Lễ hội Lam Kinh: Âm vang bài ca giữ nước

Văn hóa giữ nước

Truyền ngôn của nhân dân các dân tộc hai huyện Ngọc Lặc và Thọ Xuân (Thanh Hóa) kể rằng: Sau ngày bình Ngô đại thắng, nhân dân chín núi, mười mường “cơm gói, mói đùm”, tươi rói trong sắc phục dân tộc lũ lượt kéo nhau về Lam Kinh cùng quan quân Lê Lợi mừng kháng chiến thắng lợi, mừng nước nhà độc lập.

Lễ hội Lam Kinh ra đời một cách tự nhiên, dung dị trong không khí hào sảng đó của đoàn quân chiến thắng. Chủ thể sáng tạo ra lễ hội là những người dân, những chiến sĩ vừa trải qua những năm tháng “nếm mật nằm gai”, đánh cho giặc Minh “trúc chẻ tro bay”. Khách thể tiếp nhận lễ hội cũng là họ, cho nên có lúc họ là “diễn viên”, có lúc họ là người xem. Sự đồng cảm về niềm vui chiến thắng đã làm nên điều đó và cũng chính vì thế mà những vật dụng sinh hoạt đời thường quen thuộc của cư dân ở các bản làng như: Cờ xí, trống đồng, trống da, chiêng đồng, mõ tre, thanh la, gậy gộc, giáo mác, cung nỏ… đã trở thành đạo cụ cho lễ hội. Các màn múa hát cũng là những điệu dân ca, dân vũ quen thuộc gắn bó cùng nhân dân các dân tộc nơi đây. Số lượng người tham gia ngày sau đông hơn ngày trước nên không gian lễ hội được trải rộng trên một vùng rộng lớn Lam Kinh, làm cho quy mô của lễ hội hết sức khoáng đạt.

Sách “Lê triều hội diễn” đã gọi Lễ hội Lam Kinh là “hội của bách tính”, “hội của muôn dân”. PGS Vũ Ngọc Khánh, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian thì cho rằng: “Nếu nói “văn hóa hóa kháng chiến” là một truyền thống thì đây là biểu hiện sinh động nhất. Cuộc kháng chiến của Lê Lợi được người dân đồng tình, ủng hộ góp sức, góp công nên niềm vui chiến thắng là của muôn dân. Muôn dân về làm nên lễ hội chỉ là “văn hóa hóa” lại tinh thần yêu nước đó”.

Ra đời từ khúc khải hoàn ca của muôn dân, cảm xúc nghệ thuật chủ đạo của Lễ hội Lam Kinh là niềm vui chiến thắng, là ngợi ca những chiến công, tri ân những anh hùng áo vải của dân tộc. Cảm xúc đó đã làm nên tính sử thi hảo sảng của lễ hội. Hình tượng Lê Lợi, Lê Lai, hình tượng những người lính đã vì giang san Tổ quốc hy sinh nơi chiến địa, hình tượng những người dân tiếp đạn, tải lương… được tái hiện vừa kỳ vĩ, vừa gần gũi, linh thiêng.

Sách xưa còn ghi: Từ triều đại vua Lê Thái Tông về sau, Lễ hội Lam Kinh được tổ chức theo nghi thức Quốc lễ, trang nghiêm, trang trọng hơn. Lễ hội được tổ chức vào ngày 22-8 (âm lịch)-ngày giỗ vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) tại Lam Kinh. Lễ hội được chia làm hai phần, phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức theo đúng nghi thức cổ truyền của dân tộc. Phần hội có thêm các đội kỵ binh, tượng binh của triều đình. Các sự kiện: Hội thề Lũng Nhai, Lê Lai cứu Chúa, giải phóng thành Đông Quan, vua Lê Thái Tổ đăng quang, hào khí Lam Sơn… đã được sân khấu hóa. Dẫu quy mô có khác nhưng hồn cốt của lễ hội vẫn là mạch nguồn linh thiêng văn hóa giữ nước của dân tộc. Truyền thống thượng võ, khát vọng hòa bình, độc lập vẫn là dòng chảy, sợi chỉ đỏ kết nối các phần của lễ hội, tạo nên cảm hứng mãnh liệt về tình yêu quê hương đất nước, ý chí, khát vọng độc lập, dân giàu nước mạnh cho người diễn, người xem.

leftcenterrightdel

                              

Biểu diễn trò Xuân Phả tại Lễ hội Lam Kinh năm 2019.   Ảnh: KHÁNH NGUYÊN 

Phục dựng Lễ hội Lam Kinh

Cùng với những thăng trầm của lịch sử, sau khi nhà Lê suy vong, di tích lịch sử Lam Kinh và những lễ hội ở kinh kỳ này đều mai một, đến mức nhiều người già ở đất Lam Kinh cũng không biết trên quê hương mình mỗi độ xuân về có bao nhiêu lễ hội để bày tỏ lòng tri ân người có công với nước, để khuyến khích truyền thống thượng võ, để giáo dục cho con cháu mai sau truyền thống “nếm mật nằm gai”, đánh cho quân xâm lược “tan tác chim muông”… May thay, các nhà Nho yêu nước triều Lê và triều Nguyễn qua “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, “Lịch triều hiến chương loại chí”, “Lê triều hội diễn”… còn ghi lại cho hậu thế một số trò diễn trong Lễ hội Lam Kinh là “Bình Ngô phá trận” và “Chư hầu lai kinh”…

Từ những di cảo còn lại, với cả tấm lòng tri ân các anh hùng dân tộc: Lê Lợi, Lê Lai, Nguyễn Trãi… Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Sở Văn hóa-Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tỉnh Thanh Hóa đã phục dựng những lễ hội này. Theo GS, TS Nguyễn Chí Bền (nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch): Lễ hội Lam Kinh là lễ hội thờ nhân vật lịch sử, là sự thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc cho nên dù là lễ bái yết Sơn Lăng của vương triều nhà Lê hay lễ hội của dân làng Chăm, làng Tép, làng Đông Vệ… người dân đều gửi gắm vào đây một nét đẹp vững bền của văn hóa giữ nước, biết ơn, tưởng niệm những anh hùng dân tộc. Qua hoạt động văn hóa tinh thần mà nhắc nhở con cháu mai sau bài học lịch sử dựng nước phải đi cùng giữ nước.

Lễ hội đã khôi phục lại lễ cáo yết của đồng bào dân tộc Mường tại đền Tép, nơi thờ Lê Lai với khoảng 300 người dân của các bản Mường xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc tham gia; khôi phục lễ rước kiệu của đền vua Lê với 500 người dân của làng Chăm, làng Xuyên Lam, huyện Thọ Xuân tham gia. Các đội cờ, đội kiệu, đội chấp kích, đội bát âm, đội tế nam, đội dân binh, đội thiếu nữ Mường… được tổ chức lại một cách công phu. Nghi lễ giao kiệu khi kiệu vua Lê gặp kiệu Lê Lai được dàn dựng vừa ấn tượng, vừa xúc động. Khi đoàn rước kiệu về đến làng Chăm, một đội trống, chiêng gồm 20 trống, 4 chiêng và 4 cặp não bạt được luyện tập công phu, điêu luyện hòa âm những bài tấu phục vụ cho nghi lễ, cho các diễn xướng chính của lễ hội. Trò diễn kéo cờ “Thái Bình” với sự tham gia của hơn 200 người, trò diễn “Diễu quân” với sự tham gia của 300 người… Nhờ thế, không khí lễ hội trở nên hoành tráng, thu hút người diễn, người xem. Khúc tráng ca một thuở mài gươm đi cứu nước được tái hiện từ sự công phu, nhiệt thành của hàng nghìn người diễn, hàng vạn người xem rạng rỡ vui tươi. Tầm vóc của người anh hùng áo vải Lê Lợi, vai trò của nhà Lê trong lịch sử dân tộc đã được tái hiện một cách hoành tráng, giàu chất sử thi, đậm nét dân gian…

Kể từ năm 1995 đến nay, Lễ hội Lam Kinh đã được phục dựng, tổ chức hằng năm với quy mô hoành tráng. Trong các ngày lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian, trò diễn truyền thống của xứ Thanh như: Trò Xuân Phả, trò Chiêng, dân ca Đông Anh, dân ca Sông Mã, thi đấu vật, đấu võ dân tộc, hội trại các làng văn hóa xứ Thanh, trưng bày các hiện vật, cổ vật triều Lê, trưng bày, giới thiệu tiềm năng du lịch sản phẩm ẩm thực xứ Thanh… Cảm hứng và mạch nguồn văn hóa giữ nước vẫn là dòng chảy xuyên suốt của lễ hội.

Những ngày lễ hội đã thu hút đông đảo du khách trong tỉnh và cả nước, bạn bè quốc tế bởi nét đẹp văn hóa dân gian truyền thống, đậm đà dấu ấn linh thiêng văn hóa giữ nước của Việt Nam. Vừa đi vào nền nếp được một thời gian thì đại dịch Covid-19 xuất hiện. Vì yêu cầu bảo đảm phòng, chống dịch nên hai năm qua, Lễ hội Lam Kinh cũng tạm dừng tổ chức như nhiều lễ hội ở các vùng quê khác. Biến nguy thành cơ, quãng lặng này chính là lúc để các nhà nghiên cứu văn hóa, quản lý văn hóa tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện kịch bản, khơi nguồn cảm hứng sáng tạo trong nhân dân các dân tộc vùng Lam Kinh, để trong một ngày gần nhất, lễ hội lại được tổ chức hoành tráng hơn xưa.

Đại tá NGUYỄN KHẮC THUẦN