Lễ hội Nghinh Ông

Lễ hội Nghinh Ông

Lễ hội Nghinh Ông tại thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, xưa được tổ chức tại Bãi Giá (trước đây thuộc xã Trung Bình, huyện Long Phú). Từ việc người dân đi biển phát hiện một xác cá ông to lớn trôi dạt tại bờ kênh này, họ đã lập miếu bằng tre lá đơn sơ thờ cúng, sau đó, năm 1983, ngư dân làng này làm ăn phát đạt di dời Lăng Ông cùng hài cốt về thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề, đặt tên là Lăng Ông Nam Hải.

Hàng năm, cứ đến ngày 21 tháng Ba (Âm lịch), ngư dân làng biển Kinh Ba, ấp Cảng, thị trấn Trần Đề tổ chức lễ Nghinh Ông với ý nghĩa cầu an: cầu cho trời yên biển lặng, ngư dân may mắn làm ăn phát đạt, mọi người, mọi nhà an khang, thịnh vuợng và cũng là thời điểm để bắt đầu một mùa biển mới.

Trước ngày thỉnh Ông, Ban Trị sự Lăng Ông Nam Hải tổ chức họp phân công nhiệm vụ cho từng thành viên. Ngày 21 tháng Ba là lễ rước kiệu ông ra biển, nghi thức Nghinh Ông (rước Ông), cúng Tiên sư, cúng Tiền vãng, cúng Chánh tế. Đến ngày 22 và 23 tháng Ba (Âm lịch), bà con vạn chài trong tỉnh và các địa phương khác ở Cần Thơ, Trà Vinh… cũng tham dự.

+ Lễ Nghinh Ông: trước ngày hội, các thuyền đánh cá dù đang làm nghề ở xa hay gần, đều phải tề tựu về bến. Sáng sớm ngày 21, theo lệnh của Chánh vạn, đoàn người ra khơi nghinh Ông với sự tham gia của Chánh vạn, Phó vạn, kiệu long đình trên có ngọc cốt của Ông, các lễ sinh. Đoàn rước tiến ra cửa sông, xuống ghe lễ đã được trang hoàng cờ hoa rực rỡ – đây là ghe của gia chủ làm ăn phát đạt, không có vướng mắc những điều xấu. Trên ghe có bàn thờ sắc thần và các lễ vật: heo quay nguyên con nằm ngửa, bộ gan, lòng heo và các lễ vật khác, một trống cái để điều khiển các nghi lễ. Sau ghe lễ là các ghe chở đoàn múa lân sư rồng và các ngư dân trong vạn. Trên các ghe này đều bày biện bàn thờ với các lễ vật tương tự như ghe lễ. Theo sau là hàng trăm chiếc tàu đánh cá của những ngư dân cùng nhân dân địa phương và du khách tham gia lễ hội. Đoàn rước tiến về cửa biển cách vạn chài khoảng 2km thì dừng lại. Trên ghe, ông Chánh vạn đốt thêm nhang đèn tiến hành lễ nghinh Ông, thỉnh mời ông Nam Hải, cầu cho mưa thuận gió hòa, ngư dân được mùa bội thu và xin keo. Khi xin keo thành công, theo lệnh của Chánh vạn, các tàu quay vào bờ. Đến bờ, đoàn nghi lễ diễu hành và hầu Ông về Lăng với các nghi thức rước trang trọng cùng nhạc lễ, múa lân và dâng lên Ông những sản vật mà ngư dân đã thu hoạch được.

Sau khi thực hiện nghi thức Nghinh Ông, Ban Tế lễ sẽ thực hiện nghi thức tại miếu Bà Thiên Hậu để thỉnh Bà về dự lễ tế Ông.

+ Lễ cúng tế tiên sư và cúng tế tiền vãng: ông Chánh vạn và Phó vạn thực hiện nghi lễ để mời các vị thần đến chứng lễ; ca ngợi công đức của thần, sau đó tỏ lòng tri ân của dân làng và cầu xin thần bảo hộ cho thôn dân được yên vui thịnh vượng.

+ Lễ chánh tế: được tổ chức vào ban ngày, đầu giờ chiều, khác với các nơi khác được tổ chức vào nửa đêm, giao giữa ngày cũ và mới. Sự thay đổi này trong những năm gần đây tạo điều kiện cho các cư dân cùng tham dự lễ hội. Mọi người trong vạn kính trọng chọn một người lớn tuổi, có đức độ song toàn làm nhiệm vụ khai mõ. Lễ vật dâng cúng, trong đó có cúng heo giết thịt để nguyên con, chứng tỏ con vật còn tươi sống. Nghi thức này còn gọi là lễ tỉnh sanh/tĩnh sinh, chỉ có ở một số đình thờ tướng quân Nguyễn Phục – một trong những vị thần phù hộ người đi biển. Có lẽ trong ký ức dân gian của những ngư dân vùng ven biển vẫn còn lưu giữ tục này nên đã đồng nhất và cụ thể hóa ý nghĩa của nó trong lễ thức cúng cá Ông.

+ Nghi thức và nghệ thuật trình diễn trong lễ hội: Ngày 22, 23, bà con vạn chài, các đoàn hội đem lễ vật đến cúng Ông và tham gia các trò chơi dân gian và hát Bội. Buổi tối đầu tiên là nghi thức xây chầu. Trước khi xây chầu, các đào thài lạy trước điện thờ Ông Nam Hải. Người cầm chầu là ông Chánh tế. Xây chầu có nguồn gốc từ quan niệm dịch lý của Nho gia: “Thuận đạo trời, an đạo đất, hòa đạo người” (tam tài). Quan niệm này đã được dân gian hóa thành những lời ca cầu cho mưa thuận gió hòa, dân làng an khang thịnh vượng. Sau nghi lễ này là các vở diễn được dân vạn chài ưa thích như: Tiết Đinh San cầu Phàn Lê Huê, Xử án Bàng Quý Phi, Phụng Nghi Đình, San Hậu thành. San Hậu thành được diễn vào đêm cuối của lễ hội. Tuồng này, hồi thứ ba có màn hoàng tử được dâng ấn kiếm và các quan tôn vương, còn gọi là lễ tôn vương.

Nghệ thuật trình diễn trong lễ hội Nghinh Ông thường gắn với tập tục làm ăn sinh sống của những người đi biển, mang ý nghĩa đề cao nghề nghiệp, đồng thời cũng để người dân giải trí. Trong khi đó, xây chầu, đại bội, tôn vương lại có tính chất lễ nghi được nghệ thuật hóa. Cho nên các đào thài và người cầm chầu phải thực hiện rất cẩn trọng. Trong thực tế, những thủ tục này đã được giản lược đi, nhưng không phải thế mà mất đi tính quy phạm – linh thiêng của nó.

Lễ hội Nghinh Ông có vị trí quan trọng trong đời sống của người dân, là sinh hoạt văn hóa dân gian không thể thiếu của cộng đồng. Lễ hội góp phần cố kết cộng đồng, là sợi dây liên kết mọi người, cùng thờ cúng chung một vị thần linh và cùng vui chung trong những trò diễn. Lễ hội Nghinh Ông đáp ứng nhu cầu tâm linh và thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của cộng đồng; bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, hướng về nguồn cội, tưởng nhớ những người có công khai khẩn vùng đất (tiền hiền, hậu hiền), các diễn xướng dân gian. Lễ hội Nghinh Ông góp phần phát triển kinh tế thông qua thu hút khách du lịch qua các hoạt động như: du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và du lịch cộng đồng ở Trần Đề.

Với giá trị tiêu biểu, Lễ hội Nghinh Ông được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 446/QĐ-BVHTTDL ngày 29/01/2019.

Dương Anh (Theo Hồ sơ tư liệu, Cục Di sản văn hóa)