Lựa chọn nguồn tài liệu học tiếng Anh theo chuẩn năng lực ngoại ngữ cho sinh viên chất lượng cao tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền

LLCTTT – Giảng dạy theo cách tiếp cận dựa trên năng lực đã và đang là chủ đề thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu và các nhà giáo dục trên thế giới. Cách tiếp cận này giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp làm chủ được kiến thức, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường lao động. Nhằm theo kịp các hệ thống giáo dục tiên tiến cũng như tiến tới đạt chuẩn quốc tế trong giáo dục, Việt Nam cũng đang từng bước thay đổi từ giáo dục theo nội dung kiến thức sang giáo dục theo năng lực, trong đó môn Ngoại ngữ được đánh giá là một trong những môn học đi đầu trong xu thế chuyển đổi này. Bài viết đề cập các chuẩn năng lực ngoại ngữ tại Việt Nam nói chung và chuẩn năng lực ngoại ngữ cho sinh viên Chất lượng cao tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Học viện) nói riêng, từ đó làm tiêu chí cho việc lựa chọn nguồn tài liệu học tiếng Anh phù hợp cho nhóm đối tượng này, nhằm nâng cao chất lượng học tập, đáp ứng chuẩn đầu ra của các chương trình chất lượng cao.

1. Năng lực và chuẩn năng lực ngoại ngữ

1.1. Khái niệm năng lực

Phần lớn định nghĩa về năng lực của các tài liệu nước ngoài cho rằng năng lực là khả năng (ability, capacity, possibility). Ví dụ: Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế Thế giới (OECD) năm 2002 quan niệm năng lực là “khả năng đáp ứng một cách hiệu quả những yêu cầu phức tạp trong một bối cảnh cụ thể”(1). Tremblay D. cho rằng năng lực là “khả năng hành động, thành công và tiến bộ dựa vào việc huy động và sử dụng hiệu quả tổng hợp các nguồn lực để đối mặt với các tình huống trong cuộc sống”(2).

Trong nhiều tài liệu nghiên cứu ở Việt Nam, năng lực được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Tài liệu hội thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể trong Chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo coi “năng lực là sự huy động tổng hợp các kiến thức, kĩ năng và các thuộc tính cá nhân khác như hứng thú, niềm tin, ý chí… để thực hiện một loại công việc trong một bối cảnh nhất định”(3). Theo tác giả Đặng Thành Hưng: “năng lực là thuộc tính cá nhân cho phép cá nhân thực hiện thành công hoạt động nhất định, đạt kết quả mong muốn trong những điều kiện cụ thể”(4).

Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam: “năng lực là đặc điểm của cá nhân thể hiện mức độ thông thạo – tức là có thể thực hiện một cách thành thục và chắc chắn – một hay một số dạng hoạt động nào đó”(5). Còn theo Từ điển tiếng Việt, năng lực là “phẩm chất tâm lí và sinh lí tạo cho con người khả năng hoàn thành một loại hoạt động nào đó với chất lượng cao”(6).

Tuy có nhiều định nghĩa khác nhau, nhưng có thể nói các nghiên cứu trong nước và nước ngoài đều thống nhất quan niệm rằng năng lực cá nhân được bộc lộ ở các dạng hoạt động khác nhau nhằm đáp ứng những yêu cầu cụ thể trong những bối cảnh (điều kiện) cụ thể.

1.2. Chuẩn năng lực ngoại ngữ

Hiện nay tại Việt Nam, chuẩn năng lực ngoại ngữ được đánh giá dựa trên các bài thi quốc tế và các bài thi trong nước, được đối sánh với hai khung phổ biến là Khung tham chiếu trình độ ngôn ngữ chung châu Âu và Khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam.

– Khung tham chiếu trình độ ngôn ngữ chung châu Âu:

Khung tham chiếu trình độ ngôn ngữ chung châu Âu cho việc học, dạy và đánh giá (Common European Framework of Reference for Languages: Learning, Teaching, Assessment viết tắt là CEFR hoặc CEF) được tổng hợp bởi Hội đồng châu Âu, nằm trong dự án “Học ngôn ngữ cho công dân châu Âu” từ năm 1989 đến 1996 với mục đích ban đầu là xây dựng một bộ quy tắc mô tả và đánh giá trình độ ngôn ngữ của các học viên học tiếng nước ngoài tại châu Âu. Ngày nay, hệ thống này được sử dụng trên toàn thế giới, rất nhiều quốc gia lựa chọn khung tham chiếu này để đánh giá chất lượng đào tạo ngôn ngữ trong đó có Việt Nam.

Khung tham chiếu trình độ ngoại ngữ chung châu Âu được thiết kế nhằm cung cấp các tiêu chuẩn tham chiếu cho việc học tập, giảng dạy và đánh giá cho tất cả các ngôn ngữ chính của châu Âu.

Tùy theo mục đích đánh giá, hiện nay, có nhiều bài thi đánh giá chuẩn năng lực ngoại ngữ đang được sử dụng và công nhận ở Việt Nam, gồm các bài thi quốc tế và bài thi trong nước. Các bài thi quốc tế phổ biến nhất gồm:

IELTS

IELTS (viết tắt của cụm từ International English Language Testing System) là một hệ thống bài kiểm tra về khả năng sử dụng thành thạo tiếng Anh trên cả bốn kĩ năng nghe, nói, đọc, viết. Có nhiều dạng thức của bài thi IELTS nhưng có hai hình thức phổ biến nhất là loại hình học thuật (Academic) và loại hình đào tạo chung (General training module). Loại hình học thuật dành cho những người muốn học ở bậc đại học hoặc các học viện, các hình thức đào tạo sau đại học. Loại hình đào tạo chung dành cho những người muốn tham gia các khóa học nghề, muốn tìm việc làm, hoặc vì mục đích di cư. Trong bài thi IELTS có nhiều kiểu giọng tiếng Anh của các nơi như: Anh, Mĩ, Úc để tránh sự phân biệt ngôn ngữ. Điểm sẽ được chấm cho từng kĩ năng nhỏ (nghe, đọc, viết, nói). Thang điểm từ 1 (không biết sử dụng) đến 9 (sử dụng thông thạo). Hiện bài thi IELTS được thực hiện cả trên giấy và trên máy tính.

TOEFL

TOEFL (viết tắt của cụm từ Test of English as a Foreign Language) là bài kiểm tra năng lực tiếng Anh quốc tế của ETS (Viện Khảo thí giáo dục Hoa Kỳ) nhằm kiểm tra khả năng tiếng Anh trong môi trường tại các quốc gia nói tiếng Anh (Mĩ).

Bài kiểm tra này bao gồm cả 4 kĩ năng: nghe, nói, đọc, viết. TOEFL đánh giá kĩ năng hiểu và sử dụng tiếng Anh chuẩn Mĩ của một người đạt đến trình độ có thể sử dụng ở bậc đại học. Điểm TOEFL quy định là một trong những yêu cầu để xét chấp nhận cho học viên nước ngoài vào học tại hầu hết các trường đại học và cao đẳng ở Mĩ.

Hiện có 3 dạng thức bài thi TOEFL

TOEFL trên Internet (iBT): được giới thiệu vào cuối năm 2005 sử dụng Internet để chuyển đề thi từ ETS về đến trung tâm tổ chức thi. Hiện nay, TOEFL iBT đang từng bước thay thế hoàn toàn dạng thi trên giấy (PBT) và dạng thi trên máy tính (CBT).

TOEFL trên máy tính (CBT): được tổ chức đầu tiên vào ngày 30.9.2006. Bài thi cũng được chia làm 4 phần: nghe, cấu trúc ngữ pháp, đọc hiểu và viết. Bài thi CBT được lập trình để chỉ cung cấp cho thí sinh những câu hỏi có độ khó phù hợp với năng lực ngôn ngữ của thí sinh, căn cứ vào kết quả những câu trả lời đầu tiên, và tất nhiên mức điểm của thí sinh nhận được cũng sẽ ở mức tương ứng.

TOEFL trên giấy (PBT): đây là dạng thi TOEFL truyền thống mà thí sinh dùng bút chì để làm bài thi trên giấy. Dạng này hầu như đã không còn được sử dụng trừ những khu vực không có điều kiện để thi iBT hoặc CBT. Tổng thời lượng làm bài khoảng 3 tiếng. Cấu trúc bài thi PBT cũng tương tự như bài thi CBT chỉ có số câu hỏi nhiều hơn và thang điểm rộng hơn.

TOEIC

TOEIC (viết tắt của Test of English for International Communication – Bài kiểm tra tiếng Anh giao tiếp quốc tế) là một chứng chỉ tiếng Anh quốc tế về giao tiếp dành cho người đi làm. Kết quả của bài thi TOEIC phản ánh mức độ thành thạo khi giao tiếp bằng tiếng Anh trong các hoạt động như kinh doanh, thương mại, du lịch.

Bài thi TOEIC truyền thống là một bài kiểm tra trắc nghiệm bao gồm 02 phần: phần thi nghe hiểu (Listening) gồm 100 câu, thực hiện trong 45 phút và phần thi đọc hiểu (Reading) cũng gồm 100 câu nhưng thực hiện trong 75 phút. Tổng thời gian làm bài là 120 phút. Bài thi TOEIC không đòi hỏi kiến thức và vốn từ vựng chuyên ngành mà chỉ tập trung với các ngôn từ sử dụng trong công việc và giao tiếp hàng ngày.

Khác với các định dạng bài thi quốc tế khác, TOEIC chia bài thi theo cặp kỹ năng. Ngoài bài thi TOEIC truyền thống với hai kỹ năng nghe và đọc, người học có thể tham dự thêm bài thi TOEIC kỹ năng nói và viết để có thể đáp ứng cả 4 kỹ năng nghe – nói – đọc – viết mà nhiều vị trí ứng tuyển đòi hỏi. Điểm số của bài thi nói – viết được chia ra các cấp độ khác nhau được gọi là “các cấp độ thành thạo” (proficiency levels) chứ không dùng thang điểm như bài thi TOEIC nghe – đọc.

Ngày 15.8.2018, IIG (đại diện độc quyền của ETS tại Việt Nam) chính thức công bố định dạng mới của đề thi TOEIC nghe – đọc tại Việt Nam. Cấu trúc đề thi TOEIC mới đã áp dụng bắt đầu từ ngày 15.2.2019.

– Bài thi theo khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam

Khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam được phát triển trên cơ sở ứng dụng Khung tham chiếu chung châu Âu (CEFR) và một số khung trình độ tiếng Anh ở các nước. Khung năng lực Ngoại ngữ Việt Nam được chia làm 3 cấp (sơ cấp, trung cấp và cao cấp) và 6 bậc (từ bậc 1 đến bậc 6 và tương thích với các bậc từ A1 đến C2 trong CEFR).

Ngày 24.01.2014 , Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành với phần mô tả tổng quát các bậc như sau:

Trình độ sơ cấp:

Bậc 1: Có thể hiểu, sử dụng các cấu trúc quen thuộc thường nhật; các từ ngữ cơ bản đáp ứng nhu cầu giao tiếp cụ thể. Có thể tự giới thiệu bản thân và người khác; có thể trả lời những thông tin về bản thân như nơi sinh sống, người thân/bạn bè v.v… Có thể giao tiếp đơn giản nếu người đối thoại nói chậm, rõ ràng và sẵn sàng hợp tác giúp đỡ.

Bậc 2: Có thể hiểu được các câu và cấu trúc được sử dụng thường xuyên liên quan đến nhu cầu giao tiếp cơ bản (như các thông tin về gia đình, bản thân, đi mua hàng, hỏi đường, việc làm). Có thể trao đổi thông tin về những chủ đề đơn giản, quen thuộc hằng ngày. Có thể mô tả đơn giản về bản thân, môi trường xung quanh và những vấn đề thuộc nhu cầu thiết yếu.

Trình độ trung cấp:

Bậc 3: Có thể hiểu được các ý chính của một đoạn văn hay bài phát biểu chuẩn mực, rõ ràng về các chủ đề quen thuộc trong công việc, trường học, giải trí, v.v.. Có thể xử lý hầu hết các tình huống xảy ra khi đến khu vực có sử dụng ngôn ngữ đó. Có thể viết đoạn văn đơn giản liên quan đến các chủ đề quen thuộc hoặc cá nhân quan tâm. Có thể mô tả được những kinh nghiệm, sự kiện, giấc mơ, hy vọng, hoài bão và có thể trình bày ngắn gọn các lý do, giải thích ý kiến và kế hoạch của mình.

Bậc 4: Có thể hiểu ý chính của một văn bản phức tạp về các chủ đề cụ thể và trừu tượng, kể cả những trao đổi kỹ thuật thuộc lĩnh vực chuyên môn của bản thân. Có thể giao tiếp ở mức độ trôi chảy, tự nhiên với người bản ngữ. Có thể viết được các văn bản rõ ràng, chi tiết với nhiều chủ đề khác nhau và có thể giải thích quan điểm của mình về một vấn đề, nêu ra được những ưu điểm, nhược điểm của các phương án lựa chọn khác nhau.

Trình độ cao cấp:

Bậc 5: Có thể hiểu và nhận biết được hàm ý của các văn bản dài với phạm vi rộng. Có thể diễn đạt trôi chảy, tức thì, không gặp khó khăn trong việc tìm từ ngữ diễn đạt. Có thể sử dụng ngôn ngữ linh hoạt và hiệu quả phục vụ các mục đích xã hội, học thuật và chuyên môn. Có thể viết rõ ràng, chặt chẽ, chi tiết về các chủ đề phức tạp, thể hiện được khả năng tổ chức văn bản, sử dụng tốt từ ngữ nối câu và các công cụ liên kết.

Bậc 6: Có thể hiểu một cách dễ dàng hầu hết văn nói và viết. Có thể tóm tắt các nguồn thông tin nói hoặc viết, sắp xếp lại thông tin và trình bày lại một cách logic. Có thể diễn đạt tức thì, rất trôi chảy và chính xác, phân biệt được các ý nghĩa tinh tế khác nhau trong các tình huống phức tạp.

2. Tài liệu học ngoại ngữ và các yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn nguồn tài liệu

2.1. Tài liệu học ngoại ngữ

Theo Nunan (1992), có năm yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng tới chất lượng giảng dạy ngoại ngữ gồm: người dạy, người học, tài liệu, phương pháp giảng dạy và phương pháp đánh giá, trong đó  tài liệu giảng dạy thường là thành phần quan trọng nhất và dễ quan sát nhất.

“Tài liệu học tập là bất cứ công cụ và tài nguyên gì được người dạy và người học sử dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc học, hỗ trợ quá trình học tập”(7). Đặc điểm tài liệu học tập là người thiết kế và người sử dụng đều dựa trên các mục đích sư phạm nhất định để thiết kế, phát triển, khai thác và sử dụng chúng.

Các tài liệu học ngoại ngữ rất đa dạng, có thể ở các loại hình chủ yếu sau:

Tài liệu in: sách giáo khoa, sách bài tập, tài liệu phát tay, tranh ảnh, báo và tạp chí, slide trình chiếu, thẻ nhớ…

Tài liệu âm thanh: băng cassette & đĩa CD, file âm thanh…

Tài liệu kết hợp âm thanh hình ảnh: CD-ROM, phim…

Tài liệu giảng dạy tương tác: các trò chơi, các trang web, các bài tập thực hiện trên máy tính…

Các tài liệu này thực hiện các chức năng cơ bản như hướng dẫn người học thực hành ngôn ngữ (chức năng hướng dẫn); cung cấp cho người học trải nghiệm thực tế về ngôn ngữ đang sử dụng (chức năng trải nghiệm), khuyến khích người học sử dụng ngôn ngữ trong môi trường tự nhiên (chức năng khơi gợi); và giúp người học khám phá về ngôn ngữ (chức năng khám phá).

Tài liệu, đặc biệt là sách giáo khoa đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giảng dạy ngôn ngữ. Theo Cunningsworth, “sách giáo khoa không những là một nguồn tài liệu trình bày, nguồn hỗ trợ cho giáo viên khi giảng dạy mà còn là nguồn hoạt động để người học thực hành và tương tác giao tiếp; nguồn tham khảo cho người học về ngữ pháp, từ vựng, phát âm, nguồn kích thích và ý tưởng cho các hoạt động trên lớp”(8).

2.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn nguồn tài liệu

Lựa chọn nguồn tài liệu về cơ bản là tìm sự phù hợp nhất giữa điều kiện cụ thể và nguồn lực sẵn có. Tính hiệu quả của việc học ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Vì vậy, việc lựa chọn nguồn tài liệu cho một đối tượng người học cụ thể cũng cần các nhà giáo dục cân nhắc kỹ lưỡng. Có một số khía cạnh cụ thể rất cần được xem xét khi chọn tài liệu như tuổi của người học, số lượng học viên trong lớp, (các) trình độ của người học, cách thức quản lý học tập, động cơ học tập, thời lượng học,  nguồn tài chính, nguồn nhân lực sẵn có, cơ sở vật chất…

Thông thường, trước khi có thể tiến hành lựa chọn nguồn tài liệu, cần tiến hành phân tích thực trạng và phân tích nhu cầu. Hai công đoạn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, việc xác định đặc điểm tình hình và nhu cầu của người học sẽ tìm được những vấn đề mà nguồn tài liệu có thể giải quyết. Chẳng hạn, với số lượng giờ học hạn chế trong khi vẫn cần đảm bảo chuẩn đầu ra, nguồn tài liệu cần được cung cấp có chọn lọc, bổ sung thêm các phần tài liệu tự học. Hoặc, nếu người học có nguồn tài chính eo hẹp, giảng viên không thể sử dụng các tài liệu in ấn từ các nhà xuất bản nước ngoài, cần có chính sách và bố trí điều kiện phù hợp để giảm thiểu chi phí từ nguồn tài liệu.

Phân tích nhu cầu là xem xét các hệ thống và kỹ năng mà người học cần để đạt được mục tiêu của khóa học, hay còn gọi là chuẩn đầu ra. Trong giảng dạy ngoại ngữ, đó là hệ thống ngữ pháp, từ vựng, âm vị học và diễn ngôn, các kỹ năng bao gồm nghe, nói, đọc, viết. Chuẩn đầu ra gắn kết chặt chẽ với chuẩn năng lực mà người học cần đạt được. Tùy từng tình huống cụ thể, người học có thể học tiếng Anh cho mục đích khác nhau. Nắm bắt được các nhu cầu này, các nhà giáo dục sẽ lựa chọn được nguồn tài liệu hợp lý.

3. Lựa chọn nguồn tài liệu tiếng Anh cho sinh viên chất lượng cao tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực vừa có kiến thức chuyên môn tốt, vừa có năng lực tiếng Anh và kỹ năng làm việc chuyên nghiệp, bên cạnh những chuyên ngành đào tạo hệ chuẩn, Học viện đã mở ra các chuyên ngành chất lượng cao nhằm phù hợp với xu thế phát triển hiện nay, bao gồm:

– Báo chí, chuyên ngành Báo truyền hình;

– Báo chí, chuyên ngành Báo mạng điện tử;

– Kinh tế, chuyên ngành Kinh tế và Quản lý;

– Quan hệ quốc tế, chuyên ngành Quan hệ quốc tế và Truyền thông toàn cầu;

– Quan hệ công chúng, chuyên ngành Truyền thông marketing.

Điểm khác biệt cơ bản giữa chương trình đào tạo chất lượng cao và chương trình chuẩn thể hiện ở các khía cạnh sau:

Điều kiện đảm bảo chất lượng và chuẩn đầu ra cao hơn so với chương trình hệ chuẩn tương ứng về năng lực chuyên môn; năng lực ngoại ngữ; năng lực ứng dụng công nghệ thông tin; năng lực dẫn dắt, chủ trì và làm việc nhóm; khả năng thích nghi với môi trường công tác.

Giảng viên: được lựa chọn theo quy định chặt chẽ. Giảng viên dạy các học phần chuyên môn bằng ngoại ngữ phải có trình độ ngoại ngữ bậc 5/6 trở lên theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (hoặc tương tương) hoặc được đào tạo trình độ đại học trở lên toàn thời gian ở nước ngoài bằng ngôn ngữ đó.

Cơ sở vật chất phục vụ đào tạo: có phòng học riêng cho lớp chất lượng cao, các phòng học được trang bị các thiết bị hỗ trợ giảng dạy, học tập; sinh viên được sử dụng mạng Internet không dây; có đủ giáo trình, tài liệu tham khảo được cập nhật thường xuyên; có thư viện và thư viện điện tử cho giảng viên và sinh viên tra cứu, sử dụng; có đủ các phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, cơ sở thực tập; có các phần mềm mô phỏng cần thiết phục vụ giảng dạy thực nghiệm và các cơ sở vật chất cần thiết khác.

Chương trình đào tạo: có ít nhất 20% số tín chỉ các học phần thuộc khối kiến thức cơ sở ngành, ngành và chuyên ngành được dạy bằng tiếng Anh (vì vậy sinh viên cần có năng lực tiếng Anh tốt để có thể hoàn thành các học phần chuyên ngành được giảng dạy bằng tiếng Anh).

Với mục tiêu đảm bảo chất lượng giảng dạy, việc lựa chọn nguồn tài liệu cho sinh viên chất lượng cao tại Học viện đã được xem xét dựa trên nhiều tiêu chí, nhưng cơ bản nhất là dựa trên năng lực ngoại ngữ đầu vào và năng lực ngoại ngữ đầu ra của sinh viên.

+ Về năng lực ngoại ngữ đầu vào của sinh viên chất lượng cao tại Học viện

Năng lực ngoại ngữ đầu vào của sinh viên các lớp Chất lượng cao được xác định thông qua các tiêu chí sau:

Điểm thi tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học;

Điểm bài kiểm tra đánh giá trình độ (placement test) với cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết thực hiện tại Học viện vào đầu khóa học;

Chứng chỉ tiếng Anh còn hạn (nếu có).

Dựa trên các điểm số trên, sinh viên các lớp chất lượng cao được chia thành 4 nhóm tương đương với 4 trình độ

Nhóm 1: các sinh viên đạt năng lực ngoại ngữ bậc 1, được xếp vào các lớp A;

Nhóm 2: các sinh viên đạt năng lực ngoại ngữ bậc 2, được xếp vào các lớp B;

Nhóm 3: các sinh viên đạt năng lực ngoại ngữ bậc 3, được xếp vào các lớp C;

Nhóm 4: các sinh viên đã đạt đủ chuẩn đầu ra của chương trình (nhóm sinh viên này được miễn học, miễn thi).

Kết quả khảo sát nhanh các sinh viên chất lượng cao K40 năm học 2020 – 2021 vừa qua cho  thấy tỉ lệ sinh viên thuộc nhóm 1 và 2 chiếm nhiều nhất. Các chuyên ngành Quan hệ quốc tế và Truyền thông toàn cầu, Truyền thông Marketing có tỉ lệ sinh viên đã có chứng chỉ đạt chuẩn đầu ra nhiều nhất. 

+ Về mục tiêu chuẩn năng lực ngoại ngữ đầu ra của sinh viên Chất lượng cao tại Học viện.

Sinh viên các lớp Chất lượng cao phải đạt ít nhất trình độ B2 và tương đương. Đây cũng là yêu cầu cơ bản để họ có thể học tiếp ít nhất 20% các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh trong chương trình học.

Trình độ B2 (Khung tham chiếu châu Âu tương đương với các chứng chỉ sau):

Nga 1

Bảng 1: Tham chiếu chuẩn đầu ra ngoại ngữ, 

áp dụng cho sinh viên Chất lượng cao tại Học viện

 Về thời lượng chương trình học, sinh viên Chất lượng cao tại Học viện học 4 học phần tiếng Anh với thời lượng cụ thể như sau: 

Nga 2

Bảng 2: Thời lượng học tiếng Anh cơ bản 

của sinh viên Chất lượng cao tại Học viện 

Vì vậy, để hài hòa và đảm bảo được các yếu tố về chuẩn năng lực đầu vào, chuẩn năng lực đầu ra và thời lượng học tập của sinh viên chất lượng cao như đã nêu, Khoa Ngoại ngữ của Học viện đã xác định các dạng tài liệu cơ bản trong từng học phần như sau:

Học phần 1: Giáo trình tiếng Anh tổng quát;

Học phần 2: Giáo trình tiếng Anh tổng quát;

Học phần 3: Giáo trình tiếng Anh học thuật (định hướng IELTS);

Học phần 4: Giáo trình tiếng Anh học thuật (định hướng IELTS).

Trong đó, kết thúc chương trình tiếng Anh học phần 1 và học phần 2, sinh viên có thể hiểu được các ý chính của một đoạn văn hay bài phát biểu chuẩn mực, rõ ràng về các chủ đề quen thuộc trong công việc, trường học, giải trí, v.v.. Có thể xử lý hầu hết các tình huống xảy ra khi đến khu vực có sử dụng ngôn ngữ đó. Có thể viết đoạn văn đơn giản liên quan đến các chủ đề quen thuộc hoặc cá nhân quan tâm. Có thể mô tả được những kinh nghiệm, sự kiện, giấc mơ, hy vọng, hoài bão và có thể trình bày ngắn gọn các lý do, giải thích ý kiến và kế hoạch của mình (theo mô tả năng lực ngoại ngữ bậc 3 Khung năng lực 6 bậc của Việt Nam).

Kết thúc chương trình tiếng Anh học phần 3 và học phần 4, sinh viên có thể hiểu ý chính của một văn bản phức tạp về các chủ đề cụ thể và trừu tượng, kể cả những trao đổi kỹ thuật thuộc lĩnh vực chuyên môn của bản thân. Có thể giao tiếp ở mức độ trôi chảy, tự nhiên với người bản ngữ. Có thể viết được các văn bản rõ ràng, chi tiết với nhiều chủ đề khác nhau và có thể giải thích quan điểm của mình về một vấn đề, nêu ra được những ưu điểm, nhược điểm của các phương án lựa chọn khác nhau (theo mô tả năng lực ngoại ngữ bậc 4 Khung năng lực 6 bậc của Việt Nam).

Hiện nay, với các học phần tiếng Anh tổng quát 1 và 2, nguồn tài liệu dạy tiếng Anh cho sinh viên các lớp chất lượng cao đang được tổng hợp từ các nguồn chính thống từ các nhà xuất bản danh tiếng thế giới như Nhà xuất bản Đại học Oxford, Nhà xuất bản Đại học Cambridge và Longman…, đảm bảo phù hợp với chuẩn năng lực ngoại ngữ đầu vào và đầu ra của học phần và của cả chương trình. Các tài liệu ngoài việc có nội dung thú vị, bố cục sinh động còn rất cập nhật xu hướng công nghệ. Hầu như các sách/giáo trình đều có phiên bản học trực tuyến, hỗ trợ quản lý quá trình tự học trên các nền tảng học tập trực tuyến. Mục tiêu của chương trình là củng cố ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng, các kỹ năng nghe nói đọc viết của sinh viên nhằm đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ đầu ra.

Các tài liệu tiếng Anh học thuật được lựa chọn từ các nguồn chính thống của Nhà xuất bản Cambridge để giảng dạy theo định hướng bài thi tiếng Anh học thuật IELTS.

Ngoài ra, các tài liệu học tập dành cho sinh viên chất lượng cao tại Học viện đều cố gắng đáp ứng những nguyên tắc lựa chọn tài liệu được đề xuất bởi các nhà nghiên cứu về phát triển tài liệu để giảng dạy ngoại ngữ như Tomlinson (2011), Richards (1998). Cụ thể:

– Tài liệu đạt được tác động, giúp người học cảm thấy thoải mái và phát triển sự tự tin;

– Tài liệu làm người học cảm thấy phù hợp và hữu ích?

– Tài liệu yêu cầu và tạo điều kiện cho người học tự đầu tư, tạo cơ hội cho người học sử dụng ngôn ngữ đích để đạt được mục đích giao tiếp;

– Tài liệu cần lưu ý rằng người học có phong cách học tập khác nhau và khác nhau về thái độ tình cảm;

–  Tài liệu tạo cơ hội cho phản hồi về kết quả

– Ngôn ngữ được ngữ cảnh hóa; thực tế và xác thực; yêu cầu người học tham gia vào việc sử dụng ngôn ngữ có mục đích;

– Tài liệu bao gồm cả hình ảnh và âm thanh.

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – kỹ thuật, xu thế phát triển của thời đại nói chung đã ảnh hưởng sâu sắc, toàn diện tới nền giáo dục nói chung và việc giảng dạy tiếng Anh nói riêng. Những thay đổi mạnh mẽ đó dẫn tới việc thay đổi trong chuẩn năng lực ngoại ngữ của người học, từ đó yêu cầu các nhà giáo dục phải lựa chọn giáo trình, tài liệu phù hợp. Trên thực tế, có nhiều yếu tố cần phải xem xét khi lựa chọn học liệu ngoại ngữ như độ tuổi, quy mô lớp học, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất… Tuy nhiên, yếu tố trình độ người học, hay nói cách khác là năng lực của người học, đóng vai trò then chốt. Việc lựa chọn nguồn tài liệu cũng cần phải cân nhắc kỹ càng. Trước khi đưa ra quyết định chọn giáo trình/tài liệu ở mức độ nào, các nhà giáo dục nhất thiết phải xem xét chuẩn năng lực đầu vào và chuẩn năng lực đầu ra của từng đối tượng học viên. Việc lựa chọn giáo trình, tài liệu phù hợp với trình độ sẽ góp phần đem lại hiệu quả cho việc học tập cũng như sự tiếp thu của người học. Trong chương trình Chất lượng cao tại Học viện, yếu tố chất lượng được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, việc lựa chọn nguồn học liệu một cách bài bản, cẩn thận dựa trên chuẩn năng lực ngoại ngữ của sinh viên sẽ góp phần đảm bảo được chất lượng của chương trình như đã cam kết./.

________________________

(1) OECD (2002), Definition and Selection of Competencies: Theoretical and Conceptual Foundation, tr.12.

(2) Tremblay D. (2002), The Competency-Based Approach: Helping learners become autonomous,  Adult Education – A Lifelong Journey, tr.5.

(3) Bộ Giáo dục và Đào tạo (2015), Tài liệu hội thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, Tài liệu lưu hành nội bộ, tháng 3.2015, tr.5.

(4) Đặng Thành Hưng (2012), Năng lực và giáo dục theo tiếp cận năng lực, Tạp chí  Quản lí Giáo dục, (43), tháng 12.2012.

(5) Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam (2003), Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập 3, Nxb. Từ điển Bách khoa Hà Nội, tr.41.

(6) Hoàng Phê (2005), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng.

(7) Tomlinson, B. (2011). Material development in Language Teaching. Cambridge: Cambridge University Press.

(8) Cunningsworth A., 1995. Choosing your course book, Oxford: Heinemann.