Lễ hội dân gian Việt Nam trong hội nhập văn hóa

Văn hóa biểu hiện trong mọi khía cạnh của cuộc sống và nó được sinh ra để đáp ứng nhu cầu thường xuyên của con người trong đời sống hàng ngày. Nếu nhìn từ góc độ như vậy, ta sẽ thấy mọi hiện tượng văn hóa không phải ngẫu nhiên được sinh ra và vì thế nó phù hợp với từng con người, từng cộng đồng và trong từng giai đoạn cụ thể.

Trải qua thời gian, khi cuộc sống thay đổi, những hiện tượng nào không còn phù hợp sẽ bị mất đi và xuất hiện những hiện tượng mới hợp lý và phù hợp với cộng đồng trong thời điểm đó. Cách nhìn nhận như vậy là nhìn văn hóa ở dạng động, luôn thay đổi để phù hợp với cuộc sống của con người, mà không phải là một hiện tượng tĩnh tại, bất di bất dịch qua thời gian.

Sinh ra để phục vụ con người, cho nên vai trò của nó là hết sức quan trọng, đặc biệt mảng văn hóa phi vật thể nhằm phục vụ phần hồn của con người, cái phần vô hình nhiều khi lại tạo ra hệ quả không hề nhỏ đối với đời sống của họ. Chẳng hạn, hàng năm, vào đầu xuân, người ta thường đi lễ tại các đền, chùa để cầu an, cầu tài, cầu phúc và cầu sức khỏe. Một năm nào đó, vì những lý do bất khả kháng mà không đi được thì họ luôn ở tâm trạng lo lắng, không yên.

Lễ hội dân gian là một hiện tượng rất phổ biến ở tất cả các nước trên thế giới, cũng như các tộc người sinh sống trên mảnh đất Việt Nam, đồng thời là một hiện tượng văn hóa nổi trội nhất trong di sản văn hóa phi vật thể của chúng ta.

Việt Nam là đất nước có số lượng lễ hội dân gian rất phong phú, theo thống kê của Cục Văn hóa cơ sở, mỗi năm cả nước có 7.965 lễ hội, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian, 544 lễ hội tôn giáo, 332 lễ hội lịch sử cách mạng, 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài và 40 lễ hội khác.

Lễ hội dân gian là sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng dân cư ở nông thôn xưa được tổ chức nhằm tưởng nhớ một vị thần bảo vệ cho đời sống của cộng đồng làng. Lai lịch của các vị thần rất đa dạng, có thể là những vị thần tự nhiên như thần rừng, thần núi, thần nước, thần biển hay là những người đã có công giúp dân làng làm ăn, những anh hùng hy sinh vì sự bình an của dân làng…

Những lễ hội như vậy phổ biến ở tất cả 54 dân tộc. Tại đây, người ta tổ chức nghi lễ như quét dọn, trang trí địa điểm thờ thần; tiến hành nghi thức tắm tượng, thay trang phục mới cho tượng; rước vị thần ra nơi tổ chức lễ hội hoặc đi quanh làng; tiến hành các nghi lễ thờ cúng, tế lễ nhằm nhắc lại công lao của vị thần, trình lên ngài những ước vọng, mong được chứng giám và phù hộ cho được an khang thịnh vượng suốt năm.

Dân làng dâng lên thần những lễ vật ngon nhất, đẹp nhất do tự mình làm ra hoặc sản vật quý hiếm mua từ các nơi khác. Người ta tổ chức ca nhạc, múa hát nhằm làm cho vị thần được vui vẻ, sau đó là tổ chức ăn uống và vui chơi giải trí bằng các trò chơi, thi tài. Thời gian thường kéo dài từ ba ngày đến một tuần. Có những lễ hội mang tính hành hương kéo dài trong cả mấy tháng.

Từ quá khứ đến hiện tại, sinh hoạt lễ hội đáp ứng nhu cầu văn hóa to lớn của người dân. Đồng thời đó cũng là nơi hầu hết các giá trị văn hóa truyền thống của cha ông được thể hiện, từ phong tục tập quán, trang phục, âm nhạc, nghi lễ, trò chơi, đến ẩm thực… Có thể coi lễ hội dân gian như một “bảo tàng sống” về văn hóa, chứa đựng được nhiều nhất những sắc thái văn hóa của một cộng đồng.

Với truyền thống khoan dung văn hóa, người Việt Nam biết hội nhập tất cả những nét văn hóa hay, đẹp trong quá trình giao lưu với các dân tộc láng giềng và những nước có điều kiện tiếp xúc, kể cả cưỡng bức hay tự nguyện. Bằng cách này, người Việt Nam tạo thêm tính phong phú cho văn hóa của mình và rất dễ hội nhập với các cộng đồng khác. Đây chính là yếu tố giúp Việt Nam hội nhập với quốc tế một cách nhanh nhạy và linh hoạt.

Sự cởi mở, mến khách và chân thành của con người cùng với các giá trị dân tộc thể hiện từ Bắc chí Nam, từ miền xuôi đến miền núi, từ đồng bằng đến ven biển, hải đảo… khiến lễ hội dân gian Việt Nam trở thành một sản phẩm văn hóa thu hút khách du lịch bốn phương. Người đi hội không chỉ được đắm mình trong không khí văn hóa truyền thống, mà còn được thưởng ngoạn thiên nhiên đa dạng của ba miền…

Với người Việt, đi hội là để giải quyết nhu cầu tâm linh, giải tỏa áp lực một năm lao động vất vả. Lễ hội đáp ứng cho họ nhu cầu giáo dục lịch sử qua các nhân vật được thờ phụng, cố kết cộng đồng và giải trí… Ấy là chưa kể rất nhiều giá trị nghệ thuật được bảo tồn trong các lễ hội truyền thống này… Còn người nước ngoài, khi tham gia lễ hội, khám phá được biết bao điều thú vị về văn hóa Việt Nam.

Trong chừng mực nào đó, có thể nói văn hóa là một nhịp cầu kết nối tất cả mọi người một cách nhanh nhất và hấp dẫn nhất, như cái mà ngày nay trên thế giới đang nói đến là một “sức mạnh mềm” trong chiến lược của các quốc gia. Một mặt nó tăng cường sự hiểu biết giữa các dân tộc, mặt khác bản thân văn hóa đang trở thành một loại hàng hóa rất đặc biệt cho sự phát triển kinh tế của mỗi nước.

Lễ hội dân gian của chúng ta không chỉ là một loại sản phẩm văn hóa đặc biệt mà còn là một sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc. Hiện nay, lễ hội dân gian còn có vai trò giữ gìn bản sắc văn hóa tộc người trong một quốc gia đa sắc tộc. Đây là một bộ phận của văn hóa Việt Nam đóng vai trò không nhỏ trong việc hội nhập văn hóa quốc tế, tạo ra sự đa dạng trong văn hóa thế giới và khu vực.

GS.TS. Lê Hồng Lý
Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam