Logistics là gì ? Dịch vụ logistics là gì ? Đặc điểm của dịch vụ logistics

Sự phát triển nhanh chóng của nền công nghiệp hàng hoá trên thế giới tạo ra môi trường cạnh tranh quyết liệt. Quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh tác động mạnh đã buộc các thương nhân phải thay đổi phương thức tổ chức sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng hàng hoá, giảm giá thành.

Thương nhân phải biết phát huy các lợi thế cạnh tranh trên thị trường, tìm mọi giải pháp để chiếm lĩnh những thị phần ngày càng bị thu nhỏ. Nhu cầu đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh xuất hiện ở mọi khâu trong quá trình từ đổi mới khoa học kĩ thuật trong sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đến việc xây dựng hệ thống kênh phân phối để đưa hàng hoá đến tay người tiêu dùng nhanh chóng, thuận lợi, chi phí thấp. Nhu cầu đó là cơ sở để dịch vụ logistics hình thành và phát triển. Những năm gần đây, dịch vụ logistics bắt đầu được triển khai tại Việt Nam và đang trở thành một trong những loại dịch vụ rất tiềm năng.

Nếu không có dịch vụ logistics chuyên nghiệp thì sẽ rất khó tiến hành hoạt động thương mại quốc tế, xuất nhập khẩu. Logistics là dịch vụ thông tin để kết nối các khâu trong quá trình lưu chuyển hàng hoá như: vận tải, kiểm kê, bốc xếp hàng, đóng gói vật tư, đóng gói bao bì.

 

1. Khái niệm dịch vụ logistics

Thuật ngữ “logistics” được sử dụng nhiều từ thế kỉ XIX với ý nghĩa là năng lực tư duy hệ thống hoặc là kĩ năng tính toán hợp lý. Logistics ngày nay được sử dụng để chỉ về việc quản lý và kiểm soát sự dịch chuyển các nguồn lực một cách khoa học.

Theo Hội đồng chuyên gia quản lý chuỗi cung ứng Hoa Kỳ:

“Logistics là quả trình lập kế hoạch, thực hiện và kiểm soát các thủ tục cho việc vận chuyển hiệu quả và lưu trữ hàng hoá bao gồm cả các dịch vụ và thông tin liên quan từ điểm xuất xứ đến điểm tiêu thụ cho các mục đích phù hợp với yêu cầu của khách hàng và bao gồm đầu vào, đầu ra, chuyển động bên trong và bên ngoài”.

Xét từ khía cạnh quản trị các chuỗi cung ứng:

“Logistics là một bộ phận cẩu thành hoạt động của chuỗi cung ứng, bao gồm việc lên kế hoạch và kiểm soát hiệu quả dòng chảy của hàng hoả theo cả hai chiều từ điểm sản xuất đến điểm tiêu thụ theo yêu cầu của khách hàng”.

Trong hoạt động thương mại, logistics được hiểu là quá trình chuyển dịch nguồn lực, sản phẩm theo nhu cầu của khách hàng được thực hiện một cách có kế hoạch, chi tiết, được kiểm soát chặt chẽ nhằm giảm thiểụ tối đa chi phí và thời gian.

Pháp luật Việt Nam định nghĩa khá rõ về dịch vụ logistics. Theo quy định tại Điều 233 Luật Thương mại năm 2005:

‘‘Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hoá theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao”

 

2. Đặc điểm của dịch vụ Logistics

2.1 Đặc điểm về chủ thể tham gia dịch vụ logistics

Chủ thể tham gia dịch vụ logistics bao gồm: thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics và khách hàng.

Dịch vụ logistics do thương nhân thực hiện một cách chuyên nghiệp. Thương nhân cung ứng dịch vụ logistics phải đáp ứng đủ các điều kiện về phương tiện thiết bị, công cụ đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, kĩ thuật và có đội ngũ nhân viên đáp ứng yêu cầu. Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics có thể đảm nhiệm một, một phần hoặc toàn bộ các công đoạn trong chuỗi logistics. Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics có thể xây dựng các chuỗi logistics trên cơ sở thiết lập một cách có hệ thống nguồn lực, công nghệ của mình với các thương nhân khác. Trong chuỗi dịch vụ logistics có những thương nhân quản lý và điều hành chuỗi và thương nhân được thuê tham gia vào các giai đoạn trong chuỗi. Thương nhân quản lý và điều hành chuỗi nhân danh chính mình để ký hợp đồng với khách hàng, đưa hàng hoá của khách hàng vào chuỗi cung ứng do thương nhân đó xây dựng.

Khách hàng là tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng dịch vụ về giao nhận hàng hoá. Khách hàng trong dịch vụ logistics có thể là thương nhân hoặc không phải là thương nhân. Khách hàng của dịch vụ logistics có thể là chủ sở hữu hàng hoá hoặc không phải chủ sở hữu hàng hoá. Trong một số trường hợp, khách hàng của dịch vụ logistics là đại diện của chủ sở hữu hàng hoá, được chủ sở hữu hàng hoá ủy thác thực hiện việc giao nhận hàng hoá.

 

2.2 Đặc điểm về nội dung dịch vụ logistics

Dịch vụ logistics là bước phát triển cao hơn và hoàn chỉnh hơn của các dịch vụ liên quan đến hàng hoá như vận tải, đóng gói bao bì, giao nhận hàng hoá, lưu kho, lưu bãi. Thương nhân cung ứng dịch vụ logistics có thể cung cấp các dịch vụ riêng lẻ như thuê tàu, đóng gói hàng hoá, làm thủ tục hải quan, đánh ký mã hiệu, v.v. hoặc cung cấp những dịch vụ trọn gói từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng.

Thương nhân cung ứng dịch vụ logistics thực hiện dịch vụ theo chuỗi, có sự sắp xếp hợp lý nhằm tiết kiệm chi phí, thời gian từ nhận hàng hoá từ người gửi, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi. Trong trường hợp hàng hoá phải thực hiện xuất, nhập khẩu, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics chuẩn bị giấy tờ cần thiết (vận đơn vận chuyển, giám định, chứng thư tín dụng), làm thủ tục hải quan. Thương nhân tổ chức việc bảo quản hàng hoá và làm thủ tục giao hàng tới cho người nhận theo đúng thỏa thuận và yêu cầu của khách hàng. Thương nhân cung ứng dịch vụ logistics được hưởng thù lao từ dịch vụ do mình cung ứng.

Dịch vụ logistics là dịch vụ mang tính quá trình được thực hiện liên hoàn, dịch vụ logistics không mang tính chất đơn lẻ. Các khâu trong chuỗi được thương nhân tổ chức thực hiện theo kế hoạch được tính toán chi tiết để hàng hoá được dịch chuyển liên tục trong các khâu của chuỗi từ đó tiết kiệm tối đa thời gian cũng như chi phí vận chuyển. Dịch vụ logistics có thể giảm lãng phí do sản xuất quá nhiều, lãng phí do hàng tồn kho, lãng phí do di chuyển, lãng phí do quá trình vận hành, lãng phí do chờ đợi, …

 

2.3 Đặc điểm về tính chất dịch vụ logistics

Dịch vụ logistics là dịch vụ bổ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp do thương nhân thực hiện để hưởng thù lao. Dịch vụ logistics có vai trò quan trọng đôi với quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Dịch vụ logistics có thể hỗ trợ toàn bộ các khâu trong hoạt động của doanh nghiệp, từ chuẩn bị nguyên vật liệu, sản xuất đến khi sản phẩm được đưa ra khỏi doanh nghiệp đến tay người tiêu dùng. Các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics nhằm mục đích đưa hàng hoá tới tay người tiêu dùng nhanh chóng, hạn chế tối đa rủi ro và phải trả thù lao. Tuy nhiên, mức phí này thấp hơn nhiều so với chi phí đầu tư tự thực hiện.

Sự phát triển của dịch vụ logistics đã kéo theo sự thay đổi về phương thức sản xuất kinh doanh. Các quốc gia phát triển trên thế giới đã chuyển dịch địa bàn sản xuất hàng hoá về những quốc gia đang phát triển để khai thác những nguồn lực giá rẻ như tài nguyên, sức lao động. Một số quốc gia trở thành những công xưởng lớn của thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam, v.v. khi sản xuất phần lớn lượng hàng hoá tiêu dùng trên thế giới. Nguyên nhân của hiện tượng này là do quá trình phát triển và ngày càng hoàn thiện của các chuỗi dịch vụ logistcis đã làm giảm chi phí giao nhận, vận chuyển nguyên vật liệu và hàng hoá, nó trở thành cơ hội để các doanh nghiệp tận dụng tối đa các lợi thế cạnh tranh.

Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của khách hàng thông qua việc cung cấp một, một số hoặc toàn bộ các dịch vụ trong chuỗi và hưởng thù lao từ hoạt động đó. Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics cũng được thanh toán các khoản chi phí phát sinh họp lý do thực hiện theo chỉ dẫn của khách hàng hoặc thực hiện nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của khách hàng.

 

3. Chuỗi dịch vụ logistics là gì ?

Chuỗi dịch vụ logistics là một tập họp các dịch vụ được thương nhân cung ứng một cách hợp lý, liên tục. Dựa vào yếu tố chủ thể thực hiện, giai đoạn của chuỗi và các dịch vụ trong chuỗi để phân loại các chuỗi dịch vụ logistics.

 

3.1 Chuỗi dịch vụ logistics theo chủ thể thực hiện

Chuỗi logistics bên thứ nhất (First Party Logistics): là chuỗi logistics do người sở hữu hàng hoá tự tổ chức thực hiện để đáp ứng nhu cầu bản thân, không có yếu tố dịch vụ.

Chuỗi logistics bên thứ hai (Second Party Logistics): là chuỗi logistics do người mua tổ chức thực hiện để đáp ứng nhu cầu, không có yếu tố dịch vụ.

Chuỗi logistics bên thứ ba (Thữd Party Logistics): là chuỗi logistics do thương nhân thực hiện đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Chuỗi logistics bên thứ ba là loại hình chuỗi phổ biến nhất. Thương nhân thực hiện các dịch vụ từ nhận hàng hoá từ người gửi, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi theo những tính toán hợp lý, phối hợp chặt chẽ.

Chuỗi logistics bên thứ tư (Fourth Party Logistics): là chuỗi dịch vụ logistics được xây dựng trên cơ sở gắn kết các nguồn lực của nhiều thương nhân khác nhau nhằm hình thành một mạng lưới logistics rộng lớn, tối đa hoá các lợi ích cho khách hàng. Trong đó có một thương nhân là người đứng đầu quản lý toàn bộ mạng lưới chuỗi (Lead logistics provider). Chuỗi logistics bên thứ tư mới chỉ xuất hiện từ những năm 1990 của thế kỉ trước, do Bob Evan khởi xướng.

Chuỗi logistics bên thứ năm (Fifth Party Logistics): là chuỗi dịch vụ logistics có sự tham gia hỗ trợ của thương nhân hoạt động thương mại điện tử, mô hình này mới xuất hiện và được coi là mô hình của tương lai. Chuỗi dịch vụ logistics bên thứ năm hoạt động tương tự như các chuỗi bên thứ ba, bên thứ tư nhưng sử dụng hệ thống quản lý điện tử để thực hiện việc điều hành chuỗi.

 

3.2 Chuỗi dịch vụ logistics theo quá trình

Chuỗi logistics đầu vào (Inbound logistics): là chuỗi dịch vụ logistics cung cấp nguyên vật liệu, máy móc, trang thiết bị đầu vào cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp dây chuyền sản xuất.

Chuỗi logistics đầu ra (Outbound logistics): là chuỗi dịch vụ logistics cung cấp các sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp đến tay người tiêu dùng cuối cùng.

Chuỗi logistics ngược (Reverse logistỉcs); là chuỗi dịch vụ logistics thu hồi phế liệu, phế phẩm, các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường để xử lý, tái chế. Chuỗi dịch vụ logistics ngược thực hiện việc lên kế hoạch kiểm soát hiệu quả chi phí nguyên liệu, kiểm kê thành phẩm và các thông tin liên quan đến phế thải từ quá trình sản xuất nhằm đưa ra các biện pháp xử lý, tái chế, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và có thể đạt được hiệu quả kinh tế cụ thể.

 

4. Chuỗi dịch vụ theo các loại hình thức dịch vụ

4.1 Các dịch vụ logistics chủ yếu

Các dịch vụ logistics chủ ỵếu, bao gồm:

– Dịch vụ xếp dỡ Container, trừ dịch vụ cung cấp tại các sân bay;

– Dịch vụ kho bãi Container thuộc dịch vụ hỗ trợ vận tải biển;

– Dịch vụ kho bãi thuộc dịch vụ hỗ trợ mọi phương thức vận tải;

– Dịch vụ chuyển phát;

– Dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa;

– Dịch vụ đại lý làm thủ tục hải quan (bao gồm cả dịch vụ thông quan);

– Dịch vụ khác, bao gồm các hoạt động sau: Kiểm tra vận đơn, dịch vụ môi giới vận tải hàng hóa, kiểm định hàng hóa, dịch vụ lấy mẫu và xác định trọng lượng; dịch vụ nhận và chấp nhận hàng; dịch vụ chuẩn bị chứng từ vận tải;

– Dịch vụ hỗ trợ bán buôn, hỗ trợ bán lẻ bao gồm cả hoạt động quản lý hàng lưu kho, thu gom, tập hợp, phân loại hàng hóa và giao hàng.

 

4.2 Các dịch vụ logistics liên quan đến vận tải

Các dịch vụ logistics liên quan đến vận tải, bao gồm:

– Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải biển;

– Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường thủy nội địa;

– Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường sắt;

– Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường bộ;

– Dịch vụ vận tải hàng không;

– Dịch vụ vận tải đa phương thức.

 

4.3 Các dịch vụ logistics liên quan khác

Các dịch vụ logistics liên quan khác, bao gồm:

– Dịch vụ phân tích và kiểm định kỹ thuật;

– Các dịch vụ hỗ frợ vận tải khác;

– Các dịch vụ khác do thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics và khách hàng thỏa thuận phù hợp với nguyên tắc cơ bản của Luật thương mại.

Luật Minh Khuê (sưu tầm & biên tập)