Lộ diện xe chiến đấu đổ bộ đường không mới LuWa của Đức

Năm 2021, người Đức đã cho ra mắt mẫu xe bọc thép bánh xích mới có thể vận chuyển bằng đường không, được thiết kế để thay thế xe Wiesel 1. Phương tiện mới này được gọi là Luftbeweglichen Waffenträger (xe đổ bộ đường không), viết tắt là LuWa, sản phẩm hợp tác phát triển của ACS, FFG và Valhalla Turrets. Quá trình phát triển được thực hiện trong một khoảng thời gian ngắn; hiện phương tiện vẫn đang ở dạng trình diễn, kiểm tra và đánh giá cuối cùng.

lo dien xe chien dau do bo duong khong moi luwa cua Duc hinh anh 1Xe bọc thép mới có khả năng không vận LuWa của Đức; Nguồn: military-today.com

Từ năm 1990-1993, tổng cộng 343 xe dòng Wiesel 1 đã được chuyển giao cho Quân đội Đức. Nhiều xe đã hơn 30 năm tuổi và cần thay thế, sẽ được tận dụng cho đến khi loại xe bọc thép chở quân mới đi vào hoạt động. Quân đội Đức sẽ vẫn giữ lại các xe bọc thép Wiesel 2 mới hơn, hiện đại hơn và có khả năng bảo vệ tốt hơn. Phương tiện này được thiết kế để trang bị cho quân đổ bộ đường không của Đức. Nó nằm gọn bên trong hoặc được cẩu bởi trực thăng quân sự CH-53. Đức là nước duy nhất sử dụng các loại xe bọc thép chở quân hạng nhẹ như vậy.

Ở dạng cơ bản, LuWa là một phương tiện trinh sát và hỗ trợ hỏa lực, được trang bị pháo tự động Rheinmetall MLG cỡ nòng 27 mm. Loại súng này được thiết kế vào cuối những năm 1960 bởi Mauser như một khẩu pháo dùng cho máy bay chiến đấu, có thể sử dụng nhiều loại đạn, bao gồm cả đạn xuyên giáp. Mauser BK 27 được sử dụng trên Panavia Tornado, Eurofighter Typhoon và một số loại chiến đấu cơ khác. Loại súng này đã được chứng minh là thành công và các biến thể của nó đã được sử dụng trên trực thăng, tàu chiến và cuối cùng là trên các phương tiện mặt đất, chẳng hạn như LuWa.

Khả năng bảo vệ của LuWa khá hạn chế do trọng lượng nhẹ. Vỏ giáp chỉ bảo vệ kíp xe trước hỏa lực vũ khí nhỏ và mảnh đạn pháo. LuWa được thiết kế để khai thác tốc độ và tính cơ động nhằm tránh bị bắn trúng, được trang bị hệ thống bảo vệ NBC; kíp xe gồm hai thành viên. Xe mới của Đức có hệ động lực diesel-điện với bốn động cơ. Mỗi đĩa xích dẫn động có động cơ điện riêng, băng xích hẹp. Xe có khả năng vận hành trên địa hình tự nhiên tốt nhờ cấu trúc bánh xích và trọng lượng nhẹ, tạo áp suất bề mặt nhỏ.

LuWa có thể được điều chỉnh để phù hợp với nhiều vai trò – tích hợp tên lửa chống tăng (tên lửa Spike LR2), tích hợp súng cối, hay làm xe bọc thép cứu thương, trinh sát, gắn radar, gắn tên lửa phòng không, v.v. LuWa nặng 3-6 tấn, có chiều dài 4,2 m, chiều rộng 1,85 m, chiều cao 2,11 m, sử dụng động cơ diesel-điện, có tốc độ 70 km/h, dự trữ hành trình 300 km, có thể vượt dốc 60 độ, chạy trên sườn nghiêng 30 độ, vượt chướng ngại 0,4 m, hào rộng 1,5 m.

Wiesel 1 được đưa vào trang bị năm 1990, kíp xe gồm 2 thành viên, xe nặng 2,8 tấn, dài 3,26 m, rộng 1,8 m, cao 1,9 m, trang bị pháo 20 mm, đạt tốc độ 85 km/h, dự trữ hành trình 300 km, vượt dốc 60 độ, chạy trên sườn nghiêng 30 độ, vượt chướng ngại vật cao 0,4 m, hào rộng 1,2 m, đạt tốc độ 80 km/h trên đường cao tốc. Xe có khả năng bảo vệ khỏi vũ khí cỡ nhỏ và mảnh đạn; được sản xuất với nhiều biến thể trinh sát, hỗ trợ hỏa lực (được trang bị pháo tự động MK 20 Rh202 20 mm), chống tăng (tên lửa TOW), cứu thương, tiếp tế…

Wiesel 2 là sự phát triển tiếp theo của Wiesel 1, có thân xe kéo dài, cho phép mở rộng khoảng không bên trong mà không làm giảm khả năng vận chuyển của nó bằng máy bay và trực thăng, được quân đội Đức đưa vào trang bị năm 2001. Loại xe này được cải tiến lớp giáp bảo vệ và lắp động cơ mạnh hơn; kíp xe gồm 2-3 thành viên, khối lượng tùy thuộc biến thể, dài 4,2 m, rộng 1,85 m, cao 1,7-2,11 m, trang bị súng 7,62 mm, đạt tốc độ 70 km/h, dự trữ hành trình 286 km, vượt dốc 60 độ, đi sườn nghiêng 30 độ, chướng ngại vật cao 0,4 m, hào rộng 1,5 m.

lo dien xe chien dau do bo duong khong moi luwa cua Duc hinh anh 2Wiesel 2 đang có trong biến chế của lực lượng đổ bộ đường không Đức; Nguồn: military-today.com

Đáng nói, các phương tiện bọc thép cơ động đường không của Nga và Trung Quốc được vận chuyển bằng máy bay vận tải, nhưng không phải trực thăng. Quân đội Trung Quốc (PLA) có một số phương tiện chiến đấu tương tự, như chiếc ZBD-03 nặng 8 tấn, có pháo chính 25 mm (bản sao của khẩu M242 Bushmaster của Mỹ), súng máy 7,62 mm và hệ thống tên lửa chống tăng HJ-73C. Vỏ giáp của ZBD-03 có thể chống được hỏa lực vũ khí cỡ nhỏ và mảnh đạn. ZBD-03 được vận chuyển và thả bằng máy bay vận tải hạng nặng Il-76MD (Trung Quốc có khoảng 20 chiếc); mỗi máy bay có thể chở tối đa ba ZBD-03 và kíp xe. PLA hiện đang thử nghiệm một biến thể mới, được trang bị pháo chính 100-150 mm.

Là một quốc gia đã tham gia rất nhiều cuộc xung đột ở nước ngoài trong nhiều thập kỷ, nhưng Mỹ có rất ít mẫu xe xe bọc thép có khả năng cơ động bằng đường không. Mỹ không có các phương tiện bọc thép thực sự phù hợp cơ động đường không kể từ năm 1997, khi xe tăng hạng nhẹ M551 Sheridan được sản xuất từ ​​giữa đến cuối những năm 1960, thường được vận chuyển bằng trực thăng, bị loại biên. Các phương tiện này đã được sử dụng trong cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam, nặng 18 tấn, có một khẩu pháo 105 mm và có thể được sửa đổi để thả trên không.

Nó không được coi là câu trả lời của Mỹ cho BMD-4 (Nga). Năm 2016, General Dynamics đã giới thiệu nguyên mẫu Griffin. Lính dù Mỹ ngày nay chỉ có các loại xe bọc thép hạng nhẹ như Humvee nặng 2,6 tấn, LSV – 960 kg và L-ATV – 6,4 tấn, cũng như lựu pháo kéo M119 105mm do Anh sản xuất. Các phương tiện này thường là được cố định các pa-let đặc biệt, và theo đúng nghĩa đen được đẩy ra khỏi máy bay vận tải C-17 và C-130 xuống mặt đất.

lo dien xe chien dau do bo duong khong moi luwa cua Duc hinh anh 3Xe bọc thép chở quân có thể không vận BTR-MDM Rakushka của Nga; Nguồn: imagenesmilitares

Ngày 5/1/1973, Quân đội Liên Xô đã thả thành công BMD-1 ra từ vận tải cơ phản lực cánh quạt Antonov An-12 từ độ cao 800 mét với phi hành đoàn hai người trong xe. Mặc dù Chiến tranh Lạnh và Liên Xô giờ đây đã trở thành dĩ vãng, Nga vẫn là cường quốc quân sự lớn duy nhất có lực lượng xe bọc thép đáng kể có khả năng cơ động đường không. Xe chiến đấu bộ binh (IFV) mới nhất của Nga, BMD-4M, tiếp tục có mặt trong hàng ngũ quân đội Nga, thay thế cho ông lớn BMD-1 và người kế nhiệm của nó là BMD-2.

Xe này nặng 13,6 tấn được trang bị một pháo chính 100 mm và một khẩu pháo tự động 30 mm, cùng với súng máy 7,62mm đồng trục. Pháo xe tăng 100 mm của xe có thể bắn tên lửa dẫn đường chống tăng (ATGM) Bastion, cho phép nó tiêu diệt mục tiêu từ phạm vi lên đến 5,5 km. Xe tăng “bay” này của Nga có kíp xe 3 thành viên và có thể chở tối đa 6 binh sĩ, có thể bắn khi đang di chuyển; máy ảnh nhiệt, thiết bị nhìn đêm và công cụ đo xa laser cải thiện khả năng tìm kiếm mục tiêu.

Trên chiến trường, BMD-4M sẽ được hỗ trợ bởi Sprut-SD, một “sát thủ tăng tự hành” nặng 18 tấn được trang bị pháo nòng trơn 125 mm, loại pháo tương tự được sử dụng trên xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 và T-90, cho phép tấn công ngay cả những loại vỏ giáp dày nhất của đối phương. Để hỗ trợ pháo binh, các đội hình thiết giáp di chuyển bằng đường không của Nga sử dụng lựu cối tự hành Nona-S cỡ nòng 120 mm với tầm bắn gần 13 km.

Phương tiện bọc thép có thể không vận BTR-MDM Rakushka dựa trên nền tảng BMD-4 có nhiệm vụ vận chuyển bộ binh, được hàn với nhau từ các tấm giáp nhôm, có thể bơi và vượt địa hình gồ ghề. Trên đường cao tốc, xe này có thể tốc độ 70 km/h và có thể chở 13 binh sĩ vượt 500 km mà không cần tiếp nhiên liệu. Tất cả các phương tiện trên có thể được thả từ độ cao 400 -1.500 m, có kíp xe hoặc không, bằng máy bay vận tải bay với tốc độ từ 300-350 km/h. Sau khi thả, các phương tiện có thể chuyển sang trạng thái sẵn sàng chỉ trong vài phút, phần lớn là nhờ khả năng thả có người lái của chúng./.