Lễ hội đua ghe Ngo của cộng đồng Khmer Sóc Trăng
VHO – Tin vui đến với cộng đồng Khmer Sóc Trăng trong những ngày giáp Tết khi Lễ hội đua ghe Ngo vừa được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Người dân nô nức tham gia, cổ vũ tưng bừng cho Lễ hội đua ghe Ngo ở Sóc Trăng
Tỉnh Sóc Trăng nằm ở cửa Nam sông Hậu, cách TP.HCM 231km, nằm trên tuyến Quốc lộ 1A nối liền các tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau. Quốc lộ 60 nối Sóc Trăng với các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre và Tiền Giang. Dân cư Sóc Trăng chủ yếu là ba dân tộc Kinh, Khmer và Hoa đã cùng chung sức khai phá, xây dựng và bảo vệ vùng đất này.
Người Khmer là cư dân đã sinh tụ lâu đời trên vùng đất Nam bộ. Vốn là cư dân nông nghiệp chuyên canh lúa nước và để thích ứng với nền kinh tế tiểu nông, người Khmer Nam bộ nói chung và người Khmer ở vùng Sóc Trăng, đã tập hợp thành những đơn vị cư trú và tổ chức nó thành những đơn vị xã hội tự quản truyền thống, với hai thiết chế xã hội là phum và sóc (srok). Cùng với quá trình tụ cư ở vùng đất Sóc Trăng, người Khmer đã mang theo tôn giáo của mình – Phật giáo Nam tông được hình thành từ thế kỷ XIII. Chính Phật giáo vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân Khmer, đồng thời là chất men cố kết để quy tụ mọi thành viên trong cộng đồng sống theo giáo lý, nghi lễ nhà Phật. Yếu tố văn hóa tộc người của cư dân nông nghiệp lúa nước được kết hợp với yếu tố văn hóa Phật giáo, đã ghi dấu ấn rõ nét trong sinh hoạt văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể của người Khmer.
Lễ Hạ thủy ghe Ngo ở chùa Nhu gia, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng năm 2020
Lễ hội đua ghe Ngo ở Sóc Trăng mang đậm giá trị lịch sử, gắn liền với sự hình thành và phát triển của tộc người Khmer. Theo Lý lịch di sản, đua ghe Ngo trong lễ hội Oóc Om Bók diễn ra vào ngày rằm tháng 10 âm lịch hằng năm, được thể hiện dưới 2 hình thức, đó là những nghi thức tế lễ ở gia đình hoặc ở chùa và hội đua ghe Ngo diễn ra trên sông Maspéro – đoạn giữa cầu C247 (cầu Quay) và cầu 30 Tháng 4 (cầu Cao) ở trung tâm thành phố Sóc Trăng.
Theo đó, người ta chọn một đoạn sông từ sông Maspéro đến sông Xung Đinh để tổ chức cuộc đua. Buổi chiều trước ngày đua là thời điểm các đội đua của tỉnh nhà Sóc Trăng và các tỉnh bạn kéo về đây để chuẩn bị. Người đông như trẩy hội, không kể thành phần người Khmer, người Kinh, người Hoa tất cả đều hào hứng tham gia lễ hội. Tại địa điểm đua, người ta xây dựng thành hai khán đài dài có sức chứa lên đến vài nghìn người và rất dễ quan sát cuộc đua. Đặc biệt, người Khmer rất hăm hở chờ đợi được chứng kiến đội đua của mình để cổ vũ động viên và sẽ rất tự hào nếu ghe mình có giải cao.
Buổi tập dượt đua ghe Ngo trước khi diễn ra lễ hội chính thức
Đội bơi ghe đi thi đấu là những trai tráng khỏe mạnh được cộng đồng lựa chọn, bao gồm cả tay bơi chính thức và dự bị. Theo truyền thống, trên ghe Ngo cần có 3 người điều khiển. Người ngồi ở vị trí mũi ghe phải là người khá giả, có uy tín trong phum sóc. Khi được lựa chọn, người ngồi mũi là người chịu trách nhiệm chỉ đạo kỹ thuật bơi của toàn đội, chỉ đạo các nghi lễ liên quan tới hoạt động đua ghe, chỉ đạo chuẩn bị lễ cúng, nuôi các tay bơi (“con dầm”) ăn, tập luyện, và lo các chi phí khác cho cuộc đua (ngày nay, chi phí cho cuộc đua một phần được chính quyền địa phương hỗ trợ, một phần do nhà chùa quyên góp từ cộng đồng cư dân, tuy nhiên ở một số phum sóc vẫn còn giữ lệ này). Người thứ hai chịu trách nhiệm điều khiển chung bằng cách ra hiệu lệnh bằng còi hoặc cồng, đặc biệt là thúc giục nhóm tay bơi khu vực giữa ghe, được gọi là blong kchay. Người ngồi đuôi giữ nhiệm vụ điều chỉnh kỹ thuật của các tay bơi, còn gọi là chỉ huy dàn lái (sayak)… Trước khi đi đua, các đội bơi đều phải tập bơi trên cạn hàng tháng trời. Thông thường điểm tập bơi là trước sân chùa. Các tay bơi được sắp xếp theo vị trí của mình trên ghe và tập theo tiếng hiệu lệnh của huấn luyện viên.
Lễ hội từ lâu đã có một vị trí quan trọng trong đời sống của người dân, là sinh hoạt văn hóa dân gian không thể thiếu của nhân dân ở mọi vùng quê. Đây là ngày hội của những giá trị của đời sống tâm linh, đời sống xã hội và văn hoá của cộng đồng, là nơi người dân được hưởng thụ và sáng tạo văn hoá, thỏa mãn khát vọng trở về nguồn cội.
Lễ hội đua ghe Ngo của người Khmer không chỉ bảo tồn văn hoá, bản sắc văn hóa mà còn góp phần kích thích sự phát triển kinh tế thông qua thu hút khách du lịch
Hội đua ghe Ngo trong Lễ hội Oóc Om Bók của người Khmer ở Sóc Trăng có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống sinh hoạt, góp phần giáo dục con người về tính tập thể, tinh thần kỷ luật, ý chí vươn lên, rèn luyện thể chất, sức chịu đựng của con người, giúp con người ngày càng phát triển toàn diện về trí, đức, tài, nghệ. Chính hội đua ghe Ngo đã làm nên bản sắc, đặc trưng cho cộng đồng dân tộc Khmer ở Sóc Trăng nói riêng và cho cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung, thể hiện niềm tự hào dân tộc.
Lễ hội đua ghe Ngo của người Khmer không chỉ bảo tồn văn hoá, bản sắc văn hóa mà còn góp phần kích thích sự phát triển kinh tế thông qua thu hút khách du lịch. Khai thác tiềm năng lễ hội sẽ làm phong phú, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tăng tính hấp dẫn du khách.
T.TRANG; ảnh: C.T.V