Lịch sử và ý nghĩa của ngày Thể thao Việt Nam 27/3

Ngày 27 tháng 3 hằng năm chính là ngày truyền thống của ngành Thể dục Thể thao Việt Nam hay còn gọi là ngày Thể thao Việt Nam. Năm 2023 này chính là dịp kỷ niệm 77 năm thành lập ngành Thể thao Việt Nam kể từ khi Bác Hồ ký Sắc lệnh số 14, thành lập Nha Thể dục Trung ương thuộc Bộ Thanh niên, tiền thân của ngành Thể dục Thể thao ngày nay.

        1. Lịch sử ngày Thể thao Việt Nam 27/3

        Ngày 30 tháng 1 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ Liên hiệp Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ký Sắc lệnh số 14, thành lập Nha Thể dục Trung ương trực thuộc Bộ Thanh niên.

         Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm thấy được vai trò của hoạt động thể dục, thể thao là vô cùng cần thiết nhằm tăng cường sức khoẻ quốc dân và cải tạo nòi giống Việt Nam. Chính vì thế, Bác cũng chính là người đã khai sinh ra nền thể dục, thể thao của chế độ mới. 

        Trong Sắc lệnh số 14 cũng nêu rõ: Nha Thể dục Trung ương có nhiệm vụ “liên lạc mật thiết với Bộ Y tế và Bộ Quốc gia Giáo dục để nghiên cứu và thực hành thể dục trong toàn quốc”.

         Sau đó gần 2 tháng, vào ngày 27-3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 38 thiết lập Nha Thanh niên và Thể dục trong Bộ Quốc gia Giáo dục. Theo đó, Nha gồm có Phòng Thanh niên TW và Phòng Thể dục TW. Cũng trong ngày 27 tháng 3 năm 1946, nhiều tờ báo đã đăng lời Bác như sau: “Hồ Chủ tịch hô hào đồng bào tập thể dục: Sức khoẻ và thể dục”.

        Tới cuối tháng 3 năm 1946, Bác đã viết lời kêu gọi toàn dân tập thể dục. Người viết: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là làm cho cả nước yếu ớt một phần; mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe. Vậy nên tập luyện thể dục, bồi bổ sức khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe. Vậy nên tập luyện thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người dân yêu nước. Việc đó không tốn kém, khó khăn gì, gái trai, già trẻ ai cũng nên làm và ai cũng làm được. Mỗi người lúc ngủ dậy, tập ít phút thể dục, ngày nào cũng tập thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ. Như vậy là sức khỏe. Dân cường thì nước thịnh. Tôi mong đồng bào ai cũng gắng tập thể dục. Tự tôi ngày nào cũng tập”.

        Chỉ 2 tháng sau khi Bác đưa ra lời kêu gọi, toàn quốc đã dấy lên phong trào “Khỏe vì nước”. Phong trào này thực chất là bước khởi đầu của nền thể dục, thể thao còn non trẻ nhưng đầy quyết tâm của nước ta.

        Với các việc làm như kêu gọi toàn dân tập thể thao, ra sắc lệnh thành lập ngành TDTT, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức khai sinh ra nền TDTT của nước Việt Nam trong thời kỳ mới. Nhận thấy rõ được ý nghĩa và tầm quan trọng của hoạt động thể dục, thể thao, ngày 29/01/1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 25/CT về việc lấy ngày 27/3 làm “Ngày Thể thao Việt Nam”.

         2. Ý nghĩa ngày Thể thao Việt Nam 27/3

        Ban đầu khi mới thành lập, Ngày Thể Thao Việt Nam chính là dịp để thu hút, động viên mọi tầng lớp nhân dân cùng nhau tham gia phong trào rèn luyện sức khỏe, cùng tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao lành mạnh để có sức khỏe tốt nhằm xây dựng và phát triển đất nước.

        Cho tới nay, sau 75 năm thành lập, ngành TDTT Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, nuôi dưỡng và cổ vũ nhiều tầng lớp, thế hệ người dân tích cực tham gia tập luyện thể thao vừa là để rèn luyện bản thân vừa là để thi đấu với bạn bè quốc tế để mang tới vinh quang cho nước nhà.

Dưới đây là những hình ảnh Bác Hồ tập tạ, tập võ, tập bơi, tập đánh bóng chuyền:

                                    

                                    

                                    

                                    

 

                                                                                                                      Trà My.