Lũ từ Quảng Bình đến Bình Định đang lên nhanh, mưa vẫn còn rất lớn
Nước lũ ngập sâu ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam – Ảnh: ĐỨC TÀI
Chiều 17-10, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết từ sáng đến trưa nay, ở khu vực từ tỉnh Hà Tĩnh đến tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục có mưa to đến rất to như Kỳ Lạc (Hà Tĩnh) 104,8mm, Trường Sơn (Quảng Bình) 100,6mm, Tà Rụt (Quảng Trị) 103,2mm, Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) 351,4mm, Hương Nguyên (Thừa Thiên Huế) 165,8mm, Đắc Pring (Quảng Nam) 100,6mm, Sơn Tây (Quảng Ngãi) 100,8mm…
Dự báo, từ nay đến ngày 18-10 ở khu vực từ phía nam Nghệ An đến Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to, với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, có nơi trên 250mm.
Do mưa lớn nên hiện nay, lũ trên các sông từ nam Quảng Bình đến Bình Định, Kon Tum và Gia Lai đang lên nhanh.
Dự báo trong 3-6 giờ tới, lũ trên sông Vu Gia (Quảng Nam), các sông ở Quảng Ngãi và sông Đakbla (Kon Tum) sẽ đạt đỉnh, sau xuống. Đỉnh lũ trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa ở mức 9,4m, trên báo động (BĐ)3 là 0,4m; sông Trà Khúc tại Trà Khúc ở mức 5,6m, trên BĐ2 là 0,6m; sông Vệ 4,5m, ở mức BĐ3, sông Đăk Bla tại Kon Tum 520,8m, trên BĐ3 là 0,3m.
Trong 6-12h tiếp theo, lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế và sông Thu Bồn (Quảng Nam) tiếp tục lên và dao động ở mức cao; các sông ở Quảng Nam và Quảng Ngãi tiếp tục xuống.
Trong 12-24 giờ tiếp theo, lũ trên các sông ở Quảng Trị và Thừa Thiên Huế và sông Thu Bồn sẽ xuống, các sông ở Quảng Bình dao động ở mức cao.
Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình), khoảng 2h sáng 17-10, tại địa bàn xóm Tát, xã Tân Minh đã xảy ra sạt lở đất, vùi lấp, làm sập hoàn toàn 1 nhà xây bán kiên cố, trong nhà khi đó có 4 người đang ngủ.
Hậu quả làm 1 người chết là ông Lò Văn S. (69 tuổi), còn bà Xa Thị Dừn (66 tuổi, vợ ông S.) và chị Nguyễn Thị Hoa (36 tuổi, con dâu ông S.) bị gãy xương, hiện đang được cấp cứu tại cơ sở y tế của huyện. Cháu Lò Thị Lệ (14 tuổi, cháu nội ông S.) bị thương nhẹ.
Sau khi xảy ra sự cố, lãnh đạo huyện Đà Bắc đã xuống trực tiếp hiện trường nắm bắt thông tin và có các biện pháp chỉ đạo công tác khắc phục, cứu hộ cứu nạn, động viên hỗ trợ gia đình bị nạn.
Gia Lai lũ lớn gây thiệt hại về giao thông
Lũ trên sông Pô Cô cuốn trôi đường dẫn giữa cầu treo nối từ thị trấn trung tâm huyện Đăk Glei (Kon Tum) với với thôn Đông Thượng xã Đăk Pek. Ảnh: VĂN NHẬT
Tại Gia Lai, mưa lớn diện rộng trên toàn tỉnh nên nhiều địa phương thiệt hại. Đáng chú ý, hệ thống thoát nước trung tâm TP. Pleiku không tiêu thoát được nước nên gây nên ngập cục bộ mặt đường và nhiều khu dân cư trong thành phố này.
Tại hẻm 11 Nguyễn Viết Xuân (phường Hội Phú), nước từ suối Hội Phú tràn bờ gây ngập nhiều nhà dân. Nước tràn vào nhà dân còn gây chập điện gây thiệt hại cho một số hộ dân tại đây. Ngay sau đó, lực lượng chức năng của tỉnh đã nhanh chóng hỗ trợ người dân di dời tài sản ra khỏi khu vực bị ngâp lụt, đồng thời khơi thông dòng chảy một số điểm nghẽn ở các con suối trên địa bàn.
Trong khi đó, mưa lớn kéo dài ở Kon Tum gây sạt lở nhiều điểm trên đường Hồ Chí Minh qua đèo Lò Xo (thuộc xã Đăk Man, huyện Đăk Glei) gây ách tắc giao thông qua đây.
Sạt lở gây ách tắc giao thông trên đèo Lò Xo- Ảnh: TRẦN THẢO NHI
Chiều 17-10, cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum cho biết mưa lớn gây sạt lở trên đèo Lò Xo tại Km 1407+200, Km 1415, Km 1425… gây ách tắc giao thông cục bộ.
Tại huyện Đăk Glei, nước sông Pô Kô dâng cao, cầu treo bắc qua sông nối thị trấn Đăk Glei với các thôn Đông Sông, Đông Thượng đã bị nước lũ cuốn trôi mố cầu. Chính quyền địa phương đã khẩn trương cắm biển cảnh báo, không để người dân đi qua các vị trí bị sạt lở, ngập lụt. Các lực lượng chức năng hỗ trợ người dân di dời tài sản lên cao, và đưa các hộ dân ở vùng có nguy cơ ngập lụt ra khỏi nơi nguy hiểm.
Nhiều khu vực dân cư bị ngập- Ảnh: TRẦN THẢO NHI
Quảng Bình: nhiều đoạn kè Nhật Lệ bị sóng biển đánh sập
Một đoạn kè Nhật Lệ bị sóng biển đánh sập. Ảnh: CTV
Đến chiều 17-10, gió mùa đông bắc và mưa vẫn đổ về rất lớn, sóng biển tiếp tục dâng cao và làm sập nhiều đoạn ước tính dài hàng trăm mét của kè Nhật Lệ, thuộc bờ biển xã Quang Phú, TP Đồng Hới.
Có những đoạn thân kè bị đứt gãy hẳn mặt chắn sóng. Sóng biển kéo nhiều mảng bêtông lớn ra mép biển… Mặc dù tuyến kè này được thiết kế chịu gió bão cấp 9, cấp 10.
Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất TP Đồng Hới, tuyến kè biển này dài 860m, tổng vốn xây lắp 26 tỉ đồng.
Khởi công trong năm 2020, đến tháng 10-2020 khi đang thi công thì bị nhiều đợt mưa lũ lớn khiến sóng biển dâng cao, gây hư hỏng nhiều đoạn, buộc nhà thầu phải thi công trở lại, và hiện đang chờ được nghiệm thu hoàn tất.
Nhưng khi cơn bão số 5 (9-2021) đến thì công trình lại bị tàn phá một ít, và đến đợt gió mưa này thì bị phá hỏng nghiêm trọng. Sau đợt gió mưa này, công trình sẽ được kiểm tra chặt chẽ hiện trường nhằm làm rõ nguyên nhân kè liên tục bị sóng biển đánh sập.
Mưa lũ, thủy điện xả nước dồn dập, hơn 750 tấn cá bè trên sông Đồng Nai chết trắng