Lụa tơ tằm

Bạn biết không, để làm ra những sản phẩm từ lụa tơ tằm bằng phương pháp truyền thống, người nghệ nhân đã phải nhọc lòng với nhiều công đoạn khó, đòi hỏi sự tâm huyết với nghề. Hôm nay, Ninh Khương kể bạn nghe quy trình để làm ra một sản phẩm lụa tơ tằm từ phương pháp thủ công nhé!

Nuôi Tằm

Nuôi tằm là khâu quan trọng nhất và cũng là khó khăn nhất trong các công đoạn của nghề trồng dâu nuôi tằm. Bởi nó cho ra sản phẩm trực tiếp để sản xuất lụa.

Tằm rất mẫn cảm với các điều kiện sống xung quanh nó như thức ăn, nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng, gió,…Vì vậy để nuôi tằm tốt cần tạo điều kiện thuận lợi cho sinh trưởng phát triển của nó,  hạn chế các ảnh hưởng xấu và tích cực phòng bệnh cho tằm. 

Trong quá trình phát triển tằm có 2 giai đoạn quan trọng là giai đoạn tằm con (1, 2 tuổi) và giai đoạn tằm lớn (4,5 tuổi). Khi chăm sóc tằm phải chú ý số bữa ăn, số lượng thực ăn, lá dâu khác nhau phụ thuộc vào số tuổi của tằm, thay phân san tằm và xử lý tằm ngủ,… Tiếp đến ở tuổi 5, sau 6-8 ngày ăn dâu thì tằm chín và cho lên né và nhả tơ. Tằm chín 4-5 ngày thì hóa nhộng, đây chính là lúc thu hoạch kén và tiến hành phân loại.

Ươm Tơ

Sau khi phân loại và chọn ra những kén già để tiếp tục công việc ươm tơ hay nói cách khác là kéo các sợi tơ từ kén con tằm đã đóng ra. Trong thời gian 5 ngày phải ươm tơ hết các kén đã đóng, nếu chậm tằm sẽ biến thành con ngài, ngài sẽ cắn kén chui ra, làm sợi tơ bị cắn đứt, ảnh hưởng đến độ dài tơ và không thể ươm được tơ nữa. 

Để ươm tơ, ta thả kén vào nồi nước sôi khoảng 80 độ, đảo kén làm lớp keo sericin tan ra, kén mềm, lớp áo kén bên ngoài bong ra thì mới tìm được mối tơ gốc để rút sợi tơ. Khoảng 10 sợi tơ rút từ 10 cái kén chập lại với nhau thành một sợi chỉ tơ. Tuỳ theo loại tơ lấy đầu, lấy giữa hay lấy xác con nhộng mà người ta phân thành tơ nón, tơ nái, tơ đuối hay tơ gốc. 

Sợi tơ tằm được quấn vào những con suốt và xếp thẳng đứng thành các hàng ngang rồi cho chạy vào những guồng tơ tròn bằng gỗ nằm bắt ngang trên nồi nước sôi để cuộn thành các vỏ tơ sống rồi mang ra phơi nắng để tơ có được độ óng ánh tự nhiên. 

Quy Trình

 

Dệt Vải Lụa

 

Tơ Tằm

Từ sợi tơ tằm tuỳ theo chất lượng tơ và cách xoắn sợi sẽ có các loại tơ với chất lượng khác nhau, tuỳ vào số lượng sợi mà vải có độ dày mỏng khác nhau. Từ đó tạo nên nhiều loại vải lụa phong phú với đủ độ mỏng, rủ, trong, bóng hay mềm cứng, óng ánh. Kiểu dệt cổ truyền của Việt Nam chủ yếu là pha trộn các loại sợi dọc và ngang để tạo ra nhiều loại vải.

Cách gọi tên vải lụa theo phương thức se sợi:

Sợi đơn: là kết quả của quá trình xoắn 1 sợi tơ thô. Sợi được xoắn dạng này gọi là sợi nhiễu, mousseliness hay là sợi the xoắn. 

Sợi khổ: là sợi thu được từ quá trình xoắn hai hay nhiều sợi tơ thô. Những sợi tơ này được sử dụng để dệt ngang. 

Sợi xoắn: là sợi khổ được xoắn chặt 

Sợi se 2 lần: là se từ 2 hay nhiều sợi đơn thành một sợi sau đó được chập đôi bằng quá trình xoắn ngược, phần lớn dùng để dệt dọc. 

Từ đây những người nghệ nhân bắt đầu dệt thành lụa. Ngày xưa, với chiếc máy dệt truyền thống ta chỉ có thể dệt nên các loại lụa trơn. Ngày nay khi đã có thêm những máy dệt kỹ thuật mới hơn, hiện đại hơn giúp tạo hoa văn ngay trên bề mặt tấm lụa, những hoa văn thường là đường nét cách điệu tinh tế từ những đồ vật, hoa lá,… Và cả những hình ảnh hay hiện tượng trong đời sống văn hóa của người Việt, góp phần đa dạng thêm nét đẹp truyền thống của lụa tơ tằm Việt.

Cùng ngắm nhìn một số hình ảnh sản phẩm làm từ Lụa tơ tằm làm theo phương pháp truyền thống.