Lịch sử phát triển – Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang

Thành lập từ tháng 9 năm 1945, cùng với thời điểm khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Gắn liền lịch sử xây dựng, bảo vệ tổ quốc, Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang từ Ty bình dân học vụ nay là Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách xứng đáng với trọng trách cũng như niềm tin mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Sau đây là những nét chính về quá trình hình thành, phát triển của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang từ khi thành lập đến đầu những năm 2000.

THỜI KỲ 1945-1954

* Tháng 9 năm 1945: Thành lập Ty bình dân học vụ và thanh tra giáo dục. Ty bình dân học vụ và thanh tra giáo dục có nhiệm vụ tổ chức hoạt động giáo dục phổ thông và bình dân học vụ. Trụ sở Ty bình dân học vụ và thanh tra giáo dục đóng tại thị xã Phủ Lạng Thương (nay là thị xã Bắc Giang).

* Lãnh đạo Ty bình dân học vụ và Thanh tra giáo dục từ năm 1951 là các ông: Chu Văn Quắc, Trần Lê Tấn, Nguyễn Bình Trọng.

* Cuối năm 1945 thành lập trường trung học Hoàng Hoa Thám, trường trung học đầu tiên của tỉnh (sau này, năm 1957 trường trung học Hoàng Hoa Tham đổi tên thành trường trung học Ngô Sĩ Liên).

* Năm 1946, toàn tỉnh có 313 trường với 12.096 học sinh. Phong trào bình dân học vụ phát triển mạnh, số học viên thoát nạn mù chữ 47.874 người.

* Năm 1952, Ty bình dân học vụ và Thanh tra giáo dục chuyển thành Ty giáo dục phổ thông và bình dân học vụ.

* Năm 1954, Ty giáo dục dục phổ thông và bình dân học vụ được gọi là Ty Giáo dục.

* Hòa bình lập lại (sau năm 1954), Ty Giáo dục trở về thị xã Phủ Lạng Thương.

 

THỜI KỲ 1954-1964

* Trụ sở Ty Giáo dục đóng tại thị xã Phủ Lạng Thương.

* Lãnh đạo Ty thời kỳ này là các ông: Nguyễn Bình Trọng, Nguyễn Thương, Ngô Trí Nhạ, Nguyễn Trọng Nguyên, Trần Văn Mạn, Trần Lê Tấn.

* Năm học 1955-1956 toàn tỉnh có 103 trường cấp 1, 3 trường cấp 2 và 1 trường cấp 3 với 16.704 học sinh.

Phong trào bình dân học vụ được đẩy mạnh, xã Nội Hoàng huyện Yên Dũng là đơn vị đầu tiên của tỉnh thanh toán xong nạn mù chữ vào năm 1957.

* Năm 1960 mở thêm 3 trường Thanh niên dân tộc và 2 trường sư phạm cấp 1 và cấp 2. Học sinh phổ thông có gần 40.000 và 93.984 học viên bổ túc văn hóa. Có 7 huyện, 165 xã thanh toán xong nạn mù chữ.

* Từ năm 1961 đến năm 1963 các huyện Hiệp Hòa, Tân Yên có trường cấp 3.

 

THỜI KỲ TỪ 1964-1975

* Năm 1964, đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, miền Bắc chuyển sang thời chiến. Ty Giáo dục sơ tán về xã Dĩnh Kế (thuộc huyện Lạng Giang), năm 1965 sơ tán về xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang, năm 1966 sơ tán về làng Đầu, xã Cao Thượng, huyện Tân Yên.

* Lãnh đạo Ty Giáo dục thời kỳ này là các ông bà: Ngô Trí Nhạ, Nguyễn Trọng Nguyên, Nguyễn Văn Thư, Trần Văn Mạn, Nguyễn Thị Kiến, Nguyễn Tiến Thư, Hoàng Tâm.

* Từ năm 1965-1968, chiến tranh vô cùng ác liệt nhưng giáo dục vẫn phát triển mạnh. Hệ thống các trường học các cấp tiếp tục tăng. Hầu hết các huyện đều có trường cấp 3. Các trường sư phạm được mở rộng. Một thời gian dài việc học tập của học sinh phải chuyển vào ban đêm. Thời kỳ này có hơn 800 giáo viên, giáo sinh và hàng ngàn học sinh cấp 3 đã hăng hái lên đường cầm súng chiến đấu bảo vệ miền Bắc, giải pháp miền Nam.

* Năm 1970, mỗi huyện, thị xã có 1 trường cấp 3, có huyện có 2 trường cấp 3, đa số các xã có trường cấp 1, cấp 2. Học sinh các cấp học không ngừng tăng, bình quân cứ 3 người dân có 1 người đi học.

* Năm 1972, giặc Mỹ điên cuồng bắn phá miền Bắc, 12 ngày đêm tháng chạp năm 1972, thị xã Bắc Giang bị máy bay B52 ném bom rải thảm. Trường học phải triệt để sơ tán để bảo vệ tính mạng học sinh và giáo viên. Lớp học được làm nửa chìm nửa nổi, việc học tập của học sinh phải chuyển vào ban đêm.

* Trong thời kỳ này, Giáo dục Bắc Giang đã cử hàng trăm giáo viên vào chi viện cho giáo dục vùng mới giải phóng ở miền Nam.

* Năm 1973 sau Hiệp định Pari, Ty Giáo dục trở về thị xã Bắc Giang, các trường học cũng từ nơi sơ tán lần lượt trở về trường cũ.

 

THỜI KỲ TỪ 1975-1996

* Trụ sở Ty Giáo dục đặt tại đường Đàm Thận Huy, thị xã Bắc Giang.

* Lãnh đạo Ty Giáo dục trong thời kỳ này là các ông bà: Lưu Đình Khoa, Ngô Văn Luật, Ngô Xuân Nguyên, Nguyễn Văn Vọng, Nguyễn Ngọc Sơn, Nguyễn Nhung, Nguyễn Thị Kiến, Nguyễn Tiến Thư, Nguyễn Duy Tân, Nguyễn Văn Bảo, Bùi Văn Lợi, Nguyễn Thị Hương Trang.

* Hệ thống giáo dục đã phát triển rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh và thực hiện cải cách, thống nhất hệ thống giáo dục quốc dân trong cả nước.

* Giáo dục Bắc Giang có những phong trào điển hình cho cả nước như Phong trào chăm lo đời sống giáo viên và xã hội hóa giáo dục ở huyện Yên Dũng, phong trào xã hội hóa giáo dục và áo lụa tặng bà ở huyện Việt Yên, phong trào Trần Quốc Toản ở huyện Tân Yên.

* Năm 1983 thực hiện quy định của Nhà nước, Ty Giáo dục đổi thành Sở Giáo dục và Đào tạo.

* Đến cuối năm 1986 có 79 trường mẫu giáo, 226 trường phổ thông cơ sở, 16 trường phổ thông trung học với tổng số 289.016 học sinh và 1.606 học viên bổ túc văn hóa.

* Năm 1987 sáp nhập Ủy ban bảo vệ bà mẹ trẻ em tỉnh vào Sở Giáo dục và Đào tạo, bà Dương Thị Sai – Chủ nhiệm Ủy ban nghỉ hưu.

* Năm 1988 sáp nhập Ban Giáo dục chuyên nghiệp tỉnh vào Sở Giáo dục và Đào tạo. Ông Nguyễn Văn Bảo, Trưởng Ban giáo dục chuyên nghiệp tỉnh được bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.

* Đến năm 1990 toàn tỉnh có 90 trường mầm non, 159 trường phổ thông cơ sở, 73 trường tiểu học, 65 trường trung học cơ sở, 16 trường phổ thông trung học, với tổng số 303.714 học sinh và 1.335 học viên bổ túc văn hóa. Số cán bộ giáo viên có 13.316 người trong đó có 3.000 giáo viên mầm non ngoài biên chế.

* Năm 1995-1996, Bắc Giang có 122 trường mẫu giáo, 176 trường tiểu học, 79 trường phổ thông cơ sở, 147 trường trung học cơ sở, 19 trường phổ thông trung học trong đó có 1 trường bán công, 1 trường dân lập. Tổng số học sinh 375.591 và 2.420 học viên bổ túc văn hóa. Số giáo viên có 14.447 người trong đó có 3.000 giáo viên mầm non ngoài biên chế.

* Tháng 11 năm 1995, Bắc Giang được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học.

* Đến cuối năm 1996, tỉnh Bắc Giang có 124 trường mầm non, 195 trường tiểu học, 159 trường trung học cơ sở, 54 trường phổ thông cơ sở, 23 trường phổ thông trung học trong đó có 1 trường dân lập. Tổng số học sinh là 383.762. Số giáo viên có 14.693 người trong đó có 2.800 giáo viên mầm non ngoài biên chế.

Trong thời kỳ này có 6 nhà giáo của tỉnh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

 

THỜI KỲ TỪ 1997 ĐẾN 2003

* Năm 1997, tỉnh Bắc Giang được tái lập. Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang đặt tại đường Đàm Thận Huy, thị xã Bắc Giang.

* Lãnh đạo Sở thời kỳ này là các ông bà: Nguyễn Văn Vọng, Nguyễn Ngọc Sơn, Nguyễn Nhung, Ngô Văn Thọ, Bùi Văn Sinh, Nguyễn Văn Đạo, Nguyễn Thị Chính.

* Tháng 5/1998, Đại hội giáo dục tỉnh Bắc Giang lần thứ nhất.

* Năm 2000, Sở Giáo dục và Đào tạo được xây dựng lại khang trang kiên cố.

– Kết quả một số mặt giáo dục:

+ Tỷ lệ tốt nghiệp hàng năm từ 97% trở lên.

+ Số học sinh đỗ vào đại học, cao đẳng: năm 1997 là 1.905, năm 1998 là 1.994, năm 1999 là 2.835, năm 2001 là 3.235, năm 2002 là 3.364.

+ Số giải học sinh giỏi văn hóa lớp 12 cấp quốc gia: năm 1997 là 22, năm 1998 là 43, năm 1999 là 40, năm 2000 là 36, năm 2001 là 46, năm 2002 là 60, năm 2003 là 51 giải.

+ Số giáo viên giỏi cấp quốc gia là 11 người.

+ Số lượt cán bộ quản lý giáo viên được công nhận là giáo viên giỏi cấp tỉnh, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh là 1.703 người.

* Năm 2000, trường phổ thông DTNT Lục Ngạn được Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng thời kỳ đổi mới.

* Xây dựng được 67 trường đạt chuẩn quốc gia.

* Thành lập 85 trung tâm học tập cộng đồng làng xã.

* Toàn ngành có 64 thạc sĩ, 04 cán bộ đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ, 85 cán bộ giáo viên đang học thạc sĩ.

* Đến tháng 5 năm 2003, Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang có 2 đảng bộ, 626 chi bộ với 5.446 đảng viên, đạt tỷ lệ 27,5% so với cán bộ giáo viên trong ngành.

* Tháng 6 năm 2003, Bắc Giang được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Tháng 10 năm 2003, Bắc Giang đạt phổ cập giáo dục giáo dục trung học cơ sở (đã đề nghị Bộ GD&ĐT công nhận).

* Giai đoạn này, Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang có 01 đơn vị được Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng thời kỳ đổi mới, 03 đơn vị được Nhà nước tặng Huân chương lao động hạng nhất, 05 đơn vị được Nhà nước tặng Huân chương lao động hạng nhì, 20 đơn vị được Nhà nước tặng Huân chương lao động hạng ba, có 2 nhà giáo được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, 25 nhà giáo được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

* Sở Giáo dục và Đào tạo đã được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh Bắc Giang khen thưởng:

– Huân chương lao động hạng ba năm 1996, hàng nhì năm 2000.

– Tặng cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ năm 2002.

– Tặng cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm học 2002-2003.

– Tặng cờ thi đua và bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo:

+ Cờ thi đua năm 1995, năm 2001-2002.
+ Bằng khen năm 1991, 1992, 1993, 1994, 1995, 1996, 1997, 1998, 1999, 2000, 2001, 2002, 2003.

– Tặng cờ và bằng khen của UBND tỉnh Bắc Giang:

+ Cờ thi đua năm 1991, 1992, 1993, 1994, 1995, 1996, 1997, 1998, 1999.
+ Cờ thi đua xuất sắc thời kỳ đổi mới 1986 – 2000.
+ Bằng khen năm 1986, 1987, 1988, 1992, 1994, 1995, 1997, 1999, 2000, 2001, 2002.

 

SỐ TRƯỜNG, HỌC SINH VÀ CÁN BỘ, GIÁO VIÊN
TỪ NĂM 1997 ĐẾN 2003

 

 

Năm học

1997

1998

1999

2000

2001

2002

2003

Mầm non

Số trường

128

158

182

215

227

227

235

TSHS

62.085

62.959

63.773

63.622

64.031

64.712

66.387

Tiểu học

Số trường

201

219

231

241

245

245

256

TSHS

217.717

215.164

206.868

202.152

191.383

176.392

161.893

THCS& PTCS

Số trường

218

223

224

218

218

221

226

TSHS

101.937

113.301

122.031

121.923

138.438

151.135

154.079

THPT

Số trường

23

28

32

38

40

41

42

TSHS

17.323

22.322

38.309

37.123

43.707

49.313

52.793

GDTX

Số trường

11

11

11

11

11

12

12

TSHS

5.934

5.168

6.119

7.894

7.436

7.991

8.372

GDCN

Số trường

5

5

5

5

5

5

5

TSHS

6.178

7.330

7.204

5.808

6.176

6.396

7.428

Tổng số trường

Số trường

586

644

685

728

746

751

776

TSHS

411.174

426.244

444.304

438.522

451.171

455.939

450.952

Giáo viên

Tổng số

14.667

15.904

16.437

17.145

17.873

19.670

20.809

Khối PGD

13.240

14.375

14.678

15.220

15.684

17.237

18.182

Khối trực thuộc

1.427

1.529

1.759

1.925

2.189

2.433

2.627

 

THỜI KỲ TỪ 2004 ĐẾN 2010

Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang vẫn đặt tại đường Đàm Thận Huy, thị xã Bắc Giang (từ 2005 là thành phố Bắc Giang theo Nghị định số 75/2005/NĐ-CP ngày 07/6/2005 của Chính phủ) . Lãnh đạo Sở thời kỳ này là các ông bà: Nguyễn Ngọc Sơn, Nguyễn Nhung, Ngô Văn Thọ, Bùi Văn Sinh, Nguyễn Văn Đạo, Nguyễn Thị Chính, Nguyễn Đức Hiền, Ngô Thanh Sơn.

Giai đoạn 2004-2015, cùng với sự phát triển về kinh tế – xã hội của tỉnh, giáo dục và đào tạo Bắc Giang tiếp tục có những bước phát triển mới và những thành tựu đáng ghi nhận về nhiều mặt. Quy mô trường lớp, học sinh ở tất các cấp học có sự phát triển hợp lí, đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập ngày càng cao của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

 

Năm học 2004 – 2005: toàn tỉnh có 786 trường học và trung tâm, trong đó: Mầm non 240 trường, tiểu học 256 trường, THCS 219 trường, PTCS 12 trường, THPT 44 trường (33 trường công lập và 11 trường ngoài công lập), 12 trung tâm, 206 trung tâm học tập cộng đồng với trên 45 vạn học sinh, sinh viên các cấp học.

Tỷ lệ trẻ nhà trẻ ra lớp đạt 30.5%; trẻ mẫu giáo ra lớp đạt 77.7%. Tiểu học: 99.7% trẻ 6 tuổi vào lớp 1. THCS: Học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 đạt 99,5%. THPT: Học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 các hệ đạt 72.1%.

Kết quả phổ cập giáo dục giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1 được duy trì vững chắc. Phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1 được chỉ đạo tích cực. Toàn tỉnh có 221/229 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn PCGDTHĐĐTMĐ1, 226/229 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PCGD THCS.

Chất lượng giáo dục toàn diện có chuyển biến. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trong các trường mầm non giảm xuống còn 15.2%. Chất lượng giáo dục mũi nhọn từng bước được nâng lên: thi HSG văn hóa cấp quốc gia đạt 38 giải; thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng xếp thứ 13 toàn quốc.

Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn: Mầm non là 84,6% (trên chuẩn là 6.3%), tiểu học là 99,2% (trên chuẩn 19.9%), THCS là 92,6% (trên chuẩn là 11.6%, THPT là 99.1% (trên chuẩn là 4%). Toàn ngành có 103 thạc sỹ, 117 người đang học cao học.

Tỷ lệ phòng học kiên cố mầm non đạt 18.1%, khối phổ thông đạt 58,5%. Toàn tỉnh có 114 trường đạt chuẩn quốc gia (mầm non 20 trường, tiểu học 74 trường, THCS 20 trường, THPT 3 trường).

 

Năm học 2005 – 2006: toàn tỉnh có 789 trường học và trung tâm, trong đó: Mầm non 242 trường, tiểu học 256 trường, THCS 220 trường, PTCS 12 trường, THPT 47 trường (33 trường công lập và 13 trường ngoài công lập), 217 trung tâm học tập cộng đồng. Trong năm học đã thành lập mới 3 trường: THPT Sơn Động số 3, Dân lập Quang Trung (Yên Dũng) và Tư thục Thanh Hồ (Lục Nam).

Tỷ lệ trẻ nhà trẻ ra lớp đạt 32.2%; trẻ mẫu giáo ra lớp đạt 81%, trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 99.8%. Tiểu học: 99.96% trẻ 6 tuổi vào lớp 1. THCS: Học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 đạt 99,5%. THPT: Học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 các hệ đạt 73.2%.

Kết quả phổ cập giáo dục giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1 được chỉ đạo tích cực. Toàn tỉnh có 227/229 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn PCGDTHĐĐTMĐ1, 227/229 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PCGD THCS.

Chất lượng giáo dục toàn diện có chuyển biến. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trong các trường mầm non giảm xuống còn 13%. Thi HSG văn hóa cấp quốc gia đạt 37 giải; thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng tăng 879 em so với năm học trước.

Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn: Mầm non là 85.7% (trên chuẩn là 9.9%), tiểu học là 99,2% (trên chuẩn 30.1%), THCS là 92,9% (trên chuẩn là 14%, THPT là 99.1% (trên chuẩn là 7.5%). Toàn ngành có 128 thạc sỹ, có 1 nghiên cứu sinh, 116 người đang học cao học.

Tỷ lệ phòng học kiên cố khối phổ thông đạt 62.8%. Toàn tỉnh có 171 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng 55 trường so với năm học trước.

 

Năm học 2006 – 2007: toàn tỉnh có 796 trường học và trung tâm với trên 43 vạn học sinh. Công tác phổ cập giáo dục giáo dục các cấp học được duy trì. Chất lượng giáo dục toàn diện có chuyển biến. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 60.6%. Thi HSG văn hóa cấp quốc gia đạt 38 giải; em Lê Ngọc Sơn đạt Huy chương Bạc Olympic toán quốc tế lần thứ 48. Tỷ lệ phòng học kiên cố bậc mầm non đạt 40% (tăng 12.8%), khối phổ thông đạt 66% (tăng 3%). Toàn tỉnh có 221 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 30% tổng số trường.

 

Năm học 2007 – 2008: toàn tỉnh có 805 trường học và trung tâm, trong đó: Mầm non 247 trường, tiểu học 258 trường, THCS 222 trường, PTCS 12 trường, THPT 49 trường (36 trường công lập và 13 trường ngoài công lập), 12 trung tâm, 100% các xã phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng với trên 43 vạn học sinh, sinh viên các cấp học.

Tỷ lệ trẻ nhà trẻ ra lớp đạt 32%; trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 99.93%. Tiểu học: 99.95% trẻ 6 tuổi vào lớp 1. THCS: Học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 đạt 99,79%. THPT: Học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 là 21.040 học sinh, trong đó hệ ngoài công lập đạt 14.23%.

Kết quả phổ cập giáo dục giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1 được duy trì vững chắc. Phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1 được chỉ đạo tích cực. Toàn tỉnh có 228/229 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn PCGDTHĐĐTMĐ1, 226/229 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PCGD THCS.

Chất lượng giáo dục toàn diện có chuyển biến. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng nhà trẻ giảm còn 9.9%, mẫu giáo còn 10.7%. Chất lượng giáo dục mũi nhọn từng bước được nâng lên: thi HSG văn hóa cấp quốc gia đạt 42 giải, trong đó có 01 giải nhất, 01 giải nhì, 16 giải ba và 20 giải khuyến khích.

Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn: Mầm non là 85,6% (trên chuẩn là 14%), tiểu học là 99,9% (trên chuẩn 41.2%), THCS là 93.7% (trên chuẩn là 22.2%, THPT là 99.96% (trên chuẩn là 9%). Toàn ngành có 157 thạc sỹ, 107 người đang học cao học, 3 nghiên cứu sinh.

Tỷ lệ phòng học kiên cố bậc mầm non đạt 43% (tăng 14.4%), khối phổ thông đạt 69.2%. Toàn tỉnh có 291 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng 70 trường so với năm học trước (mầm non 75 trường, tiểu học 138 trường, THCS 68 trường, THPT 10 trường).

 

Năm học 2008 – 2009: toàn tỉnh có 805 trường học và trung tâm, trong đó: Mầm non 249 trường, tiểu học 259 trường, THCS 220 trường, PTCS 12 trường, 04 trường DTNT, THPT 48 trường (34 trường công lập và 14 trường ngoài công lập), 12 trung tâm, 100% các xã phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng với trên 37 vạn học sinh, sinh viên các cấp học.

Tỷ lệ trẻ nhà trẻ ra lớp đạt 32.2%; trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 99.96%. Tiểu học: 99.98% trẻ 6 tuổi vào lớp 1. THCS: Học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 đạt 99,87%. THPT: Học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp các hệ đạt 80.36%.

Kết quả phổ cập giáo dục giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1 được duy trì vững chắc. Chất lượng giáo dục toàn diện có chuyển biến. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng mầm non giảm còn 9.5%. Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được duy trì: thi HSG văn hóa cấp quốc gia đạt 36 giải, trong đó có 01 giải nhất, 04 giải nhì, 22 giải ba và 9 giải khuyến khích. Thi giải toán trên máy tính cầm tay đạt 24 giải, xếp thứ 2.

Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn: Mầm non là 89.7% (trên chuẩn là 30.2%), tiểu học là 99,9% (trên chuẩn 46%), THCS là 95% (trên chuẩn là 27.1%, THPT và CN là 93.3% (trên chuẩn là 13.7%).

Tỷ lệ phòng học kiên cố khối phổ thông đạt 73%, tăng 6.3%. Toàn tỉnh có 349 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng 69 trường so với năm học trước, đạt 45.9% (mầm non 91 trường, tiểu học 159 trường, THCS 88 trường, THPT 11 trường.

 

Năm học 2009 – 2010: toàn tỉnh có 825 trường học và trung tâm, trong đó: Mầm non 258 trường, tiểu học 259 trường, THCS 226 trường, PTCS 13 trường, THPT 49 trường và 12 Trung tâm, 08 trường CĐ, TCCN với trên 37 vạn học sinh, sinh viên các cấp học (tăng 239 trường). 100% xã, phường, thị trấn đều có trung tâm HTCĐ.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học được củng cố và tăng cường theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa, từng bước đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ phòng học kiên cố khối phổ thông đạt 86,7%, tăng 57,5% so năm 1997. Tháng 7/2010 toàn tỉnh có 431 trường đạt chuẩn quốc gia (mầm non 116 trường, tiểu học 200 trường, THCS 104 trường, THPT 11 trường), đạt tỷ lệ 55,6%; so với năm 2000 tăng 346 trường (trong đó, mầm non tăng 95 trường, tiểu học tăng 143 trường, THCS tăng 98 trường, THPT tăng 10 trường). Hạ tầng cơ sở CNTT được tăng cường đầu tư, Bắc Giang đã có 100% trường học kết nối internet phục vụ công tác quản lý, giảng dạy và học tập; 100% giáo viên THPT được bồi dưỡng kiến thức tin học và ứng dụng CNTT trong dạy học.

Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lí được quan tâm xây dựng, bồi dưỡng chuẩn hoá, nâng cao phẩm chất và nǎng lực. Đến 2010, toàn ngành có 25.098 cán bộ, giáo viên các cấp học; tỷ lệ giáo viên có trình độ đạt chuẩn trở lên đều vượt mục tiêu trong kế hoạch “Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục giai đoạn 2005-2010”, đặc biết là trên chuẩn. Giáo viên đạt chuẩn trở lên: Mầm non là 88,1% (trên chuẩn là 71,4%, tăng 61,5% so với 2005), ở tiểu học là 99,9% (trên chuẩn là 71,2%, tăng 41,1% so với 2005), ở THCS là 96,7% (trên chuẩn là 49,2%, tăng 35,2% so với 2005); ở THPT là 100% (trên chuẩn là 15,1%, tăng 11,6% so với 2005). Toàn tỉnh có 192 thạc sĩ, 231 người đang học thạc sỹ và 4 nghiên cứu sinh tiến sỹ; 157 chiến sỹ thi đua cấp tỉnh; 3.711 chiến sỹ thi đua cấp cơ sở; 1.453 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 23 giáo viên giỏi cấp quốc gia; 22 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, 7 cá nhân được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động, 32 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 163 cá nhân, 106 tập thể được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen. Năm 2006, trường THPT Ngô Sĩ Liên được Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị anh hùng thời kỳ đổi mới.

Chất lượng và hiệu quả giáo dục các cấp học có nhiều chuyển biến tiến bộ. Nhiệm vụ PCGDTH đúng độ tuổi và phổ cập THCS tiếp tục được duy trì và củng cố vững chắc, toàn tỉnh có 230/230 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ PCGDTH đúng độ tuổi và PCGD THCS. Chất lượng chăm sóc sức khỏe, giáo dục phát triển trí tuệ cho trẻ trong các trường mầm non đạt khá, tỷ lệ huy động trẻ ra nhóm nhà trẻ đạt 31%; ra mẫu giáo đạt 91,1% so với độ tuổi; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng đã giảm xuống còn 8,5%. Hàng năm, tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi ra học lớp một đạt 99,98%; đặc biệt, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 đạt 100%; tuyển sinh vào lớp 10 các hệ đạt trên 81,0%.

Cuộc vận động “Hai không” với 4 nội dung, qua 4 năm thực hiện đã đi vào chiều sâu và đạt được những kết quả tích cực; chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên. Kết quả thi tốt nghiệp THPT đạt 97,8%, tăng 9,7% so với năm học 2008 – 2009; bổ túc THPT đạt 93,8%, tăng 29,78% so với năm học 2008 – 2009. Học sinh đỗ đại học, cao đẳng tăng nhanh, năm 2009 có 11.732 em (tăng 6.612 em so năm 2005), năm 2010 điểm bình quân 3 môn thi đại học, Bắc Giang xếp thứ 15 toàn quốc, tăng 3 bậc so với năm 2009. Chất lượng giáo dục mũi nhọn được duy trì, năm học 2009-2010 có 46 học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia, trong đó có 7 giải nhì, 30 giải ba, 9 giải KK; thi giải toán trên máy tính cầm tay lớp 9 và lớp 12 khu vực có 24 em đoạt giải, đứng thứ nhì toàn đoàn. Trong kỳ thi Olympic Toán quốc gia, đoàn học sinh Tiểu học đoạt huy chương Vàng, THCS đoạt huy chương Đồng.

Công tác xã hội hóa giáo dục, xây dựng trường chuẩn quốc gia được quan tâm, đầu tư. Tỷ lệ phòng học kiên cố khối phổ thông đạt 85.6%, tăng 12.6%. Toàn tỉnh có 416 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng 67 trường so với năm học trước, đạt 53.7%.

 

THÀNH TỰU NỔI BẬT TRONG 5 NĂM GẦN ĐÂY (2011 – 2015) VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM

 

Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang vẫn đặt tại đường Đàm Thận Huy, thành phố Bắc Giang. Năm 2015, Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang tiếp tục được tỉnh Bắc Giang đầu tư xây dựng trụ sở mới tại Lô Q10, Khu dân cư số 2, đường Lý Tự Trọng, phường Xương Giang, thành phố Bắc Giang.

Lãnh đạo Sở thời kỳ này là các ông bà: Ngô Văn Thọ, Nguyễn Đức Hiền, Ngô Thanh Sơn, Nguyễn Thị Ngọc Thu, Trần Tuấn Nam.

Trụ sở cơ quan Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang từ năm 2000 đến tháng 11/2016.
Trụ sở cơ quan Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang từ năm 2000 đến tháng 11/2016.

 

Những thành tựu đạt được

Giai đoạn 2011-2015 cùng với sự phát triển về kinh tế – xã hội của tỉnh, giáo dục và đào tạo Bắc Giang đã có những bước phát triển mới và những thành tựu đáng ghi nhận về nhiều mặt.

 

Quy mô mạng lưới tiếp tục phát triển hợp lý đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân trong tỉnh

Đến năm học 2015-2016, toàn tỉnh có 838 cơ sở giáo dục và đào tạo (tăng 13 cơ sở giáo dục so năm 2011) với 384.322 học sinh, sinh viên. Trong đó 274 trường mầm non (tăng 11 trường), 260 trường tiểu học (tăng 01 trường), 225 trường THCS (02 trường dân tộc nội trú), 15 trường TH&THCS (tăng 02 trường), 37 trường THPT công lập (03 trường phổ thông dân tộc nội trú), 13 trường THPT ngoài công lập (giảm 02 trường), 12 trung tâm, 01 trường cao đẳng, 01 trường trung cấp chuyên nghiệp. 100% xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng. Thành lập mới 03 trường phổ thông dân tộc bán trú cấp THCS (Trường THCS An Lạc huyện Sơn Động, Trường THCS Sơn Hải, Hộ Đáp huyện Lục Ngạn).

 

Tỉ lệ huy động trẻ ra nhà, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo và tuyển sinh vào các lớp đầu cấp đạt cao. Đến nay, tỷ lệ trẻ nhà trẻ ra lớp đạt 31.5%; trẻ mẫu giáo ra lớp đạt 96.8%. Tiểu học: 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1. THCS: Học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 đạt 99,5%. THPT: Học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 các hệ đạt 84,9%

 

Kết quả phổ cập giáo dục giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1 và phổ cập THCS được duy trì vững chắc tại 100% các xã, phường, thị trấn. Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 được chỉ đạo tích cực. Hiện toàn tỉnh có 230/230 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PCGDMNTNT, 10/10 huyện, thành phố và 224/230 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn PCGDTHĐĐTMĐ2; tỉnh Bắc Giang được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi năm 2013 (hoàn thành trước 1 năm so với kế hoạch), đạt chuẩn quốc gia về PCGDTHĐĐTMĐ2 tại thời điểm tháng 9/2015. 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PCGD THCS.

 

Quy mô trường lớp các cấp học tại vùng dân tộc, vùng khó khăn phát triển hợp lý đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân (toàn tỉnh có 52 xã đặc biệt khó khăn và an toàn khu, 01 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ). Các xã, thị trấn đều có đủ 3 cấp học, tổ chức các lớp ghép tới các bản làng, mỗi huyện miền núi vùng cao có ít nhất 3 trường THPT, 1 trung tâm GDTX-DN đáp ứng nhu cầu của học sinh.

 

Chất lượng giáo dục và đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực

Chất lượng giáo dục toàn diện có chuyển biến tích cực và phát triển vững chắc. Thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng GDMN, chăm sóc, giáo dục trẻ tại các cơ sở GDMN, tại gia đình và cộng đồng; chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ được đảm bảo. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 3.9 %, thể thấp còi 4.6%. 100% trẻ được đảm bảo an toàn, không có tình trạng ngộ độc xảy ra. Tỷ lệ HS đỗ tốt nghiệp THPT năm 2016 đạt 98.64%. Chất lượng giáo dục mũi nhọn từng bước được nâng lên: thi HSG văn hóa cấp quốc gia năm 2016 xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố về số lượng giải; tham gia các cuộc thi khu vực và toàn quốc đều xếp trong tốp 1-3 toàn quốc.

 

Công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý

Đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục được quan tâm xây dựng, cơ bản được bố trí đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu bộ môn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Toàn ngành hiện có 27.482 CB, GV, NV, trong đó 2.326 CBQL, 22.553 GV, 2.603 NV. Tỷ lệ GV/lớp ở bậc mầm non đạt 1,64; TH đạt 1,43; THCS 2,05; THPT đạt 2,3 GV/lớp; các trung tâm GDTX-DN cấp huyện đều được bố trí đủ 8 GV văn hoá các môn cơ bản, 01 GV tin học và từ 5 đến 6 GV dạy nghề, hướng nghiệp. Đội ngũ nhân viên hành chính được tuyển dụng, bổ sung đảm bảo quy định, bình quân mỗi trường mầm non có 1,52, TH có 3,48, THCS có 4,4, THPT công lập có 5,32 nhân viên hành chính.

 

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ CBQL, GV được triển khai tích cực. Chất lượng đội ngũ CBQL, GV không ngừng được tăng lên, góp phần ổn định và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện các cấp học. 100% CBQL các trường học có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn. Về trình độ GV: Mầm non đạt chuẩn trở lên 99,8%, trên chuẩn 81.5; tiểu học đạt chuẩn trở lên 99,9% (tăng 0,1% ), trên chuẩn 85.02% (tăng 6.32%); THCS đạt chuẩn trở lên 99.8% (tăng 5.9%), trên chuẩn 69.4% (tăng 7.8%); 100% GV THPT đạt chuẩn, trên chuẩn 15.3% (tăng 0.2%). Toàn ngành hiện có 4 nghiên cứu sinh; 76 người đang học thạc sĩ.

 

Xây dựng CSVC trường học, xây dựng trường chuẩn quốc gia

Cơ sở vật chất trường lớp và thiết bị dạy học, cơ sở hạ tầng về CNTT tiếp tục được quan tâm đầu tư theo hướng kiên cố hoá, chuẩn hoá và hiện đại. Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã đã đầu tư hơn 635 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học. Đến nay, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 84,2%, trong đó mầm non 70,8%, TH 85,8%, THCS 92,2%, THPT công lập 96,2%. Toàn tỉnh có 647 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 80% tổng số trường, trong đó mầm non: 194 trường (70,3%); TH: 245 trường (94,2%); THCS: 178 trường (79,1%); THPT: 30 trường (62,5%).

 

Bài học kinh nghiệm

Để thực hiện thành công nhiệm vụ, mục tiêu phát triển giáo dục và đào tạo trong những năm qua, ngành giáo dục Bắc Giang đã đúc rút được những bài học kinh nghiệm sau:

 

– Muốn thực hiện thành công mục tiêu phát triển và đổi mới GD&ĐT phải có sự quan tâm, đầu tư của cả hệ thống chính trị trong đó ngành GD&ĐT phải nêu cao vai trò chủ động, sáng tạo và quyết tâm cao. Phải làm tốt công tác tham mưu với lãnh đạo các cấp để ban hành hệ thống văn bản nhằm cụ thể hoá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về GD&ĐT phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, tạo hành lang pháp lý và cơ chế thuận lợi cho phát triển GD&ĐT. Đồng thời, phải thực hiện tốt công tác phối hợp với các cấp, các ngành, các đoàn thể, các địa phương để tạo sự đồng thuận và huy động sự vào cuộc của toàn xã hội với sự nghiệp giáo dục. Ở đây, công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc tạo cầu nối giữa ngành giáo dục với toàn xã hội. Mặt khác, phải biết lắng nghe phản biện từ xã hội để có những tham mưu, điều chỉnh kịp thời những chủ trương đổi mới. Sự quyết tâm đổi mới phải được thể hiện trước hết trong tư tưởng và hành động của đội ngũ CBQL và tập thể cán bộ GV mỗi đơn vị – chủ thể của công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT. Quyết tâm đổi mới sẽ tạo nên tâm thế vững vàng để toàn ngành thực hiện thành công mọi nhiệm vụ đề ra.

 

– Kỷ cương – nền nếp – chất lượng – hiệu quả là những tiêu chí quan trọng để ngành giáo dục tạo được niềm tin và khẳng định vị thế trong xã hội. Bởi vậy, phải thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, công tác thanh tra, kiểm tra nhằm giữ vững kỷ cương, nền nếp trường, lớp học; đặc biệt coi trọng công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch. Khi xây dựng kế hoạch phải biết “nhìn xa”, “thấy rộng”; kế hoạch phải đảm bảo tính sát thực, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm với những giải pháp cụ thể, sáng tạo; thường xuyên rà duyệt tiến độ để kịp thời có những giải pháp điều chỉnh, tháo gỡ, hoàn thành mục tiêu đề ra.

 

– Đội ngũ là yếu tố then chốt quyết định chất lượng giáo dục và sự thành bại của sự nghiệp đổi mới giáo dục, bởi vậy, phải xây dựng được đội ngũ nhà giáo và CBQL các cấp học đủ về số lượng, có năng lực và trình độ chuyên môn đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vu, biết giữ gìn đạo đức nhà giáo, có tinh thần trách nhiệm cao, say mê, tâm huyết và tận tuỵ với nghề, hết lòng vì sự nghiệp. Đặc biệt, phải đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, lấy chất lượng, hiệu quả công việc để đánh giá người đứng đầu và đơn vị. Người đứng đầu phải có trí, có tâm, có tầm và có tinh thần trách nhiệm cao, có tác phong và phương pháp làm việc khoa học để có khả năng quy tụ, khơi dậy sức mạnh tập thể chung sức hoàn thành nhiệm vụ.

 

– Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn, cần làm tốt công tác xã hội hoá giáo dục để huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục. Xã hội hoá chính là một trong những “chìa khoá”, là phương tiện để ngành giáo dục đạt được mục tiêu trong điều kiện hiện nay.

 

– Các phong trào thi đua phải được triển khai thiết thực, có hiệu quả; làm tốt công tác khen thưởng để động viên kịp thời và tạo động lực phấn đấu cho CB, GV, HS và thúc đẩy các hoạt động dạy và học trong các nhà trường.

 

MỤC TIÊU VÀ CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO GIAI ĐOẠN 2016 – 2020

 

* Mục tiêu chung

Thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, của cả nước và nhu cầu học tập của nhân dân trong tỉnh. Chú trọng phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học, quan tâm đến dạy người, dạy chữ và dạy nghề.

 

Thực hiện tốt chủ trương xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; thực hiện công bằng trong giáo dục, quan tâm phát triển giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được xác định trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển giáo dục đào tạo của tỉnh đến năm 2020; phấn đấu đến năm 2030, cùng với giáo dục cả nước đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.

 

* Chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể

 

– Giáo dục mầm non

Từng bước chuẩn hóa hệ thống trường, lớp. Huy động trẻ trong độ tuổi ra nhà trẻ đạt trên 30%, ra lớp mẫu giáo đạt trên 95%. Củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi. Nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, giúp trẻ phát triển thể chất, tình cảm, hiểu biết, thẩm mỹ, hình thành các yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị tốt cho trẻ vào lớp 1; giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng xuống dưới 6%. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất – kỹ thuật trường học và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Phấn đấu đến năm 2017 xoá xong 240 phòng học tạm, 333 học nhờ; trên 88,5% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia vào năm 2020.

 

– Giáo dục phổ thông

Củng cố vững chắc và nâng cao chất lượng kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập THCS; đến năm 2020 tỉnh Bắc Giang đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 3 và đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2. Hoàn thiện hệ thống trường phổ thông trọng điểm chất lượng cao các huyện, thành phố, đáp ứng nhu cầu phát triển của giáo dục, nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh, đồng thời xây dựng đội ngũ giáo viên giỏi các bộ môn, làm nòng cốt trong bồi dưỡng đội ngũ giáo viên trong toàn ngành.

 

Tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; phát triển khả năng sáng tạo, tự học, khuyến khích học tập suốt đời.

 

Chuẩn hóa, nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, tin học, phấn đấu học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông có thể sử dụng thành thạo 01 ngoại ngữ và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc.

 

Bảo đảm cho học sinh có trình độ THCS có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS; chuẩn bị các điều kiện để thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020. Phấn đấu có trên 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục THPT và tương đương.

 

Bố trí giáo viên đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, đồng bộ về cơ cấu bộ môn theo quy định; thực hiện chuẩn hóa đội ngũ giáo viên theo từng cấp học và trình độ đào tạo; 100% giáo viên đạt chuẩn đào tạo về chuyên môn, có năng lực sư phạm. Trong đó trên chuẩn: tiểu học 92,3%; THCS 70,5%; THPT 25,1%. 100% cán bộ quản lý giáo dục các cấp được bồi dưỡng về lý luận chính trị và nghiệp vụ quản lý.

 

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng và nâng cao chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ kiên cố hóa đạt trên 96%, trường chuẩn quốc gia tiểu học đạt 97,7%, THCS đạt 88,8%, THPT đạt 75,5%; có đủ phòng học chức năng, phòng học bộ môn theo quy định.

 

– Giáo dục thường xuyên

Phát triển giáo dục thường xuyên, tạo cơ hội cho mọi người có thể học tập suốt đời, phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện thực tế; bước đầu hình thành xã hội học tập. Chất lượng giáo dục thường xuyên được nâng cao, giúp người học có kiến thức, kỹ năng thiết thực để tự tạo việc làm hoặc chuyển đổi nghề nghiệp, nâng cao chất lượng cuộc sống

 

Nâng cao chất lượng các trung tâm học tập cộng đồng; tăng cường sự liên kết phối hợp hoạt động giữa trung tâm giáo dục thường xuyên – dạy nghề với trung tâm học tập cộng đồng, trường chuyên nghiệp, trường nghề đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của nhân dân; duy trì vững chắc kết quả xóa mù chữ, bảo đảm xoá mù chữ bền vững. Phấn đấu tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 – 60 tuổi đạt 99,98%.

 

– Giáo dục chuyên nghiệp

Tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; đào tạo ra những con người có năng lực sáng tạo, tư duy độc lập, trách nhiệm công dân, đạo đức và kỹ năng nghề nghiệp, năng lực ngoại ngữ, kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp, khả năng tự tạo việc làm và khả năng thích ứng với những biến động của thị trường lao động và một bộ phận có khả năng cạnh tranh trong khu vực.

 

Thực hiện đào tạo theo nhu cầu xã hội, nâng cao năng lực các trung tâm giáo dục thường xuyên – dạy nghề, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để có đủ khả năng tiếp nhận 30% số học sinh tốt nghiệp THCS vào học và đảm bảo học sinh tốt nghiệp có việc làm, đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Phấn đấu tỷ lệ người lao động qua đào tạo đạt 70% vào năm 2020.

 

* Các giải pháp chủ yếu thực hiện

– Tăng cường công tác tuyên truyền về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Tổ chức quán triệt, học tập và tuyên truyền các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29-NQ/TW (khóa XI), Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 09/6/2014; Chương trình hành động số 63-CTr/TU ngày 08/8/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Kế hoạch số 151/KH-UBND ngày 05/11/2014 của UBND tỉnh đến các cấp, các ngành, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh để tạo sự đồng thuận cao.

 

Xác định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, đầu tư cho giáo dục, đào tạo là đầu tư cho sự phát triển, để từ đó có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; phát huy trách nhiệm của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, các gia đình trong việc tích cực thực hiện xã hội hóa giáo dục; tham gia tạo các nguồn lực phát triển giáo dục đào tạo; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, xã hội học tập và học tập suốt đời.

 

Phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng, các ngành, các địa phương các cơ sở giáo dục đào tạo đổi mới nội dung, hình thức, cơ chế phối hợp để có sự thống nhất, hiệu quả trong công tác thông tin tuyên truyền. Tăng cường tuyên truyền về đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp, các kết quả, kinh nghiệm của các địa phương về giáo dục đào tạo. Kịp thời phát hiện, biểu dương gương người tốt, việc tốt trong các hoạt động giáo dục đào tạo.

 

– Hoàn thiện hệ thống giáo dục đào tạo theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo, Quy hoạch hệ thống cơ sở dạy nghề đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động và nhu cầu học tập suốt đời của nhân dân trong tỉnh. Đẩy mạnh phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông.

 

Tiếp tục phát triển mạng lưới giáo dục mầm non đáp ứng nhu cầu giáo dục, chăm sóc trẻ của cha mẹ học sinh, đặc biệt ở vùng khó khăn, vùng dân cư tập trung các khu, cụm công nghiệp; xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập. Củng cố, xây dựng, nâng cao chất lượng các trường phổ thông DTNT; xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú tại các xã đặc biệt khó khăn, có nhiều học sinh dân tộc.

 

Các huyện, thành phố ở mỗi cấp học xây dựng một trường điểm làm mô hình để triển khai đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo. Đồng thời xây dựng trường THCS điểm thành trường chất lượng cao; xây dựng trường THPT chuyên Bắc Giang thành trường trọng điểm chất lượng cao của tỉnh.

 

– Triển khai thực hiện đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp dạy học theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học

Trên cơ sở mục tiêu đổi mới giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29-NQ/TW (khóa XI), xác định rõ và công khai mục tiêu, chuẩn đầu ra của từng cấp học, môn học, chương trình, ngành và chuyên ngành đào tạo, coi đó là cam kết bảo đảm chất lượng của từng đơn vị, là căn cứ giám sát, đánh giá chất lượng giáo dục đào tạo.

 

Quan tâm dạy tiếng nói và chữ viết của các dân tộc thiểu số, đặc biệt là tiếng Tày – Nùng; chú trọng giáo dục truyền thống, văn hoá dân tộc, xây dựng và phát triển những giá trị truyền thống của các dân tộc.

 

Triển khai thực hiện linh hoạt, có hiệu quả nội dung, chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT; chú trọng việc tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống và rèn luyện kỹ năng cho học sinh. Tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch dạy học tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục đến năm 2020.

 

Đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; thực hiện học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội. Đa dạng hóa các hình thức học tập; trong quá trình học tập, người học phải được trải nghiệm thực tế, được trực tiếp tham gia các hoạt động, lao động, sản xuất gắn với nội dung, ngành nghề được học tập, đào tạo.

 

– Thực hiện đổi mới hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo bảo đảm trung thực, khách quan

Thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Bộ GD&DDT về tổ chức thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo theo các tiêu chí tiên tiến được xã hội và cộng đồng giáo dục thế giới tin cậy và công nhận. Chuyển từ đánh giá bằng cách cho điểm sang đánh giá bằng nhận xét đối với học sinh tiểu học; vận dụng cách đánh giá của chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA), PASEC vào chương trình giáo dục phổ thông để làm căn cứ đề xuất chính sách, giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.

 

Tổ chức thực hiện nghiêm túc việc đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, đảm bảo giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Đánh giá và công nhận tốt nghiệp giáo dục nghề nghiệp trên cơ sở kiến thức, năng lực thực hành, ý thức kỷ luật và đạo đức nghề nghiệp; xây dựng cơ chế để tổ chức và cá nhân sử dụng lao động tham gia vào việc đánh giá chất lượng của cơ sở đào tạo.

 

Từng bước hình thành hệ thống kiểm định độc lập về chất lượng giáo dục, đào tạo. Thực hiện kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục, đào tạo và các chương trình đào tạo; công khai kết quả kiểm định chất lượng giáo dục. Chú trọng kiểm tra, đánh giá, kiểm soát chất lượng giáo dục, đào tạo đối với các cơ sở ngoài công lập, các cơ sở có yếu tố nước ngoài.

 

– Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo

Củng cố và nâng cao năng lực Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong tỉnh. Tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục để không ngừng nâng cao phẩm chất, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo và dạy nghề và yêu cầu triển khai chương trình, sách giáo khoa mới; phát triển đội ngũ nhà giáo cốt cán ở từng bộ môn của các cấp học làm nòng cốt đổi mới giáo dục, đào tạo và dạy nghề.

 

Đổi mới phương thức tuyển dụng, sử dụng lao động theo hướng chú trọng năng lực, chất lượng, hiệu quả công việc thực tế. Có chính sách để thu hút người giỏi vào ngành giáo dục; động viên, khuyến khích nhà giáo đi học để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Thực hiện đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trên cơ sở đánh giá năng lực, đạo đức nghề nghiệp và hiệu quả công tác. Xây dựng quy định về việc miễn nhiệm, bố trí công việc khác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ.

 

Xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán làm nòng cốt đổi mới giáo dục đào tạo. Tăng cường các khóa bồi dưỡng thông qua các chương trình hợp tác với các trường đại học, các dự án quốc tế để nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên, đáp ứng được nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

 

– Đổi mới công tác quản lý giáo dục đào tạo, coi trọng quản lý chất lượng; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ cấu tổ chức và biên chế của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT theo Nghị định 115/2010/NĐ-CP của Chính phủ cho phù hợp với tình hình thực tiễn; đảm bảo các cơ quan quản lý giáo dục, đào tạo tham gia quyết định về quản lý nhân sự, tài chính cùng với quản lý thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

 

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm định chất lượng các hoạt động giáo dục đào tạo; quản lý chặt chẽ việc chấp hành các quy định, nội quy, quy chế; xử lý nghiêm túc, kịp thời đối với các cá nhân và tổ chức có vi phạm.

 

Thực hiện tốt công tác dự báo nguồn nhân lực để xác định chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo nghề, đào tạo cao đẳng, đại học hàng năm trên cơ sở nhu cầu thị trường lao động, năng lực đào tạo của cơ sở giáo dục đào tạo.

 

– Đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường cơ sở vật chất và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục đào tạo

Phân bổ ngân sách cho giáo dục đào tạo được ưu tiên trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Quan tâm đầu tư phát triển giáo dục đào tạo ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho các cơ sở giáo dục đào tạo, đặc biệt cơ sở vật chất rèn luyện thể lực và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên; thực hiện chương trình kiên cố hóa và xây nhà công vụ giáo viên; xây dựng trường chuẩn quốc gia. Triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và hoạt động giáo dục đào tạo.

 

Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đặc biệt đối với giáo dục mầm non, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Huy động sự tham gia của toàn xã hội để tăng nguồn đầu tư cơ sở vật chất và hỗ trợ các hoạt động giáo dục. Khuyến khích hợp tác, liên kết giữa các cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề; phối hợp giữa các cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề với các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp có uy tín để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

 

– Nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ; chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế trong giáo dục đào tạo

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và ứng dụng các thành tựu mới về khoa học giáo dục, khoa học công nghệ và khoa học quản lý. Tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học trong giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên; khuyến khích và tôn vinh cá nhân, tập thể tích cực nghiên cứu và có các giải pháp kỹ thuật, sáng kiến kinh nghiệm áp dụng có hiệu quả thiết thực phục vụ quản lý, giáo dục. Gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu, giữa các cơ sở đào tạo với các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

 

Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút các nguồn đầu tư nước ngoài cho giáo dục đào tạo; khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, các chủ đầu tư nước ngoài thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tổ chức các khoá đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho người lao động trên địa bàn tỉnh; thu hút các nhà giáo, nhà khoa học giỏi, người nước ngoài tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn tỉnh.

Cập nhật lần cuối: 04/01/2017.
(Còn nữa…)

BBT.ls