Lễ hội đâm trâu Tây Nguyên
Lễ hội đâm trâu Tây Nguyên
(VTR) – Khoảng tháng 2 – 3 âm lịch, đồng bào dân tộc Tây Nguyên như Ê đê, Ba Na, Gia Rai tưng bừng mở hội đâm trâu, cầu mong cho một mùa rẫy mới ấm no, hạnh phúc. Đây là một việc làm thiêng liêng, được cả buôn làng tổ chức trang trọng.
Lễ hội đâm trâu từ lâu đã trở thành một trong những lễ hội đặc sắc, thể hiện lòng tôn kính của người dân với giàng, tạ ơn giàng đã phù hộ cho dân làng có được vụ mùa bội thu và cầu mong những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Tiếng cồng chiêng vang vọng, náo nức và vũ điệu uyển chuyển của những cô sơn nữ sẽ khiến du khách như bị cuốn hút vào một không gian thấm đẫm huyền thoại.
Nghi thức đâm trâu hiến tế cho thần linh được tổ chức trước sân nhà rông họặc nơi hội họp của làng. Cây nêu dựng trước sân là biểu tượng chính của lễ hội, cây nêu làm bằng tre được trang chí những hoa văn truyền thống, những hình tượng chim thú biểu trưng của đồng bào dân tộc. Một số thanh niên mang dây thừng bện bằng vỏ cây thật chắc, lên rẫy tìm bắt trâu mang về buộc vào gốc cây nêu. Già làng làm chủ lễ, cúng hồn lúa cùng giàng, hát bài khóc trâu thật thống thiết…
Buỗi lễ diễn ra long trọng trong tiếng cồng chiêng sôi động, tiếng kèn, tiếng hò reo. Dân làng cử ra một tràng trai khỏe mạnh để đâm trâu, già làng trao cho chàng trai một cây lao đầu bịt sắt nhọn, người này nhảy múa quanh con trâu trong tiếng reo hò phấn khích của dân làng, tiếng cồng chiêng thúc giục, hai thanh niên khác chặt vào khuỷu chân trâu lấy máu bôi vào cây nêu và kèn Glet. Sau đó là lễ cúng hồn lúa, một sợi dây tượng trưng cho đường đi được buộc từ kho lúa đến đầu trâu, già làng lấy máu trâu hòa vào ché rượu rồi đổ vào các bình nước, sau đó lấy nước này tưới lên kho lúa để tắm mát cho hồn lúa.
Làm xong nghi lễ, mọi người cùng hát múa, ăn mừng, uống rượu cần. Thịt trâu được chia cho dân làng mang về để thể hiện sự đoàn kết của cộng đồng.
Phương Lê
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)