Lịch sử truyền thống nhà trường

 

 

Kính thưa ­đồng chí:

Kính thưa quý vị khách quý,

­Kính thưa các Nhà giáo lão thành, các thế hệ thầy giáo, cô giáo các cán bộ viên chức; các thế hệ cựu học sinh;

Thưa các em học sinh thân mến!

Hôm nay, trong cảnh sắc rực rỡ cờ hoa và không khí trào dâng niềm hân hoan phấn khởi của các thế hệ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường, trường Trung học Phổ thông thành phố Điện Biên Phủ tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 30 năm ngày Nhà giáo Việt Nam; 50 năm ngày thành lập trường và Đón nhận Huân chương Lao động Hạng Ba.

Cho phép tôi thay mặt lãnh đạo nhà trường, thay mặt gần một ngàn bốn trăm cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường, nhiệt liệt chào mừng các Đồng chí Lãnh đạo Đảng và Chính quyền các cấp, các vị khách quý, các vị đại biểu, các nhà giáo lão thành, các đồng chí nguyên cán bộ giáo viên và học sinh của nhà trường, các cơ quan thông tấn, báo chí đã có mặt và chung vui niềm vui lớn với chúng tôi hôm nay. Sự có mặt của quý vị trong ngày Hội truyền thống này chính là biểu hiện sinh động của sự quan tâm đặc biệt, của những tình cảm chân thành sâu sắc, đồng thời cũng chính là nguồn động viên khích lệ to lớn đối với nhà trường. Thầy và trò nhà trường xin gửi tới quý vị lời cảm ơn sâu sắc, kính chúc quý vị sức khỏe, hạnh phúc và mọi điều tốt lành!

Kính thưa quý vị khách quý!

Thưa các thầy, cô giáo cùng các em học sinh thân mến!

Nǎm 1949, tại hội nghị Vacxava (thủ đô Ba Lan) Liên hiệp Quốc tế các Công đoàn Giáo dục (được thành lập tháng 7 năm 1946 ở Pháp) đã xây dựng một bản “Hiến chương các nhà giáo” gồm 15 chương với nội dung chủ yếu là đấu tranh chống nền giáo dục tư sản, phong kiến, xây dựng nền giáo dục tiến bộ, bảo vệ những quyền và lợi ích chính đáng cũng như đề cao trách nhiệm và vị trí của nghề dạy học và nhà giáo.

Năm 1957 tại thủ đô Vacxava, Hội nghị Liên hiệp Quốc tế các Công đoàn Giáo dục đã quyết định lấy ngày 20.11 hàng năm làm ngày “Hiến chương các nhà giáo” và ngày 20.11.1958 là ngày “Quốc tế hiến chương các nhà giáo” lần đầu tiên được tổ chức trên toàn miền Bắc nước ta.

Sau ngày đất nước được thống nhất, “Quốc tế hiến chương các nhà giáo” về mặt ý nghĩa đã hoàn thành sứ mạng lịch sử đối với Việt Nam. Tuy nhiên, ngày 20-11 đã trở thành truyền thống của giáo giới và của cả dân tộc chúng ta. Chính vì vậy, theo đề nghị của ngành giáo dục, ngày 28-9-1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành quyết định số 167-HĐBT, quy định lấy ngày 20.11 hàng năm làm “Ngày Nhà giáo Việt Nam”.

Ngay sau khi có Quyết định nói trên, “Ngày Nhà giáo Việt Nam” đầu tiên được tổ chức trọng thể vào ngày 20/11/1982 tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Từ đó đến nay “Ngày Nhà giáo Việt Nam” đã trở thành ngày kỷ niệm có tính xã hội rộng lớn trên phạm vi cả nước. Đó là dịp để toàn thể xã hội thể hiện tình cảm tốt đẹp và bày tỏ sự tri ân đối ngành giáo dục và các thầy, cô giáo. Đồng thời cũng là dịp để đội ngũ thầy, cô giáo thể hiện quyết tâm không ngừng phấn đấu, rèn luyện trau dồi đạo đức, tình yêu nghề nghiệp, phong cách nhà giáo và trình độ chuyên môn để xứng đáng hơn nữa với nghề cao quý được cả xã hội tôn vinh.

Thưa các thầy, cô giáo kính quý!

Xin được chúc mừng quý thầy, cô đã lựa chọn và gửi gắm cả đời mình cho nghề dạy học, nghề mà cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: “Là nghề cao quý bậc nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo bậc nhất trong các nghề sáng tạo”. Dân tộc tôn vinh gọi các thầy cô giáo là “Kỹ sư tâm hồn”. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng khẳng định: “Người thầy giáo tốt, thầy giáo xứng đáng là thầy giáo, là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang”.

Các thầy, cô giáo là những người không chỉ dạy chữ mà thông qua dạy chữ để dạy học trò đạo lý làm người. Đối tượng lao động sáng tạo của các thầy, cô giáo chính là nhân cách, là tâm hồn, thể chất con người nói chung và của thế hệ trẻ nói riêng. Chính vì vậy, trong quá trình lao động sáng tạo ấy, đòi hỏi mỗi thầy, cô phải hết sức cẩn trọng, khoa học, nghiêm túc. Giáo sư Nguyễn Văn Lê khi bàn về sứ mạng nhà giáo cũng từng nói: “Nếu người thợ kim hoàn làm hỏng một đồ vàng bạc thì anh ta có thể đem ra nấu lại. Nếu một viên ngọc quý bị hư thì có thể phá bỏ… Làm hư một con người là một tội lớn, một lỗi lầm lớn không thể nào chuộc được”. Tagore nhà thơ Ấn độ, người đạt giải thưởng Nobel văn học năm 1913 từng viết: “Giáo dục một người đàn ông thì được một con người, giáo dục một người đàn bà thì được một gia đình, giáo dục một người thầy giáo thì được một thế hệ”. Như thế đủ biết trong cách nhìn của toàn nhân loại, từ cổ chí kim, từ đông sang tây nghề dạy học quan trọng và cao quý nhường nào.

Kính thưa Quý thầy, cô!

Tôi được biết thông qua lịch sử nhà trường rằng: rất nhiều thầy, cô đã từng trăn trở, đã từng mất ăn, mất ngủ và sẵn sàng dành một phần thu nhập của mình để giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Có những thầy, cô sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình để che chở hoặc hướng dẫn các em học sinh trong chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Tôi cũng biết, nhiều thầy cô đã lặn lội đến tận nhà học sinh để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình các em, chia sẻ và động viên các em trên con đường học tập tu dưỡng. Định hướng để các em có một tương lai tươi sáng hơn. Tôi cũng biết trong sâu thẳm trái tim các thầy, các cô: học sinh cũng chính là con em mình. Rất nhiều thầy, cô đã nghẹn ngào trào dâng nước mắt khi biết tin học sinh của mình đạt kết quả cao trong các kỳ thi hoặc trưởng thành trong sự nghiệp. Những hình ảnh ấy, những sự hy sinh dù nhỏ ấy đáng trân trọng biết bao.

Trong bầu không khí đầy ý nghĩa này cho phép tôi thay mặt các thế hệ học sinh, các thế hệ phụ huynh và xã hội xin bầy tỏ lòng tri ân sâu sắc tới các thế hệ thầy, cô của trường. Kính chúc các thầy, các cô sức khỏe, hạnh phúc và sáng mãi tấm gương “Nhà giáo Việt Nam”.

Kính thưa quý vị khách quý!

Kính thưa các thế hệ cán bộ, giáo viên và học sinh đã từng giảng dạy và học tập tại trường!

Ngày hôm nay, niềm vui của các thế hệ thầy trò nhà trường như được nhân lên gấp bội, ý nghĩa của ngày “Nhà giáo Việt Nam” càng trở lên sâu sắc hơn, khi mà, chúng ta tụ hội về đây, trong niềm xúc động dạt dào và chứa chan tình nghĩa thầy trò, tình cảm bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp để cùng nhau ôn lại những kỉ niệm thân thương trong những tháng ngày cùng đèn sách bên nhau, chia ngọt sẻ bùi, những tháng ngày mà biết bao thế hệ thầy trò đã cùng nhau gieo trồng, vun đắp để tạo dựng nên một tính cách, một truyền thống của ngôi trường này, ngôi nhà chung của tất cả chúng ta vừa tròn 50 tuổi.

Kính thưa quý vị!

Thưa các em học sinh!

Trường Trung học phổ thông Thành phố Điện Biên Phủ mà tiền thân là trường phổ thông cấp 2 – 3 Điện Biên Phủ được thành lập năm 1962. Từ đó đến nay trường đã qua 6 lần đổi tên: Trường phổ thông cấp 2-3 Điện Biên Phủ; Trường Phổ thông cấp 3 huyện Điện Biên; Trường Phổ thông Trung học huyện Điện Biên; Trường Phổ thông Trung học số 1 Điện Biên; Trường Phổ thông trung học Chuyên ban thị xã Điện Biên Phủ; Trường Trung học phổ thông Thị xã Điện Biên Phủ và nay là Trường Trung học Phổ thông Thành phố Điện Biên Phủ. Ban đầu trường chỉ có 1 lớp 8 với 21 học sinh và thầy Phạm Tế Xuyên là người phụ trách trường. Sau đó lần lượt là các thầy, cô từng là hiệu trưởng nhà trường: thầy Nguyễn Mai Phương; thầy Hà Lan; thầy Hoàng Xuân Chi; thầy Lê Hữu Thoại; thầy Nguyễn Song Bình; cô Trịnh Thị Thanh và thầy Vũ Văn Phương.

Giai đoạn 1962 – 1975, trường mang tên Trường phổ thông cấp 2-3 Điện Biên Phủ.

Ngày 2/7/1965, giặc Mỹ ném trái bom đầu tiên xuống Điện Biên. Tháng 8/1965 trường sơ tán về bãi đất hoang bên bờ sông Nậm Rốm (nay là khu vực gần bản Noong Ứng, xã Thanh An, huyện Điện Biên). Chưa kịp khai giảng năm học mới thì do máy bay Mỹ ném bom lần 2 xuống Điện Biên nên trường lại phải tiếp tục sơ tán vào sâu trong rừng thuộc dãy núi phía Đông Mường Thanh (nay là khu vực bản Pú Tỉu xã Thanh Xương, huyện Điện Biên) và phải phân tán thành 2 nơi (cách nhau khoảng 4km): Bộ phận cấp 3 đặt dưới cánh rừng “Huổi Coco” (theo cách gọi của người dân địa phương, nay là vị trí đập ngăn để làm hồ Bo Hoóng) cách bản Bánh, xã Thanh Xương khoảng 1km về phía đông. Bộ phận cấp 2 đặt tại một thung lũng mà dân địa phương gọi là Púng Hồ (cách bản Pú Tỉu, xã Thanh Xương khoảng 1 km về phía đông). Sau ngày 10.4.1967 (ngày giặc Mỹ ném bom vào Púng Hồ), bộ phận cấp 2 tiếp tục sơ tán sang cánh rừng gần địa điểm của cấp 3 (Huổi Coco).

Đến tháng 9 năm 1972 trường chuyển về thị trấn (khu vực Bảo tàng và trường THCS Mường Thanh hiện nay).

Tháng 12 năm 1972, Mỹ tăng cường ném bom bắn phá Miền Bắc, trường lại phải sơ tán một lần nữa về 3 địa điểm: Khu vườn cà phê thuộc phường Thanh Trường hiện nay; Sau đồi Cháy (nay là tổ dân phố 20, phường Mường Thanh); Sau đồi A1 (nay là trường Mầm non Hoa Hồng).

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, trường trở về khu thị trấn cũ (khu vực Bảo tàng và trường THCS Mường Thanh bây giờ).

Trong giai đoạn này, thầy Nguyễn Mai Phương là hiệu trưởng đầu tiên của nhà trường. Hai thầy hiệu phó là thầy Cầm Kim và thầy Phạm Tế Xuyên.

Những năm chiến tranh các thầy cô giáo và học sinh đã vượt lên mọi hiểm nguy, gian khổ để giảng dạy và học tập. Ngày 10 tháng 4 năm 1967, giặc Mỹ rải bom xuống khu vực đóng quân của bộ phận cấp 2 ở Púng Họ. Trong trận bom này, thầy Đỗ Đức Bản, cô Nguyễn Thị Hiền đã hy sinh. Đặc biệt khi cô Hiền mất đi, người con trai của cô mới được 9 ngày tuổi; thầy Hoàng Xuân Chi cũng bị thương và đến nay vẫn còn mang thương tích trên người.

Trong giờ phút thiêng liêng này, tôi rất mong tất cả chúng ta hãy dành một phút lắng đọng tâm tư, thắp nén hương lòng, tưởng nhớ đến thầy cô và bè bạn đã mất (!).

Kính thưa quý vị!

Thưa các em học sinh!

Do phải thay đổi nhiều địa điểm nên nhà trường gặp muôn vàn khó khăn. Lớp học và nhà ở của học sinh và giáo viên sau mỗi lần chuyển địa điểm đều do chính thầy trò nhà trường bằng sức lao động của mình dựng lên. Có thể nói, đây là thời kỳ gian khổ nhất, song cũng là thời kỳ đẹp đẽ nhất, có nhiều kỷ niệm sâu sắc trong các thế hệ thầy trò nhà trường. Trong những năm này, Ban Giám hiệu nhà trường đã cùng tập thể cán bộ giáo viên ngày đêm tận tụy bám trường, bám lớp hết lòng vì học sinh thân yêu; vừa không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho thầy và trò; vừa tích cực góp phần phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương. Trong thời kỳ này tất cả các thầy cô đều không được nghỉ hè và tết.

Kính thưa Quý vị!

Kính thưa các thầy cô giáo và các em học sinh!

Chính trong những năm tháng gian khổ nhưng rất oanh liệt đó nhà trường vẫn phát huy truyền thống cần cù, hiếu học, lập nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua hai tốt. Gương điển hình tiên tiến là học sinh Lê Việt Điền – Tổng kết các môn đều đạt 5/5, được trao tặng Huy hiệu Bác Hồ. Tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp qua các năm đều đạt từ 85% trở lên. Đặc biệt, năm học 1970-1971 đạt 100%. Đội ngũ các thầy cô giáo ngày ấy, đến bây giờ hầu hết đã nghỉ hưu, có người đã đi xa (thầy Nguyễn Mai Phương, thầy Phạm Văn Thấn…); cũng có nhiều người thành đạt, trở thành cán bộ quản lí giỏi của ngành giáo dục như: thầy Hà Lan – Phó Ty Giáo dục Lai Châu, sau chuyển vùng về Hà Nội trở thành Nhà giáo ưu tú – Tiến sỹ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; thầy Cầm Kim – Trưởng Ty Giáo dục Lai Châu; thầy Trần Ngọc Khuê – Hiệu trưởng Trường Cấp III Tuần Giáo – Sau là Phó giám đốc Sở Giáo dục Lai Châu; thầy Phạm Quang Huỳnh – Hiệu trưởng trường cấp III Phong Thổ; thầy Phạm Viết Lộc – Hiệu trưởng Trường THPT Yển Khê – Phú Thọ…

Không phụ lòng dạy dỗ tận tụy của các thầy cô giáo, thế hệ học sinh thời ấy cũng có nhiều người thành đạt – tiêu biểu như: Bác sĩ – thầy thuốc ưu tú Lò Xuân Luyện – Học sinh khóa 1 – Nguyên Giám đốc Sở Y tế  Điện Biên; Bác sĩ – thầy thuốc ưu tú Đặng Thị Thành – Trưởng Khoa sản – Bệnh viện đa khoa Điện Biên; GS – TS Hà Duyên Tư – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội; PGS – TS Nguyễn Công Bằng – Phó hiệu trưởngTrường ĐH Y khoa TháiNguyên; TS Hoàng Thế Ngữ – Chuyên viên Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch HĐQT Công ty vàng bạc đá quý Việt Nam…

Năm học 1974-1975 trường tách ra thành Trường Cấp III Điện Biêntiếp quản Cửa hàng thương nghiệp (khu Liên đoàn Lao động tỉnh Điện Biên và Trường Mầm non Hoa Ban bây giờ). Đây là thời kì nhà trường bước sang một giai đoạn mới với một cấp học độc lập để xây dựng và phát triển. Thầy Hà Lan giữ cương vị Hiệu trưởng, tiếp đó là thầy Hoàng Xuân Chi. Trong những năm này, thầy trò nhà trường vẫn nêu cao tinh thần đoàn kết, hăng say học tập và lao động. Chắc chắn trong kí ức bao học trò ngày ấy vẫn còn lưu giữ những hình ảnh các thầy cô giáo đã tận tình hướng dẫn  học sinh thực hành thí nghiệm trồng lúa mì Kaliasonna (Ấn Độ) trên đồng ruộng; hay ngoài giờ học, thầy trò cùng vui chơi thể thao, lao động tăng gia sản xuất; tham gia phong trào “Diệt dốt” trong  suốt cả hai tháng hè… thầy trò thi đua đạt được những thành tích toàn diện cả về chất lượng giáo dục và hoạt động phong trào thể dục thể thao – văn hóa văn nghệ, v.v…

Năm học 1971-1972 và 1972-1973, nhà trường vinh dự được UBND tỉnh Lai Châu tặng cờ thi đua xuất sắc trong “Phong trào học tập và làm theo Trường Bắc Lí”.

Năm học 1976 -1977 nhà trường vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba- Đó là phần thưởng cao quí thể hiện sự đánh giá cao của Đảng và Chính phủ về những nỗ lực phấn đấu của thầy trò nhà trường trong cả  một chặng đường đầy gian khổ hy sinh.

Cho đến năm học 1978-1979 thì trường chính thức chuyển về địa điểm hiện nay- Mảnh đất “Địa linh”, nằm ngay dưới chân đồi A1 lịch sử. Trường  được đầu tư xây dựng một toà nhà 2 tầng khang trang, song vẫn còn rất nhiều khó khăn thiếu thốn về cơ sở vật chất. Còn nhớ những dãy nhà cấp 4 xây dựng dở dang không thể trát tường, lợp mái vì thiếu vốn… Nhưng với tinh thần đoàn kết nhất trí cao, tập thể BGH và giáo viên, học sinh nhà trường đã khắc phục mọi khó khăn bước đầu phấn đấu đạt được nhiều thành tích trong giảng dạy, học tập… Trong bối cảnh chung: nền kinh tế xã hội quá khó khăn, đời sống CBGV gian khổ, thiếu thốn, song các thầy cô giáo vẫn hết lòng dạy dỗ học sinh. Kết quả là tỉ lệ  học sinh thi đỗ tốt nghiệp qua các năm luôn đạt từ 85 đến 90%.

Nhiều học sinh ngày ấy nay đã trưởng thành – trở thành PGS.TS, trở thành cán bộ quản lí của các ban, ngành ở TW và địa phương. Một số gương mặt điển hình tiêu biểu như: PGS.TS Ngô Xuân Bình, Viện trưởng, trường ĐH Nông Lâm Thái Nguyên; PGS-TS Vũ Ngọc Pi, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên; Anh Lường Văn Cung – Nguyên Chánh thiết kế đường ống dẫn dầu –  Tổng Công ty Dầu khí Vũng Tàu; TS Nguyễn Đại Phượng – PV Báo Tiền Phong.

Và rất nhiều anh chị tốt nghiệp đại học đã trở về xây dựng quê hương Điện Biên – Lai Châu, nay đang giữ trọng trách trong các cơ quan ban, ngành của tỉnh, nhiều người trở thành giáo viên, cán bộ quản lí trong ngành GD& ĐT tỉnh nhà.

Từ 1981 đến 1984, trường mang tên Trường PTTH huyện Điện Biên và từ 1984 đến 1994 là trường PTTH số 1 Điện Biên

Giai đoạn từ 1982 đến 1992 do thầy Lê Hữu Thoại giữ cương vị Hiệu trưởng. Thầy đã cùng với tập thể BGH “chèo lái con thuyền sự nghiệp giáo dục” của nhà trường vượt qua những biến động của xã hội – Thiết lập kỉ cương nề nếp, tạo dựng cảnh quan trường học…

Thầy tận tụy – Trò chuyên cần, không chỉ trong học tập mà còn ở các hoạt động khác như: lao động xây dựng Bảo tàng Quân đội Điện Biên Phủ; lao động sản xuất, thực hành thí nghiệm trên đồng ruộng; ngoại khóa môn học lịch sử trên đồi A1. Phong trào TDTT cũng giành được thành tích tốt: Giải nhất toàn tỉnh môn nhảy cao nam – nữ năm 1985 – 1986)

Năm 1984, Kỉ niệm 30 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, thầy trò nhà trường vinh dự được đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới thăm (21/4/1984). Đại tướng đã ân cần thăm hỏi các thầy giáo, cô giáo và các cháu học sinh, đặc biệt là các học sinh dân tộc. Người cũng bày tỏ mong muốn rằng: Nếu trước đây, Điện Biên Phủ là điểm sáng của phong trào giải phóng dân tộc thì ngày nay Điện Biên Phủ phải phấn đấu để trở thành trở thành điểm sáng về trí tuệ của dân tộc và nhân loại. Hiện nay phòng Truyền thống của trường vẫn còn lưu giữ được những hình ảnh tư liệu quí báu đó.

Những năm cuối thập kỷ 80, lịch sử xã hội có nhiều biến động. Đây là giai đoạn  nền kinh tế đất nước chuyển giao từ cơ chế quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường – Đất nước còn nhiều khó khăn, đời sống giáo viên cũng chịu sự tác động không nhỏ. Với đồng lương GV ít ỏi, nhiều người phải làm thêm nghề phụ để duy trì cuộc sống bình thường; học sinh bỏ học, qui mô trường lớp thu nhỏ. Chính sách giảm biên chế cũng tác động không nhỏ đến tư tưởng CBGV. Song với lương tâm nghề nghiệp của những người gánh vác trọng trách “Trồng Người” trên mảnh đất Điện Biên Phủ lịch sử, anh hùng. Với sự đoàn kết nhất trí của tập thể BGH và Hội đồng Sư phạm, nhà trường vẫn giữ vững danh hiệu Trường tiên tiến xuất sắc cấp tỉnh. Trường có một đội ngũ giáo viên tâm huyết, có năng lực chuyên môn vững vàng, sẵn sàng cống hiến cả tuổi thanh xuân – gắn bó với sự nghiệp Giáo dục của nhà trường – Đó là những tấm gương nhà giáo tiêu biểu như: thầy Nguyễn Song Bình, thầy Phùng Hồng Cổn, thầy Đặng Đình Bưởng, thầy Trần Cương, cô Lê Mai, thầy Cao Trung Chinh, thầy Phạm Thanh Tuấn, thầy Nguyễn Anh Tuấn,  thầy Đỗ Khắc Phượng, thầy Phạm Vân Hùng, thầy Nguyễn Tiến Tăng, … Các thầy cô giáo ngày ấy, bây giờ có nhiều người chuyển vùng, chuyển công tác nhưng vẫn là những nhà giáo, những cán bộ có uy tín cả trong và ngoài ngành giáo dục.

Công lao đóng góp của các thầy giáo, cô giáo đã góp phần tạo dựng nên những trang sử vàng truyền thống của nhà trường – Làm rạng danh tên tuổi Trường PTTH Điện Biên I thời bấy giờ.

Chất lượng giáo dục của trường những năm ấy cũng thật đáng tự hào: Tỉ lệ tốt nghiệp luôn đạt từ 90% trở lên. Có nhiều giải học sinh giỏi quốc gia. Tỉ lệ học sinh đỗ đại học ngày càng tăng lên. Những tên tuổi học sinh thành đạt giai đoạn này phải kể đến như: khóa học 1980-1984 có các HS trở thành Tiến sỹ, Thạc sỹ như: Nguyễn Thị Hoa, Vũ Văn Hải,…

Khóa 1984-1987: có các HS đạt giải Quốc gia như: Phạm Thị Xuân Châu, Phạm Thị Ngọc, Vũ Thị Hương…; Các học sinh giỏi toàn diện sau này trở thành tiến sỹ, thạc sỹ như: Phạm Thị Xuân Châu, Nguyễn Sĩ Quân, Lê Tiến Dũng, Nguyễn Tiến Phúc, v.v… Có nhiều các tập thể lớp thành đạt, tiêu biểu là tập thể 12C1 khoá 1984 – 1987. Nhờ sự quan tâm của các thầy cô chủ nhiệm: thầy Nguyễn Văn Cương, thầy Nguyễn Song Bình, thầy Bùi Duy Chính cùng với lòng nhiệt huyết trong giảng dạy truyền đạt tri thức của các thầy cô giáo mà lớp 12C1 sau 20 năm đã có được những thành tích đáng tự hào – với 1 tiến sỹ, 7 thạc sĩ và nhiều cá nhân tiêu biểu như: Nguyễn Đức Thành – Phó vụ trưởng Vụ quản lí cạnh tranh Bộ Công thương; Thạc sỹ Nguyễn Sỹ Quân – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên…

Năm 1988, Trường vinh dự được đón Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phạm Minh Hạc đến thăm – Đây chính là nguồn động viên cổ vũ lớn lao đối với thầy – Trò nhà trường.

Từ 1994 đến 2000, trường mang tên trường PTTH Chuyên ban thị xã ĐBP và từ 2000 đến 2002 là trường THPT thị xã Điện Biên Phủ. Trong giai đoạn này, thầy Nguyễn Song Bình (1993-1998) và cô Trịnh Thị Thanh (1999-2003) làm hiệu trưởng.

Đây là thời kì nhà trường phát triển đi lên cùng đất nước trong thời kì đổi mới. Chỉ tiêu tốt nghiệp luôn giữ vững từ 80 đến 90%. Học sinh đỗ Đại học-Cao đẳng chiếm tỷ lệ cao – có lớp đạt trên 80% (như các khoá từ 1997 đến 2000). Tỉ lệ HS giỏi cấp tỉnh luôn đứng ở vị trí nhất nhì trong Tỉnh, các năm đều có từ 3 đến 5  học sinh giỏi Quốc gia – được tuyển thẳng vào các Trường ĐH, CĐ.

Năm 1996 – Tổng kết 10 năm đổi mới, trường được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, đó chính là phần thưởng cao quí khích lệ thầy trò nhà trường tiếp tục phấn đấu vươn lên đạt nhiều thành tích cao hơn.

Năm 1998, trường đạt giải nhất các tỉnh miền núi phía Bắc và  giải ba toàn quốc cuộc thi “Bảy sắc cầu vồng”.

Đến năm 2002 trường đổi tên  thành Trường THPT Thị xã Điện Biên Phủ. Liên tục trong các năm học 2000-2001; 2001-2002, Trường vinh dự được đón Thủ tướng Phan Văn Khải, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cùng đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ đến thăm.

Kỉ niệm 40 năm thành lập Trường (1962-2002), thầy trò nhà trường  tự hào đã làm nên những trang sử truyền thống vẻ vang. Nhìn lại chặng đường lịch sử 40 năm xây dựng và phát triển, chúng ta không thể quên những cống hiến lớn lao của các thế hệ học sinh. Trong những năm chiến tranh ác liệt đã có rất nhiều học sinh của trường tình nguyện xung phong ra mặt trận, nhiều lá đơn tình nguyện được viết bằng máu – Những tấm gương hy sinh anh dũng như: Anh hùng liệt sĩ Phạm Văn Hiền và cácliệt sỹ Lê Khanh, Lí Thế Việt, Đào Trường Thọ, Hoàng Phóng…; Anh hùng liệt sĩ Công an nhân dân Hà Ngọc Thao.

Noi gương các thế hệ cha anh đi trước – Thế hệ trẻ hôm nay cũng góp phần làm nên những thành tích vẻ vang trên hành trình tiến vào kỉ nguyên huy hoàng của “Nền kinh tế tri thức”. Những tên tuổi học sinh đạt thành tích cao trong các kì thi học sinh giỏi vòng tỉnh, học sinh giỏi Quốc gia như: Nguyễn Thị Thu Loan, giải nhất Toán vòng tỉnh;  Ngô Duy Kha – Đạt giải nhất môn Toán vòng tỉnh với số điểm: 19,5/20; Lý Đức, ba năm liền đạt giải học sinh môn Toán vòng tỉnh; Nguyễn Thị Hoa Mai- Giải ba môn Văn cấp tỉnh; Đỗ Thị Như Quỳnh- giải nhất môn Văn cấp tỉnh; Nguyễn Thị Dung-Giải nhì môn Văn cấp tỉnh; Nguyễn Thị Bích –  Giải Quốc gia môn Văn; Nguyễn Văn Thành, Trịnh Thị Hằng, Hoàng Thị Huyền- Giải Quốc gia môn Lịch sử…

Đó chính là sự khẳng định công lao to lớn của các thầy, cô giáo. Đến nay, các anh, chị đều đã trưởng thành và đang cống hiến ở mọi miền tổ quốc. Có nhiều các anh, các chị là giảng viên các trường đại học, là thành viên các viện nghiên cứu.

Từ năm 2002 đến 2007, Thầy Vũ Văn Phương là Hiệu trưởng nhà trường.

Đây là giai đoạn ngành giáo dục và đào tạo tiến hành đổi mới toàn diện cả về nội dung và phương pháp dạy học. Nhà trường đã tham gia tích cực và luôn là hạt nhân trong công cuộc đổi mới giáo dục phổ thông. Rất nhiều thầy cô giáo của trường là cốt cán thay sách nhiều năm của tỉnh.

Với quy mô học sinh từ 1700 đến 2000 và quy mô giáo viên trên dưới 100 người, trường THPT thành phố Điện Biên Phủ luôn là trường có quy mô lớn nhất trong khối các trường THPT của tỉnh. Chất lượng giáo dục của nhà trường trong giai đoạn này cũng luôn nằm trong nhóm dẫn đầu của các trường THPT. Trong các năm từ 2002 đến 2006, nhà trường có 125 học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh; 16 học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia; tỷ lệ tốt nghiệp luôn đạt trên 90%. GV dạy giỏi cấp tỉnh luôn đạt tỷ lệ trên 25%. Năm học 2005-2006, trường đạt giải nhất Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.

Trong 5 năm học gần đây, đội ngũ giáo viên luôn đủ về số lượng, tương đối đồng bộ về cơ cấu, tỷ lệ giáo viên giỏi cao. Hầu hết các giáo viên sử dụng thành thạo các thiết bị dạy học hiện đại, tích cực đổi mới phương pháp, ứng dụng hợp lý và hiệu quả CNTT trong giảng dạy.

Số giáo viên giỏi các cấp luôn được duy trì và nâng cao trong từng năm học. Tỷ lệ giáo viên giỏi cấp tỉnh hiện tại của trường là 34,1%. Và tỷ lệ này là cao nhất trong các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT.

Năm học 2011-2012, trường đã được UBND tỉnh công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi của năm học này đạt 45,7%, vượt 7,7% so với tiêu chí của trường chuẩn quốc gia. Cũng trong năm học này, nhà trường đã đạt Giải Nhì Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; Giải Nhì Hội khỏe Phù đổng cấp tỉnh, Giải Nhất Hội thi thiết bị dạy học tự làm, Giải Ba Hội thi thiết kế bài giảng điện tử e-learning.

Chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi, từng bước phát triển vững chắc. Số lượng giải học sinh giỏi các cấp tăng nhanh qua từng năm học. Năm học 2007-2008: 04 giải; Năm học 2008-2009: 15 giải (trong đó có 1 giải quốc gia và so với năm học trước tăng 11 giải);  Năm học 2009-2010: 67 giải (tăng 52 giải so với năm học trước); Năm học 2010-2011: 97 giải (trong đó có 01 giải quốc gia và so với năm học trước tăng 30 giải); Năm học 2011-2012: 143 giải (tăng 46 giải so với năm học trước).

Về thành tích thi đua, từ năm học 2006-2007 đến nay, năm học nào nhà trường cũng được UBND tỉnh công nhận đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”. Hai lần được UBND tỉnh Tặng Cờ thi đua xuất sắc (2008-2009 và 2010-2011). 01 lần được Chính phủ tặng Bằng khen (2009-2010). 01 lần được Chính phủ tặng Cờ thi đua (2010-2011).

Đặc biệt, để ghi nhận và vinh danh những thành tích xuất sắc mà thầy và trò nhà trường đã nỗ lực, cố gắng đạt được trong 5 năm học qua, Chủ tịch nước đã quyết định tặng thưởng huân chương Lao động Hạng 3 cho nhà trường.

Kính thưa Quý vị!

Kính thưa các thầy cô giáo và các em học sinh!

Phấn khởi và tự hào với truyền thống 50 năm, trong giờ phút tràn ngập niềm vui của ngày hội lớn hôm nay, Thầy và trò nhà trường xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Điện Biên, tới Thành ủy, HĐND và UBND thành phố Điện Biên Phủ, tới Sở Giáo dục và Đào tạo đã dành cho trường sự quan tâm chỉ đạo sâu sắc.

Nhà trường cũng xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới các ban ngành đoàn thể của tỉnh, tới cấp ủy và chính quyền các huyện, thị trong tỉnh về những tình cảm quí mến và sự giúp đỡ về nhiều mặt dành cho Trường.

Nhà trường cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới các trường THPT, các phòng Giáo dục, các Trung tâm GDTX, các trường chuyên nghiệp và đặc biệt là các thế hệ cha mẹ học sinh về sự cộng tác chặt chẽ và giúp đỡ quý báu trong công tác giáo dục của nhà trường.

Trong ngày hội lớn hôm nay, Nhà trường rất phấn khởi và tự hào về sự trưởng thành cũng như sự đóng góp cống hiến, hy sinh của các thế hệ cán bộ giáo viên và học sinh kể từ khóa 1 đến nay. Chính các thầy cô giáo và các anh, các chị đã góp phần tô thắm và làm rạng rỡ truyền thống và uy tín của Nhà trường. Từ nhiều tháng nay, các cựu cán bộ, giáo viên, các cựu học sinh đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú, thiết thực hướng về ngày Hội trường. Thầy và trò nhà trường xin gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất tới các thầy cô giáo, tới các anh, các chị và xin các thầy cô giáo, các anh, các chị hãy tin rằng, chúng tôi: những người đang công tác và học tập tại trường sẽ làm hết sức mình để ngôi nhà chung của chúng ta mãi mãi xứng danh với lịch sử truyền thống vẻ vang của mình và là điểm sáng bền vững trong sự nghiệp phát triển giáo dục của tỉnh Điện Biên.

Kính thưa Quý vị!

Kính thưa các thầy cô giáo và các em học sinh!

Trong 50 năm qua, cán bộ giáo viên, học sinh và Nhà trường đã có những hy sinh, đóng góp và cống hiến to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà. Những nỗ lực, cố gắng, những thành tựu đạt được đã được Đảng, Nhà nước và Nhân dân trân trọng ghi nhận.

Tuy nhiên, với vị trí là một trong những trường hàng đầu của các trường THPT trong tỉnh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các ban ngành đoàn thể và nhân dân đang đòi hỏi và kỳ vọng ở Nhà Trường nhiều sự đóng góp to lớn và quyết định hơn nữa.

50 năm đã trôi qua, đứng trước bề dày truyền thống của nhà trường, điều trăn trở lớn nhất của toàn thể lãnh đạo, cán bộ, giáo viên và học sinh Trường THPT thành phố Điện Biên Phủ là: trong thời gian tới phải làm gì để thừa kế và phát huy những thành quả tinh hoa mà bao thế hệ đi trước bằng sức lực, trí tuệ, mồ hôi, nước mắt và cả xương máu, đã để lại cho hôm nay; phải làm gì để đền đáp lại công lao to lớn, sự quan tâm chăm sóc và mong mỏi kỳ vọng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh nhà.

Trên cơ sở những định hướng chiến lược phát triển toàn diện và lâu dài của tỉnh được quy định tại văn kiện Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XII (nhiệm kỳ 2010-2015) và Quy hoạch phát triển giáo dục tỉnh Điện Biên và định hướng đến năm 2020 của Sở GD&ĐT, Trường THPT thành phố xác định:

Xây dựng nhà trường thành đơn vị giáo dục trọng điểm chất lượng cao của tỉnh với mô hình giáo dục hiện đại, tiên tiến đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của mục tiêu giáo dục trung học và nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh. Đồng thời phải góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa vùng Tây Bắc.

Phấn đấu để trường trở thành địa chỉ ưu tiên lựa chọn hàng đầu đối với nhu cầu công tác, học tập, tu dưỡng của cán bộ, giáo viên và học sinh trong tỉnh.

Tạo dựng môi trường giáo dục với nền tảng là kỷ cương, nề nếp và các giá trị sống cốt lõi: đoàn kết, trung thực, trách nhiệm, hợp tác, nhân ái, tự trọng, khiêm tốn.

Phấn đấu để học sinh nhà trường phải là những cá nhân có tư duy độc lập, sáng tạo luôn có khát vọng vươn lên để tự khẳng định mình, có tri thức phổ thông đầy đủ, có kỹ năng sống hoàn thiện và luôn chủ động khi tham gia vào các mối quan hệ xã hội.

Để thực hiện được mục tiêu trên, trước mắt thầy và trò nhà trường cần thực hiện tốt các nhiệm vụ chính đó là:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào do Trung ương Đảng và Bộ GD&ĐT phát động. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Hai không” với 4 nội dung, cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”….

Thứ hai, Thực hiện triệt để chủ trương của Bộ GD&ĐT về đổi mới toàn diện chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục. Đẩy mạnh giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục hướng nghiệp và giáo dục pháp luật một cách sâu sắc và hiệu quả.

Thứ ba, Thực hiện nghiêm túc và có chất lượng chủ trương của Bộ về việc tiếp tục đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu phản ánh đúng chất lượng.

Thứ tư, Tập trung xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên giàu tâm huyết, giỏi chuyên môn, giàu trí tuệ, tinh thông nghiệp vụ đủ sức giải quyết nhanh chóng, hiệu quả các vấn đề thực tiễn cuộc sống nói chung và chất lượng giáo dục nói riêng đặt ra. Xây dựng môi trường làm việc theo hướng tiên tiến, hiện đại và thân thiện.

Thứ năm, củng cố và tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hoá về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học hiện đại.

Thứ sáu, phấn đấu giữ vững và từng bước vượt các chỉ số quy định đối với trường chuẩn quốc gia.

Kính thưa Quý vị!

Kính thưa các thầy cô giáo và các em học sinh!

Với hành trang 50 năm – truyền thống vẻ vang xây dựng và phát triển Nhà trường, với đội ngũ các cán bộ giáo viên năng động, tâm huyết, giàu trí tuệ; với đội ngũ cán bộ, viên chức hết lòng vì sự nghiệp chung; với sự hợp tác chặt chẽ có hiệu quả của cha mẹ học sinh toàn trường, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn trở ngại để xây dựng Trường Trung học phổ thông thành phố Điện Biên Phủ – ngôi nhà chung của tất cả chúng ta – nơi thắm đượm tình thương và trách nhiệm, lòng bao dung và nhân ái, thành một trường trọng điểm chất lượng cao của tỉnh, đủ sức gánh vác và giải quyết những nhiệm vụ mà Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tin tưởng giao phó; Cùng các trường khác trong hệ thống các trường Trung học phổ thông của tỉnh xây dựng một nền giáo dục phổ thông trung thực và lành mạnh, Góp phần cùng ngành giáo dục thực hiện thật tốt sứ mệnh: nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; và đào tạo nguồn lực con người có chất lượng cao cho tỉnh và đất nước.

Cuộc hội ngộ hôm nay dưới mái trường này, chính là sự biểu dương lực lượng và thể hiện quyết tâm của các thế hệ cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường trước hành trình mới, hướng tới mục tiêu cao cả đó.

Xin kính chúc quý vị khách quý, quý vị đại biểu, các thầy cô giáo và các em học sinh sức khỏe, hạnh phúc và thành công!

Trân trọng cảm ơn!