Lợi ích kinh tế là gì? Bản chất, ý nghĩa, vai trò, ví dụ lợi ích kinh tế?

Trên cơ sở góp phần hình thành tư duy lý luận về lợi ích và các quan hệ lợi ích đối với các chủ thể trong điều kiện hội nhập kinh tế thị trường hiện nay, Luật Minh Khuê mang đến quý bạn đọc nội dung lý luận cơ bản về “Lợi ích kinh tế” sẽ giúp các bạn đảm bảo hài hòa lợi ích của cá nhân với lợi ích cộng đồng. Từ đó nó sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy sự sáng tạo của các cá nhân trong xã hội góp phần xây dựng xã hội ngày càng phát triển, văn minh.

1. Khái niệm về lợi ích kinh tế

Trước hết để hiểu từng thuật ngữ Lợi ích kinh tế, ta cùng tìm hiểu nhu cầu là gì? Nhu cầu là đòi hỏi, mong muốn, nguyện vọng của con người. Tuy nhiên, nhu cầu không phải là những cái chung chung trừu tượng, mà phải là nhu cầu về của cải, vật chất và dịch vụ nhằm thỏa mãn đời sống vật chất và tinh thần của mỗi người, mỗi cộng đồng và mỗi tập đoàn xã hội nhất định. Nói cách khác, nhu cầu kinh tế trước hết cũng là nhu cầu về vật chất, song không phải mọi nhu cầu về vật chất đều là nhu cầu kinh tế. Trong tiến trình vận động và phát triển của lịch sử xã hội loài người, chỉ khi nào xuất hiện các hình thức khác nhau về sở hữu tư liệu sản xuất, xuất hiện phân công lao động xã hội, lúc đó những nhu cầu về vật chất của con người mới mang tính chất xã hội và chuyển hóa thành nhu cầu kinh tế. Khi nhu cầu kinh tế của một chủ thể nào đó được đáp ứng, được thỏa mãn thì lúc đó mới xuất hiện lợi ích kinh tế.

Để tồn tại, phát triển, con người cần được thỏa mãn các nhu cầu vật chất cũng như nhu cầu tinh thần. Lợi ích thu được khi con người được thỏa mãn nhu cầu của mình. Lợi ích có thể là lợi ích vật chất và tinh thần. Như vậy, có thể định nghĩa lợi ích là sự thỏa mãn nhu cầu của con người mà sự thỏa mãn nhu cầu này phải được nhận thức và đặt trong mối quan hệ xã hội ứng với trình độ phát triển nhất định của nền sản xuất xã hội đó.

Trên thực tế, lợi ích kinh tế thực chất sẽ là lợi ích vật chất, lợi ích kinh tế phản ánh mục đích và động cơ khách quan của các chủ thể khi tham gia vào các hoạt động kinh tế, xã hội và do hệ thống quan hệ sản xuất quyết định. Lợi ích kinh tế bắt nguồn từ nhu cầu và là cái để đáp ứng nhu cầu làm nảy sinh lợi ích. Vì thế ta nhận thấy rằng, Lợi ích kinh tế là một phạm trù kinh tế, một mặt nó phản ánh những điều kiện, những phương tiện nhằm đáp ứng nhu cầu vật chất của mỗi con người, mỗi chủ thể. 

Lợi ích kinh tế là hình thức biểu hiện của quan hệ sản xuất, nó được quy định một cách khách quan bởi phương thức sản xuất, bởi hệ thống quan hệ sản xuất, trước hết là quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất. Ph.Ăng viết: “Những quan hệ kinh tế của một xã hội nhất định nào đó biểu hiện trước hết dưới hình thức lợi ích”. Lê-nin cũng cho rằng: “Lợi ích của giai cấp này hay giai cấp khác được xác định một cách khách quan theo vai trò mà họ có trong hệ thống quan hệ sản xuất, theo những hoàn cảnh và điều kiện sống của họ”. Như vậy, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin đều thấy rõ lợi ích quan trọng nhất của những người lao động không phải là lợi ích về chính trị, mà chính là Lợi ích kinh tế.

 

2. Các công trình nghiên cứu nước ngoài

Trong tác phẩm:”The wealth of nations” (Của cải của các dân tộc) của A.Smith, cho rằng: Sự tiến bộ vĩ đại nhất trong quá trình phát triển sức sản xuất của lao động và tỷ lệ đáng kể của nghệ thuật, kỹ năng và trí thông minh, rõ ràng đã được xuất hiện nhờ kết quả của việc phân công lao động. Điều quan trọng hơn cả là thông qua việc sản xuất theo lối phân công chuyên môn hóa lao động, sẽ phát hiện ra cơ sở lợi ích. Lợi ích kinh tế và phân công lao động chính là hai phạm trù có mối quan hệ gắn bó với nhau, vì lợi ích cá nhân mà con người thực hiện thông qua việc phân công lao động để mỗi người tự trau dồi nghề nghiệp của mình một cách chuyên sâu khiến việc lao động mang lại hiệu quả sẽ làm cho lợi ích cá nhân gia tăng. A. Smith đã làm sáng tỏ mối quan hệ giữa lợi ích chung của toàn dân tộc toàn quốc gia và lợi ích kinh tế của mỗi cá nhân. Mọi người lao động, phục vụ người khác chính là vì lợi ích riêng của họ, do đó khi muốn họ làm việc, phục vụ thì chúng ta không bao giờ nói với họ về những nhu cầu của chúng ta, mà chỉ nói với họ về mối tư lợi của họ. Ông cho rằng, bất cứ lợi ích nào cũng chỉ được đáp ứng trong trường hợp nó không mâu thuẫn với tăng năng suất của tư bản. Lợi ích kinh tế được coi là động lực cơ bản của sự phát triển sản xuất, xã hội, ông thừa nhận yếu tố khách quan trong nội dung của Lợi ích kinh tế với tư cách là đầu mối trong hoạt động kinh tế của con người.

Nhà kinh tế David Ricardo đã khẳng định: Lợi ích kinh tế của các giai cấp khác nhau được xây dựng trên cơ sở lý luận về giá trị, tiền lương và lợi nhuận chỉ là bộ phận của giá trị và cũng là nguồn gốc của lao động. Do đó, việc tăng hay giảm lương sẽ không ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa, mà chỉ ảnh hưởng đến việc phân phối giá trị sẽ được tạo ra giữa công nhân và tư bản, vì vậy sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của họ. Điều đó thể hiện trong số giá trị mới được tạo ra, phần của công nhân nhỏ hơn phần của người sử dụng lao động -tư bản thì lớn hơn. Đây là mối quan hệ tỷ lệ nghịch về lợi ích, nếu lợi ích của người đi thuê công nhân tăng thì lợi ích của người đi làm thuê sẽ giảm và ngược lại. 

Tóm lại, những công trình nghiên cứu tiêu biểu về lợi ích kinh tế của các tác giả nước ngoài đã thể hiện rõ những quan điểm dưới góc độ nghiên cứu khoa học về lợi ích và Lợi ích kinh tế nói chung nhưng đều đưa ra quan điểm đồng nhất vai trò của Lợi ích kinh tế với tư cách là một động lực phát triển xã hội.

 

3. Bản chất và biểu hiện của lợi ích kinh tế

3.1 Xét về bản chất:

– Lợi ích kinh tế phản ánh mục đích và động cơ của các quan hệ giữa các chủ thể trong nền sản xuất xã hội. Suy cho cùng, lợi ích kinh tế được biểu hiện ở mức độ của cải vật chất mà mỗi người có được, khi tham gia vào các hoạt động kinh tế – xã hội. Phản ánh quan hệ giữa con người với con người trong quá trình tham gia các hoạt động đó để tạo ra của cải vật chất cho bản thân.

– Lợi ích kinh tế là hình thức biểu hiện của quan hệ sản xuất, do quan hệ sản xuất quyết định. Không có lợi ích kinh tế nằm ngoài những quan hệ sản xuất mà nó là sản phẩm của những quan hệ sản xuất. Các thành viên trong xã hội xác lập các quan hệ kinh tế với nhau vì trong quan hệ đó hàm chứa những lợi ích kinh tế mà họ có thể có được.

– Hệ thống quan hệ sản xuất của mỗi một chế độ xã hội nhất định sẽ quy định hệ thống lợi ích kinh tế của xã hội đó. Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, ở nước ta tồn tại nhiều quan hệ sản xuất, nhiều quan hệ sở hữu khác nhau về tư liệu sản xuất, nhiều thành phần kinh tế, do đó hệ thống lợi ích kinh tế cũng mang tính đa dạng. Các quan hệ xã hội luôn mang tính lịch sử, do vậy, lợi ích kinh tế trong mỗi giai đoạn cũng phản ánh bản chất xã hội của giai đoạn lịch sử đó.

 

3.2 Xét về biểu hiện:

– Lợi ích kinh tế là hình thức biểu hiện của quan hệ kinh tế và quy luật kinh tế. Trong thực tế, lợi ích kinh tế thông thường sẽ được biểu hiện ở các hình thức thu nhập cụ thể: Tiền lương, tiền công, lợi nhuận, lợi tức, địa tô, thuế, phí, lệ phí và các hình thức cụ thể khác

– Gắn với các chủ thể kinh tế khác nhau là những lợi ích tương ứng: lợi ích của chủ doanh nghiệp trước hết là lợi nhuận, lợi ích người lao động là thu nhập. Tất nhiên, mỗi cá nhân, trong các mối quan hệ xã hội tổng hợp gắn với con người đó, mặc dù có khi thực hiện hoạt động kinh tế trọng nhất thời, không phải luôn đặt mục tiêu lợi ích vật chất lên hàng đầu. Song về lâu dài, đã tham gia vào hoạt động kinh tế thì lợi ích kinh tế là lợi ích quyết định. Nếu không thấy được vai trò của lợi ích kinh tế sẽ làm suy giảm động lực. 

– Khi đề cập tới phạm trù lợi ích kinh tế có nghĩa rằng lợi ích đó được xác lập trong quan hệ nào, vai trò của các chủ thể trong quan hệ đó thể hiện chủ thể đó biểu hiện như thế nào. Ví dụ họ là chủ sở hữu, hay nhà quản lý, là lao động làm thuê hay trung gian; ai là người thụ hưởng lợi ích, quyền hạn và trách nhiệm của các chủ thể đó, biện pháp thực hiện gì… Trong nền kinh tế thị trường, ở đâu có hoạt động sản xuất kinh doanh, lao động ở đó có quan hệ lợi ích và lợi ích kinh tế.

 

4. Vai trò của lợi ích kinh tế 

Trong nền kinh tế thị trường, hoạt động kinh tế được biểu hiện vô cùng phong phú đa dạng và các hoạt động hướng tới lợi ích nhất định. Có thể khái quát vai trò của lợi ích kinh tế trên một số khía cạnh chủ yếu sau:

– Lợi ích kinh tế là động lực trực tiếp của các chủ thể và hoạt động kinh tế – xã hội

+ Con người tiến hành các hoạt động kinh tế trước hết để thỏa mãn các nhu cầu vật chất, nâng cao phương thức và mức độ thỏa mãn nhu cầu vật chất của bản thân. Trong nền kinh tế thị trường, phương thức và mức độ phụ thuộc thỏa mãn nhu cầu vật chất tùy thuộc vào mức thu nhập. Do đó, mức thu nhập càng cao, phương thức và mức độ thỏa mãn nhu cầu càng tốt. Vì vậy, mọi chủ thể kinh tế đều phải hành động để nâng cao thu nhập của mình. Thực hiện lợi ích kinh tế của các giai cấp tầng lớp xã hội, đặc biệt của người dân vừa là cơ sở bảo đảm cho sự ổn định và phát triển xã hội vừa là biểu hiện sự phát triển

+ Về khía cạnh kinh tế tất cả các chủ thể kinh tế đều hành động trước hết vì lợi ích chính đáng của mình. Tất nhiên, lợi ích này phải đảm bảo trong sự liên hệ với các chủ thể khác trong xã hội. Theo đuổi lợi ích kinh tế chính đáng của mình, các chủ thể kinh tế đã đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế. Vì lợi ích của mình người lao động tích cực lao động sản xuất, nâng cao tay nghề, cải tiến công cụ lao động; chủ doanh nghiệp phải tìm cách nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, đáp ứng các nhu cầu, thị hiếu của khách hàng bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi mẫu mã, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong phục vụ người tiêu dùng… Tất cả những điều đó đều tác dụng thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất, của nền kinh tế và nâng cao đời sống của người dân.

– Lợi ích kinh tế là cơ sở thúc đẩy sự phát triển các lợi ích khác

+ Mọi vận động của lịch sử đều xoay quanh vấn đề lợi ích và được ưu tiên là lợi ích kinh tế. Mức độ thỏa mãn nhu cầu vật chất còn phụ thuộc địa vị của con người trong quan hệ sản xuất xã hội nên để thực hiện lợi ích mình các chủ thể kinh tế phải đấu tranh với nhau thực hiện quyền làm chủ với tư liệu sản xuất. Đó là cội nguồn sâu xa của các cuộc đấu tranh giữa các giai cấp trong lịch sử – động lực quan trọng của xã hội tiến bộ

+ Lợi ích kinh tế được thực hiện sẽ tạo điều kiện cho sự hình thành và thực hiện lợi ích chính trị, lợi ích xã hội, văn hóa của các chủ thể xã hội.

+ Lợi ích kinh tế mang tính khách quan và là động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế – xã hội. Theo C.Mác: “Cội nguồn phát triển của xã hội không phải là quá trình nhận thức mà là các quan hệ của đời sống vật chất, tức là lợi ích kinh tế của con người”

+ Ở Việt Nam, trong một thời gian rất dài, vì rất nhiều lý do, các lợi ích kinh tế, nhất là lợi ích cá nhân, không được chú ý đúng mức. Hiện nay, trong điều kiện cơ chế thị trường, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta là: Coi lợi ích kinh tế là động lực của hoạt động kinh tế; phải tôn trọng lợi ích cá nhân chính đáng. Điều này góp phần tạo động lực cho sự phát triển đất nước ta trong những năm qua.

 

5. Ví dụ về lợi ích kinh tế

Trong các xã hội có giai cấp, lợi ích kinh tế tất yếu mang tính chất giai cấp. Ví dụ, trong xã hội tư bản chủ nghĩa, lợi ích của giai cấp tư sản là thu được giá trị thặng dư và lợi nhuận tối đa bằng cách tăng cường bóc lột lao động làm thuê. Còn lợi ích kinh tế của những người lao động chỉ hạn chế trong phạm vi giá trị sức lao động của họ. Do lợi ích kinh tế có tính giai cấp nên trong điều kiện có nhiều thành phần kinh tế như hiện nay tất yếu tồn tại mâu thuẫn về lợi ích kinh tế giữa các thành phần kinh tế, giữa các chủ thể kinh tế khác với nhau

Ví dụ lợi ích kinh tế của nông dân trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa:

Có thể thấy lực lượng sản xuất trong lĩnh vực nông thôn của Hà Nội còn thấp, năng suất lao động thất. Trong khi đó, CNH, HĐH xác định chuyển đổi căn bản, toàn diện hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ quản lý từ sử dụng lao động thủ công là chính sang sử dụng lao động cùng với công nghệ, phương tiện máy móc kỹ thuật hiện đại, tiên tiến. 

Lợi ích kinh tế của nông dân chính là nhu cầu được chuyển đổi từ sử dụng lao động thủ công sang lao động sử dụng công nghệ tạo ra năng suất lao động hiệu quả. Lợi ích kinh tế của nông dân là tổng thể những nguồn thu từ hoạt động kinh tế của họ để đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt cho mọi thành viên trong gia đình. Trong quá trình CNH, HĐH nền kinh tế quốc dân, người dân vừa là chủ thể tiến hành, vừa là người trực tiếp thụ hưởng thành quả của quá trình CNH, HĐH. Chính người nông dân trực tiếp giải quyết lợi ích cho chính mình thông qua phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, cải thiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bản thân và gia đình.

Với thông tin hữu ích trên đây, chúng tôi tin rằng một phần nào đó giải đáp thắc mắc quý độc giả Lợi ích kinh tế là gì? Bản chất, vai trò và ví dụ về lợi ích kinh tế? Mọi vướng mắc xin vui lòng liên hệ qua số tổng đài 19006162 để được hỗ trợ sớm nhất. Luật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn!