Lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe Ngo Sóc Trăng năm 2020
Lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe Ngo Sóc Trăng năm 2020
Lễ hội Oóc om bóc (tục gọi cúng trăng hay lễ đúc cốm dẹp) của người Khmer Nam Bộ được tổ chức vào giữa đêm rằm tháng 10 âm lịch hàng năm theo lịch Khmer. Đây là dịp để bà con tạ ơn Thần Mặt trăng, trong quan niệm của người Khmer, mặt trăng là vị thần điều tiết mưa nắng, đem lại sự phát triển thuận lợi cho mùa màng và công việc đồng áng của con người. Khi mùa màng đã thu hoạch xong, trong lễ Oóc-om-bóc – đua ghe ngo đưa nước về xứ của Niếck (rồng), họ cũng làm lễ cúng trăng để nhớ công ơn này.
Oóc-om-bóc thật sự đông vui vì bao hàm luôn cả phần lễ và hội. Lễ là lễ cúng trăng, còn hội luôn gắn liền với cuộc đua ghe ngo, mà nay đã trở thành một giải truyền thống của Sóc Trăng.
Lễ cúng trăng luôn được tổ chức vào đêm rằm ngày 14 tháng 10, nghi lễ này có thể được tổ chức lớn tại khuôn viên các ngôi chùa hoặc trên mảnh sân nhà rộng rãi. Cũng có nhiều khi trong phum-sóc, lễ cúng trăng được nhiều gia đình có quan hệ thân tộc hoặc “ní” (anh em kết nghĩa rất thân) gom lại cùng tổ chức.
Lễ vật của mâm cúng là những loại rau, củ, cây trái trong vườn. Đặc biệt là không thể thiếu dĩa cốm dẹp lớn và trái dừa vừa ăn được vạt sẵn nhưng vẫn phải giữ lại nắp. Khi trăng lên, một vị trưởng lão trong gia đình hoặc một vị Achar được các gia đình mời đến sẽ tiến hành nghi lễ cúng trăng. Mọi người tập trung lại ngồi chắp tay quay mặt về hướng mặt trăng để làm lễ. Khi trăng lên cao tỏa sáng, mọi người bắt đầu đốt nhang, đèn và người chủ lễ sẽ khấn vái nói lên lòng biết ơn của con người đối với mặt trăng, xin mặt trăng tiếp nhận lễ vật và ban cho mọi người sức khỏe, mùa màng tươi tốt.
Sau lời khấn tạ ơn và đọc một đoạn kinh cầu phúc, những đứa trẻ trong gia đình sẽ lần lượt được gọi lên để “oóc-om-bóc” (đút cốm dẹp). Miệng ngậm đầy cốm dẹp lẫn các loại củ, trái cây… mỗi thứ một ít được vắt thành nắm, đứa trẻ vừa nuốt cốm dẹp, vừa nói lên ước muốn của mình gửi tới mặt trăng. Năm nào câu trả lời của các em suôn sẻ, lễ độ, rành rọt thì người lớn tin rằng năm đó mọi điều tốt lành sẽ đến với họ. Cuối cùng mọi người hạ cỗ cùng nhau hưởng lễ vật; trẻ nhỏ nô đùa, múa hát dưới trăng. Nếu có khách đến vào ngày này thì họ sẽ có quà bằng cốm dẹp.
Sau lễ cúng trăng, các gia đình đến chùa xem thả đèn gió, đèn Lôipratip (đèn nước-hoa đăng). Bầu trời rực sáng với những chùm đèn gió bay cao, trên sông lung linh đủ màu sắc của những ngọn nến được cắm trong những con thuyền hoặc bè nhỏ kết bằng cây chuối, trang trí giấy đủ màu sắc.
Theo quan niệm của người Khmer, tục thả đèn nước sẽ xua tan bóng tối, sự ô uế và buồn bã, giữ lại sự bình yên trong phum, sóc. Nhiều hoạt động sân khấu truyền thống Khmer như đoàn Dù kê, Rô băm biểu diễn phục vụ khách hành hương chảy hội vào tối 14 này..
Vào đêm này, người ta đổ ra đường đông nghẹt, không chỉ có người Khmer, mà còn có đông đảo bà con người Hoa, người Kinh cùng vui chung. Chỗ này tổ chức đấu võ, kéo co, chỗ kia biểu diễn văn nghệ như hát Dù kê, hát, múa tập thể Romvông, Romxaravan, Lăm leo, A day… có khi kéo dài trắng đêm.
Lễ cúng trăng trong khuôn khổ lễ hội Oóc om bóc hàng năm không chỉ là việc bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, giàu tính nhân văn của đồng bào Khmer mà còn là một sản phẩm du lịch hấp dẫn, trở thành một điểm nhấn về những sắc màu văn hóa du lịch Sóc Trăng để thu hút khách thập phương.
Theo kế hoạch của tỉnh Sóc Trăng, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, lễ hội năm nay được tổ chức đơn giản, phù hợp với tình hình của địa phương, nhưng vẫn thể hiện được sự độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer.
Lễ hội “Oóc Om Bóc – Đua ghe Ngo” năm 2020 sẽ được tổ chức với 4 hoạt động chính, gồm: Giải đua ghe Ngo truyền thống của đồng bào Khmer, diễn ra trong 2 ngày (30 và 31/10) tại khán đài đường đua (TP. Sóc Trăng). Các đội ghe Ngo tranh tài cự ly truyền thống 1.200m (nam) và 1.000m (nữ).
Hội chợ Xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền tỉnh Sóc Trăng. Dự kiến khai mạc ngày 25/10 và kết thúc ngày 31/10, tại Khu văn hóa hồ nước ngọt (TP Sóc Trăng), có quy mô từ 300 đến 400 gian hàng.
Tổ chức kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu Dù Kê và công bố quyết định công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật trình diễn dân gian nhạc Ngũ Âm và múa Rom Vong của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng. Diễn ra ngày 30/10, tại Quảng trường Bạch Đằng (TP Sóc Trăng).
Phục dựng lễ cúng Trăng, đây là nghi thức không thể thiếu trong lễ hội “Oóc Om Bóc – Đua ghe Ngo” của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng. Diễn ra vào ngày 30/10, tại Quảng trường Bạch Đằng (TP Sóc Trăng).
Ngoài ra, còn có một số hoạt động văn hóa, thể thao, như: Hội diễn nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục truyền thống dân tộc tỉnh Sóc Trăng; liên hoan và biểu diễn nghệ thuật sân khấu Dù Kê; tọa đàm chủ đề “Nghệ thuật sân khấu Dù Kê trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng”; giải vô địch các câu lạc bộ Cầu mây toàn quốc; giải vô địch các đội mạnh Bắn cung toàn quốc;…