Lịch sử ra đời và ý nghĩa Ngày Thể thao Việt Nam 27/3
Ngay sau khi cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Bác cũng là người khai sinh nền thể dục thể thao (TDTT) của chế độ mới. Ngày 30/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ liên hiệp lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ký Sắc lệnh số 14, thành lập Nha Thể dục Trung ương trong Bộ Thanh niên. Với mục tiêu “xét vấn đề thể dục rất cần thiết để tăng bổ sức khỏe quốc dân và cải tạo nòi giống Việt Nam”, Sắc lệnh nêu rõ: Nha thể thao Trung ương có nhiệm vụ “liên lạc mật thiết với Bộ Y tế và Bộ Quốc gia giáo dục để nghiên cứu và thực hành thể dục trong toàn quốc”.
Gần hai tháng sau, căn cứ theo quyết định của Quốc dân đại hội Việt Nam (Quốc hội khoá 1) họp ngày 2/3/1946 định sự tổ chức của Chính phủ liên hiệp kháng chiến, thay mặt Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ngày 27/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 38 thiết lập Nha Thanh niên và Thể dục trong Bộ Quốc gia giáo dục. Nha gồm có Phòng Thanh niên Trung ương và Phòng Thể dục Trung ương. Trên thực tế, với những quy định của Bộ Quốc Gia giáo dục, Phòng Thể dục Trung ương đảm nhiệm toàn bộ chức năng, nhiệm vụ của Nha Thể dục Trung ương cũ.
Cũng trong ngày 27/3/1946, trên các báo Cứu Quốc, Việt Nam khỏe và nhiều tờ báo khác đăng lời “Hồ Chủ tịch hô hào đồng bào tập thể dục: Sức khoẻ và thể dục”. Trong bài viết, Người kêu gọi: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân khỏe mạnh tức là cả nước khỏe mạnh. Vậy nên luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người dân yêu nước…”
Ngày 29/1/1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ký Quyết định số 25/CT lấy ngày 27/3 hằng năm làm “Ngày Thể thao Việt Nam”. Quyết định ghi rõ Ngày Thể thao Việt Nam được tổ chức hằng năm nhằm thu hút mọi tầng lớp nhân dân và phong trào rèn luyện thân thể và các hoạt động thể thao văn hóa lành mạnh. Ngày 27/3/1946 chính thức là ngày thành lập ngành thể dục thể thao Việt Nam.
Đây là văn kiện lịch sử, được coi như cương lĩnh đầu tiên về xây dựng nền TDTT cách mạng của nước Việt Nam mới, thể hiện tập trung tư tưởng Hồ Chí Minh về TDTT phục vụ sức thịnh. Theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, nhiều nơi trong cả nước dấy lên phong trào Khoẻ vì nước rầm rộ trong năm 1946.
Chỉ thị 36/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII) ngày 24/3/1994 về công tác thể dục thể thao trong giai đoạn mới đã chỉ rõ: “Mục tiêu cơ bản, lâu dài của công tác thể dục thể thao là hình thành nền thể dục thể thao phát triển và tiến bộ, góp phần nâng cao sức khỏe, thể lực, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần của nhân dân và phấn đấu đạt được vị trí xứng đáng trong các hoạt động thể thao quốc tế, trước hết là ở khu vực Đông Nam Á”.
Với những ý nghĩa lịch sử sâu sắc đó, ngày 27-3 được Nhà nước ta lấy làm “Ngày Thể thao Việt Nam” hàng năm để khích lệ phong trào TDTT quần chúng ngày càng được phát triển, nâng cao thành tích thể thao chuyên nghiệp, dần dần đưa TDTT trở thành một bộ phận của văn hóa dân tộc, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
PV. (Tổng hợp)