình khoa học nghiên cứu chuyên sâu toàn diện về pháp luật xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai theo Luật đất đai năm 2013, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các văn bản liên quan áp dụng vào địa bàn quận Bắc Từ Liêm thì chưa có công trình nào đề cập. Chính vì thế, trên cơ sở kế thừa và vận dụng có chọn lọc những kết quả nghiên cứu của các công trình khoa học trước, luận văn đi sâu tìm hiểu pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai từ thực tiễn thi hành tại quận Bắc Từ Liêm.

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

3.1.Mục đích nghiên cứu

Mục đích của luận văn là làm rõ những vấn đề lý luận về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; làm rõ thực trạng các quy định pháp luật hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và thực tiễn thi hành tại quận Bắc Từ Liêm. Thông qua đó, luận văn nêu các khó khăn, vướng mắc trong việc thực thi các quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực luật đất đai tại quận Bắc Từ Liêm và từ đó đề xuất các giải pháp khắc phục, hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.

3.2.Nhiệm vụ nghiên cứu

Luận văn xác định các nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài cụ thể như sau:

– Nghiên cứu các vấn đề lý luận về xử phạt vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

– Nghiên cứu các vấn đề lý luận về cấu thành vi phạm hành chính.

– Tìm hiểu và xác định phạm vi, mục đích, ý nghĩa, nguyên tắc, hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

– Đánh giá thực trạng pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh đất đai từ thực tiễn thi hành tại quận Bắc Từ Liêm. vực

– Đưa ra định hướng và đề xuất giải pháp hoàn thiện, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai tại quận Bắc Từ Liêm.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

4.1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của đề tài tập trung vào các nội dung chủ yếu sau đây:

– Các quy định của pháp luật đất đai nói chung và pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai nói riêng;

– Các quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các văn bản liên quan về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai;

– Thực tiễn thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai tại quận Bắc Từ Liêm.

4.2. Phạm vi nghiên cứu

Pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai ở Việt Nam là một đề tài có phạm vi nghiên cứu rộng và liên quan đến nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau. Tuy nhiên trong khuôn khổ của một bản luận văn Thạc sĩ luật, tác giả giới hạn phạm vi nghiên cứu của luận văn ở những nội dung cụ thể sau:

Về nội dung: Luận văn nghiên cứu, tìm hiểu các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai theo Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành tham chiếu với các quy định chung từ Luật đất đai năm 2013;

Về không gian: Luận văn nghiên cứu, đánh giá thực tiễn thi hành các quy định của Luật đất đai năm 2013, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính theo Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành trong phạm vi không gian của địa bàn quận Bắc Từ Liêm – TP. Hà Nội.

Về phạm vi, thời gian nghiên cứu: Luận văn có thời gian nghiên cứu trong giai đoạn từ khi Luật đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành (từ 01/7/2014) đến nay.

5. Phương pháp nghiên cứu

Khi thực hiện đề tài này, tác giả sử dụng các phương pháp nghiên cứu cơ bản sau đây:

– Phương pháp luận duy vật biện chứng của Chủ nghĩa Mác- Lê Nin;

– Phương pháp lịch sử, phương pháp phân tích, phương pháp so – sánh… được sử dụng tại Chương I khi nghiên cứu lý luận về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai;

– Phương pháp tổng hợp thống kê, phương pháp so sánh được sử dụng tại Chương II khi nghiên cứu thực trạng pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai từ thực tiễn thi hành tại quận Bắc Từ Liêm –TP. Hà Nội;

– Phương pháp diễn giải, phương pháp quy nạp, phương pháp liệt – kê,…được sử dụng tại Chương III khi nghiên cứu phương hướng và giải pháp hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu lực về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai từ thực tiễn thi hành tại quận Bắc Từ Liêm – TP. Hà Nội.

6. Những kết quả nghiên cứu đạt được

Luận văn hoàn thành với những kết quả nghiên cứu đạt được cụ thể như sau:

– Hệ thống lại chi tiết, toàn diện cơ sở lý luận và thực tiễn pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai ở quận Bắc Từ Liêm – TP. Hà Nội;

– Tìm hiểu, làm rõ khái niệm về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai;

– Làm rõ cấu thành của vi phạm hành chính, phạm vi, nguyên tắc, hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai;

– Đánh giá thực trạng pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai từ thực tiễn thi hành tại quận Bắc Từ Liêm;

– Đưa các phương hướng, đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu lực về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai từ thực tiễn thi hành tại quận Bắc Từ Liêm.

7. Kết cấu của Luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của Luận văn gồm 3 chương:

Chương I: Một số vấn đề lý luận pháp lý về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Chương II: Thực tiễn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai tại quận Bắc Từ Liêm.

Chương III: Giải pháp và phương hướng nâng cao hiệu lực về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai tại quận Bắc Từ Liêm.