Loại bỏ Lễ hội đâm trâu ở Đắk Lắk

Biên phòng – Cùng với nhiều lễ hội truyền thống, Lễ hội đâm trâu (ăn trâu) là nghi lễ độc đáo trong những ngày hội lớn của các buôn làng Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng. Đây là lễ hội gắn liền với những hoạt động văn hóa truyền thống, mang ý nghĩa tâm linh và nhân sinh sâu sắc. Tuy nhiên, trước những biến tướng gần đây, nghi lễ này trở nên man rợ, phản cảm, bị dư luận lên án, do vậy, nó đã và đang bị cơ quan chức năng cũng như cộng đồng buôn làng loại bỏ dần.

y7br_20Đắk Lắk đã loại bỏ nghi lễ đâm trâu vì những hình ảnh dã man, phản cảm. Ảnh: Trí Tín

Một nghi lễ vốn rất độc đáo

Theo các già làng kể lại, Lễ hội đâm trâu là nghi lễ độc đáo trong các ngày hội lớn của buôn làng như: Mừng lúa mới, mừng nhà rông, mừng được mùa… Đó là ngày hội mang những nét văn hóa truyền thống, thể hiện rõ tinh thần đoàn kết, tình yêu thiên nhiên, tôn thờ thần linh của mọi thành viên trong cộng đồng.

Đây cũng là sự kế tục truyền thống xa xưa của người Tây Nguyên. Lễ hội thường tổ chức ở bãi đất trống trong làng. Ngày đầu tiên, tiếng cồng chiêng nổi lên để mời gọi và đón tiếp thần linh cũng như những người về đây tham dự và hoàn thành các bước chuẩn bị cho lễ hội. Trong suốt thời gian này, cồng chiêng liên tục nổi lên để khuấy động bầu không khí của lễ hội.

Lễ đâm trâu, có nơi còn gọi là lễ ăn trâu, đây là lễ hiến sinh, là sự “thông quan” giữa con người với Giàng (trời) và thần linh; là lời cảm tạ Giàng, tạ ơn thần linh đã ban cho mưa thuận gió hòa, giúp dân làng ngăn cản muông thú, chim chóc không phá hoại rẫy nương, cho mùa màng tươi tốt, dân làng sống hòa thuận, vui vẻ, không xảy ra dịch bệnh…

Thông qua lễ hội nhằm thể hiện sức mạnh, tinh thần thượng võ của cộng đồng và vì thế, những người được chọn ra đâm trâu phải là trai tráng khỏe mạnh, biết cách đâm làm sao để sau vài ba nhát giáo, con trâu to khỏe sẽ bị ngã gục… Nơi tổ chức thường là trước nhà rông, nhà cộng đồng, hoặc dưới một tán cổ thụ, trong ánh lửa hồng bập bùng, trong lời cúng vừa vang vọng, vừa u trầm, trong vẻ mặt hào hứng, được nhuộm hồng ánh lửa đầy trang trọng của dân làng…

Đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên quan niệm, khi Giàng và các vị thần linh nhận lễ vật, nhất là trâu sẽ giúp dân làng tránh được rủi ro, bệnh tật, tai nạn, dân làng không bị “chết yểu”, mùa màng sẽ được bội thu, cuộc sống sẽ ấm no quanh năm. Trâu dành cho lễ hội phải là con trâu đực, to khỏe, có cặp sừng đẹp, bốn chân cứng cáp, không phá phách…

Trâu sau khi được chọn, sẽ được dẫn đến trước nhà dài và buộc vào gốc cây nêu dựng trước nhà dài của buôn. Trước khi tiến hành nghi lễ đâm trâu, các già làng sẽ làm lễ tế sống trâu với đại ý rằng: Trâu ơi, mày là đứa con của buôn làng, mày chết đi, dân làng đau lắm. Mày chết đi phù hộ cho dân làng được ấm no, hạnh phúc. Khi già làng làm các thủ tục tế trâu cũng là lúc tiếng cồng chiêng liên hồi nổi lên, dân làng nhịp nhàng nhảy múa theo nhịp chiêng kết thành vòng xoay.

Sau lễ hội đâm trâu, mọi nỗi buồn, hiềm khích, đố kỵ trong làng được thần linh mang đi, niềm vui và hạnh phúc được nâng lên gấp bội, ai nấy hăng hái lao động, trở lại chuỗi ngày lên nương rẫy mặc cho mưa dầm, nắng gắt nơi đại ngàn.

Loại bỏ vì những biến tướng

Lễ ăn trâu là một nghi lễ quan trọng của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nhằm tạ ơn Giàng và thần linh, cầu cho mùa màng bội thu, thường diễn ra vào tháng 3. Tuy nhiên, ngày nay, lễ hội này dần thay thế bằng lễ đâm trâu, với cảnh chém giết dã man, hình ảnh phản cảm, nhiều biến tướng, chủ yếu phục vụ du khách để… thu tiền.

Mở đầu nghi lễ, người chủ trì sẽ đọc lời khấn cầu xin hay tạ ơn thần linh và mời thần linh xuống ăn thịt trâu, uống rượu cần. Chủ trì khấn xong thì các đội cồng chiêng bắt đầu diễn tấu. Cả làng nhảy múa, ca hát, uống rượu, biểu diễn võ thuật. Sau các màn múa hát là nghi lễ đâm trâu – phần quan trọng bậc nhất của lễ hội. Một con trâu được buộc vào cây cột giữa bãi đất trống, xung quanh là những người đàn ông khỏe mạnh, đóng khố, cầm một đoạn tre chừng vài mét có buộc một con dao nhọn trên đầu. Họ xếp hàng và nhảy múa xung quanh, lần lượt đâm con trâu cho tới khi phun máu ra.

Bên ngoài, hàng nghìn người từ già, trẻ, gái, trai đều đứng xem, hò hét cổ vũ. Con trâu bị đâm nhảy lồng lên, cho đến khi bị mất nhiều máu và kiệt sức, con trâu từ từ khuỵu xuống lăn ra đất, còn những người đàn ông vẫn tiếp tục đâm cho tới khi nào con trâu chết hẳn mới thôi. Con trâu bị giết được đem xẻ thịt nhỏ chia cho các nhà trong buôn làng cùng liên hoan.

Theo TS Buôn Krông Tuyết Nhung – người có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa Tây Nguyên thì lâu nay, nhiều người thường gọi lễ Sa-rơpu – ăn trâu là đâm trâu. Cùng với đó, nghi thức tạ ơn thần linh cũng thay đổi. Trong các lễ ăn trâu trước đây, trước khi đâm chết con trâu, người ta thường làm nghi thức khóc trâu rồi đâm một nhát trúng tim để nó chết một cách nhanh chóng. Còn ngày nay, người ta lâu lâu lại đâm một nhát để con trâu đau đớn, lồng lộn, mình đầy máu me… Việc tổ chức lễ đâm trâu như vậy quá dã man và rùng rợn, con trâu được cột lại và nhiều người xoay quanh lao giáo vào thân nó khiến máu phun tung tóe. Cứ thế, sau một nhát đâm, người ta lại nhảy múa, reo hò, cảnh tượng bạo lực rất phản cảm.

Cũng theo TS Buôn Krông Tuyết Nhung, ngày nay, ở Tây Nguyên khó lòng mà có được một lễ ăn trâu theo phong tục cổ truyền nữa. Lễ ăn trâu thực sự có ý nghĩa, khi cả cộng đồng đó mong muốn thực hiện và phải được gắn vào không gian văn hóa cồng chiêng, nhà rông, bến nước…, chứ không đơn thuần là mang một con trâu ra đâm rồi ăn thịt. Hiện nay, người ta thực hiện lễ đâm trâu trong một số sự kiện văn hóa – du lịch nào đó để thu tiền.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk, Lễ hội đâm trâu xuất phát từ nhu cầu của cộng đồng, những lễ hội hiến tế đối với họ cũng mang một ý nghĩa vô cùng thiêng liêng, với mục đích tế thần để cầu mong may mắn, mùa màng bội thu. Tuy nhiên, trước những biến tướng với những hình ảnh dã man, phản cảm, nhiều hệ lụy ấy, sắp tới, khi tổ chức Lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn năm 2016, tỉnh Đắk Lắk quyết định sẽ loại bỏ nghi lễ đâm trâu và điều này đã nhận được sự đồng thuận cao của chính quyền cũng như đồng bào các dân tộc nơi đây.

Lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn năm 2016 chỉ bao gồm những nghi thức như: Lễ cúng bến nước, Lễ cúng sức khỏe cho voi; Lễ khai mạc; Hội trại, Liên hoan văn hóa cồng chiêng, dân ca dân cũ, nhạc cụ các dân tộc; Hội thi văn hóa ẩm thực các dân tộc, Hội voi; phần sinh hoạt văn hóa truyền thống…

Để quản lý tốt các lễ hội, ngay từ năm 2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã có Công văn số 943/BVHTTDL-VHCS yêu cầu Sở VH,TT&DL các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Theo đó, Sở VH,TT&DL các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành rà soát, kiểm kê các loại hình lễ hội. Trên cơ sở đó, phân loại, đánh giá, đề xuất giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Không cấp phép, phục dựng lễ hội tràn lan; việc cấp phép phải thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về quản lý và tổ chức lễ hội. Đối với các lễ hội được tổ chức định kỳ mà có nội dung gây bức xúc trong dư luận như: “Đâm trâu”, “chọi trâu”, “cầu trâu”, “chém lợn”, “cướp phết”, “tranh lộc”… cần tổ chức tham vấn ý kiến cộng đồng, hội thảo và lựa chọn hình thức phù hợp, vận động nhân dân loại bỏ, thay thế để phù hợp đời sống văn hóa và xu thế thời đại. Không cấp phép mới, phục dựng đối với những lễ hội có hình thức, nội dung tương tự…

Trí Tín