Liêu Phong
cuong205a:
MAKE STORYTELLING MAKE SENSE : LÀM CHO CÂU CHUYỆN BẠN MUỐN KỂ THẬT NUỘT, DỄ THẨM THẤU VÀO LÒNG NGƯỜI
📖
Không ít người xem “storytelling” là điều gì đó ít nghiêm túc, mang tính ngẫu hứng và chỉ dành cho đám “nghệ thuật”. Tôi chọn định nghĩa nó là cách thức sắp xếp thành chuỗi các sự kiện/thông tin một cách logic, liên quan lẫn nhau và trong đó tình tiết nào trước, tình tiết nào sau, tình tiết nào nói nhiều, tình tiết nào nói ít được “tính toán” nhằm mục đích đạt hiệu quả cao nhất trong việc truyền tải. Tim Michin từng có một câu rất ấn tượng rằng: “Science is simply the word we use to describe a method of organising our curiosity”. Như vậy, ở phần bản chất nhất, Khoa học cũng chính là cách sắp xếp và xâu chuỗi những vấn đề.
📖
PHẦN 1: X = “STORYTELLING”Rất có thể bạn sẽ bỏ qua bài viết này vì nghĩ nó không liên quan gì đến bạn. Storytelling là chủ đề của nhà văn, họa sĩ, nhà làm phim, hoặc của các marketers muốn xây dựng một câu chuyện “đánh” trúng đám đông nào đó. Không phải bạn – một người trọng logic, ghét màu mè, thỉnh thoảng bạn bè bảo bạn khô khan (nhưng bạn thấy thế chẳng có vấn đề chi). Bạn thích khoa học và ghét những điều mộng mơ. Thế nên bạn cũng chẳng ưa storytelling tí nào.
Thôi được, vậy giờ ta hãy nói về những chủ đề các bạn quan tâm hơn: Viết literature review, viết technical report, về logic, về cách mà mọi thứ khớp nhau trong khoa học, và kết hợp chúng với… Storytelling!CÁCH NGHĨ KHÁC VỀ STORYTELLING
“Một vật đứng yên hay chuyển động là phụ thuộc vào hệ quy chiếu ta xét vật.” Trước hết, chúng ta khó có thể cùng thảo luận về một vấn đề nếu không hiểu nó theo cùng một định nghĩa. Không ít người xem “storytelling” là điều gì đó ít nghiêm túc, mang tính ngẫu hứng và chỉ dành cho đám “nghệ thuật”. Như mọi bài toán bắt đầu bằng việc định nghĩa một biến “x” nào đó, “storytelling” – nhân vật chính của câu chuyện sắp kể, tôi chọn định nghĩa nó là cách thức sắp xếp thành chuỗi các sự kiện/thông tin một cách logic, liên quan lẫn nhau và trong đó tình tiết nào trước, tình tiết nào sau, tình tiết nào nói nhiều, tình tiết nào nói ít được “tính toán” nhằm mục đích đạt hiệu quả cao nhất trong việc truyền tải.
NHỮNG THỨ ĐỂ KỂ
Càng ngày storytelling càng được nhắc đến nhiều, hiện nay ở nhiều trường Đại Học, các khóa về kỹ năng viết và thuyết trình dần được thay bằng storytelling. Storytelling có làm cho bạn trở thành một người thú vị, với những câu chuyện hay ho và hào hứng không? Tôi e là không (Với một người ưa phân tích vấn đề như bạn, tôi biết tôi không nên nói quá sự thật). Phần hay của câu chuyện chính nằm ở: Bạn có gì để kể? Đó là những hiểu biết và chiêm nghiệm riêng của bạn. Sự hay ho này thật khó để đưa ra một công thức chung. Nhưng, hiệu quả hoàn toàn có thể cải thiện bằng một cách thức mới. Theo định nghĩa mà chúng ta đã quy ước lúc trước, “Storytelling” là một cách thức.
Trong chuỗi bài này, mục đích của tôi không phải để giúp bạn có những câu chuyện hay ho để kể mà giúp bạn kể hiệu quả hơn những câu chuyện đang có.
Các bài viết trong series sẽ được mình post vào sáng thứ 4 và thứ 7 hằng tuần.
📖
PHẦN 2: TỪ THÔNG TIN ĐẾN CÂU CHUYỆNDù bạn là nghiên cứu viên hay bà nội trợ chính cống, lúc ngồi lê la với đám bạn hay tình tự bên người yêu, trao đổi thông tin là một phần không thể thiếu. Sự trao đổi đó có sự tham gia của hai bên: người truyền thông tin (người viết/người nói/người kể) và người nhận thông tin (người đọc/người nghe). Chúng ta trao đổi thông tin bằng nhiều thứ ngôn ngữ: Tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Nhật, cho đến các mã code máy tính loằng ngoằng cũng là một kiểu ngôn ngữ, bằng nhiều phương tiện: nói thành lời hay dùng body language, dùng hình ảnh hay là âm nhạc.
Storytelling, bạn có thể đơn giản hiểu là một cách thức truyền tải thông tin. Nói cho hình ảnh, storytelling là gói ghém những thông tin, thông điệp bạn muốn nói vào một chiếc hộp, trang trí và thắt thêm cái nơ để người nhận hồi hộp hơn, tò mò hơn, phấn chấn hơn và dễ tiếp nhận hơn khi đón nhận những điều bên trong.
THẾ NÀO LÀ MỘT CÂU CHUYỆN?
Như mọi thứ khác trên đời, người ta có nhiều cách để định nghĩa: “Thế nào là một câu chuyện?”, nhưng cho phép tôi được chọn cách đơn giản và dễ hiểu cho chúng ta nhất: Trọng tâm của một câu chuyện là một (hay nhiều) vấn đề và người kể chuyện dẫn dắt chúng ta đi đến chỗ giải quyết vấn đề đó.
Xoay quanh vấn đề cần giải quyết, trong mỗi câu chuyện sẽ có:
1. Nhân vật
(là con người, đồ vật hoặc có thể một khái niệm trừu tượng) được khắc họa dễ nhớ với những đặc điểm dễ nhận dạng.
Trong cuốn “Thinking, Fast and Slow” của Daniel Kahneman, tác giả đồng thời là nhà tâm lý học có đề cập đến điểm đặc trưng của con người là dễ ghi nhớ các khái niệm trừu tượng khi chúng được cụ thể hóa, dễ nhớ đồ vật khi chúng được nhân cách hóa, và dễ nhớ các thông tin hơn khi chúng được chuyển hóa và gắn với các nhân vật. Áp dụng ngay trong cuốn sách, tác giả đã xây dựng hai nhân vật để mô tả cách thức vận hành của tâm lý con người – Nhân vật thứ nhất là “Fast Thinking System” (Tượng trưng cho phần cảm tính của con người, với tính cách là ít phân tích, phản ứng nhanh, bản năng, lúc nào cần mẫn như một ứng dụng chạy nền) và nhân vật thứ hai là “Slow Thinking System” (Tượng trưng cho phần lý trí của con người, với tính cách là so sánh thiệt hơn, phản ứng chậm, cần nhiều thời gian và sự tập trung, chỉ được bật lên khi cần đến). Bộ đôi đồng hành và bổ sung nhau.2. Sự kiện/tình huống
Nhân vật đã xây dựng cần được đặt vào những bối cảnh và tình huống để khắc họa rõ hơn tính cách của họ. Cũng cùng ví dụ trên, Fast Thinking và Slow Thinking được khắc họa qua nhiều tình huống trong cuộc sống (lái xe, chạy bộ, làm bài kiểm tra…), qua nhiều thí nghiệm để làm rõ hơn tính chất mô tả: Fast thinking nhanh nhẹn nhưng thiếu cân nhắc, Slow Thinking tinh vi hơn và dễ bị mệt mỏi hơn.CÂU CHUYỆN = THÔNG TIN 1 + THÔNG TIN 2 + … + THÔNG TIN N
Bạn hãy nhìn 2 dãy số dưới đây:
Dãy thứ nhất: 2 5 9 1 4 8 3 7 6
Dãy thứ hai: 1 2 3 4 5 6 7 8 9
Theo bạn, dãy số nào sẽ dễ nhớ hơn?Tôi đoán, đa số chúng ta sẽ dễ ghi nhớ dãy thứ 2 hơn. Dù rằng cả hai dãy đều có những thành phần như nhau (số tự nhiên từ 1 đến 9), nhưng dãy thứ hai lại dễ dàng nhớ được ngay vì chúng ta không khó để nhìn ra trật tự/quy luật của nó, trong khi dãy thứ nhất các số được xếp ngẫu nhiên lộn xộn.
Đó là tầm quan trọng của Trật tự Logic.
Thông tin cũng giống như những con số đơn lẻ. Một cách rất tự nhiên, con người ghi nhớ thông tin bằng cách đặt nó vào một chuỗi tương quan. Khi trình bày một vấn đề, ta tìm cách gom các thông tin lại theo một trật tự logic nào đó. Người ta thường gọi đó là bố cục/dàn ý. Quen thuộc nhất trong Academic Writing là cách viết liệt kê ra Luận điểm (Main Ideas), mỗi Luận điểm được củng cố bằng Luận cứ (Supporting Ideas).Storytelling, bản chất, cũng là một cách để kết hợp các thông tin.
Thông tin được người kể dùng để mô tả nhân vật và tình huống. Nếu câu chuyện là một dãy số, thông tin sẽ là các phần tử. Nếu câu chuyện là một nồi lẩu, thông tin sẽ là rau củ.
Chưa dám bàn đến chuyện ngon – dở, một nồi lẩu thế nào là vừa ăn? Chúng ta sẽ bàn ở phần sau.📖
PHẦN 3: NỒI LẨU VỪA ĂNỞ phần trước, tôi ví von câu chuyện là nồi lẩu, thông tin là rau củ và storytelling là quá trình ta chế biến: cắt thái rau củ, cho cái gì trước cái gì sau, thêm chút gia vị.
Những lần hiếm hoi lò mặt vào bếp, trước khi nấu bất kể thứ chi (kể cả mì gói) tôi phải nhòm xem trong tủ lạnh có gì? Sau đó, tôi tự hỏi mình nấu sao cho “dễ nuốt” (và không làm cháy nhà)?BẠN CÓ GÌ?
Ở phần 1, tôi cũng đã bàn, phần hay của câu chuyện, không nằm ở kỹ thuật hay chiêu trò màu mè, mà chính ở: Bạn có gì để kể?
Mẹ tôi thường bảo: “Nấu ăn ngon không phải là tọng thật nhiều mắm muối vào, để ăn một miếng chỉ thấy toàn mùi gia vị. Nấu ăn là phải cố làm sao giữ được vị ngon tự nhiên nhất của nguyên liệu, chút đường chút muối không để tạo ra vị ngon mà chỉ để tôn thêm sự ngon nguyên bản”.Cũng như nói hay không chỉ ở chất giọng và sự lưu loát, viết hay không chỉ ở dùng câu chữ nhuần nhuyễn. Cái ngon nhất thấm ra từ trong rau củ tươi và ngọt, cái hay nhất của bài nói, bài viết hay câu chuyện toát ra từ “ý tứ”, từ cách nghĩ của tác giả. Chất liệu ấy là kết quả của sự tích lũy những hiểu biết, trải nghiệm và suy luận cá nhân, tác giả chọn ra những điều phù hợp để đặt vào câu chuyện đang muốn kể.
CÁI BỤNG BAO TO?
Bình thường, tôi ghét để thừa thức ăn quá nhiều sau mỗi bữa. Ngoài lý do môi trường và lãng phí, thì như thế rất cực cho người rửa bát. Sự “vừa ăn”, đôi khi không chỉ ở hương vị, mà hữu hình hơn, còn ở số lượng nấu ra. Ngồi giữa một bàn ngồn ngộn đồ ăn cũng khiến chúng ta ít nhiều thấy ngán.
Câu chuyện bạn muốn kể cũng vậy, ngắn gọn vừa đủ và thông tin vừa đủ.
Mùa hè năm trước, tôi có công việc được trả lương đầu tiên ở trường và được giao viết một báo cáo nghiên cứu cho thầy. Khỏi nói tôi hăng say và muốn khẳng định mình thế nào, tôi đọc rất nhiều tài liệu, tìm nhiều nguồn thông tin, diễn giải thật chi tiết thành mười mấy trang. Tôi nghĩ hẳn thầy đọc sẽ thích lắm vì sự cẩn thận chi tiết của tôi. Ấy vậy mà khi đến gặp thầy, giữa một chồng giấy tờ ngổn ngang, thầy vừa thấy xấp báo cáo mười mấy trang liền bảo: “Em về rút lại cho thầy còn 1 trang thôi được không?”
Ngày xưa, khi phương tiện truyền thông còn ít và khó tiếp cận, khi chữ phải in trên giấy, tiếng phải phát trên đài, người ta lại tiết kiệm và thận trọng hơn trong việc sáng tạo nội dung. Ngày nay, nội dung được điện tử hóa khiến những giới hạn được nới rộng hơn và chúng ta cũng mất dần nhận thức về những giới hạn trong việc truyền tải nội dung. Nhưng có những giới hạn thời nào cũng có: Thời gian người nghe cho thể dành cho bạn và Khả năng thu nhận thông tin của họ (phụ thuộc vào hiểu biết vốn có và khả năng tập trung của người nghe). Giới hạn thời gian dẫn đến giới hạn về “kích cỡ” (độ dài) của câu chuyện. Giới hạn về khả năng thu nhận dẫn đến giới hạn về “quy mô” (độ phức tạp) của câu chuyện.Là một “người kể”, mình thường bị ảo giác về sự “CHƯA ĐỦ” – Để chắc ăn, thuyết phục, chúng ta nghĩ rằng cần “nhồi” càng nhiều chi tiết càng tốt vào một câu chuyện, rằng “thừa còn hơn thiếu”. Nhưng, “sự thừa” lại đắt đỏ hơn chúng ta nghĩ, nó khiến người nghe thấy chán và mệt mỏi. Ta phải trả giá cho nó bằng chính sự theo dõi ta mong nhận được.
Khi kể chuyện, bạn phải đối mặt với sự đánh đổi giữa: Số lượng và Hiệu quả của những điều muốn kể. Để giải quyết vấn đề này, không có cách nào khác hơn là Hiểu người nghe của mình. Bạn muốn hướng đến ai? Họ sẽ chịu đón nhận bao nhiêu thông tin. Và, cuối cùng, cách để vượt qua những giới hạn về “kích cỡ” và “quy mô” câu chuyện, là tận dụng chính hiểu biết và trải nghiệm của người nghe, để “điền vào chỗ trống” những điều bạn để “ẩn” trong câu chuyện.
Chúng ta sẽ bàn về mối quan hệ giữa người kể và người nghe trong phần tiếp theo.
📖
PHẦN 4: KỂ VÀ NGHENhư đã nói trong 2 phần đầu, kể chuyện hay trước hết nằm ở việc: Bạn có gì để kể? Phần 3 lại đặt chúng ta vào vấn đề tiếp theo: Có quá nhiều thứ để kể!
Giới hạn về thời gian người nghe có thể bỏ ra và khả năng thu nhận thông tin của họ khiến người kể không thể bành trướng về “kích cỡ” (độ dài) và “quy mô” (độ phức tạp) của câu chuyện. Nói cho đơn giản: Giữa rất nhiều thứ họ có, cái gì nên cho vào câu chuyện?MỐI QUAN HỆ: NGƯỜI KỂ – NGƯỜI NGHE
Tôi cho rằng: Kể chuyện là sự tương tác dựa trên mối quan hệ giữa người kể và người nghe. Khác với dạy dỗ, trong kể chuyện, đó là mối quan hệ đồng đẳng hơn. Ở đó, người nghe có quyền chọn lựa nghe hoặc không nghe.
Khi bạn kể một câu chuyện dĩ nhiên đó là vì chính mong muốn được bộc bạch và chia sẻ của bạn. Nhưng, đừng quên rằng, những điều bạn cho là hay chưa chắc người khác thấy hay, những điều bạn quan tâm chưa chắc người khác đã quan tâm, và những điều bạn hiểu rõ lại hoàn toàn mơ hồ với người khác. Kể chuyện đôi khi không phải là sự ích kỷ để thỏa mãn khẩu vị của chính mình, mà đòi hỏi người kể cần cân nhắc đến đối tượng người nghe muốn hướng đến.
Thế nên, những điều tạo nên một câu chuyện phải nằm trong miền giao nhau giữa mối quan tâm của người kể và người nghe.THU HÚT – GIỮ CHÂN – GỬI GẮM
Sự thấu hiểu người nghe sẽ là nền tảng quan trọng cho 3 mục tiêu chính của mỗi câu chuyện: Mở đầu đủ ấn tượng để THU HÚT người nghe – GIỮ CHÂN được họ xuyên suốt câu chuyện – GỬI GẮM thông điệp.
Một người nghe sẽ “bị” thu hút và giữ chân khi câu chuyện có điểm gì đó khiến họ quan tâm, và sự quan tâm bắt nguồn từ việc họ nhìn ra những điểm liên quan đến họ. Cuối cùng, một thông điệp chỉ được gửi gắm khi người nghe hiểu được điều người kể muốn nói. Não bộ chúng ta vận hành để hiểu một vấn đề bằng cách liên kết các chi tiết và thông tin với những điều thân thuộc với họ.
Vậy nên, có thể nói rằng: sự thấu hiểu người nghe là tìm ra những điểm liên quan, thân thuộc và gần gũi với họ. Giải thích các ý tưởng và thông tin bằng chính ngôn ngữ của họ, đưa các ví dụ mà họ có thể dễ dàng hình dung.Bạn không khó để tìm ra những ví dụ.
Với tôi, tài hùng biện của Obama đến từ việc tạo ra những điểm chung với đám đông. Khi trò truyện với giới trẻ, ông bắt đầu bằng: “Ngày trước, khi tôi cũng trẻ như các bạn, tôi cũng có lúc lười học lắm. Là một lãnh tụ, khi nói với đám đông, ông kể về vợ, về mẹ, về việc làm cha (thay vì làm tổng thống).
Một ví dụ gần hơn và nhỏ bé hơn nhiều lần, khi viết series này, tôi muốn hướng đến các bạn học Khoa Học là đối tượng chính của mình, tôi đã bắt đầu Phần 1 bằng việc đề cập đến literature review và technical report. Nếu bạn để ý, rất nhiều ví dụ được dùng cho đến thời điểm này đều liên quan ít nhiều đến khoa học.“ĐIỀN VÀO CHỖ TRỐNG”
Hemingway từng có một câu chuyện cực ngắn, chỉ gồm mấy chữ như sau:
“Baby Shoes. For Sale. Never Used.”
(Giày trẻ em. Cần Bán. Chưa từng sử dụng)
Cái hay của câu chuyện nằm ở chỗ nó cực ngắn, nhưng người nghe vẫn hiểu. Tác giả rất thông minh ở điểm ông không kể toàn bộ câu chuyện. Thay vào đó, ông đưa ra những lát cắt quan trọng nhất, những chi tiết có tính gợi, và để lại những khoảng trống mà người đọc sẽ tự điền vào bằng trải nghiệm vốn có và suy luận riêng của họ.
Người kể không nhất thiết phải diễn giải hết tất cả những gì muốn nói. Họ có thể “ẩn” đi một vài phần, để rút ngắn bài viết và quan trọng hơn là để người nghe tham gia vào câu chuyện, để họ cùng suy nghĩ trong suốt quá trình theo dõi và thêm vào câu chuyện những ý tưởng của riêng họ. Để làm được điều đó, người kể cần hiểu về thế giới quan và mức độ hiểu biết của đối tượng họ muốn hướng đến.Nếu kể chuyện là nấu một nồi lẩu, đến Phần 4 này, chúng ta đã định vị được món mình nấu (Định nghĩa câu chuyện), đã gom đủ nguyên liệu (Bạn có gì để kể?) và sơ chế cắt thái nó bằng việc đối chiếu với sự quan tâm của người nghe (Họ muốn nghe gì?). Chỉ cần cân nhắc 3 điểm này, tôi tin chúng ta đã có một câu chuyện đáng để nghe. Dù vậy, cũng như hương vị tự nhiên được tôn thêm bằng gia vị, một câu chuyện đáng nghe sẽ hiệu quả hơn bằng một vài “mẹo” nhỏ. Chúng ta sẽ bàn trong phần sau.
📖
PHẦN 5A: NÊM NẾM 1: BỐ CỤC VÀ CHỌN LỌCHẳn khi chọn theo dõi một chuỗi bài đề cập đến Storytelling, phần bạn chờ đợi nhất là hướng dẫn các kỹ thuật kể chuyện. Nhưng, có lẽ không có một công thức chung nào cho sự thú vị và cái duyên của mỗi câu chuyện. Tôi tin rằng khi bạn đã hiểu rõ về tinh thần, đã có những góc nhìn mới và hứng thú hơn về một điều gì đó, chính bạn sẽ tìm ra cách của riêng mình. Thế nên, tôi chọn đặt tên cho series này là “Making Storytelling Make Sense” thay vì “How to Be a Good Storyteller?”, và mãi đến phần kế cuối này mới đề cập thêm về các kỹ thuật cơ bản trong kể chuyện.
Kỹ thuật không làm nên câu chuyện,
Nhưng đây như một chút cộng thêm cho câu chuyện nguyên sơ (mà tôi cho rằng) đã rất đáng nghe của bạn.BỐ CỤC VÀ CHỌN LỌC
Trước hết, ta bắt đầu dựng khung cho câu chuyện. Quay lại định nghĩa và đồ thị cấu trúc căn bản của một câu chuyện trong Phần 1, hãy để đây là điểm bắt đầu của chúng ta!
1. Đặt vấn đề
Đầu tiên, bạn xác định vấn đề sẽ xuất hiện trong câu chuyện là gì?
Nếu người nghe hứng thú với vấn đề bạn đưa ra, họ sẽ hứng thú với câu chuyện. Đó có thể là vấn đề rơi vào vùng quan tâm của người nghe, là một vấn đề hiển nhiên và gần gũi mà nói đến ai cũng nhận ra ngay. Ví như những câu chuyện tình, không hề mới nhưng cũng chẳng bao giờ cũ, vì ai cũng đã, đang hoặc sẽ yêu, ai cũng ít nhiều dễ dàng thấy mình trong câu chuyện đó.Nhưng cũng có thể là những cách đặt vấn đề mới mẻ, kích thích trí tò mò, những vấn đề đó được nêu ra bằng cách đặt ra những câu hỏi: “Nếu… thì chuyện gì sẽ xảy ra?”.
Tôi sẽ phải nhắc đến Will Eisner và cách đặt vấn đề cực kỳ thú vị trong những mẩu graphic novels của ông. Câu chuyện được đặt tên là Sanctum, kể về một người đàn ông giấu mình như cách tự vệ giữa thế giới đảo điên. Gã không giao du với ai và chưa từng lên tiếng vì điều gì, chẳng ai biết mặt mũi gã từ đồng nghiệp cho đến hàng xóm, thứ duy nhất người ta biết về gã là cái tên. Rồi một ngày, vì sai sót nhỏ, tên của gã xuất hiện trong mục cáo phó. Chủ nhà trọ lấy lại nhà, chỗ làm của gã tìm một chân thay thế, những người bà con xa lắc chầu chực chiếm tài sản trong ngân hàng, và gã không có cách nào chứng minh gã còn sống! Không ai biết gã, trừ cái tên…
2. Prologue – Phần dẫn nhập
Câu chuyện trên của Wil Eisner rất thú vị, nhưng nó chỉ không gây “tranh cãi” khi người nghe cân nhắc câu chuyện diễn ra trong thời kỳ “cơn sốt vàng” ở Mỹ, thời đại hỗn độn và thẻ căn cước chỉ có tên chứ không có hình. Trong nguyên tác, Eisner dành một trang prologue để kể về tuổi thơ của nhân vật chính, để hợp lý hóa vì sao có người lại khao khát được vô hình và sự “bình an” khi không “bị” nhận ra mình đến thế!Người nghe chỉ thấy hay khi họ hiểu vấn đề được đặt ra, cảm nhận được sức nặng và sự hợp lý của nó. Prologue là phần cung cấp thông tin, mô tả về bối cảnh mà vấn đề sẽ phát sinh.
3. Diễn biến và giải quyết vấn đề
“Giải quyết vấn đề” đôi khi không nhất thiết là đưa ra một giải pháp “cả nhà cùng vui” nào đó. Giải quyết vấn đề là đưa nó đến điểm kết thúc, một cách hợp lý và thuyết phục. Sự hợp lý đó phụ thuộc vào các chi tiết xen giữa, dẫn dắt đến kết thúc.Khi bạn đặt một thông tin và tình tiết vào câu chuyện, chỉ cần tự hỏi rằng tình tiết này có vai trò gì trong câu chuyện: để làm rõ vấn đề, để mô tả cách nó phát triển, để làm hợp lý từng bước diễn biến.
Sau khi chọn lọc, bạn phải xắp xếp trật tự quan trọng của các chi tiết. Chi tiết nào quan trọng hơn sẽ được dành nhiều “đất” để nói hơn, và chi tiết nào ít quan trọng nên tìm cách giản lược và trình bày ngắn gọn, vừa đủ nhất có thể.
4. Kết thúc
Sau khi vấn đề đã kết thúc, bạn cần khẳng định lại lần nữa ý tưởng và thông điệp bạn muốn truyền tải. Một cách trực diện, bạn có thể dùng chính lời của người kể chuyện, hoặc thông qua một nhân vật nào đó trong câu chuyện để đưa ra những nhận xét, chiêm nghiệm. Hay, lắt léo hơn một chút, dành cho những đối tượng người nghe thích “đấu trí”, nhiều người kể chuyện chọn cách kết thúc ẩn dụ, bằng một hình ảnh mang tính gợi nào đó, và để lửng phần kết luận cho người nghe điền vào chỗ trống.Tạm dừng ở phần này, chúng ta vừa bàn qua về bố cục. Ở phần Nêm Nếm 2, các cách để thu hút và giữ chân người đọc sẽ được đề cập.
📖
PHẦN 5B: NÊM NẾM 2: THU HÚT – GIỮ CHÂN NGƯỜI ĐỌC/NGƯỜI NGHE: BẰNG CÁCH NÀO?Trong phần 4, chúng ta có đề cập đến 3 bước trọng tâm của mỗi câu chuyện:
1. Thu Hút người nghe
2. Giữ Chân người nghe
3. Gửi Gắm thông điệp
Ở đây, tôi xin chia sẻ một vài trong số rất nhiều cách để tăng hiệu quả cho 3 mục tiêu trọng tâm đó.TƯƠNG TÁC VỚI NGƯỜI NGHE
Trong những lời kể đầu tiên, người nghe bị thu hút bởi điều gì? Đó là sự tò mò hoặc cảm giác thấy những điều sắp nghe sẽ cần thiết và liên quan đến họ. Họ tiếp tục theo dõi khi còn thấy được sự kết nối giữa họ và câu chuyện. Một trong những cách tôi rất thường dùng là: Trò chuyện và trao đổi với người nghe.
Trong các tình huống kể-nghe mặt đối mặt, bạn có nhiều cơ hội hơn để tương tác. Dựa vào biểu cảm khuôn mặt của người nghe, bạn biết lúc nào họ hứng thú, lúc nào họ buồn ngủ. Nếu họ có vẻ bắt đầu chán, bạn đẩy nhanh nhịp điệu và thêm những tình tiết bất ngờ để “đánh thức” trở lại. Hoặc, có thể đặt những câu hỏi cho khán giả, trao đổi trực tiếp.
Khi bạn kể câu chuyện qua giấy viết, bạn có ít cơ hội để tương tác hơn. Hạn chế nằm ở điểm, ngay cả khi bạn đưa ra một câu hỏi, khi bạn trò chuyện với bạn đọc, họ cũng không ở đó để trả lời. Vì thế, bạn phải tự tưởng tượng ra phản ứng và sự hồi đáp của bạn đọc.
Là một người viết, tôi tạo ra những cuộc hội thoại với bạn đọc của mình, bằng việc đặt những câu hỏi để lôi kéo họ vào một cuộc trao đổi, ví dụ: “Bạn nghĩ thế nào là một câu chuyện hay?”, sau đó là vài dòng trống cho đến câu văn tiếp theo. Tôi không thể biết hết, các bạn đọc nghĩ gì và bao nhiêu người thật sự dừng và nghĩ, nhưng đó là cách khuyến khích và tạo ra những cơ hội để bạn đọc cùng suy nghĩ với tôi.Cũng có lúc tôi chọn ra những hoạt động để bạn đọc cùng tham gia với mình. Ví dụ như:
Bạn hãy nhìn 2 dãy số dưới đây:
Dãy thứ nhất: 2 5 9 1 4 8 3 7 6
Dãy thứ hai: 1 2 3 4 5 6 7 8 9
Theo bạn, dãy số nào sẽ dễ nhớ hơn?Cuối cùng, có những đoạn mang nhiều màu sắc trao đổi, là khi tôi xưng “bạn-và-tôi”. Ví dụ như chính đoạn này, bạn đang đọc. Không phải là nhân vật A, B, C nào, chính bạn là người tôi đang trò chuyện cùng.
YẾU TỐ BẤT NGỜ
Là cách dẫn dắt khiến mọi người suy nghĩ theo một hướng, rồi sau đó người kể đột ngột “bẻ” diễn biến theo một hướng không ai ngờ đến. Kỹ thuật này cũng thường được sử dụng để tạo nên những tình huống hài hước.
Chẳng hạn như câu chuyện tình yêu “kinh điển” sau của tôi:
“Dạo trước, tôi có quen một anh bạn. Anh này có vẻ rất thích tôi. Anh hay tìm cách gặp tôi trong thư viện, hay rủ tôi đi ăn trưa và rất hay đề nghị tôi đi dạo công viên cùng sau giờ học. Anh rất thích nói chuyện cùng tôi, cũng rất quan tâm và muốn giúp đỡ tôi nhiều thứ. Tôi lại thấy ngại lắm, vì tôi chỉ xem anh là bạn. Một hôm, anh bạn nhất định mời tôi đi ăn tối trong một nhà hàng sang chảnh. Trong ánh nến lấp lánh lãng mạn, anh bảo rằng: “Anh rất thích nói chuyện với em. Anh rất hay kể về em cho bạn trai anh nghe”.
BỐ CỤC ĐẶC BIỆTBàn về bố cục, tôi có đưa ra đồ thị diễn biến của câu chuyện. Đó là chuẩn mực cơ bản. Trong phần 2, tôi có ví mỗi tình tiết là một con số trong chuỗi số, nhưng nếu trật tự quá đơn giản và dễ nhận thấy (1 2 3 4 5 6 7 8 9) thì sẽ hơi nhàm chán, trong khi có những chuỗi số có quy luật và thú vị hơn rất nhiều, như chuỗi Fibonacci: 1 1 2 3 5 8 … (số sau bằng tổng 2 số liền trước). Người nghe không phải lúc nào cũng ưa những thứ dễ dàng, thỉnh thoảng họ cũng muốn được “đấu trí”. Để đạt các hiệu ứng thú vị hơn, bạn hoàn toàn có thể “twist” các trật tự thời gian/không gian, trật tự nhân quả, đan xen tình tiết.
GIỌNG KỂ
Có một câu chắc bạn đã nghe nhiều lần rằng: “Những gì xuất phát từ trái tim sẽ đến được trái tim”, nhưng sự chân thành của một câu chuyện đến từ đâu? Nó đến từ những yếu tố không nhìn thấy được như cái tâm và sự thành thật của người kể. Tuy vậy, cũng yếu tố có thể “nhìn thấy”, tôi cho rằng, đó là giọng kể.
Nếu là kể bằng chữ, đó là giọng văn, nhịp điệu của bài viết. Những đoạn hào hứng, nhịp văn sẽ nhanh. Những đoạn trầm, giọng văn cũng lắng lại. Bằng giọng văn, có những lúc người kể không cần nói ra “Tôi đang buồn lắm!”, nhưng người đọc vẫn cảm nhận được. Khi kể thành lời, giọng kể có thêm các biểu cảm “vật lý” như: cao, thấp, trầm bổng, mạnh lạc, nghẹn ngào.
Những điều đó đến rất tự nhiên, khi bạn thành thật buồn, thành thật vui, thành thật quan tâm, chúng đều toát ra một cách vô thức qua giọng kể. Dù vậy, đây vẫn là yếu tố cần để tâm. Đặc biệt là khi bạn dùng tiếng Việt, vốn đặc trưng có bởi tính dễ tạo vần và điệu. Những câu văn có vần và điệu sẽ thú vị hơn khi nghe và dễ nhớ hơn cho người nghe, hẳn rất nhiều người trong chúng ta sau nhiều năm vẫn nhớ những câu từ như “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều…” (Tôi Đi Học, Thanh Tịnh) hoặc “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo…” (Thu Điếu, Nguyễn Khuyến).
Thế nên, tôi không bao giờ nghe nhạc khi đang viết, vì điều đó khiến tôi khó tập trung vào giọng văn của mình. Rồi, mỗi khi viết xong, tôi thường đọc lên thành lời những gì mình viết, xem giọng – nhịp – điệu có thuận miệng chưa.Trong phần tiếp theo, phần cuối cùng, một số vấn đề nho nhỏ khác sẽ được đề cập, bao gồm bước rút ngắn “hậu kỳ”, tương tác giữa nhiều phương tiện truyền thông trong việc kể chuyện, và tóm tắt lại nội dung của toàn series.
PHẦN 6A: HẬU KỲ
NHIỀU Ý NHẤT VỚI ÍT CHỮ NHẤT
Mark Twain có lúc viết rằng: “Xin thứ lỗi cho độ dài của bức thư này, nếu có thêm thời gian, tôi sẽ viết nó ngắn hơn”, cũng chính Mark Twain có một câu thứ hai đi theo tôi mãi trong suốt hành trình viết lách của mình: “Viết lách rất đơn giản. Vấn đề chỉ là gạch đi những từ không cần thiết”.
Nói về những ngày tháng viết khóa luận hoặc báo cáo, khi nhìn thấy số từ yêu cầu 10,000 hoặc 15,000 chữ, hẳn không ít bạn như tôi, nghĩ mình không sao viết nổi dài thế. Ấy vậy mà khi đã thật sự viết, thật sự nghiêm túc và có đầu tư, bạn sẽ nhận ra mình viết quá số từ đó lúc nào không hay, rồi câu hỏi đau đầu tiếp theo: “Làm sao để rút ngắn lại?”. Xin thưa đó là một công cuộc không hề đơn giản, như bạn tôi bảo đùa quá trình tinh chỉnh và rút ngắn là “Kill your darling”, bởi bạn sẽ phải nhấn xóa rất nhiều chữ nghĩa mình đã cất công viết ra, có nhiều đoạn tâm huyết lắm nhưng vì sự hiệu quả và vì những giới hạn về khuôn khổ (như đã bàn trong phần 3), ta không thể không rút ngắn lại. Diễn đạt được nhiều nhất trong một số lượng chữ ít nhất, đó chính là sự hiệu quả.“If stories can be extended, they can also be compressed”, Will Eisner.
TỪ CHỮ NGHĨA ĐẾN HÌNH HÀI
“Hình thức không quan trọng!”, là một người không đẹp, tôi vốn muốn tin câu đó lắm. Nhưng, là một người yêu cái đẹp, tôi vẫn còn tỉnh táo nhận ra: Một cách vô thức, con người luôn bị chi phối bởi yếu tố thị giác. Giữa hình và chữ, con người có xu hướng nhìn hình trước. Giữa hai sản phẩm ngang ngửa nhau về chất lượng, hiển nhiên họ sẽ chọn cái có bao bì đẹp hơn. Tuy nhiên, có những sự “ưa nhìn” là bẩm sinh có được, cũng có những sự “ưa nhìn” đến từ quá trình trau dồi và tinh tế lựa chọn của mỗi cá nhân. Có những cái đẹp long lanh và xa xỉ, cũng có cái đẹp bình dị và giản đơn. Tùy theo hoàn cảnh, mục đích và tính chất, mà chúng ta chọn những mức độ đẹp phù hợp (Thỉnh thoảng, QUÁ ĐẸP cũng là một vấn đề).
Vượt trên chữ nghĩa, hình thức gắn liền với sự hiệu quả trong việc kể chuyện. Khi nói trước đám đông, kể chuyện mặt đối mặt, hình thức là sự tươm tất về trang phục, về bài trí không gian, về slides powerpoint trình chiếu. Khi bạn kể chuyện qua ấn phẩm hay bài đăng trên Internet, câu chữ có thể đi kèm ảnh minh họa. Có thể là sưu tầm từ các nguồn khác hoặc như bạn thấy, tôi tin ai cũng có thể tự tạo ra những hình minh họa hết sức đơn giản như những hình tôi dùng dọc suốt series này. Hình ảnh là yếu tố thu hút, là trạm nghỉ mệt cho mắt giữa những hàng chữ dài, và giúp người đọc dễ hình dung hơn ý tưởng của tác giả. Ngoài hình ảnh, bạn có thể thêm video, thêm nhạc nền, dẫn link phù hợp với nội dung câu chuyện.
Ngay cả khi bạn không giỏi vẽ, không biết dùng các phần mềm đồ họa, không chụp nhiều ảnh đẹp, vẫn có những sự “chăm chút” khác về hình thức mà chỉ cần một chút để tâm thì hiệu quả bài viết của bạn sẽ tăng lên đáng kể. Vô cùng “bình dân”, hình thức đến từ tiêu đề, tên mục, font/size/màu của chữ, canh lề, cách đoạn, bôi đen những từ quan trọng. Những thao tác đó bạn có thể làm dễ dàng bằng Word, cố gắng tận dụng tối đa các mẫu thiết kể và các tiện ích (như footnote, dẫn link reference) có sẵn trong phần mềm soạn thảo văn bản.
LẮNG NGHE VÀ SỬA CHỮA
Cho dù là một người giỏi viết và nghiêm khắc với bản thân đến đâu, rất khó để tránh những “điểm mù” của tác giả. Khi bạn cất công tạo ra một câu chuyện, thật khó lòng nhận ra chi tiết nào là dài dòng, thừa thải để “Kill your darling”. Khi đã dò đi dò lại một trang viết rất nhiều lần, người ta mất dần khả năng nhận ra những lỗi chính tả ở ngóc ngách nào đó.
Nếu được, bạn hãy tìm cho mình những người-đọc-thử (reviewer). Tôi thường nhờ bạn bè, hoặc các mối tâm giao – Những người đủ hiểu tôi và ai sẵn lòng đọc, vừa có khả năng khích lệ để không làm bạn tụt hứng, vừa đủ khắt khe để chỉ ra những điểm bạn cần sửa chữa.
Dù vậy, lắng nghe những góp ý thật lòng thật ra không dễ, đôi khi rất khó tránh để không cảm thấy chút buồn, chút “khó ở”. Mãi đến bây giờ, tôi vẫn còn thấy ngại khi người-đọc-thử xem các bản thảo của tôi ngay trước mặt tôi, và chưa từng hết hồi hộp khi nhận file góp ý của họ.
STORYTELLING: SỰ THÍCH NGHI CỦA DIỆN MẠO
———————–Khi nói về Storytelling, không ít người chỉ nghĩ đến việc kể bằng lời nói, bằng chữ nghĩa. Nhưng, storytelling còn có thể bắt gặp trong truyện tranh, minh họa, âm nhạc, điện ảnh, kịch nghệ… Rất nhiều loại hình mà nhiều người chính quan tâm đến những kỹ thuật mà quên mất “tính kể”. Câu chữ là một loại ngôn ngữ, màu sắc cũng có ngôn ngữ, chuyển động và âm nhạc cũng có tính năng kể của riêng nó. Một người có thể xem là storyteller khi họ ý thức được “tính kể” trong nội dung truyền tải.
Cùng với sự phát triển chóng mặt của thời đại, các công nghệ mới ứng dụng trong truyền thông, dù bản chất không thay đổi nhiều, chúng ta chứng kiến nhiều sự chuyển biến về hình thái của các loại hình. Theo đó, vị trí và tầm ảnh hưởng của chúng cũng khác trước.
Nhiều người đặt câu hỏi: “Trong thời buổi của sự nhanh gọn mà người ta dễ dàng tiếp cận những câu chuyện bằng phim ảnh, liệu chúng ta có mất đi khả năng đọc?”.
Sự cạnh tranh giữa các hình thái kể chuyện là tồn tại. Phim ảnh dẫn dắt người xem đi qua các tình tiết, chủ động hơn trong việc điều khiển nhịp độ (nhưng cũng vì thế người đọc có ít sự tự do hơn để dừng lại và chiêm nghiệm), dàn dựng những bối cảnh, diễn biến, pha hành động (cũng vì thế người đọc có ít “đất” hơn cho sự tưởng tượng của chính họ). So với phim ảnh, câu chuyện dưới dạng con chữ và trong những trang sách sẽ đòi hỏi cao hơn ở người đọc sự tham gia và tự tưởng tượng. Vì thế cũng dễ mệt não hơn và dễ bỏ dở giữa chừng hơn.
Nhưng ngược lại, phim ảnh cũng có những giới hạn riêng trong việc miêu tả những thứ trừu tượng như nội tâm, suy nghĩ. Rằng buộc bởi chi phí sản xuất và thời lượng, phim ảnh gần hơn với thực tế và vì thế không thể theo kịp sự tưởng tượng của con người vốn tự do hơn qua câu chữ. Vậy nên, mỗi khi có cuốn sách nào được chuyển thể sang phim, chưa bao giờ người ta hết phàn nàn. Nhưng suy xét công bằng, hãy nhớ rằng tác giả có nhiều trăm trang sách để kể một câu chuyện, và nhà làm phim phải gom nó lại trong 60-90 phút. Rất nhiều suy tưởng được gia giảm, chế biến cho hợp với dàn dựng và khả năng chuyển tải của ngôn ngữ điện ảnh.Chúng ta sẽ không mất đi những cuốn sách, những bài viết dài, không theo mô-típ nhanh-gọn-dễ dàng. Nhưng, bản thân chúng không thể cứ ì lại với thời đại, mà phải tiến hóa để tận dụng những công cụ sẵn có nhằm nới rộng những giới hạn. Như cách nhiều họa sĩ truyện tranh chuyển từ khổ dọc để in ra giấy, đã chuyển sang dàn trang khổ ngang cho vừa màn hình laptop, sau họ lại chuyển dọc lại khi người đọc dùng smartphone và tablet nhiều hơn. Đó chính là sự thích nghi!
Bên cạnh cạnh tranh và thay thế, sự bổ trợ và ảnh hưởng lẫn nhau vẫn đang diễn ra, giữa phim ảnh và sách, giữa các hình thức cũ và mới. Và, tôi cho rằng xu hướng đó có phần mạnh mẽ hơn. Sách vở là chất liệu cho phim ảnh và rồi chính nhờ phim ảnh nhiều cuốn sách được biết đến. Chính những người viết lại học hỏi và áp dụng những kỹ thuật cắt cảnh, chuyển góc nhìn và đẩy nhịp câu chuyện từ trong điện ảnh, mà ví dụ rõ ràng nhất là cách kể chuyện và dẫn dắt của Dan Brown trong những cuốn sách của ông. Viết dễ hiểu có thể xem là viết hình ảnh hơn. Bằng cách nào? Hãy vừa viết vừa nghĩ xem, khi bạn viết xong, người ta sẽ vẽ truyện, sẽ làm phim từ chính những câu chữ này thế nào?
Trong rất nhiều trường hợp, một người viết ra câu chuyện bằng chữ nghĩa, nhưng một người khác minh họa bằng hình ảnh. Quá trình trao đổi trong chuyển thể là cực kỳ quan trọng, đòi hỏi sự theo sát của cả hai bên. Dù vậy, thỏa hiệp cũng cần thiết, vì như đã nói, luôn có một khoảng cách giữa hình và chữ.📖
KẾTHy vọng lớn nhất của tôi là những gì đã chia sẻ sẽ thuyết phục được bạn thử điều gì đó khác đi trong việc trình bày những thông tin, kiến thức và kinh nghiệm của bạn. Tôi tin rằng, ai trong chúng ta cũng có những câu chuyện để kể và câu chuyện nào cũng đáng để được lắng nghe.
Series của tôi sẽ dừng lại ở đây. Và bên dưới là biểu đồ tóm tắt lại những gì chúng ta đã bàn trong 6 phần qua.
📖
ĐANG HUYNH MAI ANH