Liệt dây thần kinh số 7 – tai biến do tắm đêm, lạnh đột ngột
TP HCMPhạm Ngọc Linh, 26 tuổi, từng bị méo nửa mặt bên phải, một mắt không nhắm kín, miệng lệch, ăn cơm bị rơi vãi… sau khi tắm vào ban đêm và bật điều hòa quá lạnh.
Nhớ lại 3 năm trước, Linh nói cô chưa hết sợ hãi và khủng khiếp. Linh có thói quen tắm và gội đầu lúc tối muộn. Tháng 3/2019, khoảng 0h, tắm xong cô mở quạt hướng thẳng vào người để hong khô tóc, sau đó bật điều hòa lạnh đi ngủ. Hôm sau, nửa mặt bên phải hơi đơ cứng rồi dần không cử động được, không có cảm giác đau. Linh nhắm mắt phải không khép chặt; cười, chu môi hay nhướn lông mày chỉ có bên trái bình thường… Bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM chẩn đoán cô bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên.
Giai đoạn này, công việc chăm sóc khách hàng của cô gái trẻ gần như ngưng trệ. Linh tự ti không dám gặp mặt khách hàng để tư vấn, chỉ duy trì trò chuyện qua điện thoại, nhưng giọng nói cũng bị méo, phát âm không chuẩn xác. Việc ăn uống cũng gặp khó khăn, mỗi lần đưa thức ăn vào miệng bị rơi ra ngoài. Mắt không nhắm kín được, Linh thường xuyên bị khô mắt, khó ngủ, mất ngủ dẫn đến cơ thể mệt mỏi.
Sau một tháng đến bệnh viện mỗi ngày để châm cứu, xoa bóp, tập vật lý trị liệu… tình trạng liệt mặt đã cải thiện khoảng 90%. Lúc Linh cười vẫn còn hơi méo miệng, song đây đã là kết quả khả quan nhất, không dám mong nhiều hơn.
Châm cứu 30 ngày, kết hợp xoa bóp, tập nhướn lông mày, chu môi, phồng – hóp mũi… Linh mới có thể hồi phục được 90% cơ mặt bên phải. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng đơn vị Điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM Cơ sở 3 cho biết, liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên đa số không nguy hiểm ngay đến tính mạng bệnh nhân. Về lâu dài nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể chuyển sang liệt cứng, gây ảnh hưởng về mặt cảm xúc, thẩm mỹ như mặt mất cân đối, miệng méo, mắt nhắm không kín, co giật nửa mặt, viêm loét giác mạc… Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, giới tính.
Theo bác sĩ Vũ, có nhiều nguyên nhân gây bệnh, nhưng 75% trường hợp là cơ thể bị lạnh đột ngột (khi cơ thể suy yếu cộng với thói quen để máy lạnh, quạt thổi trực tiếp vào mặt, tắm đêm, ướt mưa, từ phòng máy lạnh ra ngoài trời nóng hoặc từ ngoài vào phòng máy lạnh đột ngột) làm dây thần kinh số 7 nhiễm lạnh, như trường hợp của Linh. Đoạn dây thần kinh số 7 nằm trong ống xương đá, vốn dĩ đã bị lạnh vì không có cơ che phủ dây thần kinh. Khi gặp gió lạnh đột ngột, không khí lạnh buốt từ bên ngoài khiến cho nó càng nhanh bị nhiễm lạnh thêm. Lúc này, mạch máu bị co thắt lại dẫn đến thiếu máu nuôi dưỡng và sưởi ấm làm cho dây thần kinh bị phù nề, chèn ép và dẫn đến liệt.
Ngoài ra, nhiễm trùng (thường viêm nhiễm ở tai) hay do chấn thương (tai nạn xe cộ hoặc do phẫu thuật não hoặc tai) cũng có thể khiến liệt dây thần kinh số 7.
Những triệu chứng đặc trưng của bệnh là khởi phát đột ngột, sau đêm ngủ dậy thấy liệt toàn bộ cơ mặt một bên trong vòng 24-48 giờ. Ở trạng thái tĩnh, mặt bệnh nhân mất cân xứng, các cơ mặt bị kéo về bên lành, nếp nhăn vùng trán, rãnh mũi – má – mắt, nhân trung lệch, miệng méo. Ở trạng thái động sẽ thấy mắt người bệnh nhắm không kín, nhãn cầu chuyển động lên phía trên. Bệnh nhân không làm được hay khó khăn khi thực hiện các động tác nhăn trán, nhíu mày, nhe răng, trề môi, phồng má, thổi sáo… Một số ít trường hợp bị thêm ù tai, chảy nước mắt bên liệt… Các triệu chứng không xuất hiện cùng lúc trên người bệnh, mà nặng nhẹ tùy từng người.
Tùy thuộc nguyên nhân và mức độ bệnh mà người bệnh có thể tự khỏi sau 2-6 tuần, song rất ít. Người bệnh nên đến viện khám sớm để được điều trị phù hợp, đồng thời đẩy nhanh tốc độ hồi phục, bác sĩ Vũ nhấn mạnh.
Bệnh nhân có thể được chỉ định dùng thuốc corticoid, thuốc chống virus, điều trị ngoại khoa nếu cần. Bên cạnh đó, phương pháp xoa bóp bấm huyệt, châm cứu theo y học cổ truyền cũng có hiệu quả cao. Thầy thuốc sẽ xác định chính xác nhóm cơ nào bị yếu, liệt và mức độ yếu, liệt của cơ đó, qua đó có thủ thuật phù hợp cho từng cơ, nhóm cơ.
Để bệnh mau khỏi, bác sĩ Vũ khuyến cáo người bệnh đeo kính râm nếu ra đường; không xem tivi, đọc sách, sử dụng điện thoại, máy tính trong thời gian dài. Khi ngủ, người bệnh cần che mắt bên liệt bằng gạc sạch, tránh để mắt khô, nên nhỏ mắt bằng dung dịch NaCl 0,9% và giữ ấm mặt, cổ. Nên rửa mặt bằng nước ấm, xoa hai bên mặt theo vòng tròn từ dưới lên tránh làm chảy xệ các cơ mặt. Đặc biệt là không để quạt phả trực tiếp vào mặt; hạn chế đi mưa, đi gió; không nên cười quá lớn; tránh căng thẳng về tâm lý và phải tuân thủ theo hướng dẫn của thầy thuốc.
Thư Anh