Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc nét đẹp văn hoá thu hút du lịch của Cà Mau – Du lịch Cà Mau
Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc là lễ hội truyền thống có từ lâu đời ở Cà Mau. Đây là lễ cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho quốc thái dân an. Đặc biệt các ngư dân cầu xin những chuyến ra khơi được bình an và đánh bắt được nhiều tôm, cá. Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc cũng là dịp để du khách gần xa đến với Cà Mau tìm hiểu về nét đẹp văn hoá của ngư dân miền biển.
Vào ngày 11, 12 và 13 tháng 3 năm 2017 (nhằm ngày 14, 15 và 16 tháng 2 âm lịch) tại thị trấn Sông Đốc (Huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) đã diễn ra lễ hội Nghinh Ông vô cùng trọng thể. Lễ hội nhằm tôn vinh loài Cá Ông (Cá Voi) ngư dân vùng biển còn gọi là “Nam Hải đại tướng quân”.
Theo lưu truyền trong dân gian và với nguời dân miền biển thì “Cá Ông” là một linh vật hết sức linh thiêng, là vị thần hộ mệnh cho thuyền bè đi biển. Khi sóng to gió lớn, tàu bè gặp nạn thì “Ngài” sẽ hiện lên hộ tống tàu bè đưa vào chỗ cạn, an toàn. Và ngược lại, khi Cá Ông gặp nạn, xác trôi dạt vào bờ đều được ngư dân tổ chức an táng và thờ cúng thật trang trọng. Hiện tại, Lăng Ông ở Sông Đốc và Lăng Ông ở Hòn Đá Bạc (Huyện Trần Văn Thời) đều được người dân lập miếu thờ bộ cốt (xương) Cá Ông.
Lễ hội Nghinh Ông là một tập tục lâu đời của ngư dân Sông Đốc, đây là lễ hội dân gian truyền thống được lưu truyền gìn giữ hàng trăm năm, vì vậy mà không ai bảo ai, hễ đến ngày Lễ (14 đến 16 tháng 2 âm lịch ) có hàng vạn người về tham dự và không dưới 1.000 tàu thuyền khắp nơi tụ về tham gia lễ hội.
Đúng 12h trưa (Giờ Ngọ) ngày 15 tháng 2 âm lịch, Lễ rước Ông được khởi hành tại Lăng Ông, sau đó diễu hành quanh Thị trấn Sông Đốc. Đoàn rước Ông gồm đội múa lân đi trước, kế đến là chiếc trống thật to, theo sau là học trò lễ, các đoàn “tôm, cua, cá”… Dân chúng đứng hai bên đường, hò reo cổ vũ, tạo nên không khí lễ hội thật náo nhiệt.
Đám rước “Sắc phong Thần tức Ông Nam Hải” có một nhóm người mặc trang phục của binh sĩ thời vua Gia Long, nhóm mặc áo dài khăn đóng cùng đưa “Long đình” xuống tàu và chạy ra biển.
Các ghe tàu đều được trang hoàng cờ, phướn, băng rôn, khẩu hiệu… như một thuyền hoa. Trong những ghe tàu lớn nhỏ ra biển, có một cụm tàu chính gồm 3 chiếc kết lại thành đoàn (người ta gọi là tàu thủy lực), tàu này có nhiệm vụ chở Ban tổ chức, các vị chức sắc, học trò lễ…
Trên những chiếc tàu chạy ra biển tham gia Nghinh Ông, khách trên tàu dù lạ hay quen cũng đều được chủ tàu mời ăn uống miễn phí, du khách sẽ được thỏa thích ngắm biển cả bao la, ngắm nhìn từng đoàn tàu với cờ hoa rực rở, ngắm từng đợt sóng ôm ấp mạn thuyền và được nghe các vạn chài kể về truyền thuyết Cá Ông cứu người trên biển.
Từng đoàn tàu tham gia Nghinh Ông đều chạy ra biển theo hướng Hòn Chuối và không giới hạn thời gian hay khoảng cách từ đất liền ra biển. Tàu chạy khi nào đến lằn ranh nước trong thì người chánh lễ làm thủ tục khấn vái, thắp hương và “xin keo”, khi xin “được keo” thì tàu quay về và đem những lọ nước biển trong lành về Lăng Ông thờ cúng.
Theo tín ngưỡng dân gian của ngư dân Sông Đốc, thời điểm rước Ông về Lăng là thời khắc linh thiêng nhất để mọi nhà đem hương án, gồm: nhang đèn, trái cây, gà vịt, heo quay… ra trước cửa nhà cúng lễ nhằm thể hiện lòng tôn kính “Ðức Ông Nam Hải”.
Ngoài những nghi lễ truyền thống, tại Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc còn diễn các trò chơi dân gian như: đánh cờ tướng, đẩy gậy, kéo co, múa lân, múa kiếm; và tổ chức hội thao: đánh bóng chuyền, bóng đá…
Lễ Hội Nghinh Ông ở Sông Đốc là một nét đẹp văn hoá, là niềm tin của ngư dân về linh vật biển được duy trì bao đời nay. Đó là một nền văn hóa cần được gìn giữ, phát huy đưa vào khai thác để thu hút khách du lịch đến với Cà Mau ngày một nhiều hơn.
Bài và ảnh : La Mộng Linh