Lễ hội đua thuyền trên sông Kiến Giang mừng tết Độc Lập của người dân Lệ Thủy, Quảng Bình
Mảnh đất Quảng Bình và đặc biệt quê hương Lệ Thủy luôn tự hào là mảnh đất địa linh, nhân kiệt khi là quê hương của người anh cả của dân tộc Việt Nam Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng thời cũng là cái nôi của Lễ hội đua, bơi thuyền trên sông Kiến Giang – lễ hội truyền thống lâu đời được công nhận di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
I. Lịch sử Lễ hội đua, bơi thuyền trên sông Kiến Giang
Lễ hội đua, bơi thuyền trên sông Kiến Giang bắt nguồn từ xa xưa và đã được ông cha truyền cho ngàn đời con cháu xứ Lệ. Thuở ban đầu, lễ hội tốt đẹp này được tổ chức như một nghi thức để cầu cho mùa màng bội thu, thóc gạo đầy bồ, mưa thuận gió hòa. Đồng thời đây cũng là dịp để những gái trai trẻ khỏe trong làng cùng nhau thi sức, rèn luyện để sẵn sàng đương đầu với thiên nhiên khắc nghiệt, với một mùa mưa bão dữ dội.
Về sau, khi đất nước ta giành thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945, bác Hồ đại diện toàn thể đồng bào Việt Nam tuyên bố với thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì niềm vui của ngày độc lập đã hòa chung với không khí của lễ hội truyền thống đáng quý này. Một năm sau ngày tháng lịch sử hào hùng đó, cứ mỗi dịp Quốc Khánh thì bà con huyện Lệ Thủy lại nô nức tổ chức Lễ hội đua, bơi thuyền trên sông Kiến Giang để mừng Tết Độc lập.
II. Một Lễ hội truyền thống ý nghĩa cho tất cả mọi người
Lễ hội truyền thống của miền quê Lệ Thủy không chỉ là một cuộc thi khoe tài tranh sức cho những trai tráng mà được tổ chức đều cho cả nam và nữ. Đến với cuộc tranh tài trên sông nước là các đội đua của các thôn hoặc xã được tuyển chọn từ những người khỏe mạnh và tài năng bậc nhất.
Những “chiến thuyền” của các đội nam thường được gọi là thuyền bơi vì họ sẽ ngồi thành hai hàng để phối hợp nhịp nhàng theo hiệu lệnh của người gõ nhịp ở giữa thuyền. Một chút khác biệt đối với cuộc thi của nữ khi thuyền của họ lại gọi là thuyền đua và các cô gái, chị gái sẽ cùng nhau đứng trên thuyền thành 1 hàng và ra sức dùng chèo hoặc dầm để nhanh chóng đưa đội thi của mình lướt nhanh về đích trong tiếng gõ sanh hối hả của người cầm nhịp ngồi ở đầu thuyền.
III. Toàn cảnh Lễ hội đua, bơi thuyền rộn ràng ở Lệ Thủy
Nếu du khách có dịp đến thăm Lệ Thủy vào những ngày đầu tháng 9 thì chắc chắn sẽ cảm thấy choáng ngợp với khung cảnh Lễ hội hoành tráng và náo nhiệt hơn cả dịp Tết Nguyên Đán. Lễ hội đua, bơi thuyền trên sông Kiến Giang không chỉ là một món ăn tinh thần yêu thích của những người dân mà đó còn là một nét văn hóa in sâu vào tâm trí mỗi người con xứ Quảng qua những câu ca dao thân thương:
“Dù ai đi tây về đông
Mồng Hai tháng Chín cũng mong về nhà
Về nhà xem hội quê ta
Dưới sông bơi trải, nhà nhà cờ bay”.
1. Công tác chuẩn bị kỹ lưỡng
Để có được một lễ hội thành công, các trai khỏe, gái mạnh đã được tuyển chọn từ trước một tháng và tập luyện đều đặn không ngừng để có được sức khỏe và kỹ năng tốt nhất lúc ra tranh tài. Khi những đoàn đua tập luyện thì người dân trong thôn, trong xã đều cùng nhau góp sức, người thì nấu những món ăn ngon, bổ dưỡng để tiếp sức cho họ, người thì động viên tinh thần, cổ vũ mỗi thành viên của đoàn đua.
Chiếc thuyền được đưa đi thi đấu phải là chiếc thuyền chất lượng tốt nhất, được đóng chắc chắn và lau chùi sạch sẽ. Bên cạnh đó, thuyền còn được trưởng thôn đưa đi cúng bái trước thần linh để cầu cho Lễ hội diễn ra suôn sẻ và đội đua của thôn nhà sẽ có thể giành được chiến thắng trong cuộc đua.
2. Sông Kiến Giang dài rộng đón chào những đoàn đua
Càng gần ngày Tết Độc lập thì dòng sông Kiến Giang lại càng trở nên sống động hơn và dường như cũng lây nỗi niềm hào hứng của các đò đua, đò bơi mà muốn mau mau “dậy sóng” Lễ hội. Ngày cuộc đua diễn ra, sông Kiến Giang được chứng kiến những dãy thuyền thẳng tắp, đội ngũ đua bơi chỉnh tề, đầy nhiệt huyết.
Đường đua, bơi trên sông Kiến Giang là một thử thách không hề nhỏ, các đội nam sẽ phải hoàn thành đường dài khoảng 24km còn nữ thì khoảng 15km. Quãng đường đua của các thuyền bơi nam sẽ bắt đầu từ ngã ba Mũi Viết lên đến cồn nổi ở thôn Xuân Bồ thì trở đầu quay trở lại và vạch đích sẽ ở khu vực cầu Xuân Phong. Cũng tương tự với lộ trình thi đấu của các thuyền bơi nam, tuy nhiên thuyền bơi nữ sẽ trở thuyền ở đoạn ngoẹo cổ cò vì quãng đường ngắn hơn bên nam. Đoạn trở cua thuyền chính là nơi gay cấn nhất cuộc thi vì thời điểm này sẽ là cơ hội để một số đội chiếm ưu thế và vượn lên nhưng cũng đầy rủi ro khi không ít thuyền đã chìm ở nơi này khi đang tranh tài.
3. Không gian tràn ngập sắc màu
Mỗi độ mừng Quốc Khánh 2/9 thì khắp các đường thôn ngõ xóm ở huyện Lệ Thủy đều rực rỡ sắc màu. Người người, nhà nhà từ trước nhiều ngày đã không nén được niềm háo hức và lòng tự hào mà treo cờ đỏ sao vàng trước nhà, khiến cho ai cũng như lạc vào rừng cờ tung bay. Bên cạnh sắc đỏ, sắc vàng của cờ tổ quốc thì dọc hai bên sông Kiến Giang và trên những cây cầu bắc ngang qua sông đều được trang hoàng với hàng loạt những lá cờ đủ màu sắc sặc sỡ, đậm chất lễ hội.
Ngày Lễ hội chính thức diễn ra thì dòng sông trong xanh lại in bóng những chiếc thuyền rồng được sơn đỏ, sơn vàng, sơn xanh rực rỡ, mới mẻ và được vẽ minh họa cực chi tiết hình ảnh của những thần rồng linh thiêng với đôi mắt có hồn, những chiếc vảy rồng tinh tế. Trang phục của những đoàn đua cũng được đầu tư kỹ càng khi mỗi đội đều có màu áo riêng, độc đáo. Những lá cờ, tấm băng rôn cổ cũ cũng góp thêm sắc màu vào bức tranh lễ hội vui nhộn, đa màu sắc.
4. Không khí náo nức của những khán giả nhiệt thành
Không cần ai dạy, chẳng cần ai dắt, từ già trẻ lớn bé của các gia đình đều tranh thủ dậy từ tinh mơ và ra bờ sông Kiến Giang để giữ một chỗ xem đò bơi, đò đua cho gần và rõ. Những cây cầu bắc ngang qua sông Kiến Giang như cầu Phong Xuân, cầu Liên Xuân cũng đông kín người từ sớm, mong được xem và cổ vũ đua thuyền. Không khí thi đấu của các đội đua càng nóng bao nhiêu thì tinh thần cổ vũ càng náo nức và cuồng nhiệt hơn bấy nhiêu.
Tiếng hò reo, tiếng cổ vũ, tiếng trống, tiếng mõ vang lên không ngớt, thậm chí có nhiều người còn mang cả chày cối, xoong nồi theo để làm vật dụng cổ vũ cho đội của thôn mình. Từng lớp từng lớp người chật như nêm hai bên bờ sông không chỉ hô hào mà còn cầm nón, cầm mũ vẫy không ngừng nghỉ để tăng thêm nhuệ khí cho các đoàn đua. Đặc biệt, có nhiều người dân còn lội xuống sông hoặc chạy xe máy theo đoàn đua để không bỏ lỡ bất kỳ khoảnh khắc đáng nhớ nào của Lễ hội đua, bơi thuyền.
IV. Những đặc sản, món ăn truyền thống trong ngày Quốc Khánh 2/9 ở Lệ Thủy Quảng Bình
Ngày Quốc Khánh không chỉ là dịp để tổ chức những lễ hội trong không khí vui mừng mà còn là ngày để mỗi người nhớ về những anh hùng, những người đã hy sinh quên mình cho đất nước toàn vẹn hôm nay. Những người con Quảng Bình mừng Tết Độc lập nhưng cũng không quên bày một mâm cơm để dâng lên Bác Hồ, Bác Giáp và ông bà tổ tiên. Cùng với mâm cơm thiêng liêng, các bà con Quảng Bình còn nấu nhiều món ăn đặc sản hấp dẫn.
>> Xem thêm các món đặc sản Lệ Thủy ngon nức tiếng
1. Vịt quay Lệ Thủy
Người dân Quảng Bình có rất nhiều công thức chế biến để tạo nên những món ăn thơm ngon vịt bởi họ nuôi rất nhiều vịt, tất cả đều là vịt sạch, được nuôi theo kiểu dân quê an toàn. Đặc biệt, các món ngon từ vịt có thể kể đến đặc sản vịt quay Lệ Thủy vang danh một vùng với lớp da vàng giòn như quét mật, thịt vịt bên trong lại mềm ngọt và dai vừa, đậm đà ngon miệng đến mức du khách muốn nuốt cả đầu lưỡi.
Các thành viên trong một nhà với họ hàng, anh em cùng nhau trò chuyện và thưởng thức những món ngon nhà làm, kèm thêm một lon bia hay nước ngọt giải nhiệt là điều mà nhiều người rất thích. Những món này cũng thường có mặt trong mâm cơm thịnh soạn đón những đoàn đua trở về thôn, xã sau những giờ thi nỗ lực hết sức mình.
2. Nhút tép đồng
Đã ghé thăm miền quê Lệ Thủy thì không du khách nào bỏ lỡ cơ hội mua những lọ nhút tép đồng đặc sản về làm quà hoặc để dành ăn. Và chính những người dân nơi đây cũng vô cùng yêu thích loại mắm nhút hòa quyện giữa vị chua ngọt và đậm đà. Cũng là mắm nhưng nhút tép đồng lại tươi đỏ và thơm nức chứ không hề khó ngửi như một số loại mắm khác. Kết hợp với nhút tép đồng thì thịt ba chỉ luộc béo ngậy, non mềm chính là nhất, ăn cùng với cơm nóng thì đặc biệt đưa cơm.
Nhút tép đồng trở thành một phần không thể thiếu trong mâm cơm của những người dân Lệ Thủy và mang một hương vị đặc trưng của vùng đất này bởi nó được làm từ những con tép tươi rói được lựa chọn kỹ càng cùng các loại nguyên liệu như thính gạo, thính ngô, muối tinh và đặc biệt là công thức nêm nếm gia vị gia truyền.
3. Thịt chuột đồng Lệ Thủy xào sả ớt
Là một miền quê bạt ngàn ruộng lúa nên Lệ Thủy cũng nổi danh với món ăn từ thịt chuột đồng. Chuột đồng ăn lúa, ăn gạo nên người dân cần bắt chúng, nhưng thay vì bỏ đi thì họ đã chế biến ra nhiều món ăn ngon dân dã, an toàn. Món ăn được giới thiệu nhiều nhất cho các du khách chắc hẳn là món thịt chuột đồng xào sả ớt.
Để dễ ăn thì một số nhà hàng sau khi đã sơ chế thì thường hay băm nhỏ thịt chuột ra, sau đó ướp với gia vị đậm đà. Tiếp đến, họ đem xào với sả ớt cho dậy mùi và chín đều thì cho thêm một ít ớt bột Lệ Thủy. Một số gia đình sáng tạo hơn thì còn xào chung với lạc đập dập để tạo hương vị bùi béo cho món ăn. Sau khi xào chín và nêm gia vị vừa miệng thì bày ra đĩa, thêm vào một ít rau thơm và tiêu. Ngắm nhìn đĩa thịt chuột đồng xào vàng thơm hấp dẫn này thì chắc chắn ai ai cũng muốn nhanh tay thưởng thức. Mùi vị thịt chuột đồng xào không hề hôi như nhiều người nghĩ mà ngọt vị thịt, non mềm dễ ăn lại thấm đượm vị sả ớt.
V. Những điểm du lịch không nên bỏ lỡ ở Lệ Thủy
1. Di tích nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Sau khi tham gia Lễ hội đua, bơi thuyền trên sông Kiến Giang và thưởng thức những món đặc sản thì du khách cũng nên trải nghiệm những điểm đến nổi tiếng của quê hương xứ Lệ. Một chuyến đi ý nghĩa đến thăm di tích Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp bên bờ sông Kiến Giang ở làng An Xá, Lộc Thủy, Lệ Thủy sẽ khiến bạn bồi hồi, xúc động. Bạn sẽ được đến ngôi nhà đã nuôi dưỡng Bác Giáp suốt những năm tuổi thơ để rồi hun đúc và nâng bước cho vị tướng tài của dân tộc tiến xa trên con đường giải phóng quê hương. Cũng như con người giản dị chân thành, nhà tưởng niệm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nằm giữa vườn cây xanh mát, sạch sẽ, đơn sơ, lưu giữ những kỷ vật trân quý về người anh cả của dân tộc Việt Nam.
>>> Xem những hình ảnh đẹp nhà lưu niệm đại tướng Võ Nguyên Giáp
2. Điểm du lịch lý tưởng – Thác Tam Lu, sông Long Đại
Sau khi đã có những phút lắng đọng để tôn vinh vị anh hùng lớn của quê hương, du khách có thể nối dài hành trình khám phá Lệ Thủy của mình với chuyến đi kỳ thú đến thác Tam Lu. Chuyến khám phá thác Tam Lu bắt đầu từ bến Long Đại thuộc xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Vượt qua vài con thác cạn là bắt đầu các địa danh như suối Cổ Tràng, thác Chân Lụa, bản Dốc Mây, thác Tam Lu. Thác Tam Lu đặc biệt nổi tiếng khi giữa núi non trùng điệp, thác Tam Lu như dải tóc thiếu nữ, buông dài từ đỉnh ngàn Trường Sơn xuống dòng Long Đại mênh mông.
Ngược dòng Long Đại là một trải nghiệm rất thú vị, phong cảnh sông núi hữu tình hòa với những nét trầm tích văn hóa của bản làng ven sông đã khiến chuyến đi trở thành một hành trình lý tưởng, đặc biệt là với những du khách thích phiêu lưu, khám phá. Cảnh sắc nơi đây còn khá hoang sơ với những dãy núi đá được thiên nhiên tạo hình kỳ thú tựa như một tiểu Hạ Long ở Quảng Bình. Đến thác Tam Lu, du khách sẽ ấn tượng với sự kỳ vĩ của con thác cao khoảng 20m, nước chảy ào ào có ba bậc trắng xóa. Mùa hạ nơi đây không hề khô nóng như nhiều khu vực khác của Quảng Bình mà luôn dịu má, dễ chịu, thích hợp để du khách đến thưởng ngoạn.
3. Chùa Hoằng Phúc – ngôi chùa cổ nhất miền Trung
Chùa Hoằng Phúc thường được dân gian truyền miệng nhau với tên thân thuộc như chùa Trạm hay chùa Quan, thuộc phường Thuận Trạch (nay là xã Mỹ Thủy), huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Đây là một trong những đại danh lam thuộc loại cổ nhất trên đất Quảng Bình với chiều dài lịch sử trên 700 năm, từ sự kiện ghi dấu bước nhận hành hỏa của Phật hoàng Trần Nhân Tông trong chuyến vân du phương Nam (1301) đến am Tri Kiến để ở và thuyết pháp truyền giảng giáo lý Phật giáo.
Một chứng tích lịch sử của cả một nền văn minh nước nhà, du khách tới đây không chỉ để vãn cảnh chùa, cho tâm hồn an yên mà còn là để tự hào về một truyền thống non nước về một thời đại phồn vinh.
4. Hang Chà Lòi – mê cung tráng lệ trần gian
Hệ thống hang Chà Lòi nằm ở dưới chân dãy núi đá vôi phía Tây Bắc huyện Lệ Thuỷ. Nơi đây chỉ mới được đưa vào khai thác du lịch năm 2018 theo hình thức du lịch mạo hiểm. Không gian bên ngoài hang là đồng cỏ trên thảo nguyên xanh mênh mông, nơi đây du khách có dịp được hoà mình vào cái không khí mộc mạc nơi đây. Tận hưởng không gian bất tận này du khách cũng tổ chức khá nhiều hoạt động nơi đây như cắm trại, đốt lửa tại thảo nguyên. Khi vào trong hang du khách cũng có cơ hội được trải nghiệm những dịch vụ như đi bộ, leo trèo, bơi lội rất thú vị.
Trong hai năm 2020 và 2021, dịch bệnh COVID-19 nghiêm trọng luôn rình rập khắp nơi nên chính quyền huyện Lệ Thủy và tỉnh Quảng Bình không thể triển khai việc tổ chức Lễ hội truyền thống bơi, đua thuyền trên sông Kiến Giang. Tuy có nhiều tiếc nuối những Lễ hội này chắc chắn luôn náo nức, rộn ràng và không bao giờ phai nhạt trong trái tim, trong tâm tưởng cũng những người con xứ Lệ. Hơn thế nữa, người dân nơi đây luôn tin tưởng rằng dịch bệnh sẽ chóng qua để một mùa Lễ hội bơi, đua thuyền trên sông Kiến Giang mới có thể được tổ chức suôn sẻ.
⏩⏩⏩ BÀI VIẾT LIÊN QUAN ⏪⏪⏪