Lễ hội gò Đống Đa: Chưa đi vào lòng người
TP – Lễ hội kỷ niệm 231 năm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa diễn ra Mùng 5 Tết, tại khuôn viên Công viên Văn hóa Đống Đa-di tích quốc gia đặc biệt. Đáng tiếc là lễ hội ý nghĩa này còn nặng hành chính hóa.
Nặng hành chính
Diễn ra trong ngày Mùng 5 Tết Canh Tý, lễ hội gò Đống Đa năm nay thưa vắng hơn mọi năm, phần vì thời tiết giá lạnh, phần khác vì diễn biến khó lường của dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona. Chẳng thế mà nhiều người dân thức thời đeo khẩu trang trẩy hội.
Di tích đặc biệt gò Đống Đa đông đúc nhất chỉ ngày giỗ trận này. Hàng nghìn người dân thủ đô cùng du khách thập phương từ Hà Giang, Hải Dương, Quảng Ninh… về dâng hương Hoàng đế Quang Trung.
Vui nhất là đội rước kiệu vua Quang Trung và kiệu hoàng hậu Lê Ngọc Hân. Bà Phạm Thị Bắc (86 tuổi) là trưởng đoàn tế lễ kể, bà có hơn 40 năm tham gia đội tế lễ tưởng nhớ vua Quang Trung, tới nay đảm nhận vai trò trưởng đoàn chịu trách nhiệm cắt đặt cho các đoàn vào tế lễ. “Người dân hai phường Quang Trung, Trung Liệt phải có mặt từ 5h sáng để dâng hương, tế lễ trước tượng đài nhà vua. Chúng tôi lục đục cả đêm không ngủ được, nhưng ai cũng phấn khởi lắm”, bà nói.
Nhiều đoàn tế lễ từ các vùng lân cận cũng đổ về dâng hương. Người dân xung quanh phủ phục trước hai chiếc kiệu, trước lư hương đặt tại chân tượng đài vua Quang Trung hành lễ rất thành kính. Trong đoàn rước kiệu có Hoàng Nguyễn Liên Nga (sinh viên trường ĐH Ngoại thương Hà Nội) gây chú ý. Mái tóc nhuộm màu hồng khá thời thượng, cô kể 5 năm nay theo mẹ gia nhập đoàn rước kiệu hoàng hậu Lê Ngọc Hân trong lễ hội. Từ nhỏ Nga luôn cùng gia đình đến dâng hương, đến năm 15 tuổi được mẹ giới thiệu với các bà các cô cho khiêng kiệu. “Lúc đầu tôi cũng hơi e dè nhưng được các bà các cô hướng dẫn các nghi thức, tôi cảm thấy mình góp được một phần nhỏ bé để giữ gìn nét văn hóa truyền thống”, Nga nói.
Lễ hội gò Đống Đa gói gọn trong ngày, lễ khai hội trong hơn một giờ đồng hồ khá nặng tính hành chính: Lễ chào cờ, màn trống hội, nghi lễ dâng hương của đoàn đại biểu thành phố, đọc Chúc Văn, phát biểu của lãnh đạo UBND quận Đống Đa và màn sử thi tái hiện chiến công hiển hách của người anh hùng áo vải Quang Trung-Nguyễn Huệ… Cũng cần thiết, nhưng nếu chỉ có vậy thì chưa đủ.
Ông Võ Nguyên Phong, Chủ tịch UBND quận Đống Đa trong bài phát biểu nhắc lại sự kiện lịch sử vua Quang Trung dẫn dắt các đạo quân hành quân thần tốc ra Bắc, đại phá 29 vạn quân Thanh để giải phóng kinh thành Thăng Long. “Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa là sự hội tụ, kết tinh sâu sắc truyền thống yêu nước, yêu độc lập – tự do ngàn đời của nhân dân ta; là sự khẳng định tinh thần đoàn kết, dũng cảm, ý chí quật cường; là bản anh hùng ca bất hủ trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc ta”, ông Phong nói.
Thay đổi để xứng tầm
Không ít người sống khá gần gò Đống Đa nhưng dường như hiếm khi lui tới địa chỉ này. Công viên Văn hóa Đống Đa được tôn tạo khang trang, thế nhưng du khách thưa vắng. Lãnh đạo quận Đống Đa từng than trong hội thảo với các nhà khoa học, chuyên gia văn hóa đầu ngành dịp cuối năm vừa rồi rằng nhiều giá trị văn hóa tiềm ẩn chưa được phát lộ.
Quả thực, danh hiệu di tích quốc gia đặc biệt chưa thể nói hết tầm quan trọng của không gian thấm đẫm lịch sử và văn hóa này, bởi nơi đây là chứng tích của chiến thắng lẫy lừng biểu hiện tài thao lược của vua Quang Trung. Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa “đưa tầm vóc Việt Nam lên tầm cao chưa từng có” không chỉ là mốc son đáng tự hào, mà còn là nguồn tài nguyên văn hóa đáng quý có thể khai thác trở thành giá trị gia tăng cho di tích. Thế nhưng, điều đáng tiếc là nguồn tài nguyên ấy vẫn ở dạng tiềm ẩn. Lễ hội gò Đống Đa nhiều năm nay vẫn diễn ra mang nặng tính hành chính nên kém sinh động.
“Cách tổ chức hiện nay khiến lễ hội gò Đống Đa mang nặng tính chính trị, hành chính quá nên không mấy sinh động. Tôi nghĩ những người tổ chức và chính quyền địa phương nên tìm ra cách tổ chức phù hợp và phải để lễ hội phù hợp đời sống tinh thần và đi vào lòng người hơn. Lễ hội Hai Bà Trưng (Mùng 6 tháng Giêng) chẳng hạn cũng là dạng lễ hội kỷ niệm chiến thắng ngoại xâm, nhưng rõ ràng được làm tốt và đi vào lòng người hơn”, PGS.TS. Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát huy Giá trị Văn hóa phát biểu.
Không phải là chưa từng có những ý tưởng đề xuất để thổi sinh khí vào khu di tích, cũng như hoạt động văn hóa gắn với di tích trong đó có lễ hội. Màn sử thi tái hiện lễ đăng cơ của vua Quang Trung, quá trình ngài lãnh đạo các đạo quân tiến quân thần tốc ra Bắc của các Nghệ sỹ Nhà hát Tuồng Việt Nam năm nay được nhiều người dân đón nhận, khen ngợi. Tuy nhiên hình thức sân khấu hóa này quá quen thuộc, chưa đủ sinh động và chuyển tải hết giá trị lớn lao xung quanh chiến thắng Đống Đa và Hoàng đế Quang Trung.
“Tôi nghĩ rằng nếu ta cứ duy trì cách tổ chức lễ hội như thế thì khó hấp dẫn, bởi nó khá giống với nhiều lễ hội khác. Chính quyền địa phương cần đầu tư thực sự cho khoa học nghiên cứu kỹ lưỡng các giải pháp tái hiện chiến thắng. Chúng ta có thể học Hàn Quốc vì họ làm rất tốt, hoặc Nga với bảo tàng panorama Borodino tạo nên quần thể hoành tráng, hấp dẫn về trận đánh lịch sử của Napoleon ở Matxcova. Chúng ta cần tiếp cận tư duy mới để thổi hồn cho di tích, lễ hội”, PGS.TS. Nguyễn Văn Huy đề xuất.
Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa diễn ra trang trọng nhưng chưa hấp dẫn Ảnh: NHƯ Ý
Để di tích gò Đống Đa không hương lạnh khói tàn trong hơn 300 ngày trong năm, nhiều nhà khoa học đề xuất hướng nghiên cứu ứng dụng giải pháp công nghệ thời 4.0 trong trưng bày, tái hiện lịch sử. GS.TS. Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, gò Đồng Đa phải là điểm du lịch văn hóa lịch sử nằm trong tuyến du lịch Ngọc Hồi-Đống Đa-Văn Miếu và các di tích phụ cận. Ông đề nghị các nhà quản lý du lịch nên quan tâm xúc tiến để tăng cường quảng bá và đưa khách du lịch tới di tích này.
Tuy nhiên muốn đưa không gian này thành điểm du lịch hấp dẫn cần phải tạo ra sản phẩm chất lượng cao, sáng tạo đủ sức thu hút. Một trong những điều có thể sớm làm và làm được ngay là tăng cường thuyết minh, thông tin giới thiệu và ấn phẩm du lịch, lịch sử về di tích và vua Quang Trung không gian công viên văn hóa Đống Đa.