Lễ hội là gì? Tổng hợp 33 các lễ hội ở Việt Nam nổi tiếng khắp 3 miền BẮC TRUNG NAM | The Couture Travel Company
Việt Nam vốn là một đất nước giàu truyền thống văn hóa lâu đời, một trong những điều góp phần tạo nên sự giàu có và phong phú cho văn hóa đó chính là lễ hội. Từ suốt đầu xuân năm mới cho đến cuối đông luôn có những lễ hội ở mọi miền tổ quốc diễn ra. Hãy cùng tìm hiểu các lễ hội ở Việt Nam nổi tiếng khắp 3 miền Bắc – Trung – Nam dưới đây nhé!
A. Lễ hội là gì?
Lễ hội là một sự kiện văn hóa gắn với đời sống tinh thần được tổ chức ở nhiều nơi khắp mọi miền tổ quốc bao gồm 2 phần “lễ” và “hội”. Theo từ điển Hán Việt, “lễ” có nghĩa là bày tỏ lòng cung kính với những vị thần, thánh hay những người có công đối với vùng miền đó. Lễ thường được hiểu là một nghi thức để cúng bái, thờ tụng. Còn “hội” chính là những hoạt động, sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật của cộng đồng diễn sau khi phần “lễ” kết thúc.
Bên cạnh đó, khái niệm lễ hội truyền thống là gì cũng là một câu hỏi được nhiều người thắc mắc. Lễ hội truyền thống là những lễ hội được tổ chức từ lâu đời và thường được người dân tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh văn hóa uống nước nhớ nguồn. Lễ hội truyền thống ở Việt Nam còn là sự kiện tưởng nhớ, tỏ lòng tri ân, công đức của cộng đồng dân tộc đối với những vị thần, thánh hay những người có công với dân tộc.
Đa số các lễ hội ở Việt Nam thường được tổ chức ở đình làng, đền – đây là những nơi rộng rãi , thích hợp để tổ chức và diễn ra nghi thức hành lễ và tổ chức các trò chơi dân gian. Thời gian lý tưởng nhất để tổ chức các lễ hội truyền thống Việt Nam chính là vào khoảng 3 tháng đầu năm và vào mùa thu bởi lúc này tiết trời mùa xuân ấm áp, vào thu thì mát mẻ, thuận lợi cho việc tổ chức lễ hội.
B. Các lễ hội ở Việt Nam nổi tiếng khắp 3 miền
Nếu như bạn còn đang không biết Việt Nam có bao nhiêu lễ hội nổi tiếng nhất thì trong bài viết này chúng mình sẽ tổng hợp danh sách những lễ hội truyền thống nổi tiếng theo 3 miền Bắc – Trung – Nam để bạn tham khảo và tìm hiểu.
I. Những lễ hội miền Bắc tiêu biểu nhất
1. Lễ hội đền Hùng
- Thời gian: từ mùng 8 đến 11 tháng 3 âm lịch
- Địa điểm: Phú Thọ
Nhắc đến tên những lễ hội nổi tiếng nhất ở Việt Nam chắc chắn sẽ không thể không nhắc đến lễ hội đền Hùng Phú Thọ, chẳng vì thế mà từ xa xưa người ta đã có câu ca dao quen thuộc “Dù ai đi ngược về xuôi – Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba”. Lễ hội được tổ chức lớn mang tầm quốc gia nhằm tưởng nhớ các vị vua Hùng Vương đã có công dựng nước. Cho đến nay lễ hội đền Hùng luôn thu hút đông đảo du khách thập phương từ mọi miền quốc gia ghé tới hàng năm.
Lễ hội đền Hùng diễn ra hàng năm tại Phú Thọ và kéo dài từ mùng 8 cho tới ngày 11 tháng 3 âm lịch, trong đó ngày mùng 10 là chính hội. Vì là lễ hội truyền thống của người Việt chính vì vậy mà vào ngày 10 tháng 3 âm lịch được xem là một ngày nghỉ lễ của toàn dân.
2. Lễ hội Chùa Hương
- Thời gian:
mùng 6 Tết đến hết tháng 3 âm lịch
- Địa điểm: Mỹ Đức, Hà Nội
Có thể nói trong các lễ hội ở Việt Nam nổi tiếng thì hội chùa Hương được xem là một lễ hội kéo dài trong thời gian lâu nhất, bắt đầu từ mùng 6 đến hết tháng 3 âm lịch. Du khách không chỉ ghé tới đây để hành hương, cầu bình an, sức khỏe may mắn và còn được chiêm ngưỡng cảnh đẹp sông núi.
3. Lễ hội Yên Tử
- Thời gian: từ mùng 10 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch
- Địa điểm: Quảng Ninh
Cùng với lễ hội Chùa Hương, ở Yên Tử cũng có một lễ hội đầu năm thu hút khách du khách ghé tới chính là Yên Tử – môt chốn thiêng liêng nhất mà bất kì ai cũng muốn ghé tới một lần, chẳng vì thế mà người ta đã có câu: “Trăm năm tích đức tu hành – Chưa đi Yên Tử chưa thành quả tu”.
Yên Tử chính là trung tâm Phật Giáo của nước Đại Việt từ xưa với Thiền Viện Trúc Lâm nổi tiếng do đó nhắc đến các lễ hội Phật Giáo ở Việt Nam người ta thường nghĩ ngay đến Yên Tử.
4. Hội Gò Đống Đa
- Thời gian: mùng 5 tết âm lịch
- Địa điểm: Đống Đa, Hà Nội.
Một trong các lễ hội ở Hà Nội mang tầm quốc gia chính là hội gò Đống Đa – nơi thờ vị vua áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ. Vào mùng 5 tết âm lịch hàng năm tại gò Đống Đa, Hà Nội lại tưng bừng khai lễ hội Gò để tưởng nhớ công ơn của vua Quang Trung, sau khi kết thúc phần lễ thì tại đây còn có rất nhiều hoạt động vui chơi, múa hát diễn ra.
5. Lễ khai ấn đền Trần
- Thời gian: từ ngày 13 đến ngày 15 tháng Giêng âm lịch
- Địa điểm: Nam Định
Nằm trong danh sách các lễ hội ở Việt Nam thu hút đông đảo du khách thập phương ghé tới hàng năm chính là lễ hội đền Trần hay còn được biết đến là lễ khai ấn đền Trần Nam Định. Lễ hội được cử hành trang nghiêm với nhiều hoạt động từ lễ rước, lễ tế tự ở đền Thượng nơi thờ 14 vị vua Trần đến lễ dâng hương với 14 cô gái đồng trinh. Sau đó là phần hội với nhiều hình thức sinh hoạt phong phú như diễn võ năm thế hệ, đấu vật, múa lân, chơi cờ thẻ…
6. Hội Lim
- Thời gian:
từ ngày 12 đến 14 tháng Giêng âm lịch
- Địa điểm: Bắc Ninh
Ở Bắc Ninh có một lễ hội dân gian nổi tiếng và thu hút không chỉ khách trong nước mà ngay cả những người nước ngoài cũng muốn được ghé tới chính là hội Lim – một trong các lễ hội lớn ở Việt Nam. Sau khi phần lễ diễn ra thì ở hai bên sông là những chiếc thuyền rồng – nơi mà những trai thanh nữ tú hát những bài quan họ đối đáp vô cùng hấp dẫn.
7. Lễ hội chùa Thầy
- Thời gian: ngày 5 đến 7 tháng Ba âm lịch
- Địa điểm: Quốc Oai, Hà Nội.
Thêm một lễ hội truyền thống ở Hà Nội nổi tiếng chính là lễ hội chùa Thầy. Lễ hội được bắt đầu bằng lễ cúng Phật và chạy đàn – một diễn xướng mang tính chất tôn giáo với sự phối hợp của các nhạc cụ dân tộc khác nhau sau đó là phần hội với những màn múa rối nước tái hiện những sự tích nổi tiếng như Sơn Tinh Thủy Tinh, Tấm Cám….
8. Bà Chúa Kho
- Thời gian: ngày 14 tháng Giêng âm lịch
- Địa điểm: Bắc Ninh
Ngoài hội Lim thì ở Bắc Ninh còn có các lễ hội ở Việt Nam được nhiều người biết đến khác, một trong số đó phải nhắc đến lễ hội bà Chúa Kho. Tương truyền, nơi đây thờ bà Chúa Kho – người trông giữ kho bạc do đó có ý nghĩa nhất là đối với giới kinh doanh, làm ăn buôn bán. Tục lệ “cuối năm trả nợ, đầu năm đi vay bà chúa Kho” đã trở thành một nét văn hóa truyền thống của nhiều người.
9. Lễ hội Côn Sơn
- Thời gian: 15 đến ngày 22 tháng Giêng
- Địa điểm: Hải Dương
Lễ hội Côn Sơn còn được nhiều người biết đến với tên gọi là chùa Côn Sơn hay lễ hộ chùa Hun mà được tổ chức vào đúng ngày giỗ Huyền Quang tại chùa Côn Sơn Thiên Tư Phúc tự và năm ngay xuống phía dưới chân núi Côn Sơn.
10. Hội chùa Keo
- Thời gian: Hội xuân vào ngày 4 Tết Nguyên Đán. Hội thu vào ngày 13, 14, 15 tháng 9.
- Địa điểm: Thái Bình
Hội chùa Keo là một lễ hội dân gian truyền thống Vệt Nam với tục thờ thiền sư Không Lộ, được tổ chức theo 2 kỳ trong năm là hội xuân và hội thu. Hội xuân được tổ chức vào ngày 4 Tết Nguyên Đán còn Hội thu được tổ chức vào các ngày 13, 14, 15 tháng 9 hàng năm. Điều thu hút đông đảo du khách ghé tới nơi đây bên cạnh việc xem lễ hội còn là để tham quan ngôi chùa cổ tự lâu năm nhất ở Việt Nam với những công trình kiến trúc bậc nhất.
11. Lễ hội Căm Mường
- Thời gian: Đầu tháng Giêng đến mùng 3 tháng 3 Âm lịch
- Địa điểm: Lai Châu
Những người dân tộc Mường sinh sống ở Lai Châu thường có những tín ngưỡng về thần sông, thần núi…họ cho rằng nhờ những vị thần này mà họ mới có một cuộc sống ấm no chính vì vậy mà hằng năm họ tổ chức lễ hội Căm Mường để dâng lễ vật tạ ơn các vị thần linh đã che chở và đùm bọc. Lễ hội dân tộc Căm Mường còn diễn ra các hoạt động nhảy múa, ca hát vô cùng hấp dẫn.
12. Lễ hội hoa Ban
- Thời gian: tháng 2 âm lịch
- Địa điểm: Sơn La
Khi toàn cảnh núi rừng Tây Bắc ngập tràn trong sắc hoa Ban cũng là lúc mà nơi nay diễn ra một số lễ hội ở Việt Nam, trong đó tiêu biểu nhất chính là lễ hội hoa Ban. Lễ hội được người Thái tổ chức nhằm bày tỏ lòng tôn kính, tưởng nhớ công lao của những vị thần cũng như cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
13. Lễ hội Lồng Tồng
- Thời gian: từ tháng Giêng đến tháng Hai âm lịch
- Địa điểm: Lạng Sơn
Lễ hội Lồng Tồng hay còn được biết đến là lễ hội xuống đồng – một trong các lễ hội ở Việt Nam của dân tộc Thái. Lễ hội này thường được tổ chức ở những cánh đồng ruộng rộng lớn nhằm cầu cho một năm gặt hái tươi tốt, mưa thuận gió hòa. Đặc biệt, tại đây còn hội tung còn được nhiều người yêu thích, theo như những người dân nơi đây quan niệm nếu như một bản mà không có ai ném trúng thì bản đó sẽ có 1 năm không vui và ngược lại.
II. Những lễ hội tiêu biểu ở miền Trung
14. Lễ hội Cầu Ngư
- Thời gian: 12 tháng Giêng âm lịch
- Địa điểm: Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế
Nếu để kể tên các lễ hội ở Việt Nam tiêu biểu cho miền Trung thì chắc chắn không thể không nhắc đến lễ hộ Cầu Ngư. Lễ hội được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng để tưởng nhớ công lao của thành hoàng làng Trước Quý Công – người đã có công dạy người dân đánh cá. Đặc biệt, cứ 3 năm một lần làng lại tổ chức một đại lễ rất linh đình với những trò chơi mang ý nghĩa và khắc họa đậm nét nghi lễ của ngư dân vùng biển.
15. Đền Vua Mai
- Thời gian: từ mùng 3 đến mùng 5 tết âm lịch
- Địa điểm: Nghệ An
Lễ hội vua Mai thường được tổ chức từ ngày mùng 3 đến mùng 5 âm lịch để tưởng nhớ vua vị Vua Mai Hắc Đế – người đã sinh ra tại xã Đông Liệt, nay là xã Nam Thái huyện Nam Đàn Nghệ An.
16. Lễ hội Dinh Thầy Thím
- Thời gian: từ ngày 14 đến 16 tháng 9 âm lịch
- Địa điểm: Lagi, Bình Thuận
Lễ hội Dinh Thầy Thím đã trở thành một trong những nét văn hóa lễ hội đặc sắc của người dân tỉnh Bình Thuận chính vì vậy mà vào mùa lễ hội nơi đây thường xuyên đón tiếp đông đảo người dân ở khắp nơi ghé đến để cầu may mắn, sức khỏe, bình an. Ngoài các nghi lễ từ thời xa xưa được lưu truyền thì hiện nay trong phần hội còn có những trò chơi dân gian hấp dẫn và sôi động như diễn xướng tích Thầy, chèo Bả Trạo, gánh cá đi bộ, múa lân múa rồng….
17. Hội Đống Đa
- Thời gian: mùng 4 đến mùng 5 tháng Giêng âm lịch
- Địa điểm: Tây Sơn, Bình Định
Nếu như ở Hà Nội có hội gò Đống Đa để tưởng nhớ vị anh hùng Quang Trung đã đánh thắng quân Thanh xâm lược thì ở Bình Định – nơi mà người anh hùng áo vải đã cầm quân lên đường ra Thăng Long đánh giặc cũng được tổ chức một lễ hội để ghi nhớ công lao của vị vua Quang Trung Nguyễn Huệ. Ngoài nghi lễ truyền thống diễn ra tại bảo tàng Quang Trung, lễ hội còn có thêm nhiều hoạt động văn hóa dân gian như biểu diễn võ thuật và đánh trống trận Tây Sơn, đua thuyền, trò chơi dân gian, hát tuồng…
18. Lễ hội vía Bà
- Thời gian: ngày 17 tháng Giêng hằng năm
- Địa điểm: Bình Định
Hội vía Bà là một trong các lễ hội ở Việt Nam nói chung và ở Bình Định nói riêng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước ghé tới để thưởng thức những phần nghi lễ linh thiêng cũng như xem những màn hội sôi nổi với biểu diễn võ thuật của hay tham gia các trò chơi dân gian kéo co, đẩy gậy, đập ấm, nhảy bao bố, chạy việt dã, thi đấu bóng chuyền và xem hát tuồng.
III. Những lễ hội miền Nam nổi tiếng
19. Lễ hội núi Bà Đen
- Thời gian: từ ngày 10 đến rằm tháng Giêng
- Địa điểm: Tây Ninh
Lễ hội núi Bà Đen hay còn được biết đến với tên gọi lễ hội đền Linh Sơn Thánh Mẫu – nơi được xây dựng trên độ cao 380m tại ngọn núi Bà Đen nổi tiếng. Hàng năm vào dịp đầu xuân năm mới nhiều người dân Phương Nam thường ghé tới đây để hành hương và câu nguyện những điều tốt lành. Đặc biệt, với những người kinh doanh buôn bán họ thường quan niệm rằng đầu năm đến thắp nhang xin lộc và nhờ vía Bà cả năm sẽ làm ăn thuận lợi, tài lộc kéo về rồi đến ngày vía Bà thì đi trả lễ, tạ ơn.
20. Chùa Bà Xứ
- Thời gian: từ đêm ngày 23 đến 27 tháng Tư âm lịch hàng năm
- Địa điểm: An Giang
Một trong số những lễ hội ở Việt Nam nổi tiếng nhất xứ Nam không thể không nhắc đến lễ hội chùa Bà Xứ – đây còn được xem là một lễ hội dân truyền thống Việt Nam lớn nhất Nam Bộ. Lễ hội được tổ chức vào ban đêm tại miếu Bà Chúa Xứ trên núi Sam với những hoạt động thu hút đông đảo du khách, đặc biệt là nghi thức tắm Bà Xứ bằng nước mưa pha với nước hoa. Lễ vía Bà hàng năm thu hút du khách thập phương đến tham dự lễ hội dân gian, cầu tài lộc.
21. Hội đua voi
- Thời gian: tháng Ba âm lịch
- Địa điểm: Buôn Đôn, Tây Nguyên
Nằm trong danh sách các lễ hội ở Việt Nam nổi tiếng chắc chắn không thể thiếu hội đua voi. Vì Tây Nguyên vốn nổi tiếng với những chú voi chính vì vậy mà nơi đây đã diễn ra một lễ hội đua voi vô cùng hấp dẫn. Sau khi làm các nghi thức truyền thống sẽ bắt đầu hội đua voi, khi có lệnh xuất phát những chú voi sẽ thi nhau phóng lên hòa theo tiếng cồng chiêng hò reo vang khắp núi rừng.
22. Lễ hội Dinh Cô
- Thời gian: từ ngày mùng 10 đến 12 tháng Hai âm lịch
- Địa điểm: Bà Rịa Vũng Tàu
Nếu để kể tên một số lễ hội linh thiêng nhất xứ Nam Bộ chắc chắn không thể không nhắc đến lễ hộ Dinh Cô. Được biêt, Dinh Cô là một ngôi đền thờ cô gái trẻ xinh đẹp và giàu lòng nhân ái bị đuối nước trên bãi biển. Vào các dịp lễ hội những người chủ lễ thường mặc lễ phục nghiêm trang và cầu cho mưa thuận gió hòa sau đó bắt đầu nghi lễ truyền thống với những chiếc thuyền hoa lộng lẫy ngoài bãi biển.
23. Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu
- Thời gian: từ 13 đến 15 tháng Giêng âm lịch
- Địa điểm: Bình Dương
Từ ngày 13 tháng Giêng âm lịch, những người dân ở Thủ Dầu Một Bình Dương thường bày biện mâm quả thắp hương trước nhà để đón kiệu Bà Thiên Hậu đi qua. Sáng 14 nghi thức rước kiệu quanh đường phố được diễn ra với những màn múa lân, rồng rộn ràng tưng bừng. Ngày 15 là ngày hội chính do đó luôn thu hút đông đảo những người dân ghé tới cầu chúc những điều bình an trong cuộc sống.
Trên đây là tổng hợp danh sách các lễ hội ở Việt Nam nổi tiếng và thu hút đông đảo du khách thập phương ghé tới cầu bình an, sức khỏe và những điều tốt lành trong cuộc sống. Nếu bạn thấy bài viết này bổ ích, hãy chia sẻ cho mọi người cùng biết nhé!
>> Xem thêm: Tổng hợp các lễ hội trên thế giới