Lông xiêu: Nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả – Bệnh Viện Mắt Sài Gòn

Lông xiêu thường bị nhầm với quặm mi, hiện tượng mi mọc ngược vào trong. Tuy nhiên, có thể phân biệt bằng hiện tượng: bờ mi mắt bị cuộn vào trong, đẩy hàng lông mi vào nhãn cầu được gọi là quặm mi, còn lông xiêu là sợi lông mi mọc ngược hướng vào phía nhãn cầu.

Lông xiêu là gì?

lông xiêu là gì

Tại chân của mỗi sợi lông mi có một nang lông với nhiệm vụ tiết ra chất nhờn. Khi vi khuẩn xâm nhập gây viêm, nang lông sưng to, ứ đọng chất bã nhờn tạo thành kén – được gọi là lẹo mắt. Nếu lông mi mọc ngược vào bên trong sẽ khiến bệnh nhân cảm thấy rất khó chịu. Phần lớn mọi người thường nhầm lẫn giữa quặm mi và lông xiêu.

Lông xiêu là tình trạng những sợi lông mi mọc ngược hướng vào phía nhãn cầu, trong khi bờ mi mắt ở vị trí bình thường.

Nguyên nhân gây ra hiện tượng lông xiêu

nguyên nhân lông xiêu

Nguyên nhân gây lông xiêu là do sẹo vùng bờ mi sau khi bị bệnh mắt hột, chấn thương, phẫu thuật…

Hoặc tình trạng viêm bờ mi mạn tính làm biến đổi vùng bờ mi cũng gây lông xiêu. Ngoài ra, cũng có những trường hợp bị lông xiêu mà không tìm được nguyên nhân nào cả.

Cũng giống như quặm mi, lông xiêu trong một thời gian dài mà không được điều trị thì có thể dẫn đến sẹo giác mạc, viêm giác mạc, thậm chí mù lòa. Vì vậy, bạn nên đi khám chuyên khoa mắt để các bác sĩ chẩn đoán chính xác bạn bị quặm mi hay lông xiêu và có hướng điều trị cho bạn.

Mặc dù lông xiêu có nguy cơ tổn thương giác mạc nhưng tổn hại thị lực trong bệnh nhân là không cao, chỉ có 1,27% bệnh nhân bị mù trong số bệnh nhân bị lông xiêu. Vị trí lông xiêu chủ yếu gặp ở 1/3 trong của mi (68,1%) giải thích cho tỷ lệ tổn thương giác mạc thấp do các lông xiêu không trực tiếp cọ vào giác mạc

Triệu chứng của lông xiêu

triệu chứng lông xiêu

Khi bị lông xiêu, bệnh nhân thường sẽ cảm thấy bị cộm xốn, đỏ mắt, kích thích mắt, chảy nước mắt, đặc biệt khi chớp mắt…

Khi bị lông xiêu, đôi mắt sẽ nhạy cảm với ánh sáng, dần dà có thể khiến thị lực giảm sút, mắt bị mờ dần.

Điều trị bệnh lông xiêu

Để điều trị bệnh lông xiêu, có hai phương pháp chính thường được áp dụng là nhổ lông xiêu và đốt lông xiêu.

Nếu tình trạng lông xiêu ít, nhổ lông xiêu giúp lấy đi những sợi lông mọc sai hướng, thường sẽ giúp người bệnh cải thiện nhanh chóng tình trạng khó chịu, cộm xốn. Tuy nhiên, một thời gian ngắn sau đó, những lông xiêu sẽ mọc lại.

Nhổ lông xiêu được thực hiện các bước khá đơn giản và nhanh chóng như lật bờ mi, sử dụng pince (nhíp) nhỏ nhổ lông xiêu, tra dung dịch sát khuẩn, dung dịch gây tê bề mặt, mỡ kháng sinh.

Nếu nhiều lông xiêu gây tổn thương trực tiếp đến giác mạc cũng có thể cố gắng nhổ hết được. Giải pháp này có nhược điểm là chỉ một thời gian ngắn sau đó lông sẽ mọc lại. Do đó, đốt điện, lạnh đông, laser hoặc phẫu thuật (giúp lấy đi hoặc làm hư những nang lông) là những phương pháp điều trị loại triệt để tình trạng này.

Phương pháp thường dùng nhất ở trường hợp này là đốt lông xiêu. Đốt lông xiêu gồm có các thao tác cụ thể: Lidocain 2% tê tại chỗ, lật bờ mi, dùng đầu đốt sâu vào nang lông xiêu, tra dung dịch sát khuẩn, dung dịch gây tê bề mặt, mỡ kháng sinh.

Các loại chất bôi trơn cũng như kháng sinh sẽ giúp bề mặt giác mạc mau lành tổn thương, cũng như điều trị viêm bờ mi nếu có.

Với những trường hợp bệnh nhân cao tuổi thường sẽ không có chỉ định phẫu thuật vì trương lực cơ mi yếu nên hiệu quả phẫu thuật sẽ rất thấp. Do đó, khi cảm thấy cộm hoặc khó chịu ở mắt, người bệnh nên đi khám ở các bệnh viên hoặc cơ sở y tế uy tín về mắt để được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh và điều trị sớm để cải thiện các triệu chứng lông xiêu.

Bệnh viện Mắt Sài Gòn