Lễ hội xuống đồng của người Tày, Nùng

(BGĐT) – Đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở Bắc Giang còn bảo lưu được nhiều phong tục, lễ hội truyền thống tốt đẹp được thể hiện trong kho tàng di sản văn hóa, trong đó phải kể tới lễ hội “lồng tồng” hay còn gọi là hội xuống đồng được tổ chức vào đầu xuân.

Theo truyền thống, cứ vào dịp đầu tháng Giêng, người Tày, Nùng lại mở hội xuống đồng để tổng kết một năm lao động, sản xuất và chuẩn bị cho công việc gieo trồng mùa vụ mới. Các dòng họ trong làng đều được phân công lo các phần việc chuẩn bị mở hội như: Chọn dây song để kéo co, chọn con quay, lễ vật dâng cúng… 

Lễ hội xuống đồng, dân tộc Tày, Nùng, Bắc Giang

Nghi lễ xuống đồng với đường cày đầu tiên, mong muốn vạn vật sinh sôi, mùa màng tươi tốt. Ảnh minh họa.

Vào ngày tổ chức lễ hội, đồng bào chọn ra một đám ruộng to nhất. Ngay từ sáng sớm trong làng đã vang lên hồi chiêng trống rộn rã. Lễ rước Thổ Công và Thần Nông tiến ra khu ruộng nơi diễn ra lễ hội. Đi đầu là người đánh chiêng, hai người thổi kèn loa gỗ, theo sau là thầy cúng, đôi nam nữ bê mâm lễ vật dâng cúng, một đôi nam nữ khiêng cuộn dây kéo co, đi sau cùng là 2 người khiêng trống, vừa đi vừa đánh. Theo định lệ mỗi gia đình trong làng chuẩn bị một mâm cỗ để đưa ra ruộng nơi tổ chức lễ hội cúng tế. Lễ vật dâng cúng có gà luộc, thịt lợn luộc, xôi các màu… 

Mâm cỗ của các gia đình được tập trung trước bàn thờ chính có cắm cây nêu bằng tre, dán giấy đỏ, dưới bàn thờ chính có đặt cuộn dây để kéo co. Một hồi chiêng vang lên, lễ cúng mở hội bắt đầu. Thầy cúng đọc lên bài cúng mời Thần Nông, Thổ Công, Thần các con suối, Thần các ngọn núi về dự lễ cúng. Nội dung các bài cúng cầu mong: Lúa tốt như cỏ lau, cỏ lác, hạt to như quả đao không có sâu cắn phá; cá nằm chật suối, chật ao; trâu lợn đầy đàn; gà vịt đầy sân; người người khỏe mạnh, nhà nhà đông con, làng bản thêm nhiều trẻ nhỏ, không người ốm đau…

Cúng xong ở ban cúng chính, Thầy cúng, già làng, trưởng thôn đi chấm mâm cỗ của các gia đình. Mâm cỗ được giải phải bày đúng nghi lễ truyền thống theo đó phải có thịt gà, thịt lợn, xôi 3 màu… Chấm xong, các gia đình hạ cỗ, cả làng cùng ăn uống tại chỗ. 

Theo quan niệm của người Tày, Nùng nhà nào mời càng nhiều khách đến ăn thì nhà đó càng may mắn có nhiều lộc trong năm mới. Nghi lễ cúng tế kết thúc, dân làng chuyển sang phần hội vui chơi các trò chơi truyền thống. Thường các trò chơi trong lễ hội xuống đồng đều mang ý nghĩa cầu mùa, cầu sức khoẻ.

Trò chơi kéo co, lúc đầu còn mang tính chất nghi lễ, thường chia làm 2 phe: Bên Đông và bên Tây. Theo lệ, đại diện bên Đông bao giờ cũng thắng liên tiếp 3 keo. Người Tày, Nùng quan niệm bên Đông là nơi mặt trời mọc. Bên Đông thắng cũng có nghĩa là có mặt trời, có ánh nắng, để mùa màng tươi tốt, dân làng được mùa ấm no. Sau nghi lễ bắt buộc này là phần chơi kéo co của các đội trong làng, Thầy cúng hướng về phía mặt trời lặn, gõ 3 hồi chiêng, đọc lời khấn: “Kéo lấy lúa lấy má, kéo lấy khoẻ lấy mạnh”. Thầy cúng vừa hết lời thì hai bên thi kéo co.

Phát đường là trò chơi mang đậm ý nghĩa của tín ngưỡng nông nghiệp. Tất cả thanh niên nam nữ trong làng với trang phục rực rỡ, tay cầm dao, cuốc làm các động tác tượng trưng cho hành động chặt cây, cuốc đất, nhặt cỏ…

Hội xuống đồng của người Tày, Nùng là lễ hội cầu mùa điển hình. Cả phần lễ lẫn phần hội đều phản ánh ước nguyện của dân làng là mong ước được mùa, người người khoẻ mạnh. Đậm nét có thể thấy đó là tín ngưỡng bao quanh các yếu tố ảnh hưởng đến nông nghiệp như: Sinh sản, nước, mặt trời, cây lúa…

Đồng Ngọc Dưỡng