Longform | Tự hào kỳ tích công nghiệp Việt Nam: Từ 0 đến có!
Sẽ có nhiều người còn nghi ngờ và đặt câu hỏi liệu có tự tin quá hay không? Xin trả lời là không! Vì sao?
Xin cùng chúng tôi ngược trở về quá khứ để thấy điều đó là xứng đáng.
Cả trong thời kỳ Pháp thuộc, Việt Nam vẫn là một nước thuần nông nghiệp và lạc hậu bậc nhất thế giới.
Thống kê cho thấy, từ năm 1930 đến năm 1943, cả nước chỉ có khoảng 200 xí nghiệp công nghiệp và 90.000 công nhân, trong đó 60% là công nhân khai thác mỏ. Cả nước không có một cơ sở công nghiệp luyện kim, công nghiệp chế tạo thiết bị và hoá chất nào. Công nghiệp hàng tiêu dùng cũng chỉ có một số nhà máy như đường, rượu, xay xát lương thực, dệt may, giấy với máy móc thiết bị cũ. Khu vực tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề truyền thống bị kìm hãm và mai một.
Nói tóm lại, sản xuất công nghiệp hầu như không có gì, chủ yếu là công nghiệp khai thác mỏ và một số cơ sở công nghiệp nhẹ mà thực dân Pháp triển khai nhằm bóc lột nguồn nhân công rẻ mạt và vơ vét tài nguyên khoáng sản của Việt Nam.
Thế rồi, cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuy nhiên, ngay sau đó nhân dân Việt Nam đã trải qua 2 cuộc chiến tranh xâm lược với 2 cường quốc mạnh nhất thế giới là Pháp và Mỹ.