Lĩnh vực:
Tài chính
Giải thích thuật ngữ
Lợi nhuận ròng
Lợi nhuận ròng (Net profit) là thu nhập còn lại sau khi doanh thu đã được trừ hết các chi phí như giá vốn, chi phí quản lí, chi phí bán hàng, khấu hao, chi phí lãi vay … . LNR cho thấy mức độ hiệu quả, công ty có tạo ra lợi nhuận hay không khi tính hết tất cả các chi phí.
Khi tính toán lợi nhuận ròng, chúng ta cần quan tâm đến bản chất các con số dùng để tính toán. Bằng các thủ thuật kế toán, các con số dùng để tính toán có thể không phản ánh chính xác tình hình tài chính của công ty.
Lợi nhuận ròng đối với cá nhân còn được hiểu là thu nhập ròng, là thu nhập sau khi đã trừ đi các loại thuế.
1. Lợi nhuận ròng là gì?
1.1 Khái niệm lợi nhuận ròng
Lợi nhuận ròng (còn gọi là lãi ròng hay lợi nhuận sau thuế, lãi thuần) là phần còn lại sau khi bạn lấy tổng doanh thu trừ đi tất cả các khoản chi phí và thuế thu nhập doanh nghiệp.
Hiểu theo cách đơn giản thì lãi ròng chính là đại diện cho số tiền còn lại của doanh nghiệp sau khi thanh toán mọi chi phí, dùng để đo lường hiệu quả kinh doanh. Trên thực tế, không phải lúc nào doanh thu tăng cũng đồng nghĩa với việc lợi nhuận tăng, hiệu quả kinh doanh cao vì còn phụ thuộc vào chi phí để tạo ra nó.
Với các tổ chức lớn, lợi nhuận ròng có thể rất phức tạp. Kế toán sẽ phải xác định và phân bổ doanh thu, chi phí từng kỳ, sao cho phù hợp và đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc kế toán. Thu nhập ròng thường được tính theo năm tài chính (từ 01/01 đến ngày 31/12).
1.2 Công thức tính lợi nhuận ròng
Lợi nhuận ròng = Tổng doanh thu – Tổng chi phí
Trong đó:
- Tổng doanh thu của doanh nghiệp: là số tiền doanh nghiệp thu được sau khi đã trừ đi tiền chiết khấu bán hàng và tiền hàng bán bị trả lại.
- Tổng chi phí: là toàn bộ các chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra trong kỳ để tạo ra doanh thu phía trên, bao gồm: chi phí nguyên vật liệu, chi phí nhân công, chi phí sản xuất chung, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí lãi vay, thuế thu nhập doanh nghiệp,…
Công thức chi tiết hơn để tính lợi nhuận ròng đó là:
Lợi nhuận ròng = Lợi nhuận gộp – chi phí hoạt động – Chi phí khác – Thuế – Chi phí lãi vay + Thu nhập khác.
1.3 Phân biệt lợi nhuận ròng và một số thuật ngữ liên quan khác
Phân biệt lợi nhuận ròng và một số thuật ngữ liên quan khác
Hiện nay, rất nhiều người đang nhầm lẫn các khái niệm như: lợi nhuận ròng, lợi nhuận gộp, lợi nhuận hoạt động, lợi nhuận trước thuế, lợi nhuận được giữ lại…Và cũng nhiều bạn đánh đồng các chỉ số này là một. Tuy nhiên, chúng có ý nghĩa khác nhau trong tài chính doanh nghiệp – Bạn có thể dựa vào công thức tính của từng chỉ số dưới đây để phân biệt nhé.
Lợi nhuận gộp = Doanh thu thuần – Giá vốn hàng bán và các chi phí trực tiếp khác liên quan đến việc tạo ra sản phẩm/dịch vụ.
Trong đó: Doanh thu thuần = Tổng doanh thu bán hàng – Các khoản giảm trừ doanh thu (chiết khấu, giảm giá hàng bán, hàng bán bị trả lại).
Như vậy, lợi nhuận gộp đo lường số tiền bạn còn lại sau khi lấy doanh thu thuần trừ đi giá vốn hàng bán (mà không tính đến các chi phí khác như tiền lương (nhân công), thuế hoặc chi phí bán hàng…)
Lợi nhuận hoạt động = Lợi nhuận gộp – chi phí gián tiếp
Đây là thước đo lợi nhuận thu được từ các hoạt động kinh doanh cốt lõi đang diễn ra của công ty, không bao gồm các khoản khấu trừ lãi vay và thuế. Như vậy, lợi nhuận hoạt động đã bao hàm thêm chi phí gián tiếp so với lợi nhuận gộp.
Lợi nhuận trước thuế = Lợi nhuận hoạt động – Lãi vay phải trả + Lợi nhuận khác
Như vậy, chỉ số này bao hàm thêm lợi nhuận khác và chi phí lãi vay so với lợi nhuận hoạt động.
Trong đó:
- Lợi nhuận khác: là các khoản lợi nhuận mà doanh nghiệp thu được từ các hoạt động khác (không thuộc hoạt động kinh doanh thông thường) như: Lợi nhuận từ việc chuyển nhượng, thanh lý tài sản cố định; tiền bồi thường hợp đồng được hưởng; tiền thu hồi các khoản nợ phải thu mà trước đó đã xóa nợ; khoản phải trả không tìm được chủ nợ…
Cụ thể: Lợi nhuận khác = Thu nhập khác – Chi phí khác
Lợi nhuận ròng = Lợi nhuận trước thuế – Thuế thu nhập doanh nghiệp
Chỉ số này bao hàm thêm thuế thu nhập doanh nghiệp so với lợi nhuận trước thuế.
Bạn hãy tưởng tượng các loại lợi nhuận vừa đề cập phía trên như các lớp của bắp ngô vậy. Mỗi lớp vỏ sẽ tương ứng với từng loại lợi luận. Nằm sâu nhất, ở lớp trong cùng chính là lợi nhuận ròng, nó thể hiện sâu sắc nhất, thực chất số tiền mà doanh nghiệp nắm giữ sau khi lấy doanh thu trừ đi tổng chi phí.
2. Vai trò của lợi nhuận ròng là gì?
Lợi nhuận ròng là số liệu phản ánh rất rõ sức khỏe tài chính của một doanh nghiệp. Muốn biết doanh nghiệp có thực sự đang sinh lời hay không, nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp chỉ cần nhìn vào con số lãi ròng trên bản báo cáo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Từ đó có thể thấy rằng, lợi nhuận ròng đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với doanh nghiệp. Cụ thể:
Ảnh hưởng đến việc thu hút nhà đầu tư
Đây là chỉ số được các nhà đầu tư (cổ đông) đặc biệt quan tâm. Thông qua lãi ròng, họ sẽ đánh giá được tình hình kinh doanh của doanh nghiệp để ra quyết định đầu tư. Chỉ số này thường có mối quan hệ tỷ lệ thuận với thị giá của cổ phiếu. Lợi nhuận ròng càng cao công ty càng hấp dẫn nhà đầu tư và ngược lại.
Lợi nhuận ròng là chỉ số quan trọng để các cổ đông ra quyết định đầu tư vào doanh nghiệp.
Ảnh hưởng đến việc vay vốn
Doanh nghiệp muốn có tiền để sản xuất kinh doanh thì cần phải có vốn, trong đó vốn vay ngân hàng là lựa chọn phổ biến nhất. Nhưng rất khó để ngân hàng cho một doanh nghiệp có lãi ròng quá thấp hoặc thậm chí bị âm vì đây là một khoản vay vô cùng rủi ro, khả năng trở thành nợ xấu rất cao.
Ảnh hưởng đến chiến lược phát triển của doanh nghiệp
Một doanh nghiệp có lợi nhuận ròng quá thấp chứng tỏ đang gặp vấn đề nào đó trong hoạt động kinh doanh. Có thể hàng hoá không bán được hay các khoản chi phí đang quá cao. Dù là vì lý do nào thì doanh nghiệp cùng cần thay đổi chiến lược hoạt động của mình để tăng trưởng lợi nhuận.
Kiểm soát lỗ
Đối với những doanh nghiệp mới thành lập, việc lợi nhuận ròng âm là điều thường gặp. Chủ doanh nghiệp cần quan tâm đến khoản lãi ròng này để dự trù liệu doanh nghiệp có thể duy trì lỗ trong bao lâu.
3. Các yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận ròng là gì?
Từ công thức tính lợi nhuận ròng phía trên, chúng ta có thể thấy rằng có nhiều yếu tố tác động trực tiếp đến chỉ số này. Trong đó, những yếu tố chính, chiếm tỷ lệ cao nhất bao gồm:
3.1 Giá gốc của nguyên vật liệu hoặc sản phẩm
Giá đầu vào của nguyên vật liệu (đối với doanh nghiệp sản xuất) và của sản phẩm (với doanh nghiệp thương mại) là một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến lãi ròng.
Giá đầu vào càng thấp thì lợi nhuận ròng của doanh nghiệp càng cao và ngược lại. Vì vậy, các công ty cần lựa chọn những nhà cung cấp có giá cả cạnh tranh nhất. Tuy nhiên, không nên chạy theo giá cả mà bỏ qua chất lượng vì đây mới là yếu tố quan trọng nhất thu hút và giữ chân khách hàng của bạn. Một khi sản phẩm kém chất lượng, người mua trả lại hoặc doanh nghiệp mất uy tín, giá cả đầu vào của bạn có thấp đến đâu cũng không thể cứu vớt nổi sự sụt giảm doanh thu đầu ra, hoặc thậm chí mất khách hàng và phá sản.
3.2 Chi phí hoạt động của doanh nghiệp
Các chi phí hoạt động của doanh nghiệp như: nhân công, chi phí sản xuất chung, quản lý…sẽ quyết định trực tiếp và tỉ lệ nghịch với lãi ròng. Điều đó có nghĩa là chi phí hoạt động càng cao thì lãi ròng càng thấp và ngược lại.
Ngoài việc tăng doanh thu thì doanh nghiệp cũng cần xem xét tiết kiệm chi phí hoạt động nhất có thể.
3.3 Thuế thu nhập doanh nghiệp phải đóng cho Nhà nước
Mặc dù thuế thu nhập doanh nghiệp tỷ lệ nghịch với lợi nhuận ròng, ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số này nhưng các công ty lại không thể quyết định việc tăng hay giảm nó theo ý muốn, mà được quy định cụ thể trong luật quản lý thuế.
Vì vậy, muốn tăng lợi nhuận ròng, các công ty buộc phải quay lại thay đổi hai yếu tố nêu trên cũng như áp dụng các biện pháp khác như nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng quy mô, đào tạo tay nghề cho người lao động…
4. Những điều cần chú ý khi xem xét và phân tích lợi nhuận ròng là gì?
Lợi nhuận ròng ở mỗi doanh nghiệp, mỗi ngành nghề và tùy từng thời điểm khác nhau sẽ khác nhau.
Lợi nhuận ròng ở mỗi doanh nghiệp, mỗi ngành nghề và tùy từng thời điểm khác nhau sẽ khác nhau.
Khi phân tích chỉ số này, bạn không nên so sánh khập khiễng 2 công ty ở 2 lĩnh vực hoàn toàn riêng biệt mà nên đối chiếu với tỷ số bình quân toàn ngành hoặc doanh nghiệp tương đồng khác (cùng ngành, cùng quy mô,…). Ngoài ra, việc so sánh trong cùng một thời điểm cũng rất quan trọng.
5. Kết luận
Hy vọng qua bài viết trên, các bạn có thể hiểu rõ chỉ tiêu lợi nhuận ròng khi đọc báo cáo tài chính cũng như ý nghĩa của nó để ra quyết định đầu tư thông minh, chính xác nhất. Chúc các bạn luôn thành công và đừng quên tải app 24HMoney hoàn toàn miễn phí để cập nhật những thông tin mới nhất về tài chính, chứng khoán, bất động sản…nhé!