Lữ hành là gì? Công ty lữ hành là gì? Điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành
Lữ hành là gì? Công ty lữ hành là gì? Pháp luật quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành ra sao? Sau đây hãy cùng Luật Minh Khuê tìm hiểu nhé!
Mục Lục
1. Lữ hành là gì?
Lữ hành là cụm từ quen thuộc mà chúng ta đã nghe đến thường xuyên trong nền kinh tế hiện đại hay các dịch vụ du lịch. Không những thế, cụm từ “lữ hành” đôi khi còn được sử dụng để chỉ những khách du lịch vãng lai có những chuyến đi dài hơi mang tính chất bộ hành. Hiểu theo nghĩa rộng thì “lữ hành” được hiểu là một hoạt động du lịch, với sự dịch chuyển từ nơi này sang nơi khác thông qua những phương tiện khác nhau và lí do khác nhau, không nhất thiết phải quay trở lại điểm xuất phát ban đầu. Theo giải thích của từ điển Tiếng Việt thì “lữ hành” còn có nghĩa là đi chơi xa và chuyến đi chơi không nhất thiết ấn định thời gian quay trở về. Ở các nước phát triển, thuật ngữ “du lịch” và “lữ hành” được hiểu tương đương nhau. Theo đó, các hoạt động đi lại, di chuyển và các hoạt động khác có liên quan đến chuyến đi với mục đích du lịch thì đều có thể sử dụng song song cả hai thuật ngữ này. Pháp luật du lịch của các nước trên thế giới không đưa ra khái niệm du lịch mà thay vào đó là khái niệm hoạt động du lịch. Ở Việt Nam, pháp luật về du lịch cũng không định nghĩa cụm từ “lữ hành” mà định nghĩa từ “du lịch”. Tuy nhiên, cách hiểu của 2 từ này là như nhau.
Theo đó, thông qua cách định nghĩa về “du lịch” tại khoản 1 Điều 3 Luật Du lịch 2017, có thể hiểu: “Lữ hành là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá 01 năm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu thăm quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu, khám phá tài nguyên du lịch hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác”. Việc tiếp cận theo nghĩa này là hợp lý và chính xác để có thể đưa ra các quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động của các công ty lữ hành hiện nay.
2. Công ty lữ hành là gì?
Công ty lữ hành (Tour operator) hay còn được viết tắt là T.O. Đó là một đơn vị kinh doanh bằng cách xây dựng các dịch vụ du lịch riêng lẻ như: vận chuyển, lưu trú, ăn uống, tham quan, hướng dẫn, vui chơi giải trí thành một chuỗi hoạt động du lịch hoàn chỉnh, thông qua mạng lưới đại lí du lịch (hoặc trực tiếp) bán cho du khách. Ở Việt Nam công ty lữ hành trước hết phải là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp về doanh nghiệp. Theo đó, khoản 10 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 đã quy định: “Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh”, đồng thời ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa tại ngân hàng.
Như vậy, từ các định nghĩa về “lữ hành”, về “doanh nghiệp” mà pháp luật đã quy định thì công ty lữ hành được hiểu là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật, đồng thời ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa tại ngân hàng nhằm mục đích kinh doanh các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá 01 năm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu thăm quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu, khám phá tài nguyên du lịch hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác của khách hàng đó. Phạm vi kinh doanh của các công ty lữ hành được quy định cụ thể tại Điều 30 Luật Du lịch năm 2017, trong đó quy định phạm vi kinh doanh của công ty lữ hành nội địa, công ty lữ hành quốc tế và công ty lữ hành có vốn đầu tư nước ngoài như sau:
1. Kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa phục vụ khách du lịch nội địa.
2. Kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài.
3. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế được kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế và dịch vụ lữ hành nội địa, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.
4. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác
Căn cứ vào quy định trên, có thể thấy công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa chỉ được phép kinh doanh trên thị trường nội địa, trong khi đó, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế thì được pháp luật cho phép kinh doanh trên thị trường nội địa và quốc tế. Đối với các công ty lữ hành có vốn đầu tư nước ngoài, phạm vi hoạt động có giới hạn, cụ thể là chỉ được kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khác du lịch nước ngoài đến Việt Nam, trừ trường hợp chịu sự điều chỉnh của các điều ước quốc tế khác.
3. Điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành
3.1. Điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa
Điều kiện về chủ thể đối với kinh doanh lữ hành nội địa là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật doanh nghiệp. Theo Khoản 1 Điều 31 Luật Du lịch năm 2017 có quy định chi tiết các điều kiện để cá nhân, tổ chức được kinh doanh lữ hành nội địa bao gồm:
a. Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp. Việc ghi mã ngành nghề kinh doanh, doanh nghiệp phải trích dẫn cụ thể điều luật quy định về hoạt động lữ hành trong luật du lịch trên ngành nghề đăng ký doanh nghiệp.
b. Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa tại ngân hàng. Tiền ký quỹ là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Trong trường hợp khi phát sinh sự cố xảy ra ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của khách du lịch mà doanh nghiệp lữ hành nội địa không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ của mình thì sẽ có phương án sử dụng số tiền ký quỹ để đảm bảo lợi ích cho khách hàng. Hiện nay, đã có quy định cụ thể về mức ký quỹ và quản lý tiền ký quỹ kinh doanh lữ hành quốc tế tại ngân hàng. Mức ký quỹ hiện nay theo quy định tại Điều 1 Nghị định 94/2021/NĐ-CP là 20.000.000 đồng. Theo Khoản 3 Điều 14 Nghị định 168/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch đã ghi nhận như sau: “Doanh nghiệp thực hiện ký quỹ bằng đồng Việt Nam tại ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoại thành lập và hoạt động tại Việt Nam và được hưởng lãi suất theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp và ngân hàng nhận ký quỹ phù hợp với quy định của pháp luật. Tiền ký quỹ phải được duy trì trong suốt thời gian doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành”.
Ngoài ra còn có điều kiện về người phụ trách kinh doanh lữ hành nội địa phải tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa. Trong đó, chuyên ngành về lữ hành được thể hiện trên bằng tốt nghiệp của một trong các ngành, nghề, chuyên ngành được quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư 13/2019/TT-BVHTTDL như sau:
a) Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành;
b) Quản trị lữ hành;
c) Điều hành tour du lịch;
d) Marketing du lịch;
đ) Du lịch;
e) Du lịch lữ hành;
g) Quản lý và kinh doanh du lịch;
h) Quản trị du lịch MICE;
i) Đại lý lữ hành;
k) Hướng dẫn du lịch;
l) Ngành, nghề, chuyên ngành có thể hiện một trong các cụm từ “du lịch”, “lữ hành”, “hướng dẫn du lịch” do cơ sở giáo dục ở Việt Nam đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực;
m) Ngành, nghề, chuyên ngành có thể hiện một trong các cụm từ “du lịch”, “lữ hành”, “hướng dẫn du lịch” do cơ sở đào tạo nước ngoài đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp.
Trường hợp bằng tốt nghiệp không thể hiện các ngành, nghề, chuyên ngành quy định tại điểm l và điểm m khoản này thì bổ sung bảng điểm tốt nghiệp hoặc phụ lục văn bằng thể hiện ngành, nghề, chuyên ngành, trong đó có một trong các cụm từ “du lịch”, “lữ hành”, “hướng dẫn du lịch”.
3.2. Điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế
Đối với công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, các điều kiện kinh doanh được quy định tại Khoản 2 Điều 31 Luật Du lịch năm 2017. Trong đó, cũng giống như kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa, các công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế trước hết phải là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật. Việc ghi mã ngành nghề kinh doanh, doanh nghiệp phải trích dẫn cụ thể điều luật quy định về hoạt động lữ hành trong luật du lịch trên ngành nghề đăng ký doanh nghiệp.
Đối với điều kiện về ký quỹ trong kinh doanh lữ hành quốc tế, pháp luật Việt Nam quy định: “Doanh nghiệp thực hiện ký quỹ bằng đồng Việt Nam tại ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động tại Việt Nam và được hưởng lãi suất theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp và ngân hàng nhận ký quỹ phù hợp với quy định của pháp luật. Tiền ký quỹ phải được duy trì trong suốt thời gian doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành” (Khoản 3 Điều 14 Nghị định 168/2017) với mức ký quỹ như sau:
– 250.000.000 đồng với doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế đón khách du lịch vào Việt Nam,
– 500.000.000 đồng với doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế đưa khách du lịch ra nước ngoài hoặc doanh lữ hành quốc tế đón khách du lịch vào Việt Nam và đưa khách du lịch ra nước ngoài.
Ngoài ra còn có điều kiện về người phụ trách kinh doanh lữ hành quốc tế phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành về lữ hành, trường hợp tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế, theo Khoản 2 Điều 31 Luật Du lịch năm 2017.
Trên đây là định nghĩa về Công ty lữ hành và các điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa và quốc tế. Hy vọng bài viết này đem đến cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Nếu có bất kì vấn đề pháp lý nào thắc mắc, vui lòng liên hệ đến tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến: 1900.6162 để được tư vấn. Xin chân thành cảm ơn!