Liệu có tồn tại một khái niệm “thành công” mà không cần gắn với sự nổi tiếng?

Người Nam Mỹ có câu ngạn ngữ khá thú vị: Nổi tiếng trước rồi hãy đi ngủ. Trong bộ phim Coco (2017), chi tiết lễ hội “Ngày của người chết” đặc sắc bởi nó bắt rễ từ niềm tin sâu kín của con người: Nếu vẫn còn ai nhớ đến mình, bạn sẽ không thực sự chết.

Phàm là một cá nhân giữa xã hội, ở mọi nền văn hóa từ cổ chí kim, việc nổi tiếng, được yêu mến, được tôn sùng, được lưu danh luôn là một trong những khát khao lớn nhất. Danh được xếp trước lợi bởi sự quý giá, khó khăn cũng như giá trị trường tồn. Trong các cuộc chiến thời Trung Cổ, mỗi người lính phương Tây, đều khao khát trở thành người hùng. Với người phương Đông, “công thành danh toại” đã trở thành thước đo quan trọng bậc nhất. Nhà thơ Nguyễn Công Trứ cụ thể hóa giá trị ấy bằng câu thơ bất hủ: Đã làm trai ở trong trời đất. Phải có danh gì với núi sông.

Và ở thời hiện tại, sự nổi tiếng – hay danh tiếng – đang thực sự trở thành đích đến, không riêng của thành phần ưu tú nào, mà với tất cả chúng ta, đặc biệt những người trẻ ấp ủ kế hoạch lớn cho chặng đường phía trước.

Mở đầu phim sử thi Troy, dũng sĩ Achilles có một câu thoại đáng nhớ khi chàng chuẩn bị một mất một còn với đối thủ nọ. Cậu bé truyền tin run rẩy nói với Achilles: “Nếu là em thì chẳng bao giờ dám đấu với tướng quân to lớn ấy.” Achilles mỉm cười: “Đó là lí do sẽ chẳng ai nhớ đến tên ngươi!” Câu nói của Achilles hàm chứa một sự thật gần như chân lý: Cuộc sống con người hữu hạn, nhưng danh tiếng thì không.

Về sâu xa, khát khao nổi tiếng chính là cách cưỡng chống của con người khi nhận thức được sự hữu hạn của thời gian sống cũng như nỗi bé mọn của bản thân. Chúng ta sinh ra là một cá thể nhỏ nhoi giữa vô vàn cá thể khác. Nhận thức về sự hiện hữu mạnh mẽ, “cái tôi” càng lớn, chúng ta tiến đến các câu hỏi mang tính hiện sinh: Ta là ai? Ý nghĩa của việc được sinh ra trên đời là gì? Lẽ tự nhiên, đạt được danh tiếng chính là cách ta ghi dấu ấn, khẳng định sự tồn tại.

Thực tế và cụ thể hơn, nổi tiếng sẽ mở ra cơ hội chạm tới sự giàu có và sung túc. Càng nổi tiếng, ta càng kiếm được nhiều tiền. Càng kiếm được tiền, ta càng có điều kiện duy trì danh tiếng và phát triển nó để trở nên giàu có hơn.

Nhưng vẫn còn một khía cạnh khác của sự nổi danh ít được đề cập: Đây là một khoái cảm, một chất gây nghiện. Có một dòng mã nào đó đã ghi sẵn trong gene của chúng ta về niềm khát khao này. Ít nhiều, mỗi người chúng ta đều nếm qua niềm vui trở thành trung tâm chú ý khi được điểm cao nhất trong kỳ thi, có tài lẻ được bạn bè ngưỡng mộ như đàn hát hay, chơi thể thao giỏi, được xuất hiện trên trang báo hay vài phút phát biểu trên sóng truyền hình. Ta yêu thích cảm giác được ca ngợi, được lắng nghe, được nổi trội. Niềm vui đó, sự tự hào đó, mới dịu ngọt làm sao. Hạt mầm khát khao danh tiếng đã nảy mầm, theo cách giản đơn như thế.

Facebook, Instagram, Twitter hay mạng xã hội nói chung là không gian thể hiện rõ nhất niềm khát khao về sự nổi tiếng. Thế giới mạng mang đến cảm thức về sự hiện diện mạnh mẽ. Bất kì điều gì ta làm trên mạng đều đi kèm ý thức ai đó sẽ nhìn, sẽ đọc. Ta cố gắng thể hiện điều đặc biệt, ta chứng minh các phẩm chất tuyệt vời, với niềm mong mỏi ai đó sẽ dừng lại, ngắm nghía và thán phục. Nếu đọc thành tiếng những mong muốn thầm kín phía sau mỗi status hay một bức ảnh, thì đó có thể là “Hãy xem tôi có đẹp không này?” “Tôi thông minh và tinh tế lắm nhỉ?” “Tôi có cuộc sống ngon lành và thú vị đấy chứ?” “Bạn có muốn được như tôi không?”…

Cảm giác mình được người khác nhắc đến mới tuyệt làm sao. Từ trong sâu thẳm, mỗi chúng ta đều muốn trở thành Achilles. Đúng chứ?

Sự nổi tiếng giống như hình kim tự tháp. Rất ít người được ngự trên đỉnh, bao gồm chính khách, siêu sao giải trí và thể thao, doanh nhân thành đạt… Để trả lời câu hỏi có bao nhiêu người nổi tiếng toàn cầu, trang E-Poll Market Research đã làm một cuộc nghiên cứu quy mô, trải rộng nhiều lĩnh vực. Con số chính xác là 4.763! Một tỉ lệ nhỏ đến mức khó tin nếu so với số người đang hiện diện trên Trái Đất.

Càng xuống khu vực thấp hơn của tháp, danh tiếng càng khu biệt lại ở phạm vi hẹp hơn, theo vị trí địa lý, hay theo từng lĩnh vực cụ thể. Nhưng để chen chân vào những khu vực dưới của ngọn tháp cũng không dễ dàng gì. Ta phải có một tố chất, tài năng, phẩm chất đặc biệt nào đó hơn người, ít nhất thì được trời sinh là mỹ nam mỹ nữ, hay may mắn được là con cái của các ngôi sao. Cũng theo nghiên cứu của E-Poll Market, tỉ lệ một người có thể trở nên nổi tiếng còn thấp hơn… chết vì sét đánh!

Tính đến tháng 4 năm 2018, dân số thế giới là 7,6 tỉ. Ở Việt Nam, ta biết mình đứng giữa gần 94 triệu người. Khi ai đó cổ vũ ta hãy trở thành một người lẫy lừng tên tuổi, nghĩa là họ đang mời ta vào cuộc cạnh tranh với hàng chục triệu người còn lại. Chỉ cần lên máy bay, nhìn xuống dòng người vô tận bên dưới, ta sẽ hiểu ảo tưởng thiếu thời về sự đặc biệt của bản thân ngốc nghếch đến chừng nào.

Thực tế cho thấy, ngay cả khi ta có được hậu thuẫn, thì danh tiếng vẫn là canh bạc may rủi, tìm được nhưng khó giữ bền lâu và phải chịu ảnh hưởng rất nhiều yếu tố khách quan.

Nhưng không có gì phải bi quan. Ở thời đại Internet và sự lên ngôi của mạng xã hội, cơ hội nổi tiếng bỗng rộng cửa với tất cả. Mọi việc trở nên dễ dàng, đôi khi giống như trò rút thăm trúng thưởng. Chặng đường chạm đến sự nổi tiếng đang ngắn lại, nhiều lối tắt hơn. Câu chuyện từ một cậu bé vô danh trở thành ngôi sao toàn cầu của Justin Bieber, hành trình tỏa sáng của Michelle Phan cô nàng beauty blogger gốc Việt hay các nhân vật trong gia đình Kardashian là những gợi ý đầy phấn khởi. Ta chẳng cần hội đủ các yếu tố truyền thống để trở nên nổi tiếng, vấn đề là ta có muốn tham gia trò chơi trúng thưởng ấy hay không.

Ở tầm mức khiêm tốn, sở hữu tài khoản vài ngàn người theo dõi, xem như ta đã được chú ý. Với vài chục ngàn người đọc, chắc chắn ta có ảnh hưởng nhất định lên vòng tròn của mình. Còn nếu con số chạm mốc trăm ngàn, chắc chắn ta đã được định vị như người nổi tiếng. Một KOL hiện khá nổi trong giới trẻ gây dựng danh tiếng của mình theo cách như vậy. 10 năm trước, thời kỳ Facebook lan đến Việt Nam, là sinh viên năm cuối, anh lập tài khoản ghi chép các hoạt động thường ngày, chia sẻ trò chuyện với bạn bè quen biết. Nhờ giọng điệu hài hước cá tính và góc nhìn tinh nghịch, anh dần có lượng người đọc mới, các fan chưa từng tiếp xúc ngoài đời. Theo đà lớn mạnh của mạng xã hội, số người like và follow trang của anh tăng dần. Anh làm clip, viết báo, xuất hiện trong các sự kiện cộng đồng như một người nổi tiếng. Các nhãn hàng lớn nhỏ bắt đầu tìm đến, trả tiền để thương hiệu của họ được anh nhắc đến trong các “hoạt động thường ngày”. Sau hai năm, anh nghỉ làm công ty thương mại, tập trung phát triển tên tuổi riêng, theo hướng một người dẫn dắt phong cách sống. 

“Danh tiếng đến từ may mắn ngẫu nhiên, nhưng để duy trì cơ hội, thì phải đầu tư cho nó thực sự”, anh chia sẻ.

Thế kỷ 21 nổi lên một hiện tượng: Nhiều cá nhân trở thành người nổi tiếng chỉ sau một đêm. Vẻ ngoài có thể thay thế cho năng lực, sự liều lĩnh bạt mạng có thể thay thế cho trí tuệ hay tài năng. Trong thời đại livestream, ta có thể làm những điều không ai dám làm, thậm chí trở thành kẻ gây sốc, kẻ phản diện trong mắt cộng đồng, miễn được nhắc đến, được nổi bật. Nhưng sự cạnh tranh rất khốc liệt. Ta dùng chiêu thức này thì hôm sau người khác có chiêu thức khác, táo bạo và lôi kéo hơn. Lóe sáng rồi vụt tắt là điều tất yếu. Trí nhớ của cộng đồng hôm nay cũng ngắn ngủi. Sóng sau luôn đè sóng trước. Bạn có thể nhắc tên người chiếm spotlight các trang mạng giờ này năm trước hay không?

Chưa kể, có một khoảng cách giữa mạng ảo và đời thực. Hầu hết những cái tên làm mưa làm gió online khi bước ra offline đều lóng ngóng, vụng về và gây thất vọng. Nếu cả 7,6 tỉ người trên Trái Đất đều chói chang như nhau thì sẽ không có ai tỏa sáng cả. Khái niệm “nổi tiếng” chỉ tồn tại khi có một đám đông im lìm trong bóng tối. Một đám đông vô danh.

Và như thế, ta cần chấp nhận sự thật rằng, rất nhiều khả năng mình sẽ nằm trong đám đông vô danh ấy. Danh tiếng không phải món quà dành cho ta. Mỗi thời điểm, mỗi lĩnh vực vẫn luôn có ai đó tài giỏi và bản lĩnh đủ để nổi danh. Ta chỉ là nhân vật phụ, liên quan đôi chút đến họ, chẳng hạn như cậu bé truyền tin trong Troy, người giúp việc hậu trường cho một ngôi sao ca nhạc, hay học trò của một giáo sư danh tiếng. Và thực tế là người đời chỉ biết về Achilles, quan tâm đến ngôi sao ca nhạc, hay tin vào uy tín vị giáo sư. Rất hiếm ai bận tâm cậu bé truyền tin sau đó thế nào, trợ tá của ngôi sao ca nhạc có cuộc sống ra sao, sự nghiệp học trò giáo sư có chút dấu ấn. Vậy, đó có phải là thảm họa?

Viễn ảnh đó rõ ràng chẳng mấy dễ chịu với người trẻ, nhất là khi chúng ta đang theo đuổi danh tiếng, lẽ sống gói gọn trong câu thơ bất hủ của Xuân Diệu: Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt. Còn hơn buồn le lói đến trăm năm. Câu thơ như một slogan đầy cảm hứng thôi thúc ta hành động. Tương tự, Edmund Burke – nhà văn người Ireland cũng nói: Đam mê dành cho danh tiếng là bản năng của mọi tâm hồn vĩ đại. Khát vọng được cháy hết mình, được lưu danh luôn là động lực mạnh mẽ, thậm chí là động lực duy nhất để người trẻ đạt đến thành công.

Nhưng ta nên lật lại vấn đề bằng câu hỏi: Sẽ ra sao nếu danh tiếng không phải giá trị mà tôi theo đuổi? Sẽ thế nào nếu tôi muốn sống một cuộc đời bình lặng và hài lòng với những gì mình có? Giữa xã hội ngày càng đề cao giá trị cá nhân như hiện này, liệu có tồn tại một khái niệm “thành công” mà không cần gắn với “danh vọng” hay không?

Để trả lời các câu hỏi trên, ta cần chạm đến bản chất của danh tiếng. Xa xưa, nó là một giá trị để con người hướng đến trong cuộc sống hữu hạn. Nhưng qua thời gian, nhận thức phát triển, con người sáng tạo mục đích mới, giá trị mới, ý nghĩa mới cho cuộc đời mình. Sự nổi tiếng vẫn là bàn đạp đáng giá dẫn đến tiền tài và hạnh phúc, nhưng chỉ là một trong rất nhiều bàn đạp. Cánh cửa dẫn đến một cuộc đời đáng sống và hài lòng giờ đang mở ra rất nhiều lối rẽ.

Các nghiên cứu lại chỉ ra: Để hạnh phúc, chúng ta không cần nổi tiếng. Năm 2017, tổng hợp khảo sát của các đại học, tổ chức uy tín khắp thế giới như Harvard, Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ, Hiệp hội Tâm thần quốc tế, tờ Independent chỉ ra 9 điều khiến con người hạnh phúc. Đứng đầu là mối quan hệ gần gũi như gia đình và bạn bè, có thời gian làm điều yêu thích, kế đó là có đủ tiền chi trả hóa đơn, có sức khỏe tốt… Danh tiếng hay được nhiều người biết đến, lạ lùng thay, không nằm trong danh sách.

Nhìn bằng con mắt trưởng thành, có thể nói danh tiếng là một thử thách đối với hạnh phúc thực sự. Chẳng phải vô cớ trong nền công nghiệp giải trí Nhật và Hàn, trước khi được bước ra sân khấu trở thành thần tượng mới, các thực tập sinh đều phải rèn luyện tinh thần thép. Phía sau nụ cười trong vắt ngây thơ là trí óc sắc lạnh, sự cứng rắn đương đầu với đủ loại áp lực, lớn nhất là tình trạng mất tự do, luôn phải thỏa mãn đám đông dõi theo, và nỗi cô độc.

Ngay cả trong môi trường dễ thở hơn là thế giới mạng, danh tiếng dù thuộc về ta nhưng cũng không do ta kiểm soát. Chưa kể, danh tiếng là một con thú nếu chủ nhân không thể thuần hóa và chế ngự, nó sẽ điều khiển, biến chủ nhân thành nô lệ. Các biên tập viên một nhà xuất bản vẫn lưu giữ ấn tượng “khó tả” về một blogger và xem đấy như một kinh nghiệm làm việc với ngôi sao mạng. Khi mang bản thảo đến xin xuất bản, anh thể hiện khá nhũn nhặn, lắng nghe và nói những lời “so deep”, đúng như hình ảnh tạo dựng trên trang cá nhân. Tuy nhiên, khi thảo luận về thiết kế và kế hoạch truyền thông với ê-kíp xuất bản, đột nhiên con người “dễ thương” biến mất. Ngôi sao bắt đầu đòi hỏi, thậm chí gào lên kịch tính. Lý do đơn giản thôi: Tôi là ngôi sao có hàng ngàn người theo dõi, tôi cần làm hài lòng fan còn mọi người phải làm hài lòng tôi (!) Trường hợp này cho thấy, nếu ta đến với sự nổi tiếng mà không biết rõ mình là ai, nó sẽ định hình con người ta, theo hướng ta không thể kiểm soát.

Danh tiếng có thể biến thành nỗi ám ảnh, một hội chứng tâm thần. Khi không còn nằm trong vùng sáng ánh đèn, không ít người từng nếm vị danh vọng rơi vào trầm cảm. Ở một diễn biến khác, người ta có thể mất mạng vì sự nổi tiếng, theo nghĩa đen. Như chàng trai Trung Quốc Wu Yongning, rơi từ nóc nhà 62 tầng khi cố gắng thực hiện một pha mạo hiểm, điều lâu nay mang đến tiếng tăm và tiền bạc cho anh.

Một nghiên cứu cho thấy các bạn trẻ yêu công việc nhà có cảm thức rõ rệt hơn về hạnh phúc và niềm vui. Đó là bởi họ đang đóng góp cho gia đình và những người mà họ yêu quý. Những ai nhìn nghề nghiệp của mình như một cơ hội phục vụ cộng đồng cũng dễ cân bằng và lạc quan hơn. Bước ra ngoài thói vị kỷ, ta có thể tìm thấy ý nghĩa cuộc sống. Niềm vui là thứ ta có thể tạo nên, bằng những điều giản dị. Đó có thể là vài chậu cây nhỏ tự tay ta chăm sóc trên khung cửa sổ, là bữa ăn ta học nấu trên YouTube rồi mời bạn bè đến thưởng thức cuối tuần, một món quà tặng mẹ “chẳng nhân dịp gì cả”, hay một tin nhắn ngộ nghĩnh gửi cho người mà ta quan tâm…

Danh tiếng vẫn là một động lực mạnh mẽ và cực kỳ đáng giá nếu đạt được. Nhưng nếu không thể thành một vĩ nhân tên tuổi hay ngôi sao triệu người ngưỡng mộ, ta vẫn có hàng ngàn lựa chọn khác để hạnh phúc với từng ngày mình sống.

Cách đây chưa lâu, các bạn trẻ yêu hội họa có trào lưu vẽ các sinh vật và thể hiện nó như avatar của mình. Khá nhiều họa sĩ hóa thân thành một con sứa giữa đại dương cuộc đời, đón nhận và vui những niềm vui bé nhỏ. Có bạn muốn mình là chú đom đóm huy hoàng trong đêm, tươi vui bùng cháy. Lại có bạn muốn mình là một chú cá từ tốn, nhẹ nhàng, chiêm nghiệm qua nhiều tháng năm… Tất cả những avatar ấy đều tuyệt đẹp, bởi chỉ cần ta hài lòng với lựa chọn của mình, và mỗi ngày trôi qua không phí hoài, ta đã trở nên đặc biệt và đáng giá. Nói như nhà khoa học Carl Sagan, chúng ta chỉ là con phù du sống trọn một ngày mà ngỡ rằng vĩnh cửu. Nhưng một ngày đó hoàn toàn là của ta.

Nếu ai đó chê rằng cuộc đời ta sao nhạt nhẽo, sao ta không cố gắng thu hút và quảng giao hơn, hay sao ta im hơi lặng tiếng trên Facebook, sao ta quá ít người theo dõi, ta có thể mỉm cười và nói với họ rằng:

“Phải, tôi không nổi tiếng, và tôi ổn!”

Bài Viết:

Nam Lâm

Minh Hoạ:

Vũ Tuấn Anh

Thiết Kế:

Minh Nguyễn

Theo Trí Thức Trẻ

Trí thức trẻ