Lễ hội đua ghe Ngo mang đậm bản sắc văn hóa người Khmer
(Dân sinh) – Ok-Om-Bok (hay còn gọi là Lễ hội Cúng trăng), nét văn hóa đặc trưng mang đậm dấu ấn của đồng bào Khmer được diễn ra vào ngày Rằm tháng Mười âm lịch hằng năm. Cùng với nhiều hoạt động khác, Lễ hội Đua ghe Ngo được tổ chức vào dịp này đã, đang trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân Khmer ở Nam Bộ.
Phần lớn đồng bào Khmer sinh sống ở vùng Nam Bộ đều gắn cuộc đời mình với sản xuất nông nghiệp, sau vụ mùa thu hoạch, chuẩn bị cho một vụ mùa mới cũng là lúc Lễ hội Cúng trăng được tổ chức vào ngày rằm tháng mười âm lịch như một nghi lễ quan trọng để tạ ơn Thần Mặt Trăng, thiên nhiên, cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi trong những vụ kế tiếp.
Song song với các nghi thức cúng trăng được tổ chức một cách trang nghiêm, Lễ hội đua nghe Ngo nằm trong khuôn khổ của lễ hội này vừa là một hoạt động mang tính giải trí vừa tái hiện, lưu giữ nét văn hóa mang đậm bản sắc, dấu ấn của người Khmer ở vùng Nam Bộ.
Cứ đến dịp rằm tháng Mười âm lịch hằng năm, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp không khí rộn ràng cả một vùng đất với những chiếc ghe Ngo màu sắc sặc sỡ với các đội thi đang thử tài trên vùng sông nước cùng những tiếng reo hò cổ vũ sôi nổi.
Lễ hội đua ghe Ngo là hoạt động văn hóa, thể thao thể hiện sức mạnh của sự đoàn kết và nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Khmer Nam Bộ nói chung và Trà Vinh nói riêng.
Vào dịp này, bất kể già, trẻ, gái, trai, mọi người đều cùng gác lại những công việc đồng áng, sông nước, phum sóc còn dang dở, cùng nhau hòa mình vào bầu không khí sôi nổi theo dõi những trận đua ghe Ngo hấp dẫn.
Đối với người dân Khmer, chiếc ghe Ngo chính là một sản vật quý giá không chỉ gắn liền với hoạt động sản xuất mà còn mang giá trị văn hóa, tinh thần cao cả. Hằng năm, các đội đua ghe tại các tỉnh thường tập trung tại 1 điểm để cùng nhau thi tài, lễ hội thu hút một lượng lớn người dân, du khách đổ về để cùng nhau dõi theo những màn đua ghe đầy kịch tính.
Ở đầu ghe, giữa ghe, và mũi ghe đều có chỗ đặt mâm bánh, trái cây, đầu heo hoặc gà vịt…
Tiếng chèo hì hục dưới sông nước của các đội thi hòa cùng từng tiếng reo hò, cổ vũ, tiếng trống, tiếng còi thúc giục tạo nên một bầu không khí rộn ràng, khuấy động bầu không khí tĩnh mịch vốn có của vùng sông nước. Hàng trăm tay bơi lực lưỡng nhịp tay thật đều vung mạnh mái chèo, cố gắng đẩy ghe tiến nhanh về phía trước dưới sự chứng kiến của hàng nghìn người.
Đua ghe Ngo với nét văn hóa đặc trưng của người Khmer còn là dịp để mọi người cùng nhau hi vọng về một mùa màng thuận lợi, mưa thuận gió hòa. Ghe Ngo là vật biểu tượng quan trọng trong đời sống tinh thần của người Khmer, có giá trị to lớn về mặt văn hóa tín ngưỡng, chính vì vậy nó được nâng niu và lưu giữ cẩn thận trong chùa.
Quá trình tạo ra chiếc ghe Ngo cũng đòi hỏi nhiều yếu tố từ khâu chọn gỗ, đóng ghe cho đến những chi tiết hoa văn được khắc họa trên chiếc ghe đều in đậm dấu ấn văn hóa của người Khmer.
Đến với Lễ hội đua ghe Ngo của đồng bào Khmer, tất cả mọi người không phân biệt vùng miền, dân tộc…
Ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh cho biết, đua ghe Ngo là một trong những hoạt động mang nét đẹp truyền thống của đồng bào Khmer được tổ chức hàng năm trong dịp lễ hội Ok-Om-Bok. “Đây là hoạt động văn hóa, thể thao thể hiện sức mạnh của sự đoàn kết và nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Khmer Nam Bộ nói chung và Trà Vinh nói riêng”, ông Sum khẳng định.
Cũng theo ông Sum, đón nhận sự quan tâm ngày càng lớn của người dân trên cả nước, Lễ hội đua ghe Ngo ngày càng được tổ chức với quy mô rộng lớn hơn, đa dạng hơn với sự tham gia của nhiều đội thi. Với sự độc đáo, thú vị, lễ hội còn tạo ra lực hút mạnh mẽ níu chân du khách khi đến với vùng sông nước vào dịp tháng mười hằng năm.
Mỗi chiếc ghe Ngo là do một ngôi chùa, đại diện cho một hay nhiều phum sóc người Khmer và Tục vẽ mắt nổi cho ghe Ngo là chi tiết thể hiện yếu tố tâm linh.
Đến với Lễ hội đua ghe Ngo của đồng bào Khmer, tất cả mọi người không phân biệt vùng miền, dân tộc, họ cùng nhau hòa vào bầu không khí tưng bừng, rộn rã để thưởng thức những màn tranh tài đặc sắc, hấp dẫn như một liều thuốc tinh thần tuyệt vời sau những giờ lao động vất vả.
Không chỉ mang lại những giờ phút vui chơi, giải trí hấp dẫn, với người Khmer, Lễ hội đua ghe Ngo chính là nét văn hóa đặc trưng, là nơi lưu giữ vẻ đẹp văn hóa tín ngưỡng, phát huy những giá trị văn hóa tinh thần và là một nét đẹp văn hóa cổ truyền không thể thay thế.