“Loạn giấy khen” có phải tại giáo viên?
GDVN- Nếu giáo viên đề xuất số lượng học sinh được khen nhưng hiệu trưởng không đồng ý cũng sẽ không xảy ra tình trạng khen vô tội vạ như hiện nay.
Những ngày qua, bức ảnh một học sinh ngồi buồn so trong khi các bạn của lớp hớn hở khoe giấy khen.
Mặc dù ngay thời điểm này, vẫn chưa biết bức ảnh đó là thật hay ảnh ghép, câu chuyện xảy ra ở đâu? Tại lớp học nào? Ai là người chụp lại bức ảnh này? Thế nhưng hàng chục bài viết, hàng ngàn ý kiến được đăng tải trên các trang mang thông tin đều lên án, chê cười thậm chí phẫn nộ với cách ứng xử được cho là của thầy cô giáo.
Trong thực tế, có chuyện cả lớp nhận giấy khen chỉ một vài em là không có?
Năm học 2018-2019, cộng đồng mạng dậy sóng khi một lớp học tại Vũng Tàu có 42/43 học sinh giỏi.
Nghi ngờ có chuyện khuất tất trong việc đánh giá xếp loại thi đua, thanh tra của Sở Giáo dục và Đào tạo Vũng Tàu đã thẩm tra và kết luận đây là lớp chọn của trường nên kết quả xếp loại như trên là hoàn toàn chính xác.
Không đạt gần 100% học sinh giỏi như lớp học ở Vũng Tàu, nhiều trường tiểu học cuối năm đánh giá xếp loại học sinh mà số lượng học sinh được khen thưởng về nhiều mặt, học tập và rèn luyện chiếm từ 70-80% không phải là ít.
Trở lại câu chuyện một học sinh lẻ loi giữa rừng giấy khen của các bạn trong lớp, ông Thái Văn Tài Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Bộ Giáo dục và Đào tạo,khẳng định:
“Bức ảnh nếu có thật thì giáo viên đang làm sai hướng dẫn, sai quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong đánh giá học sinh, đó là không được so sánh học sinh này với học sinh khác.
Nếu phê bình, nhắc nhở cũng không phê bình trước lớp mà cần gặp riêng, vì độ tuổi này vô cùng nhạy cảm. Điều này thể hiện nghiệp vụ, lương tâm nghề nghiệp của giáo viên”.[1]
Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng loạn giấy khen như thế? Lỗi có thuộc về giáo viên?
Tình trạng loạn giấy khen trong các trường tiểu học hiện nay khá phổ biến, hiện đang là vấn đề bức xúc của dư luận.
Thế nên sau sự việc một học sinh ngồi giữ rừng giấy khen có thật là lỗi của giáo viên như khẳng định của ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học?
Là giáo viên, chúng tôi lại có nhận định khác hẳn. Để xảy ra tình trạng loạn khen như hiện nay kể từ khi Thông tư 30 và Thông tư 22 sửa đổi của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học còn giáo viên chỉ đóng vai trò thứ yếu.
“Điều 16. Khen thưởng:
1. Hiệu trưởng tặng giấy khen cho học sinh:
a) Khen thưởng cuối năm học:
– Học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện: kết quả đánh giá các môn học đạt Hoàn thành tốt, các năng lực, phẩm chất đạt Tốt; bài kiểm tra định kì cuối năm học các môn học đạt 9 điểm trở lên;
– Học sinh có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về ít nhất một môn học hoặc ít nhất một năng lực, phẩm chất được giáo viên giới thiệu và tập thể lớp công nhận;
b) Khen thưởng đột xuất: học sinh có thành tích đột xuất trong năm học.
2. Học sinh có thành tích đặc biệt được nhà trường xem xét, đề nghị cấp trên khen thưởng.”
Nhìn vào tiêu chí khen thưởng do Thông tư 30 quy định, ngoài những học sinh xuất sắc phải đạt các môn kiểm tra bằng điểm số từ 9 điểm trở lên và các môn nhận xét là hoàn thành xuất sắc thì khen thưởng về các mặt lại quá dễ dàng.
Học sinh có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về ít nhất một môn học hoặc ít nhất một năng lực, phẩm chất được giáo viên giới thiệu và tập thể lớp công nhận;
Vì điều này, giáo viên có thể khen em nổi trội môn toán, tiếng Việt, tiếng Anh, lịch sử & địa lý, âm nhạc, mỹ thuật, thể dục…Ngoài ra còn có thể khen về năng lực và phẩm chất, học sinh tiến bộ vượt bậc như đang học yếu vươn lên khá giỏi.
Thực hiện đúng như thế thì số lượng học sinh được khen không thể dừng ở tỷ lệ vài ba chục phần trăm mà lên tới 80-90 phần trăm là chuyện thường.
Thế nhưng, Thông tư cũng chỉ rõ, giáo viên chỉ có quyền giới thiệu và người tặng giấy khen vẫn là hiệu trưởng nhà trường.
Nếu giáo viên đề xuất số lượng học sinh được khen nhưng hiệu trưởng không đồng ý cũng sẽ không xảy ra tình trạng khen vô tội vạ.
Một số trường tiểu học đã áp dụng biện pháp khống chế tỷ lệ khen thưởng
Không giống như nhiều trường tiểu học lạm phát học sinh khen thưởng, một số trường tiểu học quê tôi hiệu trưởng chỉ cho phép mỗi lớp học khen thưởng không quá 20% so với học sinh cả lớp.
Vì điều này, giáo viên đã có sự chọn lựa vô cùng kỹ càng và minh bạch.
Đầu tiên, các thầy cô giáo cho học sinh đề cử và tiến hành bầu chọn, cuối cùng giáo viên là người quyết định gút danh sách khen thưởng. Nghe phản ánh của một số thầy cô, học sinh bỏ phiếu bầu chọn khá trùng khớp với sự đánh giá của giáo viên.
Nhờ làm công tâm như thế vừa tránh được việc lạm khen vừa không bị một số phụ huynh hão thành tích làm khó, thắc mắc: “Sao con tôi học giỏi hơn…mà lại không được khen?”.
Tài liệu tham khảo:
https://www.tienphong.vn/giao-duc/ca-lop-duoc-giay-khen-mot-hoc-sinh-khong-co-bo-gddt-noi-giao-vien-dang-lam-sai-1686464.tpo[1]
https://thanhnien.vn/giao-duc/tham-dinh-lop-hoc-co-4243-hoc-sinh-gioi-tai-vung-tau-1085830.html
Phan Tuyết